2007-11-19 15:04:11

Các nhà thần bí Italia


Một số nhận xét của ông Carlo Ossola, giáo sư văn chương về bộ sách ba cuốn liên quan tới các nhà thần bí Italia

Trong các ngày cuối tháng 10 vừa qua, cuốn đầu tiên trong bộ sách ba cuốn về ”Các nhà thần bí Italia” đã ra mắt độc giả. Cuốn sách tựa đề ”Các nhà thần bí Italia của thời tân tiến”, do ông Giacomo Jori phối hợp với lời dẫn nhập của giáo sư Carlo Ossola. Cuốn thứ hai tựa đề ”Các nhà thần bí Italia thời trung cổ” sẽ được xuất bản vào năm tới 2008 và cuốn thứ ba tựa đề ”Các nhà thần bí Italia ngày nay” sẽ ra mắt vào năm 2009.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của giáo sư Carlo Ossola, về cuốn đầu tiên trong bộ sách nói trên. Ông Ossola là chuyên viên phê bình văn chương, người đã đưa ra ý tưởng xuất bản bộ sách 3 cuốn về các nhà thần bí Italia, và hiện là giáo sư môn Văn chương tân thời của Âu châu tân latinh tại College de France.

Hỏi: Thưa giáo sư Ossola, đâu là hưng đi của bộ sách to lớn và phức tạp này?

Đáp: Cần phải thừa nhận cho ”thần bí” tính cách văn chương của nó, chứ không phải chỉ như là một hiện tượng tinh thần, hay tệ hại hơn, như là một loại bệnh thần kinh, như người ta đã tưởng tượng ra hồi thế kỷ XIX dưới ảnh hưởng của chủ thuyết thực nghiệm. Khi không duyệt xét các thị kiến, các vụ xuất thần, các vụ ngất trí, nhưng các văn bản đề cập tới các hiện tượng này, người ta khám phá ra rằng thần bí là cả một thế giới rộng rãi và có từ lâu đời rồi: tại Âu châu từ thánh Hildegard von Bingen, sinh năm 1098 qua đời năm 1179 bên Đức, thánh Gioan Thánh Giá bên Tây Ban Nha, Jean Joseph Surin, Veronica Giuliani cho tới Edith Stein sinh năm 1891 qua đời năm 1942.

Khoa thần bí có cả một tự vị và các gương mặt sống các kinh nghiệm siêu việt không thể diễn tả được, đến độ vào thế kỷ XVII học giả Maximilianus Sanders đã tin rằng phải soạn thảo từ vựng giúp hiểu thứ ngôn ngữ thần bí. Từ ”thần bí” và tất cả mọi hình thức diễn tả của nó là từ rất rộng rãi: được dùng để nêu bật việc hủy diệt cái nghèo nàn của linh hồn cũng như để diễn tả sự kiện Thiên Chúa ùa vào trong trái tim và trêm môi miệng của con người, trong khi nó nghỉ ngơi cũng như khi làm các công việc thường ngày.

Đọc lại các văn bản đó không chỉ có nghĩa là trả lại cho từ vựng ý nghĩa của sự vật, ý nghĩa của việc miêu tả, bị soi mòn bởi các hình ảnh, nhưng còn là trả lại cho từ vựng nhiệm vụ cổ xưa của nó theo quan niệm của thánh Agostino, tức là nhiệm vụ gợi nhớ những gì vắng mặt, khiến cho sự vô hình biến thành hình ảnh, rơi vào ”đàng sau các cực của thế giới không thể diễn tả được”, như học giả Paul Celan sẽ nói sau này.

Hỏi: Có phải vì thế mà giáo sư cho rằng lịch sử văn chương không được tách rời khỏi các nhà thần bí, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Các lịch sử văn chương không thể tách rời khỏi khoa thần bí, vì chính văn bản khai mào nền văn chương Ý là ”Bài Ca Tạo Vật” của thánh Phanxicô thành Assisi. Nó đã không chỉ được đọc như là một bài ca chúc tụng, mà cũng được coi như bài ca rộng mở cho sự chiêm niệm thiên nhiên, chiêm ngắm thụ tạo, từ đó nảy sinh ra rất nhiều yếu tố trong nền thần bí phan sinh.

Trong một cách thế nào đó, các cuốn sách mà chúng tôi đang chuẩn bị là một lịch sử văn chương “không thể nói được, một địa lý các ranh giới lời nói của con người, hay đúng hơn của ”vùng đất không thuộc ai hết”, trải dài giữa các pháo đài của sự ”riêng tư”. Từ thần bí là lịch sử tràn đầy sự hấp dẫn, sự không tùy thuộc. Nó nằm giữa các đĩa bát, đá bị loại bỏ và luôn luôn ở bên ngoài nhà.

Hỏi: Trong cuốn đầu tiên của bộ sách về các nhà thần bí Italia, có một hai nhân vật nào nổi bật đã chiếu sáng lộ trình của các ngưi khác hay không thưa giáo sư?
 
Đáp: Thần bí Cát Minh đã là một trong những trào lưu hướng đạo trong lãnh vực này: chẳng hạn như thánh nữ Teresa Avila và thánh Gioan Thánh Giá là hai vị đã có một ảnh hưởng không thể so sánh trong thế giới tân tiến, giống như ảnh hưởng của thánh Phanxicô thành Assisi trong thời Trung Cổ vậy.

