... Tôi là thanh nữ bước vào tuổi 21. Điều tôi tìm kiếm, không phải ước muốn trở thành
người lớn, cũng không phải trở thành người quan trọng, học hành giỏi giang và sau
đó có việc làm tốt. Không, không phải các thứ vừa liệt kê. Điều tôi muốn chính là
mỗi ngày trở nên bé nhỏ hơn trước mặt THIÊN CHÚA. Cách đây một năm, tôi là thanh nữ
đáng thương, cằn cỗi và già nua trước tuổi. Nhưng từ khi tôi gặp Chúa, tất cả biến
đổi và hồi sinh.
Tôi là kẻ không may mắn. Tôi sinh ra trong gia đình thiếu
vắng tình yêu. Chúng tôi có ba chị em gái. Chị cả tên Nathalie, đến tôi, Anne-Marie,
và em Virginie. Ngay từ tuổi nhỏ, tôi vô phúc chứng kiến cảnh mẹ tôi ngoại tình, lường
gạt cha tôi. Và cha tôi ngoại tình, phản bội mẹ tôi. Hai ông bà cắn xé nhau liên miên.
Chỉ có ba chị em chúng tôi đứng giữa là nạn nhân vô tội. Chưa hết, cuộc đụng độ của
cha mẹ lại kéo theo cuộc cãi cọ của ông bà ngoại với ông bà nội. Bên nào cũng bênh
vực con mình và muốn con mình có lý!
Chính trong khung cảnh gia đình buồn
thương ấy mà tôi lớn lên. Tôi lớn lên không ai chú ý, chăm sóc và thương yêu. Không
có tình thương của cha, cũng chả có tình yêu của mẹ. Và rồi, chuyện phải đến đã đến.
Ba chị em chúng tôi trở thành những đứa con gái ”mất nết, hư thân”! Đứa nào cũng có
bạn trai và chung sống với bạn trai. Năm ấy tôi 14 tuổi. Nhưng nhìn tôi, ai cũng cho
tôi là thanh nữ tuổi từ 18 đến 20! Cuộc sống tính dục vô luân lý, vô trật tự, giết
chết tuổi thơ trong trắng và khuôn mặt tươi trẻ của tôi.
Nếp sống hư đốn kéo
dài mãi đến năm tôi 19 tuổi. Một biến cố quan trọng xảy ra. Tôi tình cờ làm quen với
”Nhóm Cầu Nguyện”. Họ thường xuyên gặp gỡ chia sẻ Lời Chúa và cầu nguyện. Một ngày,
”Nhóm Cầu Nguyện” tổ chức buổi gặp gỡ tại nhà tôi. Và một thiếu nữ 16 tuổi, vừa mới
trở về với Chúa, đến nói chuyện với tôi về Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Lời nói và thái độ
của cô thiếu nữ làm tôi hết sức ngạc nhiên. Tôi tự nhủ:
- Hãy xem kìa, một
thiếu nữ 16 tuổi can đảm công khai nói về Chúa với người khác và chia sẻ Đức Tin cho
người khác!
Tôi không nhớ rõ chuyện gì xảy ra nơi nội tâm, chỉ biết một điều:
tôi thật sự chấp nhận Đức Chúa GIÊSU KITÔ là Đấng Cứu Chuộc cho riêng chính tôi.
Thú thật, tôi không hiểu rõ ý nghĩa ”Đấng Cứu Chuộc cho riêng chính mình”, nhưng tôi
cảm nhận rõ ràng cuộc đời tôi hoàn toàn biến đổi. Từ ngày đó, tôi bắt đầu công khai
nói về Đức Chúa GIÊSU KITÔ với các bạn trong lớp. Cùng với cô bạn trẻ 16 tuổi, chúng
tôi thành lập ”Nhóm Cầu Nguyện” dành riêng cho người trẻ. Chúng tôi tụ họp một tuần
một lần để ngợi khen chúc tụng THIÊN CHÚA.
Sau cuộc gặp gỡ với Đức Chúa GIÊSU
KITÔ Cứu Thế, tôi chuyển qua tỉnh khác. Nơi đây tôi may mắn gặp một vị Linh Mục. Ngài
tận tình hướng dẫn chỉ bảo tôi. Tôi bắt đầu lãnh Bí Tích Giải Tội và đến nhà thờ tham
dự Thánh Lễ, rước Mình Thánh Chúa. Từ đó tôi lặn ngụp trong biển Tình Yêu THIÊN CHÚA
và tình người. Tôi nhận được tình huynh đệ từ những người cùng chung Đức Tin Kitô.
Lòng tôi tràn ngập niềm vui và niềm an bình.
Tôi - thiếu nữ từng va chạm quá
sớm với đời - tưởng chừng như không bao giờ còn cơ may hưởng nếm tình yêu trong sạch
và chân thật nữa, vậy mà giờ đây, tôi tươi cười chờ đón tương lai rộng mở trước mắt.
THIÊN CHÚA ban cho tôi Đức Tin, niềm an bình và tình yêu thương. Đôi lúc tôi tưởng
chừng như lòng tôi quá bé nhỏ, không thể chứa hết Tình Yêu dạt dào THIÊN CHÚA tuôn
đổ vào đó.
Câu chuyện cuộc đời tôi giống như câu chuyện một quả tim thật lớn,
hằng khao khát tìm kiếm tình yêu, mãi cho đến ngày nó gặp được TÌNH YÊU. Tình Yêu
này viết hoa, tức là Tình Yêu của chính THIÊN CHÚA, Đấng là nguồn mạch mọi Tình Yêu,
trên đời và dưới đất.
Chứng từ của cô Anne-Marie, người Pháp.
... ”Lạy Chúa là THIÊN CHÚA con thờ, con hết lòng cảm tạ. Thánh danh Ngài, con mãi
tôn vinh, vì tình Chúa thương con như trời như biển.
Ngài đã kéo con ra khỏi vực thẳm âm ty .. Ngài là THIÊN CHÚA nhân hậu từ bi.
Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín. Xin đoái
nhìn và xót thương con, ban sức mạnh của Ngài và xuống
ơn cứu độ cho tôi tớ Ngài đây, con của nữ tỳ Ngài”
(Thánh Vịnh 86, 12-13,15-16).
(Marie-Michel et Daniel-Ange, ”Ce Jésus que
tu cherches”, Le Sarment Fayard, 1992, trang 66-72)