2007-11-05 15:46:56

Giáo Hội Tây Ban Nha trước một số thách đố hiện nay


Một số nhận định của giáo sư Jose Raga, về vài thách đố lớn đối với tín hữu công giáo Tây Ban Nha

Trong các ngày từ 18 đến 21 tháng 10 vừa qua Tuần Lễ Xã Hội Công Giáo Italia lần thứ 45 đã diễn ra tại Pisa và Pistoia, trung bắc Italia.

Tham dự tuần lễ này đã có 1000 đại biểu của 160 giáo phận, 65 Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục cũng như 180 nhân viên thiện nguyện và hàng trăm nhà báo. Trong số 32 thuyết trình viên cũng có ông José Raga, 69 tuổi, chuyên viên kinh tế, giáo sư đại học Complutense Madrid. Từ 27 năm nay ông cũng là Chủ tịch của các Tuần Lễ Xã Hội Công Giáo Tây Ban Nha.

Cách đây ba năm trong Tuần Lễ Xã Hội Công Giáo triệu tập tại Bologna, Đức Hồng Y Renato Martino, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, đã đề nghị tổ chức Tuần Lễ Xã Hội Công Giáo toàn Âu châu. Lần này Đức Hồng Y cũng lập lại đề nghị đó. Lý do dễ hiểu, vì nếu các vấn đề xã hội ngày càng vượt ngoài ranh giới của một quốc gia để trở thành vấn đề chung, thì các câu trả lời cũng phải thích hợp với các thay đổi đang xảy ra.

Đức Cha Giuseppe Merisi, Giám Mục Lodi, đại diện Hội Đồng Giám Mục Italia trong Ủy Ban thường trực của Liên hội Đồng Giám Mục Âu châu, phát biểu như sau: ”Đã đến lúc ra khỏi bóng tối của các ý định tốt, giáo huấn của Đức Thánh Cha mời gọi như thế. Vả lại tại Italia cũng như tại Pháp và Tây Ban Nha sự sẵn sàng đã chín mùi rồi. Như thế phải làm gì đây? Sau hội nghị đại kết triệu tập tại Sibiu bên Rumani để thảo luận các đề tài đại kết, tôi mong muốn Liên Hội Đồng Giám Mục Âu châu lượng định khả thể tổ chức một Tuần Lễ Xã Hội Công Giáo toàn Âu châu. Hồi tháng 3 năm nay, khi Ban Thường Vụ Liên Hội Đồng Giám Mục Âu châu nhóm họp tại Roma, tôi cũng đã đề cập tới vấn đề này”.

Ông Pierre Rosa thuộc đoàn đại biểu Pháp tham dự Tuần Lễ Xã Hội Công Giáo Italia, đã chào thăm các tham dự viên và cho biết Tuần Lễ Xã Hội Pháp được tổ chức tại Lyon năm tới sẽ rộng mở và vui mừng tiếp đón phái đoàn của các nước khác tới tham dự.

Trong thời gian qua Tuần Lễ Xã Hội cũng đã được cử hành tại nhiều nước khác trên thế giới: chẳng hạn trong các ngày 11-18 tháng 8 vừa qua tại Iquique bên Chile. Kể cả tại Cuba, nơi chế độ mác xít thống trị, sau 30 năm im tiếng vì bị Chủ tịch Fidel Castro cấm đoán, Tuần Lễ Xã Hội cũng đã tái nhóm vào năm 1991 và từ đó đến nay đã được 9 lần. Trong Tuần Lễ Xã Hội năm 2004 Giáo Hội Cuba đã đề nghị với tín hữu toàn nước một chương trình hành động nhằm thăng tiến các “giá trị của sự thật, hòa bình, tình yêu thương, tự do và niềm hy vọng”, là những đề tài trong giáo huấn xã hội của Hội Thánh. Bên Argentina Tuần Lễ Xã Hội Công Giáo năm 2006 đã được triệu tập tại Buenos Aires và có đề tài là ”Các kinh nghiệm khác nhau cho phép phát triển con người trong lãnh vực doanh thương, nghiệp đoàn”. Giáo phận La Plata bên Argentina cũng triệu tập Tuần Lễ Xã Hội lần thứ 3 với đề tài: ”Các vấn đề xã hội chính trị mới”. Trước đó đã có đề tài ”Gia đình giáo dục cuộc sống xã hội”.

