2007-12-04 16:17:54

Bước tiến mới trong cuộc đối thoại đại kết công giáo chính thống


Một số nhận định của Đức Thượng Phụ Bartolomaios I về tài liệu đại kết Ravenna và các vấn đề liên hệ

Trong các ngày từ mùng 8 đến 15 tháng 11 năm 2007 Ủy ban đối thoại quốc tế giữa Công Giáo và Chính Thống đã nhóm họp tại thành phố Ravenna đông bắc Italia. Ngày 15 tháng 11, Ủy ban đã chính thức công bố Văn kiện chung kết theo sự thỏa thuận của hai bên. Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vaticăng Đức Hồng Y Walter Kasper, Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô cho biết đã có tiến bộ thực sự quan trọng trong quan hệ đại kết giữa Công Giáo và Chính Thống. Điểm tiến bộ đó là sự kiện Chính Thống Giáo sẵn sàng đối thoại về vấn đề quyền bính được chia sẻ và thực thi thế nào ở cấp độ hoàn cầu trong Giáo Hội sơ khai. Trong văn kiện này lần đầu tiên phía Chính Thống sẵn sàng nói về cấp độ hoàn vũ của Giáo Hội, chứ không phải chỉ nói về thực tại Giáo Hội ở cấp địa phương hoặc miền, dưới quyền một vị Thượng Phụ hoặc Tổng Giám Mục. Văn kiện nhìn nhận rằng phải có tính cách ”công nghị”, tức là trách nhiệm phải do tất cả các Giám Mục cùng đảm trách và thi hành, trên bình diện hoàn vũ. Tuy nhiên có một Giám Mục đảm nhận vị thế danh dự trong tư cách là Giáo Chủ, và trong Giáo Hội cổ xưa, vị thế ấy do Giám Mục Roma đảm trách. Nhưng các tín hữu công giáo và chính thống không đồng ý với nhau về việc quyền lãnh đạo của Giám Mục Roma được thực thi cụ thể ra sao trên các Giám Mục khác.

Đức Hồng Y Kasper cho biết trong giai đoạn đối thoại tới đây cần phải cứu xét vai trò của Giám Mục Roma, tức là Đức Giáo Hoàng, trong ngàn năm đầu tiên, khi các tín hữu công giáo và chính thống vẫn còn hiệp nhất với nhau. Sau đó hội nghị cần xét xem giáo huấn công giáo và chính thống về quyền bính khác biệt nhau thế nào, và đặc biệt là về sự phát triển ý tưởng về sự bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng trong Giáo Hội Công Giáo. Đức Hồng Y Kasper cũng cho biết đây không phải là một cuộc đối thoại dễ dàng, và theo Đức Hồng Y cần hàng chục năm trời mới có thể đạt đến sự thỏa thuận với nhau.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn bải phỏng vấn Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo Chủ Giáo Hội Chính Thống Constantinople kiêm Giáo Chủ Chính Thống danh dự toàn thế giới, về tài liệu Ravenna và quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng và tình trạng pháp lý của Đức Thượng Phụ sau phán quyết của tòa án Thổ Nhĩ Kỳ.

Buổi phỏng vấn đã được đài truyền hình Bulgaria chiếu trực tiếp ngày 21-11-2007, nhân chuyến viếng thăm của Đức Thượng Phụ tại quốc gia này. Trong chuyến viếng thăm Đức Thượng Phụ cũng đã nhận được văn bằng tiến sĩ danh dự của Học Viện Khoa Học Thánh Kinh.

Hỏi: Thưa Đc Thượng Phụ, trước hết chúng con xin cám ơn Đc Thượng Phụ đã dành cho chương trình ”Lòng tin và Xã hội” của đài truyền hình quốc gia Bulgaria cuộc phỏng vấn trực tiếp này.

Đáp: Vâng, tôi cũng xin bầy tỏ niềm vui và lòng tri ân của tôi đối với Đài Truyền Hình Quốc Gia Bulgaria đã cho tôi cơ hội nói chuyện với nhân dân Bulgaria, mà chúng tôi rất yêu mến. Đây không phải là lần đầu tiên tôi viếng thăm Bulgaria, nhưng chuyến viếng thăm này đã đem lại cho tôi niềm vui và sự thỏa mãn lớn lao, vì các tương quan giữa qúy quốc và Tòa Thượng Phụ Đại Kết, và nhất là tương quan giữa Giáo Hội Chính Thống Bulgaria và Giáo Hội Mẹ Constantinople.

