2007-10-31 18:19:52

Sống đời kitô cũng có nghĩa là đảm trách các nhiệm vụ công dân



Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trước hơn 30.000 tín hữu tham dự buổi tiếp kiến sáng thứ tư 31-10-2007 tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt thánh Massimo, Giám Mục thành Torino, sống vào cuối thế kỷ thứ IV đầu thế kỷ thứ V và là người có công lớn trong việc phổ biến và củng cố Kitô giáo miến bắc Italia. Thánh Massimo lên làm Giám Mục Torino năm 398, một năm sau khi thánh Ambrogio qua đời. Có ít tin tức liên quan tới thánh nhân, nhưng người ta còn giữ được bút tích của người gồm 90 bài giảng cho thấy liên hệ sâu xa sống động của người với thành phố, giống như trường hơp thánh Ambrogio.

Đề cập tới bối cảnh lich sử thời đó ĐTC nói như sau: Vào thời đó có nhiều căng thẳng trầm trọng quấy nhiều trật tự chung sống dân sự. Trong bối cảnh này thánh Massimo thành công trong việc quy tụ dân chúng chung quanh con người mục tử và là thầy dậy của mình. Thành phố bị đe dọa bởi các nhóm rợ xuất phát từ phương đông tiến tới phía tây dẫy Alpes. Vì thế thành Torino thường xuyên có các đội binh canh giữ, và trong những lúc nguy hiểm trở thành nơi trú ẩn của dân chúng đến từ vùng quê và các thành thị không có linh canh bảo vệ. Các can thiệp của thánh Massimo trong hoàn cảnh này, là bằng chứng cho sự dấn thân phản ứng lại cảnh suy đồi dân sự và tan rã xã hội. Cả khi khó có thể xác định thành phần xã hội được nói tới trong các bài giảng, nhưng xem ra thánh Massimo nói với một giai tầng được lựa chọn của cộng đoàn, gồm các đại điền chủ và đất đai của cải của họ tại vùng quê cũng như trong thành phố. Kiểu giảng dậy này đã là một lựa chọn mục vụ sáng suốt, và là con đương hữu hiệu nhất giúp duy trì mối dây ràng buộc với dân chúng.


Chẳng hạn trong hai bài giảng thứ 17 và 18 thánh Massimo đề cập tới sự giầu có và nghèo túng trong các cộng đoàn kitô thời đó có nhiều căng thẳng. Thánh nhân cay đắng ghi nhận rằng người ta lo tích chứa của cải và không nghĩ tới các nhu cầu của tha nhân. ”Thật thế nhiều kitô hữu không những không phân phát của cải của mình, mà lại còn ăn cướp của cải của người khác. Chẳng những họ không gom góp tiền bạc rồi đem đặt dưới chân các tông đồ, mà còn lôi khỏi chân các vị những người đến cầu cứu các vị... Trong thành của chúng ta có nhiều khách hay người hành hương. Anh chị em hãy làm những gì đã hứa”, sống gắn bó với lòng tin, ”để người ta đừng nói với anh chị em điều đã được nói với ông Anania: ”ông đã không lừa dối loài người, mà lừa dối Thiên Chúa” (Sermone 17,2-3).

Trong bài giảng thứ 18 thánh Massimo tố cáo các hình thức mua bán của cải cướp được của người khác. Trong thời bình mua bán là chuyện tốt thường tình, nhưng ở đây là mua của cướp giật. Thánh nhân khuyên mọi người sống như tín hữu kitô và như công dân lương thiện. Sống đời kitô cũng có nghĩa là đảm trách các dấn thân dân sự. Còn kitô hữu nào có thể sống bằng công việc làm của mình, mà lại cắn xé con mồi của người khác, gài bẫy đánh lừa người hàng xóm, tìm cách lấn đất của người khác và chiếm đoạt sản phẩm của họ, thì không còn giống con chồn cắn cổ gà nữa, mà giống như chó sói nhảy vào đàn heo (Sermone 41,4).

