2007-10-11 12:09:41

THỪA SAI CÔNG GIÁO THÁI NƠI VƯƠNG QUỐC CĂM-BỐT


Ngày 26-11-1993, tại phi trường quốc tế Bangkok, bạn bè cùng thân quyến nhộn nhịp đưa tiễn một nhóm 6 người, lên máy bay trực chỉ Phnom Penh, thủ đô Căm-bốt. Bangkok chỉ cách Phnom Penh 50 phút bay. Một chặng đường quả không bao xa! Thế nhưng điều đáng nói, không phải quãng đường ngắn cho bằng cuộc đưa tiễn lịch sử, mang nặng ý nghĩa truyền giáo.

4 trong số 6 hành khách được đưa tiễn là 4 vị thừa sai của Giáo Hội Công Giáo Thái Lan, lần đầu tiên, lên đường đi truyền giáo tại Phnom Penh, Căm-bốt. Đó là Cha Virachai, Linh Mục trưởng nhóm cùng với hai nữ tu và một nữ giáo dân. 2 hành khách còn lại là Đức Cha Banchong, Giám Mục giáo phận Nakhon Sawan và cũng là vị đặc trách Hội Thừa Sai Thái, và Cha Jean Dantonel, người Pháp, thuộc Hội Thừa Sai Paris. Đức Cha Banchong và Cha Dantonel tháp tùng 4 thừa sai Thái đi Phnom Penh.

Câu chuyện khởi đầu vào tháng 3 năm 1987. Năm đó, Cha Jean Jacquemin - Bề Trên Miền của Hội Thừa Sai Paris tại Thái Lan - viết thư cho Hội Đồng Giám Mục Thái và đề nghị các Giám Mục nghĩ đến việc thành lập một Hội Thừa Sai Thái Lan. Đề nghị của Cha Jacquemin được các Giám Mục Thái nhiệt liệt hưởng ứng. Ba năm sau - 1990 - vài đại chủng sinh làm đơn xin tình nguyện đi truyền giáo. Tháng 7 cùng năm, khóa huấn luyện truyền giáo đầu tiên khai mạc với một nhóm gồm hai tân Linh Mục, 4 nữ tu và một số giáo dân. Sau khóa huấn luyện, hai Linh Mục cùng với 2 nữ tu và một nữ giáo dân lên đường truyền giáo tại Chiang Mai, miền Bắc Thái Lan, nơi có bộ lạc người Hmong sinh sống.

Năm 1991, một nhóm nhỏ các chủng sinh đi thăm các trại tỵ nạn Căm-bốt tại biên giới Thái. Vào thời kỳ đó, các trại còn đầy người tỵ nạn Căm-bốt. Cuộc viếng thăm gây xúc động mạnh nơi tâm hồn các chủng sinh, đặc biệt nơi thầy Virachai, một đại chủng sinh sắp chịu chức Linh Mục. Thầy Virachai bắt đầu học nói ngay vài tiếng Căm-bốt. Rồi tình cờ trông thấy cuốn sách nhỏ gồm hai tiếng Căm-bốt / Thái, thầy vui mừng mua và mang về chủng viện.

Từ đó ý tưởng trở thành nhà truyền giáo tại Căm-bốt bắt đầu nung nấu tâm hồn thầy Virachai. Thầy thực sự cảm kích trước Đức Tin kiên vững của tín hữu Công Giáo Căm-bốt và cuộc sống đầy thử thách khốn khổ của dân tộc này. Thầy cảm thấy mình có bổn phận dâng hiến cuộc đời Linh Mục tương lai cho cánh đồng truyền giáo Căm-bốt.

Sau khi chịu chức Linh Mục, Cha Virachai bắt đầu học tiếng Căm-bốt, cũng như học hiểu về phong tục, tập quán và tính tình người dân Căm-bốt. Cha dành nhiều giờ học hỏi về lịch sử Giáo Hội Công Giáo tại Căm-bốt. Cha tìm đọc cuốn ”La Cathédrale de la rizière - Nhà thờ Chính Tòa nơi ruộng lúa”. Cuốn sách thuật lại lịch sử 450 năm của Giáo Hội Công Giáo tại Căm-bốt, đặc biệt chứng từ về hoạt động mục vụ của Đức Cha Salas, vị Giám Mục đầu tiên người Khờ-me, thụ phong năm 1975. Nhưng Đức Cha bị bọn Khờ-Me đỏ bắt lao động trong các ruộng lúa và ngài đã chết vì kiệt lực 3 năm sau đó. Nhà thờ Chính Tòa của Đức Cha Salas chính là ruộng lúa và nông trường tập thể, nơi ngài lợi dụng mọi dịp có thể để an ủi và khích lệ người đồng cảnh ngộ, nhất là các tín hữu Kitô.

Đọc xong cuốn sách ”Nhà Thờ Chính Tòa nơi ruộng lúa”, Cha Virachai thổ lộ với Cha Jean Dantonel, Linh Mục thuộc Hội Thừa Sai Paris: “Cuộc đời và cái chết của Đức Cha Salas gây xúc động mạnh nơi tôi. Tôi tự nhủ: Chính vì Đức Cha Salas và các Linh Mục Căm-bốt đã chết, nên bổn phận chúng ta - hay ít ra của tôi - là phải thay thế các ngài!”

Sau thời gian học hỏi và chuẩn bị chu đáo, đoàn truyền giáo 4 người - gồm Cha Virachai, 2 nữ tu và một nữ giáo dân - hăng hái lên đường.

Ra đón phái đoàn truyền giáo Thái Lan tại phi trường thủ đô Phnom Penh có Đức Cha Yves Ramousse, lúc bấy giờ là Giám Mục đại diện tông tòa giáo phận Phnom Penh và Cha Descombes, Linh Mục Tổng Đại Diện của Giáo Phận.

Cuộc tiếp đón diễn ra thật đơn sơ nhưng đượm đầy ý nghĩa. Từ phi trường, đoàn truyền giáo Thái Lan được đưa thẳng về Tòa Giám Mục Phnom Penh. Tại đây, các vị truyền giáo bàn thảo với Đức Cha Ramousse, xem phải hoạt động và làm việc như thế nào cho Giáo Hội Công Giáo tại Căm-Bốt.

Phát biểu trong dịp này, Đức Cha Ramousse nói:

- Biến cố này không những ghi dấu một trang mới trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Thái Lan, nhưng còn đánh dấu một bước tiến đầy hy vọng của Giáo Hội Công Giáo Căm-Bốt: bắt đầu hồi sinh sau gần 20 năm bị bách hại cách khốc liệt!

... ”Đp thay trên đi núi bưc chân người loan báo Tin Mừng, công bố Bình An, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cu độ và nói với Sion rằng: ”THIÊN CHÚA ngươi là Vua hiển trị”. Kìa nghe chăng quân canh gác ca ngươi cùng cất tiếng reo hò vang dậy; họ sẽ được thấy tận mắt Đc Chúa đang trở về Sion. Hỡi Giêrusalem điêu tàn hoang phế, hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì Đức Chúa an ủi dân Người, và cứu chuộc Giêrusalem. Trước mặt muôn dân, Đc Chúa đã vung cánh tay thần thánh của Ngưi: ơn cu độ của THIÊN CHÚA chúng ta, người bốn bể rồi ra nhìn thấy” (Isaia 52,7-10).

(”Missions Etrangères de Paris”, n.286, Février/1994, trang 47-49)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.