Tôi cũng muốn bầy tỏ niềm vui vì các nữ y tá Bulgaria đã được trả tự do và từ Libia trở về nước. Tòa Thượng Phụ Đại Kết cũng đã góp phần vào việc này, và tiếp đến trong chuyến viếng thăm Libia và sau đó từ Fanar tôi cũng đã gửi thư cho chính quyền Libia. Tôi không biết là các điều này đã đóng góp tới mức nào vào việc trả tự do cho các nữ y tá. Nhưng tôi biết rõ là chính quyền Pháp đã cộng tác mhiều nhất vào việc giải thoát các nữ y tá, vì thế niềm vui của chúng tôi lại càng lớn hơn nữa cộng chung với các tâm tình của qúy quốc để luôn luôn có được hòa bình, tình yêu thương và sự thịnh vượng.

Hỏi: Thưa Đc Thượng Phụ, vào trung tuần tháng 11 vừa qua ngưi ta đã công bố tài liệu mật Ravenna, đúc kết thành qủa cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp công giáo chính thống triệu tập hồi tháng 10 tại thành phố này. Tài liệu đưc đnh nghĩa như là ”cẩm nang” cho sự hiệp nhất giữa hai Giáo Hội. Tài liệu này thừa nhận quyền ưu đẳng của Đức Giáo Hoàng, Giám Mục Roma trên các vị lãnh đạo khác của các giáo hội Kitô, bằng cách gọi người là ”vị đầu tiên trong các thượng phụ” và Roma là ”ngai tòa thứ nhất”. Đây là mt điều kiện không thể thảo luận đối với sự hiệp nhất giữa tín hữu công giáo và tín hữu chính thống. Vậy theo Đc Thượng Phụ, thế giới chính thống đã sẵn sàng để trả giá cả này nhân danh sự hiệp nhất hay chưa, và điều này có dẫn đưa tới một đng độ mới giữa các Giáo Hội Chính Thống hay không?

Đáp: Không có tài liệu mật nào cả. Cho tới nay đã có sự chống đối lại văn bản do Ủy ban hỗn hợp công giáo chính thống soạn thảo tại Ravenna hồi đầu tháng 10. Nhưng thời điểm này đã qua rồi, và văn bản được công bố cho mọi người biết, và ai đọc kỹ văn bản đều nhận ra rằng trong văn bản không có gì đáng nghi ngờ hay tiêu cực cả. Vì không phải chỉ có Tòa Thượng Phụ Đại Kết tham gia cuộc đối thoại này, mà còn có tất cả các anh em chính thống khác nữa. Tất cả phía chính thống chúng tôi đều xác tín rằng trong ngàn năm dầu tiên của cuộc sống của Giáo Hội, khi Giáo Hội còn hiệp nhất, Giám Mục Roma, tức Đức Giáo Hoàng, đã có vị thế ưu đẳng. Nhưng mà sự ưu đẳng đó là sự ưu đẳng tôn trọng và yêu mến, chứ không phải sự ưu đẳng pháp lý trên toàn thể Giáo Hội Kitô. Nói cách khác, như Thần Học dậy chúng tôi, đây là một ưu đẳng của quyền nhân loại, được tạo ra do sự cần thiết của các Giáo Hội cần có một vị đứng đầu và một trung tâm phối hợp. Giáo Hội Roma đã nổi tiếng với sự ưu đẳng trong tình bác ái Kitô, chứ không phải với sự ưu đẳng như quyền thiên linh, tức do Thiên Chúa và Chúa Kitô trao phó cho Tông Đồ Phêrô, và quyền đó được thánh Phêrô trao cho tất cả mọi Giám Mục Roma và tiên liệu tính cách pháp lý trên toàn thế giới Kitô. Kiểu ưu đẳng này đã không bao giờ được đông phương chấp nhận.

