2007-10-10 11:40:27

Các cuộc chiến của thập tự quân là sự tự vệ hợp pháp của thế giới Kitô Âu châu chống lại mưu đồ xâm lăng của đế quốc hồi


Phỏng vấn nhà báo Arrigo Petacco về cuộc chiến đấu chống lại đế quốc hồi giáo thời Trung Cổ

Cách đây một năm - 2006 - trong chuyến viếng thăm đại học Regensburg, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đọc một bài diễn văn đề cập đến tương quan giữa lý trí và lòng tin. Trong diễn văn Đức Thánh Cha đã trích một câu nói trong cuộc đối thoại của vua Emmanuel II Paleologo với một vị lãnh đạo hồi giáo. Nhưng câu trích đó đã bị các phương tiện truyền thông bóp méo, khiến cho thế giới hồi giáo ùn ùn phản ứng với các hành động bạo lực đốt hình Đức Giáo Hoàng, bài bác Kitô giáo, tấn công các Kitô hữu và tòa đại sứ nhiều nước Tây âu. Mặc dù chưa đọc văn bản chính và hiểu rõ bối cảnh của bài diễn văn, cả các vị lãnh đạo Hồi giáo cũng đưa ra các lời tuyên bố tiêu cực, khiến cho người ta có cảm tưởng lần này chắc chắn sẽ xảy ra xung khắc giữa Hồi giáo và Kitô giáo. Có người nói đến cuộc đụng độ giữa các nền văn minh. Tuy nhiên, sau đó nhờ nỗ lực gặp gỡ và giải thích, tình hình đã lắng dịu, và giúp nhận ra các tình trạng thiếu hiểu biết và các phản ứng bồng bột theo cảm tính và bị lèo lái của thế giới hồi giáo.

Trong những ngày vừa qua nhà báo Arrigo Petacco đã cho xuất bản cuốn sách tựa đề ”Cuộc thập tự chiến cuối cùng. Khi các người hồi của đế quốc Ottoman tới trước ngưỡng cửa Âu châu”. Nhà báo Petacco chuyên nghiên cứu các vấn đề lịch sử. Cuốn sách đúc kết các nghiên cứu của ông Petacco về sự gặp gỡ giữa Kitô giáo và Hồi giáo tại chính Regensburg, là thành phố nơi Đức Thánh Cha đã đọc bài diễn văn nói trên.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của nhà báo Arrigo Petacco về nội dung cuốn sách này.

Hỏi: Thưa ông Petacco, đâu đã là lý do khiến ông nghiên cứu vấn đề này?

Đáp: Vụ diễn văn tại Regensburg của Đức Thánh Cha và các phản ứng của thế giới hồi giáo nói trên khiến cho tôi tò mò muốn biết điều gì đã thực sự xảy ra. Và thế là tôi bắt đầu lục lọi tìm tòi các tài liệu. Và kết qủa là Regensburg đã là nơi biểu tượng cho các gặp gỡ giữa Hồi giáo và Kitô giáo. Hồi giáo và Kitô giáo đã giao thoa nhau tại Regensburg, nhiều thế kỷ trước cuộc viếng thăm và bài diễn văn Đức Thánh Cha đọc cách đây một năm, gây ra làn sóng phản đối không thích đáng. Chính Regensburg đã là thành phố biểu tượng cho toan tính vĩnh viễn xâm lăng Âu châu từ phía Hồi giáo.

Hỏi: Ông có biết câu nói của vua Emmanuel II Paleologo mà Đức Thánh Cha Biển Đc XVI đã trích lại trong bài diễn văn của ngài tại Regensburg hay không?

Đáp: Không, tôi đã không hề biết tới câu nói đó của vua Emmanuel II. Chỉ sau này khi tìm hiểu vấn đề tôi mới biết rằng Emmanuel II là hoàng đế bizantin, và là người đã nhiều lần kêu gọi Giáo Hội Latinh trợ giúp chống lại sự đe dọa của Hồi giáo. Nhưng rất tiếc là Roma đã không đáp trả lại lời kêu cứu đó, và sau cùng Giáo hội của Bisanzio bị Hồi giáo nuốt trửng.

Hỏi: Tựa đề cuốn sách của ông nhắc tới cuộc chiến cuối cùng của thập tự quân, xảy ra dưới chân thành Vienne bị vây hãm. Từ ”thập tự chiến” xem ra vẫn còn thời sự, vì các người hồi qúa khích thường xuyên nhắc tới nó trong các diễn văn của họ, ông nghĩ sao?

Đáp: Người ta tiếp tục cái hùng biện đồng hóa ”các người tham gia thập tự chiến” và ”người do thái” với kẻ gian ác, kẻ thù. Nhưng trong cuốn sách của tôi, tôi muốn cống hiến cho mọi người một chìa khóa đọc hiểu mới. Từ ít lâu nay, các sử gia của chúng ta nhân danh điều mà họ gọi là ”đúng đắn trên bình diện chính trị” - nhưng thật ra là nói dối để được yên thân với tất cả mọi người - các nhà chính trị ấy phổ biến luận thuyết cho rằng các cuộc thập tự chiến chỉ là sự tấn công hèn hạ của các Kitô hữu gian ác chống lại dân hồi giáo hiếu hòa. Nhưng sự thật lại trái ngược: các cuộc chiến của thập tự quân là phản ứng tự vệ hợp pháp do Giáo Hội gợi hứng, khi Hồi giáo sắp sửa nuốt trửng toàn Âu châu. Rất tiếc là người ta thường quên hay không biết rằng vào năm 1095 khi Đức Giáo Hoàng Urbano II công bố cuộc thập tự chiến đầu tiên, thì khi đó người hồi giáo đã tiến tới thành phố Poitiers bên Pháp rồi, tức một vài thế kỷ trước khi hồi giáo chiếm Tây Ban Nha, tràn ngập đảo Sicilia, và tiến quân cho tới Calabria, miền nam Italia. Chỉ một thế kỷ trước đó, đã có một đạo binh hồi đi ngược dòng sông Tevere và tràn vào tàn phá đền thờ thánh Phêrô. Vì thế Đức Giáo Hoàng Urbano II hiểu rằng đã đến lúc phải làm một cái gì để ngăn chận sức bành trướng và xâm lăng đó của Hồi giáo, nếu không thì Âu châu Kitô sẽ tàn lụi. Các cuộc chiến của thập tự quân đã là thánh chiến, nhưng đã được hướng dẫn để đẩy lui một cuộc thánh chiến khác là ”jihad” mà người hồi đã bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước.