Trong số các vị người Ý thì có thánh Philippo Neri và thánh Maria Maddalena de' Pazzi là các mẫu gương được thừa nhận và sẽ có một truyền thống tượng hình phong phú. Nhưng điều mới mẻ sinh động nhất là tất cả một loạt các văn bản và các bài thơ từ 4 thế kỷ nay đã không được in ấn phổ biến: đọc chúng là tái khám phá ra một khúc nhạc, một bài ca ”nâng tâm hồn lên”, các ”lời nguyện tự phát”, các ”tâm tình yêu mến” và cả ”các thức tỉnh” tâm hồn nữa.

Hỏi: Trong viễn tưng này, giáo sư có nghĩ rằng nên nhấn mạnh trên phần đóng góp của các nữ tác giả trong lãnh vực thần bí hay không?

Đáp: Trong một thời gian lâu người ta vẫn cho rằng thần bí là một loại, một ”trường hợp” nữ giới, và có lẽ vì thế nên nó bị bỏ quên ngoài lề, giờ đây nó được phong trào nữ quyền có học thức đòi hỏi quyền lợi, và trong khi họ đề cao nó thì họ cũng lại hạn chế nó. Dĩ nhiên, so sánh với nền thần học chuyên biệt, thì con đường thần bí là con đường tắt dẫn tới Thiên Chúa. Nó là con đường của sự hăng nồng và gắn bó, của sự tín thác và lắng nghe. Nhưng cũng như nó đã khiến cho nền thần học ”mất đất”, nó cũng ”làm cho con người ra tệ hại” trong mọi nghĩa; những người thần bí nói rằng lời họ là lời ”không thích hợp”, được nói lên bởi một đứa bé hư mất, bởi một đứa trẻ không biết nói, lạc loài, mất tích. Từ thần bí ”đi lang thang”, nếu chúng ta muốn nói theo kiểu nói của học giả Michel de Certeau.

Hỏi: Như vậy thần bí là tâm tình hay lý trí thưa giáo sư?

Đáp: Trong nền tảng của nó thần bí không phải là tình cảm, mà cũng không phải là lý trí. Nó là sự đam mê và là sự cảm thương, là việc gắn bó với thụ tạo thứ nhất và rất mới mẻ, được hiểu như là ”bí tích rửa tội của ước muốn”, mà sách giáo lý của Đức Giáo Hoàng Pio X định nghĩa như là ”tình yêu thương bác ái” kết hiệp với Thiên Chúa, và trong tinh thần kết hiệp với cả Giáo Hội nữa: nó là sự ”ở khắp nơi của kẻ vô danh”. Không phải vô tình mà người ta nói về Giáo Hội như là ”thân mình mầu nhiệm”, ”thân mình thần bí”, và cần phải nhắc lại đều này trong huấn quyền và nơi tín hữu một cách thường xuyên hơn nữa để giúp mọi người ý thức được thực tại tuyệt vời này.

Hỏi: Có dòng máu thần bí nơi các tác gi ngày nay hay không thưa giáo sư?

Đáp: Trong thế kỷ XIX có một tiếng nói thừa hưởng được gia tài của thần bí và canh tân nó như trường hợp của linh mục Charles de Foucauld và Dag Hammarskjoeld vv... và một tiếng nói chuẩn bị nó, một ”con đường tiêu cực” làm thành sa mạc, để ”Sự Chờ Đợi” ở trong đó. Đó là kinh nghiệm chiên niệm thần bí trong sa mạc.

Trong viễn tượng này, ”con đường” triệt để tiêu cực của kịch gia Beckett là một chuẩn bị tốt cho việc chú ý đọc hiểu ”cái không thể nhận ra được”. Trong suốt vở kịch tựa đề ”Đợi chờ Godot” tác giả Beckett cho thấy hai nhân vật Vladimir và Estragon chờ đợi một người tên là Godot. Đợi mãi không thấy Godot đến hai người có một cử chỉ cuối cùng: đó là quyết định ra đi, nhưng rồi họ lại ”ngồi trở lại” và ”ở” trong thế đợi chờ.

Cử chỉ cuối cùng đó của Vladimir và Estragon đối với với chúng ta là của ăn đàng tốt nhất. Nói cho cùng chuẩn bị mình sống kinh nhiệm thần bí, chính là ở đó: đợi chờ rất lâu trong tư thế lắng nghe để sau cùng nói lên như Michel de Certeau: ”không, không phải cái này” - chúng ta còn đang ở trên bàn tính. Thần bí luôn luôn là ”điều không thể ngờ tới”, vì nó chính là ”điều không thể nhận ra được”, theo kiểu mà thánh Agostino đề nghị trong cuốn ”Tự Thú”: Ước chi mỗi một tâm hồn ”có thể tìm thấy Chúa trong yêu thương, mà không biết là tìm ra Chúa, hơn là tin rằng nó tìm thấy mà lại không tìm lại được Chúa” (Confessioni, I,6).

(Avvenire 14-10-2007)
 
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.