2007-10-23 18:04:07

Tình hình Thánh Địa và Thành Gierusalem


Phỏng vấn Linh Mục David Jaeger, dòng Phanxicô, về tình hình Thánh Địa và thành Gierusalem

Vào tháng 11 tới đây phái đoàn của chính quyền Israel và Palestine sẽ tham dự hội nghị hòa bình cho vùng Trung Đông dự trù sẽ khai diễn tại Annapolis. Để chuẩn bị cho Hội nghị này Phó thủ tướng Israel, ông Khayim Ramon, đã hội kiến với Thủ tướng chính quyền Palestine, ông Salam Fayyad. Trong cuộc hội kiến này Phó thủ tướng Israel đã đưa ra một loạt các đề nghị liên quan tới các đề tài như biên giới giữa hai nước, vấn đề của người tị nạn Palestine và việc phân chia thành Giêrusalem. Các vấn đề này từ trước tới nay đã luôn luôn gây bất đồng ý kiến giữa người Israel và người Palestine.

Đây chưa phải là các đề nghị chính thức của chính quyền Israel, cả khi Thủ tướng Olmert đã tỏ ra cới mở hơn với phía Palestine. Từ phía Palestine người ta ghi nhận lời tuyên bố của phát ngôn viên của nguyên thủ tướng Palestine Haniyeh, cho rằng thương thuyết với chính quyền Israel không phải là một tội. Nghĩa là có thái độ cởi mở, giãn xả từ cả hai phía. Liên quan tới việc phân chia khu vực sinh sống, luật do quốc hội Israel chấp thuận hồi năm 1980 chỉ có giá trị lý thuyết. Trên thực tế có những vùng hiện nay chỉ có người Palestine ở, và đã từ lâu người Do thái không hề đặt chân đến nữa, điển hình như vùng Shufat, nơi có trại tị nạn Palestine và các khu vực khác ở mạn đông Giêrusalem.

Tuy nhiên nút thắt chính là Cổ Thành Giêrusalem, với các nơi thánh đối với tín hữu Do thái cũng như Kitô và Hồi giáo.

Cổ Thành Giêrusalem chỉ có diện tích 0,9 cây số vuông, hiện có 36.500 dân sinh sống, trên 700 ngàn của thành phố Giêrusalem. Hình thù của nó như hiện nay có từ năm 1538 khi Soliman il Mangifico cho xây tường thành như còn thấy. Và Thành Cổ Giêrusalem chia làm 4 khu phố: khu phố Do thái với bức tường phía Tây hay bức tường khóc, nơi tín hữu Do thái đến cầu nguyện và than khóc, đặc biệt trong ngày sabát và các ngày lễ lớn; khu phố hồi giáo từ Cửa Damasco tới sân thượng với các đền thờ hồi giáo; khu phố Kitô với vương cung thánh đường Mộ Thánh; và khu phố Armeni chung quanh nhà thờ thánh Giacôbê, vị Giám Mục đầu tiên của Giêrusalem.

Hình thù của Cổ Thành Giêrusalem chịu ảnh hưởng của tình hình xung khắc kéo dài từ 60 năm qua. Vào cuối cuộc chiến năm 1948-1949 Giêrusalem do nước Giordani kiểm soát, và các người Do thái bị bó buộc rời khỏi khu phố của mình. Sau cuộc chiến 6 ngày hồi năm 1967 Israel kiểm soát toàn Cổ Thành, và người Do thái trở lại sống trong khu phố của họ, với các cộng đoàn nhỏ cả bên trong các khu phố khác. Trong khu phố hồi giáo có trường rabbi theo khuynh hướng cực đoan Ateret Cohanim. Theo các thống kê mới nhất Cổ Thành Giêrusalem hiện có 32.500 dân trong đó có 4.000 người Do thái.

Nút thắt khó giải quyết nhất là khu vực gồm bức tường khóc hay tường phía Tây, và khu vực sân Đền Thờ do thái xưa kia, nơi hiện có hai đền thờ Hồi giáo.

Ngược dòng lịch sử hồi năm 638 người Hồi đánh chiếm Giêruslem và xây đền thờ ngay trên nền của Đền Thờ Do thái xưa kia, vì Đền Thờ Do thái đã bị Tito thiêu hủy hồi năm 70. Sau đó họ còn xây thêm một đền thờ khác trên nền hoàng cung xưa kia của vua Salomong. Từ đó người Do thái chỉ có thể đến cầu nguyện tại bức tường phía Tây do vua Herốt cho xây, khi mở mang và tái thiết đền thờ.

Thỏa hiệp tại Camp David xác định khu vực bên trên với sân, và hai đền thờ hồi giáo thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Palestine. Người Do thái sở hữu bức tường khóc và vùng đất bên dưới, tức móng của Đền Thờ Do thái cổ xưa.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Linh Mục David Maria Jaeger về vấn đề này. Cha Jaeger thuộc dòng Phanxicô, gốc Do thái, đồng thời cũng là giáo sư dậy Giáo luật tại đại học giáo hoàng Antonianum ở Roma. Cha là một trong những người hiểu biết rất rõ tình hình tại Thánh Địa và đặc biệt là các tranh chấp liên quan tới thành Giêrusalem.

Hỏi: Thưa cha, theo cha đâu là giải pháp cho vấn đề của thành Giêrusalem?
 
