2007-10-08 11:20:48

Đại hội liên tôn Napoli


Phòng vấn ông Andrea Riccardi về đại hội liên tôn thường niên do cộng đoàn thánh Egidio tổ chức tại Napoli, nam Italia, trong các ngày 21-23 tháng 10.

Trong các ngày từ 21 đến 23 tháng 10 tới đây, cộng đoàn thánh Egidio và Tổng giáo phận Napoli, nam Italia, sẽ triệu tập hội nghị quốc tế liên tôn về đề tài ”Cho một thế giới không bạo lực: đối thoại giữa các tôn giáo và nền văn hóa”.

Kể từ khi Đức Gioan Phaolô II triệu tập cuộc gặp gỡ giữa các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới để cầu nguyện cho hòa bình tại Assisi, hằng năm cộng đoàn thánh Edigio tiếp tục tinh thần Assisi bằng cách tổ chức hội nghị quốc tế liên tôn trong cùng ý hướng đó. Trong số các nhân vật tham dự lần này có hàng lãnh đạo của các Giáo Hội Kitô, Do thái, Hồi giáo và các tôn giáo lớn Á châu, cũng như nhiều nhân vật dân sự thế giới. Đại diện cho thế giới do thái có rabbi trưởng Israel Metzger, rabbi trưởng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, các rabbi Italia Di Segni và Gattegna. Từ thế giới hồi giáo có ông Ayyeb, viện trưởng đại học Alhazar, ông Ezzeddin, đại Mufti Istanbul, một đại diện của các nước A rập Emirat thống nhất.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn giáo sư Andrea Riccardi, người sáng lập cộng đoàn thánh Egidio, về biến cố quan trọng này.

Hỏi: Thưa giáo sư Riccardi, sau hội nghị đại kết giữa các Giáo Hội Kitô nhóm tại Sibiu bên Rumani hồi đầu tháng 9 vừa qua, đại hội Napoli lập lại hội nghị Sibiu hay sao?

Đáp: Hai cuộc găp gỡ khác nhau. Nhưng đại hội tại Napoli sẽ là một cuộc gặp gỡ giữa các người và các tôn giáo có chiều kích đại kết lớn hơn. Chúng ta không được quên rằng cùng với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ có Đức Thượng Phụ Bartolomaios I Giáo Chủ Constantinopoli, và là Giáo Chủ danh dự chung của Chính Thống Giáo toàn thế giới, Đức Thượng Phụ Aram I, Giáo Chủ Giáo Hội Chính Thống Armeni, Đức Thượng Phụ Paulos của Giáo Hội Chính Thống Etiopia, Đức Tổng Giám Mục Kirill, đại diện cho Đức Giáo Chủ Alexix II Thượng Phụ Chính Thống Matscơva, Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos của Giáo Hội Chính Thống đảo Chrypre, Đức Tổng Giám Mục Rowan Williams, Giáo Chủ Anh Giáo, và nhiều vị lãnh đạo khác của thế giới Tin Lành. Tự nó, việc quy tụ gặp gỡ nhau giữa hàng lãnh đạo các Giáo Hội Kitô đã là một dấu chỉ quan trọng.

Hỏi: Có thể nói nó cũng thuộc sứ điệp của đại hội Napoli có phải thế không thưa giáo sư?

Đáp: Chắc chắn rồi. Với sự hiện của đông đảo của các vị lãnh đạo các tôn giáo như thế, cuộc gặp gỡ này là một sứ điệp đại kết mạnh mẽ. Trong đại hội này ở Napoli, chúng tôi sẽ suy tư về đề tài ”Cho một thế giới không bạo lực”. Các Kitô hữu phải là những người đầu tiên nêu gương sáng sống không bạo lực. Còn hơn thế nữa, như là các chứng nhân của Chúa Kitô phục sinh, chúng ta phải phụng sự hòa bình và sự chung sống hòa bình giữa các dân tộc. Nhưng làm sao chúng ta có thể làm được điều đó, nếu chúng ta vẫn còn chia rẽ nhau? Vì thế trong cuộc gặp gỡ vào cuối tháng 10 này Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Đức Tổng Giám Mục Williams và các vị lãnh đạo Kitô khác sẽ làm chứng cho ý chí tiến tới gần nhau hơn.