Hồi tháng 5 năm nay Giáo Hội Ecuador cũng đã triệu tập Tuần Lễ Xã Hội Công Giáo về đề tài ”Xây dựng phẩm gía của mọi người”, với sự tham dự của 200 đại biểu toàn nước. Một đôi khi Tuần Lễ Xã Hội được triệu tập nhân kỷ niệm một biến có nào đó: chẳng hạn nhân kỷ niệm 40 năm công bố Hiến chế Vui Mừng và Hy Vong, Giáo Hội Perù đã triệu tập Tuần Tuần Lễ Xã Hội lần thứ 8 hồi tháng 10 năm 2006.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn bài phỏng vấn giáo sư José Raga về một vài thách đố mà tín hữu công giáo Tây Ban Nha đang phải đương đầu.

Hỏi: Thưa giáo sư Raga, Tây Ban Nha hiện đang được cai trị bởi chính quyền xã hội và tả phái cực đoan. Chính quyền của thủng Zapatero đã chấp nhận luật hôn nhân đồng phái, mà tại Italia này cũng có các đảng phái muốn bắt chước, dĩ nhiên là nhân danh một thứ quyền suy đoán, giáo sư nghĩ sao?

Đáp: Vâng, đúng thật đó là điều suy đoán. Làm thế nào mà lại có thể chấp nhận tình trạng được định nghĩa là hôn nhân giữa hai người nam hay hai người nữ được? Nếu họ muốn sống chung với nhau thì cứ việc chung sống đi và ghi danh trình trạng chung sống của họ, chứ đó đâu có phải là hôn nhân, hôn nhân là một chuyện khác giữa một người nam và một người nữ. Thế mà chính quyền Tây Ban Nha của chúng tôi lại còn giầu trí tưởng tượng hơn nữa, bàng cách thay đổi luật ghi danh tình trạng dân sự nữa chứ!

Hỏi: Thưa giáo sư, đã xảy ra điều gì vậy?

Đáp: Người ta loại bỏ các từ ”cha, mẹ” và dùng từ ”người thành lập gia đình A người thành lập gia đình B”. Thật là sự canh tân rõ đẹp! Nhưng mà chưa hết đâu: người ta đang thảo luận về việc giết người êm dịu, và một vài bộ trưởng lại còn đang tranh đấu cho một quyền khác nữa là quyền quyết định chết khi nào và chết ra sao nữa. Trước các cuộc bầu cử vào tháng 3 năm tới, chính thủ tướng Zapatero xem ra cũng hãm lại một chút.

Hỏi: Nghĩa là ít nhất trong một mực thưc nào đó, thủớng Zapatero cũng bị bó buộc phải chú ý tới sức nặng chính trị của các tín hữu công giáo, có phải thế không?

Đáp: Vâng. Lá phiếu công giáo nhiều và có sức nặng, vì số người tự xưng là công giáo chiếm 70% tổng số dân. Ngoài con số ra, Giáo Hội Công Giáo của chúng tôi là Giáo Hội sống động. Tôi không muốn lần lại con đường lịch sử và cũng không muốn nhắc lại rằng trong các thế kỷ qua Tây Ban Nha đã loan báo Tin Mừng trên một phần rộng rãi các vùng đất, mà các thám hiểm sau này sẽ giao cho nền văn minh Âu châu. Tôi chỉ xin hạn hẹp trong một dữ kiện thôi: đó là hiện nay Giáo Hội Tây Ban Nha có 25.000 linh mục tu sĩ và giáo dân nam nữ làm việc truyền giáo đó đây trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Nam Mỹ và bên Phi châu.

Hỏi: Trong bối cảnh này các Tuần Lễ Xã Hội Tây Ban Nha mà giáo sư là Chủ tịch hành động ra sao?

