2007-09-19 20:11:22

Mỗi người đều có trách nhiệm đối với ơn cứu rỗi của các anh chị em khác.


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trước hơn 20.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu, trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giới thiệu ngương mặt một thánh Giáo Phụ khác là thánh Gioan Kim Khẩu. Ngài nói: Anh chị em thân mến, năm nay là kỷ niệm 16 thế kỷ thánh Gioan Kim Khẩu qua đời (407-2007). Gioan thành Antiokia, gọi là Chrisostomo, có nghĩa là Kim Khẩu, miệng vàng vì tài hùng biện của người. Có thể nói ngày nay người vẫn còn sống, vì các tác phẩm của người. Một ký lục vô danh đã viết rằng ”các tác phẩm đó đi ngang qua toàn trái đất như các lằn chớp”. Các bút tích của người cho phép cả chúng ta là tín hữu ngay nay - cũng như các tín hữu thời thánh nhân bị mất người vì các thời gian người bị đầy ải - sống với các tác phẩm đó, mặc dù vắng bóng thánh nhân. Chính người đã nói lên đều này trong một bức thư viết từ nơi đầy ải (x. A Olimpiade, Lettera 8,45).

Thánh Gioan Kim Khẩu sinh năm 349 tại Antiokia bên Siri, ngày nay là Antakya ở mạn nam Thổ Nhĩ Kỳ. Người thi hành chức linh mục trong khoảng 11 năm cho tới năm 397, khi được chỉ định làm Giám Mục thành Constantinopoli, và thi hành chức vụ chủ chăn trước khi bị đi đầy hai lần vào các năm 403 và 407.

Mồ côi cha từ nhỏ Gioan sống với mẹ, là bà Antusa, người đã thông truyền cho con tính nhậy cảm nhân bản và lòng tin kitô sâu xa. Gioan học hết các chương trình đào tạo, kết thúc với triết lý và hùng biện, và có thầy là ông Libanio nhà hùng biện người ngoại giáo nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Trong trường Gioan trở thành người hùng biện lớn nhất của thời hy lạp cổ. Được rửa tội năm 368 Gioan được Đức Giám Mục Melezio hướng dẫn và truyền chức đọc sách cho năm 371. Trong các năm từ 367 đến 372 cùng với một nhóm người trẻ khác Gioan theo học tại Asceterio, một loại chủng viện ở Antiokia. Một vài người sau đó đã trở thành Giám Mục dưới sự hướng dẫn của nhà chú giải kinh thánh nổi tiếng là Diodoro thành Tarso, là người hướng Gioan tới khoa chú giải lịch sử - văn chương, là đặc thái của truyền thống Antiokia.

Thế rồi trong 4 năm Gioan rút lui vào sống giữa các ẩn sĩ gần núi Silpio, và sống thêm 2 năm nữa một mình trong một cái hang, dưới sự hướng dẫn của một ”tu sĩ cao niên”. Trong thời gian này người dành trọn thời gian để suy niệm ”các luật lệ của Chúa Kitô”, các Phúc Âm và nhất là các thư của thánh Phaolo. Bị bệnh và không thể tự chữa lành được, người bị bó buộc trở về với cộng đoàn Antiokia. Chúa để cho người bị bệnh để thánh nhân có thể theo đuổi ơn gọi đích thật của mình. Sau này chính người cho biết là người thích chọn cuộc sống mục vụ hơn là cuộc sống ẩn tu (x. Sul sacerdozio, 6,7), vì cảm thấy được kêu gọi theo con đường này. Thế là Gioan trở thành chủ chăn các linh hồn toàn thời. Sự thân tình với Lời Chúa được vun trồng trong những năm sống đời ẩn tu, đã làm chín mùi sự cấp bách rao giảng Tin Mừng, và trao ban cho người khác những gì thánh nhân đã nhận được trong những năm dài sống đời suy niệm. Lý tưởng truyền giáo khiến cho tâm hồn người bừng cháy lửa tông đồ mục vụ.

Giữa các năm 378-379 Gioan trở về thành phố. Năm 381 người lãnh chức Phó Tế và năm 386 thụ phong Linh Mục rồi trở thành vị giảng thuyết nối tiếng trong thành phố. Người giảng chống lại bè phái Ariano, rồi giảng về các cuộc tưởng niệm các vị tử đạo Antiokia, cũng như các ngày lễ chính của phụng vụ. Đây là các giáo huấn lớn về lòng tin nơi Chúa Kitô dưới ánh sáng cuộc đời các thánh. Năm 387 dân chúng nổi loạn đập phá các tượng của hoàng đế để phản đối cảnh sưu cao thế nặng. Trong các ngày mùa Chay năm và âu lo của năm đó vì các trừng phạt nặng nề của hoàng đế, thánh nhân giảng 22 bài giảng về các tượng ảnh, nhằm giúp mọi người sám hối và hoán cải. Tiếp đến là thời gian 10 năm an bình (387-397).