Hỏi: Thế còn chuyện của Regensburg thì sao thưa ông?

Đáp: Trước hết Regensburg đã là thành phố có Hội nghị của đế quốc Roma. Thế rồi, điều quan trọng nhất đó là Regensburg đã là điểm xâm nhập xa nhất mà quân binh của sultan hồi giáo đã đạt được trong mưu toan xâm lăng toàn Âu châu. Khi thành phố Vienne bị bao vây lần thứ hai vào năm 1683, các đạo quân hồi đã tiến chiếm xa hơn về mạn bắc cho tới Regensburg. Chính biến cố này đã trao ban ý nghĩa quan trọng cho Regensburg.

Hỏi: Khi đó Kitô giáo, tuy bị chia rẽ vì nạn ly giáo do phong trào Tin Lành gây ra, đã biết hiệp nhất với nhau để chống lại sự đe dọa của đế quốc hồi, có đúng thế không thưa ông?

Đáp: Vâng, đúng thế, hồi đó Âu châu đã biết tỏ ra hiệp nhất. Ngày nay rất tiếc các nước Tây Âu xem ra không có khả năng hiệp nhất với nhau nữa. Ngày xưa tuy Kitô giáo bị chia rẽ nội bộ, nhưng khi bị đế quốc hồi đe dọa, Đức Giáo Hoàng đã thành công trong việc quy tụ các Kitô hữu lại với nhau. Chỉ trừ nước Pháp ra, vì hồi đó vua Francois I đã có nhiều liên lạc với Hồi giáo đến độ ký thỏa hiệp liên minh với sultan hồi. Và người ta gọi đó là ”liên minh gian ác” của một vua công giáo với sutan hồi. Nhưng các nước Kitô khác, kể cả Anh quốc, đã siết chặt hàng ngũ với nhau trong cùng một niềm tin Kitô chung để chống lại cuộc xâm lăng của đế quốc hồi.

Hỏi: Trong sách ông cũng dành nhiều chỗ cho một biến cố đnh đoạt khác nữa diễn tả sự đng độ giữa Hồi giáo và Tây Âu: đó là trận thủy chiến tại Lepanto. Đây là biến cố đến nay vẫn còn được nhắc tới với mầu sắc hùng biện nền tảng nào đó.

Đáp: Đối với đế quốc hồi thời đó: trận đánh tại Lepanto đã là một nước cờ định đoạt. Hồi đó đế quốc Ottoman bành trướng mạnh mẽ và quân của người hồi tiến đánh khắp nơi. Nhưng đế quốc Ottoman đã thua trận nặng nề tại Lepanto, và phải khước từ giấc mộng hái ”trái táo đỏ”, là Roma và đền thờ thánh Phêrô, như được miêu tả trong trí tưởng tượng tập thể của người hồi. Thật thế, nếu Hồi giáo đã thắng trận chiến đó, thì lịch sử Âu châu đã rẽ sang một lối khác rồi. Và phụ nữ toàn Âu châu đã phải đội khăn trùm đầu như phụ nữ Hồi ngày nay.

Hỏi: Thế còn trận bao vây thành Vienne thì sao thưa ông?

Đáp: Tình hình hồi đó cũng nguy kịch lắm, nhưng các đạo quân hồi đã bị đẩy lui. Nói cho cùng, tất cả là nhờ gương mặt của linh mục Marco d'Aviano. Cha Marco d'Aviano đã là một nhà giảng thuyết tuyệt vời. Tuy trong các bài giảng, ngài trộn lẫn cả ba thứ tiếng Đức, Ý và Latinh, nhưng ngài đã thành công trong việc làm cho Kitô hữu hiểu được mình. Và cha đã là linh hồn của cuộc chiến cuối cùng của thập tự quân, và nắm giữ vai trò quan trọng ngang với vai trò của tu sĩ Phêro ẩn tu trong cuộc chiến thứ nhất của thập tự quân.

Người hồi gọi cha Marco d'Aviano là ”người với miếng gỗ trong tay”, nghĩa là với thánh giá Chúa bằng gỗ, vì khi rao giảng và đi đâu cha cũng cầm cây thánh giá Chúa bằng gỗ. Cha Marco d'Aviano đã là một nhân vật truyền kỳ trong thế giới hồi giáo và rất được người hồi khâm phục, trong khi tại Tây Âu ngài đã bị lãng quên trong bao nhiều thế kỷ qua. Lạ một điều là người ta đã chỉ nhớ tới cha cách đây ít năm thôi. Thế là ngày nay đứng trước sự đe dọa của Hồi giáo tái xuất hiện, thế giới Tây Âu đã lại khám phá ra người chiến sĩ xa xưa của mình.
 
(Avvenire 1-10-2007)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.