Trong giai đoạn này của cuộc đối thoại thần học giữa Giáo Hội Chính Thống và Giáo Hội Công Giáo, chúng tôi thảo luận vấn đề giáo hội học, từ từ dẫn đưa tới chỗ lượng định thế đứng của Giáo Hoàng Roma trong cơ cấu của toàn thể Giáo Hội Kitô; đâu là chỗ đứng, các quyền và nhiệm vụ của Giáo Hoàng. Phía chính thống chúng tôi, như đã nói đến trên đây, chúng tôi nói rằng chúng tôi sẵn sàng chấp nhận sự ưu đẳng của Giáo Hội Roma, như đã được giải thích và áp dụng trong thời gian của Giáo Hội Kitô, trong ngàn năm thứ nhất sau Chúa Kitô.

Các thần học gia đại biểu của cả hai bên cũng như các Giám Mục linh mục hay giáo dân đã thảo luận vấn đề này từ năm ngoái, trong phiên họp đầu tiên của Ủy ban hỗn hợp, nhóm tại Belgrad, sau thời gian ngừng nghỉ 6 năm. Cuộc đối thoại này đã tiếp tục trong cuộc họp triệu tập tại Ravenna hồi tháng 10 năm nay và cũng sẽ tiếp tục trong tương lai, cho tới khi nào, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, đạt được một giải thích có thể chấp nhận được liên quan tới sự ưu đẳng. Trong cuộc đối thoại này cũng có đại diện của Giáo Hội Chính Thống Bulgaria, nhưng xem ra lần này tại Ravenna Giáo Hội Chính Thống Bulgaria đã không thể tham dự. Nói chung toàn thế giới chính thống tham dự vào cuộc đối thoại này và chúng tôi hy vọng đạt được các kết qủa tốt, dựa trên các giáo huấn và các hoạt động của Giáo Hội hiệp nhất.

Hỏi: Nhưng mà cho dù có thế nào đi na, theo Đc Thượng Phụ, liệu tất cả mọi Giáo Hội Chính Thống có chấp nhận việc giải thích này về sự ưu đẳng của Đức Giáo Hoàng hay không? Trong một nghĩa nào đó, điều này lại không hạ thấp sự thật lịch sử hay sao, vì Giáo Hội đầu tiên do Chúa Giêsu Kitô thành lập là Giáo Hội của Tòa Thượng Phụ Giêrusalem? Và cả Tòa Thượng Phụ Đại Kết cũng có vị thế ưu đẳng trong thế giới Chính Thống cơ mà?
 
Đáp: Gọi Giáo Hội Giêrusalem là mẹ của tất cả các Giáo Hội là một kiểu diễn tả thánh thi, đã được tạo ra để nhắc nhớ rằng gốc rễ của Kitô giáo là ở Thánh Địa, nơi Chúa đã sinh ra, đau khổ, chịu đóng đanh và sống lại vì chúng ta. Trong các thế kỷ tiếp theo sự phát triển của Giáo Hội Kitô thiết định sự ưu đẳng của Giám Mục Roma, nhưng sau vụ ly giáo hồi năm 1054 sự ưu đẳng đó cũng được ban cho Giám Mục Constantinople và được Giáo Hội Giêrusalem thừa nhận mà không gặp khó khăn nào.

Liên quan tới Tòa Thượng Phụ Đại Kết trước khi xảy ra ly giáo, Giáo Hội thừa nhận sự ưu đẳng của Roma như là ngai tòa thứ nhất của Giáo Hội Kitô hiệp nhất. Giáo Hội Constantinople là ngai toà thứ hai vv....

Sau khi ly giáo sự ưu đẳng của ngai tòa này được chuyển sang ngai tòa Constantinople và kéo dài trong ngàn năm thứ hai sau Chúa Kitô. Việc giải thích và ý nghĩa chính thống của sự ưu đẳng này có nghĩa là Constantinople là trung tâm phối hợp của toàn thế giới chính thống cho sự hiệp nhất của Chính Thống giáo, đồng thời phối hợp cuộc đối thoại với các giáo hội khác không chính thống, tổ chức các công nghị, do Đức Thượng Phụ Đại Kết hay một vị đại diện hướng dẫn. Nói cách khác, đâu là một cơ cấu với sự ưu đẳng, cần thiết cho hoạt động của Giáo Hội Chính Thống? Với sự trợ giúp của Chúa, trong trường hợp chúng tôi đi tới một thỏa hiệp với Giáo Hội Công Giáo liên quan tới ý nghĩa của sự ”ưu đẳng”, như đã được giải thích trong ngàn năm thứ nhất, Tòa Thượng Phụ Đại Kết sẽ không có khó khăn nào trong việc thừa nhận Roma như là ngai tòa thứ nhất và Constantinople là ngai tòa thứ nhì, như đã có trước khi xảy ra vụ ly khai.