Hỏi: Có một vài quan sát viên ghi nhận ý nghĩa sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục Kirill, đại diện cho Tòa Thượng Phụ Matscơva trong đại hội, giáo sư nghĩ sao?

Đáp: Đây không phải là lần đầu tiên Đức Tổng Giám Mục Kirill tham dự các cuộc hội họp của chúng tôi, nhưng tôi đồng ý với nhận xét sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục trong giai đoạn này của cuộc đối thoại đại kết là một sự kiện rất tích cực. Nếu chúng ta nhìn vào các tiến trình sâu xa, thì chúng ta nhận ra ngay là trong vài năm qua, đã có một thứ ngôn ngữ khác giữa Roma và Matscơva, một sự chú ý mới mẻ đối với nhau. Giờ đây Giáo Hội Nga đã nối lại tương quan với các cộng đoàn ở hải ngoại. Đây đã là một giai đoạn quan trọng và khó khăn, nhưng sau cùng nó cho phép Giáo Hội Chính Thống Nga chú ý tới tương quan với Giáo Hội Công Giáo với niềm hăng say mới.

Hỏi: Các cuộc gặp gỡ ”Con người và tôn giáo” cũng có chiều kích đối thoại liên tôn. Có phải mùa đại kết mới cũng có các ảnh hưởng tích cực đối với cuộc đối thoại liên tôn không, thưa giáo sư?

Đáp: Vâng, tôi xác tín như thế. Ba ngày tiếp xúc với các vị lãnh đạo của các tôn giáo khác nhau như thế, khiến cho các Kitô hữu chúng ta phải tự hỏi cái gì nối kết chúng ta và cái gì còn chia rẽ chúng ta. Nhưng nhất là nó cho phép chúng ta cùng nhau loan báo điều hiển nhiên trong Tin Mừng: đó là nạn bạo lực lan tràn sâu rộng ngày nay trước hết chỉ có thể được chữa lành trong con tim và trong lòng tin mà thôi.
 
Hỏi: Nói thế nhưng nếu nhìn chung quanh, người ta có cảm tưởng là một vài tôn giáo bị sử dụng đ đốt lửa bạo lực hơn là tạo dựng hòa bình, giáo sư có nhận thấy thế không?

Đáp: Thật ra tôn giáo có thể là dầu xăng khiến cho ngọn lửa bạo lực bùng cháy trên thế giới, hay nó cũng có thể là nước dập tắt ngon lửa đó. Chính vì thế Đức Gioan Phaolo II và Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhiều lần tố cáo việc sử dụng tôn giáo để khích động bạo lực. Gắn liền tôn giáo với bạo lực không chỉ là điều không tự nhiên, mà còn là một việc phạm thượng nữa. Theo thiển ý của tôi, chúng ta không được nhượng bộ viễn tượng xung đột giữa các nền văn hóa, là điều cổ xưa như trái đất. Tôi nhớ là hồi năm 1936 các tín hữu công giáo Pháp đã tụ tập tại Versailles để tham dự tuần lễ xã hội và đã thảo luận về đề tài này. Đức Giáo Hoàng Pio XI đã gửi cho đại hội một sứ điệp rất là hay, trong đó Đức Giáo Hoàng viết rằng Kitô giáo phải là một tác nhân phục vụ sự chung sống giữa các dân tộc và các tôn giáo khác nhau. Đây là bài học mà ngày nay chúng ta cũng phải luôn ghi nhớ.

Hỏi: Nhưng bài học này có thực sự lôi kéo sự chú ý của thế giới hồi giáo hay không, thưa giáo sư?

Đáp: Nếu dựa trên danh sách những vị thuộc thế giới hồi giáo tham dự hội nghị tôi, tin là có. Sau biến cố khủng bố tại Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9 năm 2001, người ta chứng kiến sự gia tăng yêu cầu gặp gỡ từ phía thế giới hồi giáo. Một cuộc gặp gỡ trở thành hình ảnh: người này ngồi cạnh người kia, chứ không chống đối nhau nữa. Bên cạnh khuynh hướng cực đoan qúa khích và triệt để trong thế giới hồi giáo mà chúng ta không được khinh thường, tôi nhận thấy có nỗ lực tìm kiếm gặp gỡ từ phía các môi trường dân sự cũng như môi trường tôn giáo hồi. Họ cảm thấy rằng bạo lực và khủng bố cho thế giới thấy một gương mặt không thật của Hồi giáo.