Đáp: Chúng tôi đã có một truyền thống đâm rễ sâu bắt đầu từ năm 1906, và liên tục được lập lại, chỉ bị gián đoạn trong thời gian nội chiến, giữa các năm 1936-1939. Chúng tôi tổ chức Tuần Lễ Công Giáo cứ 2 năm một lần. Chúng tôi được sát nhập vào cơ cấu của Hội Đồng Giám Mục, nhưng việc điều hành được hoàn toàn giao phó cho giáo dân. Một phần ba trong số 15 thành viên của Ủy Ban trung ương, được chọn giữa các nhân vật của thế giới công giáo, một phần ba khác do Ủy ban Giám Mục đặc trách mục vụ xã hội chỉ định. Số còn lại được chọn trong các người đã là thành viên.

Hỏi: Qúy vị đã sinh hoạt như thế nào? Đâu là các vn đ được nghiên cứu và đưc đặc biệt chú ý?

Đáp: Cứ thỉnh thoảng chúng tôi lại chọn một đề tài có âm hưởng lớn trên xã hội, không hẳn phải liên quan tới quốc gia, mà cũng có thể là vùng miền. Nếu tình hình đòi hỏi, thì cũng có thể xảy ra là chúng tôi dành Tuần Lễ Xã Hội để thảo luận về thực tại và các vấn đề của giáo phận tiếp đón chúng tôi. Đây là một cách tỏ tình liên đới với các giáo đoàn địa phương. Các Tuần Lễ Xã Hội tương đối nhẹ gồm từ 350 đến 500 tham dự viên, đông nhất là 600 người gồm đại biểu của các giáo phận toàn nước. Sự khác biệt với Tuần Lễ Xã Hội tại Italia này không phải là các đề tài thảo luận, mà là con số các đại biểu tham dự. Ngoài ra còn có một khác biệt nữa đó là bên Italia số các Giám Mục tham dự đông đảo hơn bên Tây Ban Nha. Tôi mong muốn có nhiều Giám Mục của chúng tôi hiện diện hơn trong Tuần Lễ Xã Hội Tây Ban Nha.

Hỏi: Giáo sư đã làm Chủ tịch Tuần Lễ Xã Hội Tây Ban Nha gần 30 năm qua. Đã xảy ra rất nhiều thay đổi. Các tín hữu công giáo tham gia nhiều hơn. Hin nay đâu là vn đề khiến cho giáo dân đời của xã hội Tây Ban Nha quan tâm nhất?

Đáp: Thách đố lớn nhất là việc hội nhập người di cư. Trong 5 năm qua đã có 4 triệu người di cư vào Tây Ban Nha, nâng số người di cư lên 9,9% tổng số dân. Họ đến từ vùng Magreb tức các nước Bắc Phi châu và từ các nước vùng nam sa mạc Sahara, cũng như từ vùng Nam Mỹ và giờ đây cũng có những người đến từ các nước Đông Âu nữa. Số người di cư đến Tây Ban Nha không tạo ra các rắc rối, nhưng tốc độ gia tăng của hiện tượng này tạo ra vấn đề. Thế giới công giáo có thái độ cởi mở tiếp nhận người di cư và liên đới trợ giúp người di cư với các can thiệp kinh tế và trong lãnh vực giáo dục, như tổ chức các lớp dậy chữ, dậy tiếng và dậy nghề. Rất nhiều giáo dân dấn thân hàng đầu trong các sinh hoạt trợ giúp này.

Thế rồi còn có các thách đố khác trên bình diện xã hội nói chung như: nạn nghèo túng, vấn đề toàn cầu hóa, và một xã hội đang chứng kiến cảnh kỳ thị gia tăng trong chính nội bộ của mình.

Hỏi: Làm sao mà lại có các kỳ thị trong một nước Tây Ban Nha có nhiều vùng tự trị như hin nay thưa giáo sư?
 
Đáp: Đó là điều mâu thuẫn nhưng các kỳ thị xảy ra bên trong các vùng khác nhau. Một người Basque cảm thấy mình bị kỳ thị nếu không biết hay không muốn nói tiếng euskera của vùng Basque. Các khuynh hướng ái quốc vùng miền có thể khiến cho sự hiệp nhất của Tây Ban Nha bị đe dọa. Tôi sợ điều đó và tôi nói lên điều đó.

(Avvenire 21-10-2007)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.