Trước sự suy sụp các quyền bính dân sự của đế quốc Roma, và dựa trên luật khuyến khích kitô hữu cứu chuộc các tù binh, thánh Massimo cảm thấy mình được phép thi hành quyền kiểm soát thành phố. Quyền bính này sẽ ngày càng trở thành rộng rãi và hữu hiệu hơn, cho tới khi bổ túc cho các thẩm phán và các cơ cấu dân sự lẩn trốn trách nhiệm. Trong bối cảnh đó thánh Massimo không chỉ lo khơi dậy nơi các tín hữu ngọn lửa tình yêu đối với quê hương thành phố, mà cũng công bố bổn phận chính xác đối với việc đóng thuế nữa. Giọng điệu và nội dung các bài giảng giả thiết ý thức gia tăng đối với trách nhiệm chính trị của Vị Giám Mục trong các hoàn cảnh lịch sử đặc biệt.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Đối với thánh Massimo, vị Giám Mục là người tuần canh được đặt ở trên cao trong thành phố. Các người tuần phòng là ai, nếu không phải là các Giám Mục, được đặt trên tảng đá cao của sự khôn ngoan để bảo vệ các dân tộc, trông thấy các sự dữ từ xa tới? Trong bài giảng thứ 89 Giám Mục thành Torino minh giải cho tín hữu biết các nhiệm vụ của mình, bằng cách so sánh nhiệm vụ giám mục với nhiệm vụ của loài ong: ”Như con ong, các Giám Mục duy trì sự thanh sạch của thân xác, đem lại lương thực của sự sống thiên quốc, dùng kim chích của luật lệ. Các vị trong sạch để thánh hóa, dịu ngọt để bổ sức, nghiêm nghị để trừng phạt”.

Đức Thánh Cha nói tiếp như sau: Nói cho cùng việc phân tích lịch sử và văn chương chứng minh cho thấy ý thức gia tăng đối với trách nhiệm chính trị, trong một bối cảnh trong đó nó từ từ thay thế trách nhiệm dân sự. Thật ra đó là đường nét phát triển trong chức thừa tác của Giám Mục tại miền tây bắc Italia, bắt đầu từ Eusebio, như là một đan sĩ sống tại Vercelli giáo phận của mình, cho tới Massimo thành Torino, được đặt như ”lính canh” trên tảng đá cao nhất thành phố. Đương nhiên là bối cảnh lịch sử, văn hóa và xã hội ngày nay đã thay đổi sâu rộng. Đúng hơn bối cảnh ngày nay là điều mà Đức Gioan Phaolo II, vị tiền nhiệm của tôi, đã vạch ra trong Tông thư hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Âu châu, trong các đoạn khai triển các thách đố và các dấu chỉ hy vọng đối với Giáo Hội tại Âu châu ngày nay (6-22). Dù sao đi nữa, ngoài các hoàn cảnh thay đổi ra, các bổn phận của tín hữu đối với thành phố và quê hương của mình vẫn có giá trị. Sự giao thoa giữa các dấn thân của ”công dân liêm chính” với các dấn thân của ”tín hữu kitô tốt” thật ra không phai nhòa.

Đức Thánh Cha đã kết thúc bài huấn dụ bằng cách nhắc lại giáo huấn Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng của Công Đồng Chung Vaticăng II, liên quan tới sự thống nhất của cuộc sống kitô: sự trung thực giữa lòng tin và cung cách hành xử, giữa Tin Mừng và văn hóa. Công Đồng khuyến khích các tín hữu ”trung thành chu toàn các bổn phận trần thế, bằng cách để cho tinh thần Tin Mừng hướng dẫn. Thực sai lầm cho những ai biết rằng chúng ta không có một quê hương trường tồn ở trần thế, nhưng phải kiếm tìm một quê hương hậu lai, mà lại tưởng rằng mình có thể xao lãng các bổn phận trần gian, như thế là không nhận thấy chính đức tin buộc phải chu toàn các bổn phận đó hoàn hảo hơn, mỗi người tùy theo ơn gọi của mình” (GS 43).

Theo giáo huấn của thánh Massimo và các Giáo Phụ chúng ta cũng lấy lại lời Công Đồng để cầu mong cho các tín hữu ngày càng ”có thể thi hành mọi sinh hoạt trần thế mà đồng thời có thể liên kết trong một tổng hợp sống động duy nhất các cố gắng nhân loại, gia đình, nghề nghiệp, khoa học hay kỹ thuật với các giá trị tôn giáo. Dưới sự điều hướng tối cao của các giá trị tôn giáo này, mọi sự được quy hướng về vinh quang Thiên Chúa” và thiện ích của nhân loại.

Sáng thứ tư, tuy trời Roma mưa, nhưng cũng có hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi găp gỡ chung hằng tuần tới Đức Thánh Cha tại quảng trường thánh Phêrô, đa số là tín hữu Ý và Đức. Sau khi chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, ĐTC đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành cho mọi người

Linh Tiến Khải









All the contents on this site are copyrighted ©.