Hỏi: Cách đây ít hôm Đức Thánh Cha Biển Đc XVI đã đưa ra các tuyên bố quan trọng liên quan tới phong trào khủng bố và tự do tôn giáo, giáo sư nghĩ sao?

Đáp: Diễn văn Đức Thánh Cha đọc trong buổi tiếp kiến các tham dự viên đại hội quốc tế của phong trào dân chủ Kitô giáo đã đề cập đến các điểm quan trọng định đoạt. Tôi nhớ là hồi năm 1989, do ý muốn của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, đại hội của phong trào đã được triệu tập tại Varsava, thủ đô BaLan. Hồi đó một vị lãnh đạo hồi đã thổ lộ với tôi rằng: ”Người ta đã nói với tôi rằng Âu châu bây giờ hết là Âu châu Kitô rồi. Nhưng hãy xem có biết bao nhiêu người tham dự tại đây”. Đây là điều tôi cũng hy vọng cho hội nghị tại Napoli sắp tới. Âu châu có một gương mặt Kitô và đó là một gương mặt nhân bản yêu chuộng hòa bình. Đó là gương mặt mà chúng tôi muốn cho các người đối tác với chúng tôi trông thấy, một gương mặt của sự đối thoại.
 
Hỏi: Nhưng mà đối thoại là gì thưa giáo sư?

Đáp: Theo tôi, đối thoại không là gì khác hơn là học chung sống với nhau. Đây cũng là tinh thần của cuộc gặp gỡ liên tôn tại Assisi. Tại thành phố của thánh Phanxicô thành Assisi, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã không đọc bài diễn văn lớn nào, cũng đã không có các thỏa thuận nào. Nhưng mọi người đã chỉ ở bên cạnh nhau trong thái độ tôn giáo và thân hữu: các vị lãnh đạo tôn giáo đối thoại với nhau và ở bên cạnh nhau và cho thấy là có thể chung sống hòa bình với nhau.
 
Hỏi: Đối thoại là điều tốt rồi, nhưng còn việc tôn trọng các quyền con người thì sao thưa giáo sư Riccardi?

Đáp: Chúng là hai mặt của cùng một mề đai. Để sống với người khác, cần phải tôn trọng các quyền của họ, bắt đầu từ quyền tự do tôn giáo, bao gồm cả quyền thay đổi tôn giáo, theo một tôn giáo khác. Tôi xác tín rằng sự kiện các Kitô hữu biến mất khỏi thế giới hồi giáo, sẽ khiến cho môi trường hồi giáo nghèo nàn đi và bị xâu xé từ bên trong. Việc loại trừ người khác trở thành sự kết án đối với kẻ loại trừ. Đây là bài học lớn mà chúng ta đã học được từ lịch sử của thế kỷ 20.

Hỏi: Thưa giáo sư, ngưi ta mong đợi gì từ hội nghị Napoli này?

Đáp: Dĩ nhiên, hội nghị Napoli không thể giải quyết được các vấn đề của thế giới, nhưng nó giúp nhắn gửi toàn thế giới một sứ điệp quan trọng, nhờ sự hiện diện không phải chỉ của các tín hữu Kitô và hồi giáo, mà cũng nhờ sự hiện diện của các tín hữu do thái và các vị lãnh đạo của các tôn giáo lớn Á châu nữa. Sự kiện Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng đến tham dự hội nghị sẽ giúp chúng tôi chú ý tới vài điểm quan trọng. Thật vậy trong nhiều diễn văn của người, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhấn mạnh rằng lý trí là môi trường phì nhiêu cho cuộc đối thoại. Vì thế ngoài lãnh vực đại kết ra, chúng tôi cũng chờ đợi nơi Đức Thánh Cha phần đóng góp cuối cùng này trong nghĩa trên đây.

Sau cùng tôi muốn nêu bật lòng hăng say của dân chúng thành phố Napoli đang chuẩn bị để tiếp đón chúng tôi. Napoli cần đến niềm hy vọng, trong những ngày này Napoli sẽ trở thành một trung tâm hy vọng lớn hơn. Ước chi người của các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau khi đối thoại với nhau, tìm thấy một con đường của hòa bình.

(Avvenire 23-9-2007)

Linh Tiến Khải Linh







All the contents on this site are copyrighted ©.