2007-11-07 16:25:17

Thánh Girolamo, học giả say mê yêu mến Kinh Thánh


Sáng thứ tư 7-11-2007 đã có hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ hàng tuần với Đức Thánh Cha tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu một gương mặt giáo phụ nổi tiếng khác đó là thánh Girolamo. Đề cập tới tiểu sử thánh nhân Đức Thánh Cha nói:

Girolamo sinh tại Stridone năm 347 từ một gia đình Kitô bảo đảm cho người có được sự đào tạo cẩn thận bằng cách gửi người về Roma để hoàm chỉnh việc học hành. Ngày còn trẻ người cảm thấy bị thu hút bởi cuộc sống ăn chơi (x. Ep. 22,7) nhưng ước muốn và sự lưu tâm tới Kitô giáo đã chiến thắng. Được rửa tội năm 366 Girolamo hướng tới cuộc sống khổ hạnh, đến sống tại Aguileia và gia nhập một nhóm các Kitô hữu sốt sắng quy tụ chung quanh Giám Mục Valeriano. Tiếp đến người sang Phương Đông sống đời ẩn tu trong sa mạc Calcide mạn nam Aleppo (x. Ep. 14,10) và nghiên cứu học hành.

Girolamo trau đồi tiếng hy lạp và bắt đầu học tiếng do thái (x. Ep 125,12) và chuyển ngữ các bộ sách và tác phẩm của các giáo phụ (x. Ep. 5,2). Sự suy niệm, đời tịch liêu và việc tiếp cận với Lời Chúa làm chín mùi sự nhậy cảm Kitô của người. Người cảm thấy gánh nặng của những năm ăn chơi thời còn trẻ (x. Ep 22,7) và nhận thức ra sự đối nghịch giữa não trạng ngoại giáo và cuộc đời Kitô, đặc biệt qua một thị kiến, trong đó Girolamo thấy mình bị đánh đòn trước mặt Thiên Chúa, vì ”hùng biện như Ciceron nhưng không phải là Kitô hữu” (x. Ep 22,30).

Năm 382 Girolamo di chuyển về Roma. Tại đây vì biết tiếng khổ hạnh và sự giỏi giang của người, Đức Giáo Hoàng Damaso chọn người làm bí thư và cố vấn, và khuyến khích người dịch bản Kinh Thánh tiếng Latinh mới để đáp ứng các nhu cầu mục vụ và văn hóa. Một số người trong giới thượng lưu Roma, đặc biệt các phụ nữ quyền quý như các bà Paola, Marcella, Asella, Lea và nhiều bà khác ước muốn sống đời hoàn thiện Kitô và đào sâu việc hiểu biết Lời Chúa, đã chọn thánh nhân làm Cha linh hướng và thầy dậy tìm hiểu các văn bản kinh thánh. Các phụ nữ này cũng học tiếng hy lạp và tiếng do thái.

Tiếp tục tiểu sử thánh Girolamo Đức Thánh Cha nói: sau khi Đức Giáo Hoàng Damaso qua đời, thánh Girolamo rời Roma năm 385 và đi hành hương bên Thánh Địa, vùng đất chứng nhân thinh lặng cuộc đời dương thế của Chúa Kitô, rồi sang Ai Cập, là vùng đất ưu tuyển của biết bao nhiêu đan sĩ (x. Contra Rufinum 3,2; Ep 108,6-14). Năm 386 Girolamo dừng chân tại Bếtlehem, nơi bà Paola quảng đại xây cất một tu viện nam, một tu viện nữ và một nhà trọ đón khách hành hương đến viếng thăm Thánh Địa. Thánh Girolamo đã ở Bếtlehem cho tới khi qua đời và tiếp tục sinh hoạt bận rộn: chú giải Lời Chúa, bênh vực lòng tin, chống lại nhiều phong trào lạc giáo; khích lệ các tu sĩ nên thánh; dậy văn hóa cổ điển và Kitô cho giới trẻ; tiếp đón khách hành hương viếng thăm Thánh Địa. Ngày 30 tháng 9 năm 419-420 thánh nhân qua đời trong căn phòng cạnh Hang Đá Giáng Sinh.