Hỏi: Thưa Đc Thượng Phụ, theo các hoàn cảnh lịch sử, giờ đây Tòa Thượng Phụ Đại Kết ở trong một quốc gia, trong đó các tín hữu Kitô chỉ là một thiểu số. Duy trì sự chính thống trong một quốc gia như thế không là điều dễ, nếu nhớ rằng mùa hè năm nay Tòa Thượng Thẩm Thổ Nhi Kỳ đã tuyên bố là Đc Thượng Phụ Constantinople không có quyền mang tước hiệu cũ là ”Đại Kết”, Đc Thượng Phụ nghĩ sao?

Đáp: Tôi xin trả lời phần đầu của câu hỏi. Sự kiện Giáo Hội chính thống là một thiểu số tại Thổ Nhĩ Kỳ là điều tốt hơn, vì nếu không Giáo Hội Constantinopoli, giáo hội của ngai tòa thứ nhất của Kitô giáo sẽ có nguy cơ biến thành quốc giáo. Giờ đây nó vượt ngoài ranh giới quốc gia và có tính cách đại đồng, khiến cho nó vượt cao hơn các chia rẽ quốc gia. Giáo Hội phục vụ tất cả mọi người. Như qúy vị biết Giáo Hội Constantinople không chỉ là trung tâm phối hợp của toàn thế giới chính thống giáo, mà ngày nay còn có các tín hữu Hy lạp, Ucraine, Pháp, Đại hàn và nhiều nước khác thuộc quyền, biến nó thành Giáo Hội đại đồng, không phải chỉ dựa trên tước hiệu lịch sử. Giáo sư Hristos Ianars của đại học Athènes viết rằng: đối với Giáo Hội Constantinople, thực là một đặc ân ở trên đất của một nước không chính thống, trong một môi trường với một tôn giáo xa lạ, vì từ đó người ta có thể khám phá ra một cách tốt đẹp hơn tính chất đại đồng của nó.

Liên quan tới sự kiện Tòa Thượng Thẩm Ankara tuyên bố tước hiệu ”Đại Kết” không có nền tảng pháp lý, thì đây là chuyện nội bộ của Giáo Hội Chính Thống và Kitô giáo, chứ không liên quan gì tới các tòa án đời. Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia đời, có sự phân biệt giữa tôn giáo và quyền bính đời. Các vấn đề giáo hội được xác định bởi giáo luật và các hành động của Giáo Hội được củng cố từ bao thế kỷ nay. Tước hiệu ”Đại Kết” đã liên tục được dùng cho Giáo Hội Constantinople từ thế kỷ thứ VI tới nay, trong thời Bisantine, dưới thời đế quốc Ottoman, và trong thời Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả các vị tiền nhiệm của tôi đều đã mang tước hiệu đó.

Tôi đã thừa hưởng tước hiệu này, chứ nó không do tôi chế ra. Mọi giáo hội Kitô đều thừa nhận Tòa Thượng Phụ Constantinople là Tòa thượng Phụ Đại Kết. Và cả các quốc gia hồi giáo cũng dùng tước hiệu đó với tôi. Chính tại Thổ Nhĩ Kỳ này có nhiều học giả, nhà báo, giáo sư, sinh viên và giới trí thức đều nói rằng thật là vinh dự cho Thổ Nhĩ Kỳ có Tòa Thượng Phụ Constantinople. Nhiều người khác nữa thì cho rằng đây là chuyện nội bộ của Kitô giáo. Và thủ tướng Erdogan đã đưa ra một lời tuyên bố rất can đảm, khi nói rằng: ”Khi Mohammed Người Chinh Phục đến Constantinople, ông đã chấp nhận Tòa Thượng Phụ như là ”Đại Kết”, và ông hãnh diện chứ không lo sợ”. Và thủ tướng Erdogan nói thêm: ”Cả chúng tôi nữa, chúng tôi hãnh diện chứ không có vấn đề”. Do đó Chúng tôi sẽ tiếp tục dùng tước hiệu lịch sử này thôi, và Tòa Thượng Phụ Constantinople sẽ luôn mãi Tòa Thượng Phụ Đại Kết.

(SD 21-11-2007)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.