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: thánh Kim Khẩu là một trong các Giáo Phụ đã để lại nhiều bút tích nhất: 17 khảo luận, hơn 700 bài giảng, các chú giải Phúc Âm thánh Mátthêu và và các thư thánh Phaolo gửi tín hữu Roma, Corinto, Ephexô và Do thái, cũng như 241 bức thư. Người không phải là một thần học gia chuyên biệt. Nhưng giáo lý truyền thống và chắc chắn của người về Giáo Hội trong một thời đại có nhiều tranh luận thần học, do bè phái Ariano dấy lên, vì bè phái này chối bỏ thiên tính của Chúa Kitô cho thấy người là chứng nhân đáng tin cậy của sự phát triển tín lý mà Giáo Hội đạt được trong hai thế kỷ IV-V. Thần học của người là thần học mục vụ, chú ý tới sự trung thực giữa tư tưởng và thực hành. Đó là sợi chỉ dẫn đường trong giáo lý chuẩn bị các tân tòng lãnh nhận bí tích Rửa tội. Khi gần qua đời thánh nhân viết ” gía trị của con người là ở chỗ hiểu biết sự thật và sự ngay thẳng trong cuộc sống (Lettera dall'esilio). Mọi giáo huấn của thánh nhân nhằm giúp tín hữu phát triển lý trí, hiểu biết và thực thi các đòi buộc luân lý và tinh thần của lòng tin.

Đề cập đến ý hướng các giáo huấn của thánh Gioan Kim Khẩu Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Với các bút tích của mình Thánh Gioan Kim Khẩu lo đồng hành với việc phát triển con người toàn diện, trong các chiều kích vật lý, trí thức và tôn giáo. Các giai đoạn khác nhau được so sánh với các biển của đại dương mênh mông: thứ nhất là biển của tuổi thơ (Omelia 81,5 sul Vangelo di Matteo). Chính trong tuổi này con người tỏ lộ khuynh hướng về tật xấu hay nhân đức. Vì thế phải in sâu lời Chúa vào trong tâm hồn trẻ em như in vào bản viết bàng sáp (Omelia 3 sul Vangelo di Giovanni): thật thế, đây là tuổi quan trọng. Cần phải làm cho các ý hướng nền tảng lớn ăn sâu vào giai đoạn đầu tiên này của cuộc sống con người... Rồi tới tuổi thanh niên, trong đó nổi lên sóng gió của sự ham muốn. Tiếp đến là thời gian đính hôn và thành lập gia đình với các bổn phận gia đình. Thánh nhân khuyên phải tiết độ trong cuộc sống hôn nhân và củng cố các tương quan liên bản vị, để tránh nạn ly dị, và duy trì bầu khi tươi vui giáo dục con cái sống đạo hạnh. Khi đứa con đầu tiên chào đời, nó là cây cầu nối liền ba bản vị lại với nhau, làm thành một gia đình, là ”Giáo Hội tại gia” (Omelia 20,6, sulla Lettera agli Efesini).

Thánh Gioan Kim Khẩu thường giảng trong các buổi cử hành phụng vụ, là nơi cộng đoàn được xây dựng với Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể. Cộng đoàn tu họp nhau làm thành Giáo Hội duy nhất (Omelia 8,7 sulla Lettera ai Romani), lời Chúa được hướng tới mọi người và sự hiệp thông trong Thánh Thể tạo ra dấu chỉ hữu hiệu của sự hiệp nhất (Omelia 32,7 sul Vangelo di Matteo. Với Phép Rửa tội tín hữu lãnh nhận nhiệm vụ tư tế, vương giả và ngôn sứ. Vì thế thánh nhân nói với các giáo dân ”Phép Rửa cũng khiến cho con trở thành vua, linh mục và ngôn sứ” (Omelia 3,5 sulla Lettera ai Corinzi). Từ đó nảy sinh sứ mệnh truyền giáo, vì trong cương vị của mình, mỗi người đều có trách nhiệm đối với người khác. Đó là ngyyên tắc của cuộc sống xã hội, chứ không phải chỉ là của chúng ta mà thôi” (Omelia 9,2 sulla Genesi). Tất cả đều xảy ra trong hai cực trong tương quan với nhau: Giáo Hội và Giáo Hội nhỏ là gia đình. Giáo huấn của thánh Gioan Kim Khẩu liên quan tới giáo dân trong gia đình và trong xã hội ngày nay vẫn còn thời sự hơn bao giờ hết. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết ngoan ngoãn đón nhận các giáo huấn của vị thầy lớn này của lòng tin.

Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và buổi tiếp đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải









All the contents on this site are copyrighted ©.