Việc hiểu biết văn chương và trí thông thái rộng rãi đã cho phép thánh Girolamo duyệt lại và dịch nhiều văn bản kinh thánh. Bút tích của thánh nhân là một gia tài qúy báu cho Giáo Hội Latinh và cho nền văn hóa Tây phương. Dựa trên các bản gốc tiếng hy lạp và tiếng do thái và nhờ việc đối chiếu với các bản dịch trước, thánh nhân duyệt lại văn bản của bốn Phúc Âm bằng tiếng Latinh, rồi sách Thánh Vịnh và phần lớn Kinh Thánh Cựu Ước. Chú ý tới văn bản gốc tiếng do thái và tiếng hy lạp, bản dịch hy lạp Bẩy Mươi, là Kinh Thánh Cựu Ước tiếng hy lạp có từ thời tiền Kitô, cũng như các bản dịch Latinh có trước, thánh Girolamo và các cộng sự viên khác đã có thể cống hiến một bản dịch tốt hơn đó là bản ”Vulgata”, là văn bản Kinh Thánh chính thức của Giáo Hội Latinh, được Công Đồng Chung Trento thừa nhận, và sau đợt duyệt lại lần cuối mới đây, tiếp tục là văn bản chính thức của Giáo Hội Latinh.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong hài huấn dụ: Thánh Girolamo theo các tiêu chuẩn rất hay khi dịch văn bản Kinh Thánh. Người cho biết người tôn trọng cả thứ tự các từ của Kinh Thánh, vì ”cả trật tự các từ cũng là một mầu nhiệm” (Ep 57,5), nghĩa là một mặc khải. Người đặc biệt nêu bật việc tra cứu các văn bản gốc: ”Khi xảy ra tranh luận giữa các dịch giả Latinh về Phúc Âm, liên quan tới các khác biệt trong các thủ bản, chúng tôi trở lại với văn bản gốc tiếng hy lạp. Đối với Kinh Thánh Cựu Ước cũng thế, khi có khác biệt giữa các bản dịch hy lạp và latinh, chúng tôi tra cứu bản gốc tiếng do thái; như thế tất cả những gì vọt lên từ nguồn mạch thì cũng tìm thấy trong các con suối” (Ep 106,2). Ngoài ra thánh Girolamo cũng chú giải nhiều văn bản Kinh Thánh. Đối với thánh nhân các sách chú giải phải cống hiến nhiều ý kiến khác nhau, làm sao để sau khi đọc các lời giải thích khác nhau và biết các quan điểm khác nhau, độc giả có thể phán đoán ý kiến nào là đúng nhất, như chuyên viên đổi tiền loại bỏ tiền giả (Contra Fufinum 1,16).

Thánh Girolamo mạnh mẽ hăng hái phản bác các người lạc giáo phản đối truyền thống và lòng tin của Giáo Hội. Người cũng chứng minh cho thấy tầm quan trọng và giá trị của nền văn chương Kitô, đã trở thành một nền văn hóa xứng đáng so sánh với nền văn hóa cổ điển, bằng cách biên soạn tác phẩm ”De viris illustribus” trong đó thánh Girolamo giới thiệu tiểu sử của hơn 100 tác gỉa Kitô. Người cũng viết tiểu sử các đan sĩ bằng cách minh giải lý tưởng đời đan tu bên cạnh các lộ trình thiêng liêng khác. Thánh nhân cũng dịch nhiều tác phẩm của các tác giả hy lạp. Sau cùng trong các thư, một tuyệt tác của nền văn hóa Latinh, thánh Girolamo cho thấy các đặc thái của một học giả, một nhà khổ hạnh và một vị linh hướng có tài.

Kết luận bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta có thể học được gì nơi thánh Girolamo đây? Đối với tôi xem ra trước hết là yêu mến Lời Chúa trong Kinh Thánh. Thánh Girolamo nói: ”Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”. Vì thế thật là điều quan trọng việc mỗi Kitô hữu sống trong sự tiếp cận và đối thoại cá nhân với Lời Chúa, được ban cho chúng ta trong Kinh Thánh. Sự đối thoại đó của chúng ta với Lời Chúa phải luôn có hai chiều kích: một đàng phải là một cuộc đối thoại cá nhân, vì Thiên Chúa nói với từng người trong chúng ta qua Kinh Thánh và Ngài có một sứ điệp cho từng người. Chúng ta phải đọc Kinh Thánh không phải như là lời của quá khứ, mà như là Lời Thiên Chúa nói với cả chúng ta và tìm hiểu Chúa muốn nói với chúng ta điều gì. Nhưng để không rơi vào khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa chúng ta phải nhớ rằng Lời Chúa được ban cho chúng ta là để xây dựng sự hiệp thông, để hiệp nhất chúng ta trong chân lý trên con đường tiến về với Thiên Chúa. Vì thế tuy luôn là Lời bản vị, nó cũng là một Lời xây dựng cộng đoàn, xây dựng Giáo Hội. Vì thế phải đọc nó trong sự hiệp thông với Giáo Hội sống động. Nơi đặc biệt để đọc và lắng nghe Lời Chúa là Phụng Vụ, trong đó khi cử hành Lời Chúa và khiến cho Lời Chúa hiện diện trong Bí Tích Mình Chúa Kitô, chúng ta hiện tại hóa Lời Chúa trong cuộc sống và khiến cho Lời Chúa hiện diện giữa chúng ta. Chúng ta không bao giờ được quên rằng Lời Chúa vượt thời gian. Các ý kiến của con người đến rồi đi. Điều ngày nay là rất tối tân, ngày mai sẽ cũ kỹ. Trái lại Lời Chúa là Lời của sự sống vĩnh cửu, mang theo trong mình sự vĩnh cửu và điều luôn luôn có giá trị. Khi chúng ta đem theo Lời Chúa trong mình là chúng ta đem theo trong chúng ta Đấng Vĩnh Cửu, sự sống vĩnh cửu.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau rồi cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.