Đáp: Giải pháp cho vấn đề của thành Giêrusalem ấy à? Đây không phải là việc phân cắt trở lại thành từng miếng nhỏ để trao cho bên này hay bên kia, nhưng thách đố chính đó là khẳng định một vài giá trị và một vài quyền lợi cho tất cả mọi người trong mọi phần đất của thành thánh. Đây đã là lập trường mà Tòa Thánh đã đề nghị từ 60 năm qua. Nghĩa là phải làm sao duy trì tính cách thánh thiêng và ý nghĩa đại đồng của toàn thành Giêrusalem, bằng cách bảo đảm một quy chế quốc tế và đa phương cho thành thánh.

Hỏi: Cha nghĩ gì về đề nghị của Phó thủớng Khayim Ramon liên quan tới các đề tài gây tranh cãi nhiều giữa ngưi Israel và ngưi Palestine như: biên giới giữa hai nước, vấn đề của người tị nạn Palestine, việc phân chia thành Giêrusalem?

Đáp: Phó thủ tướng Ramon đã lấy lại các đề nghị do thủ tướng Barak đã đưa ra tại Camp David hồi năm 2000. Một đàng ông tuyên bố điều đã hiển nhiên đối với mọi người, đó là các phần đất có người Palestine sinh sống sẽ thuộc nước Palestine tương lai. Nhưng đàng khác ông ta lại lấy lại ý tưởng của một vùng thánh thiêng, nghĩa là một vùng có chế độ đặc biệt, mà không xác định một cách chính xác hơn. Vùng này bao gồm Thành Cổ và các vùng gần nhất. Xem ra đây là một vùng mà sau cùng sẽ không có ai có quyền cai trị tối thượng. Và vấn đề là ở đó.

Hỏi: Tại sao vậy thưa cha?

Đáp: Bởi vì quyền tối thượng không phải là một ý niệm trừu tượng: trong một vùng loại này thì ai là người có nhiệm vụ duy trì trật tự công cộng đây? Tòa án nào có thẩm quyền xét xử? Ai khiến cho các luật lệ của quy chế này được tôn trọng và thi hành? Giả thuyết đề ra một lực lượng thứ ba không phải là Israel cũng không phải là Palestine, xem ra phức tạp. Hồi trước, người ta đã nghĩ tới một cơ cấu hành chánh quốc tế do Liên Hiệp Quốc điều hành. Nhưng ngày nay cả người Israel lẫn người Palestine không bên nào nuốn có một giải pháp loại này. Và người ta lại nói đến việc phân chia Thành Cổ Giêrusalem thành hai khu vực: khu vực Do thái và khu vực của người Armeni do người Israel cai trị; khu vực Kitô và khu vực hồi giáo do người Palestine cai trị. Tôi không nghi ngờ thiện chí đàng sau các đề nghị này, nhưng tôi thấy chúng ít thực tế.

Hỏi: Như vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề của thành Gierusalem thưa cha?

Đáp: Bằng cách khởi sự từ lập trường mà Tòa Thánh đã lập lại biết bao nhiêu lần. Nó được tóm tắt rất rõ ràng trong phần dẫn nhập Thỏa Hiệp nền tảng ký kết với chính quyền quốc gia Palestine hồi năm 2000, trong đó có khẳng định bảo đảm quyền tự do tôn giáo, sự bình quyền của cả 3 tôn giáo trước pháp lý và quyền tự do lui tới các nơi thánh trong toàn thành phố Giêrusalem, chứ không phải chỉ trong Thành Cổ mà thôi. Ngoài ra người ta cũng minh xác rằng cần phải duy trì tính cách thánh thiêng và ý nghĩa đại đồng của thành phố này trong bối cảnh chung của nó. Để bảo đảm cho những điều này, thì cần phải có một dụng cụ pháp lý quốc tế và đa phương. Cần phải khởi hành từ việc xác định khung cảnh này, vì nó không chỉ liên quan tới hai dân tộc Israel và Palestine, mà nó liên hệ tới toàn thế giới. Khi được như thế rồi, thì trong khung cảnh này sẽ dễ dàng hơn cho người Israel cũng như cho người Palestine, tìm ra con đường giúp thỏa mãn các khát vọng quốc gia của cả hai bên.

Hỏi: Trong xã hội Israel và xã hội Palestine ngày nay người ta có ý muốn đi tới một thỏa hiệp liên quan tới thành Giêrusalem hay không thưa cha?
 
Đáp: Các nhóm chống lại việc phân chia thành Giêrusalem là những nhóm quen thuộc từ trước tới nay. Nhưng đa số dân chúng Israel cũng như Palestine sẽ chấp nhận một thỏa hiệp hòa bình toàn diện, giải quyết một lần cho luôn mãi tất cả các nút thắt của cuộc xung đột. Cả hai bên đều không còn tin tưởng nơi các thỏa hiệp từng phần nữa, là các thỏa hiệp đang được sử dụng để điều hành tình hình.

Hỏi: Điều này cha cũng nói với người Palestine sống trong vùng Gaza và đã bỏ phiếu cho nhóm Khamas có đúng thế không?

Đáp: Nếu hai phía Israel và Palestine tiến tới một thỏa hiệp hòa bình tốt, thì nhóm Khamas sẽ suy sụp. Những người Palestine sống tại Gaza đã bỏ phiếu cho nhóm Khamas, vì họ xác tín rằng trong thập niên 1990 cuộc thương thuyết hòa bình đã không đưa tới kết quả nào. Vì thế hãy chứng minh cho họ thấy một cách cụ thể bằng một thỏa hiệp dẫn đưa tới kết qủa tốt. Khi đó thì tình hình trong vùng Gaza cũng sẽ thay đổi.

(Avvenire 17-10-2007)
 
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.