2007-09-12 16:33:01

Giáo Hội Italia cử hành ”Ngày bảo vệ thụ tạo” lần thứ hai


 Phỏng vấn Đức Ông Karl Golser, giáo sư thần học luân lý tại đại học Bressanone, kiêm chủ tịch Hiệp hội luân lý gia Italia, về ”Ngày bảo vệ thụ tạo”

Mùng 1 tháng 9 vừa qua Giáo Hội Italia đã cử hành ”Ngày bảo vệ thụ tạo” với đề tài nước: ”Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ cho các ngươi được mưa đúng mức, Người sẽ làm cho nước xuống trên các ngươi” như ngôn sứ Gioel viết trong chương 2 câu 23.

Nhân dịp này Ủy ban xã hội, lao động và công lý và hòa bình và Ủy ban đại kết đã công bố tài liệu kêu gọi các cộng đoàn địa phương cử hành ngày này trong tinh thần huynh đệ đại kết giữa tín hữu thuộc các giáo hội khác nhau. Việc cử hành ngày này nhằm đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và các khích lệ của hàng Giám Mục Italia mời gọi các giới chức lãnh đạo chính trị và nhân dân toàn nước ý thức về việc sử dụng nước.

Trong sứ điệp gửi Ngày Hòa Bình Thế Giới 2007 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ghi nhận rằng nguồn gốc của nhiều căng thẳng đang đe dọa nền hòa bình thế giới chằc chắn là các bất bình đẳng và bất công hiện hữu. Trong số các bất bình đẳng ấy có bất bình đẳng trong việc được hưởng các thiện ích nền tảng như: thực phẩm, nước uống, nhà ở và sức khỏe. Vì thế số người di cư vì môi sinh gia tăng: họ chạy trốn sa mạc lan tràn, đặc biệt tại Phi châu. Đây là một đe dọa đối với nhiều vùng rộng lớn của trái đất, kể cả Italia.

Tài liệu của các ủy ban nói trên của Hội Đồng Giám Mục Italia viết: ”Nước là một thiện ích chung của gia đình nhân loại, cần phải được quản trị một cách thích hợp để bảo đảm khả năng sống của trái đất cho các thế hệ đến sau. Vì thế cần phải dấn thân ngay lập tức, bằng cách đề ra các đường lối chính trị về nước, có khả năng chống lại các phung phí và không hữu hiệu, đồng thời thăng tiến việc sử dụng nước có trách nhiệm trong các lãnh vực khác nhau như kỹ nghệ, nông nghiệp vv... Như là thiện ích chung, nước không chỉ là một thực tại thuần túy kinh tế. Là ơn của việc tạo dựng, nó được dành để cho tất cả mọi người, vì vậy cần có luật lệ quốc tế hướng dẫn. Tình trạng sức khỏe của trái đất đang gặp nguy hiểm, cần phải bảo vệ số lượng nước trong lành khỏi bị nạn ô nhiễm đe dọa, và bảo đảm cho sự ổn định của khí hậu và mưa, cũng như làm tất cả những gì có thể để kiềm chế các thay đổi khí hậu.

Tài liệu của các Giám Mục Italia cũng nhắc cho biết hiện có gần 1 tỷ người không có nước trong lành để uống. Trong nhiều giáo phận Italia ”Ngày Bảo Vệ Nước” được cử hành với nhiều sinh hoạt khác nhau. Trong giáo phận Taranto, nam Italia, có chương trình gây ý thức quanh năm cho trẻ em trong các trường học mang tên gọi là ”Từng giọt nước một”. Tại Bergamo miền bắc, các nhà thờ được trang hoàng hoa, và trong một tháng liên tiếp có thể khám phá ra lộ trình du ngoạn trong các công viên thiên nhiên toàn vùng. Các cuộc triển lãm trong viện bảo tàng cũng chọn đề tài nước. Ngoài ra cũng có các khóa học đào tạo môi sinh, dành cho các linh mục và nhân viên mục vụ, các khóa phụng vụ đại kết, và các khóa dành cho các phong trào và hiệp hội.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Ông Karl Golser, giáo sư thần học luân lý tại đại học Bressanone, kiêm chủ tịch Hiệp hội luân lý gia Italia.

H: Thưa Đức Ông Golser, vấn đề về nước uống là vấn đề liên quan tới các vấn đề khác của cuộc sống con người có đúng thế không?

Đ: Vâng đúng thế, bởi vì nước không chỉ nhắc nhớ các vần đề môi sinh, mà cũng còn liên quan tới các lãnh vực khác như: kinh tế, hòa bình, công lý, thiện ích chung, cũng như tương quan giữa các nước giầu miền bắc bán cầu và các nước nghèo miền nam bán cầu nữa. Ngày nay hơn bao giờ hết, việc chiếm hữu được nước có tầm quan trọng nền tảng, cả trong lãnh vực thương mại nữa. Nó là một tài nguyên ngày càng hạn hẹp hơn, và hiện đang có nhiều công ty đa quốc đưa ra giả thuyết tư nhân hóa các vùng nước. Có người đề nghị phân phát không cho mỗi người 25 lít, số nước còn lại, ai dùng thì phải trả tiền. Nếu nghĩ rằng trong các vùng phát triển, mỗi người trung bình mỗi ngày dùng 250 lít nước, thì có thể hiểu được chiều kích kinh tế của vấn đề.

H: Và các hậu qủa của vấn đề nước thì như thế nào thưa Đức Ông?

Đ: Có người nói rằng giống như điều đang xảy ra với dầu lửa, các cuộc chiến trong các thập niên tới đây sẽ là chiến tranh nước. Như thế đề tài bảo vệ nước gắn liền với hòa bình, cũng như gắn liền với công bằng và tương quan giữa các dân tộc giầu và các dân tộc nghèo. Và rõ ràng là trong cả lãnh vực này nữa, sự đấu tranh sẽ xảy ra giữa các nước giầu, nơi ít nhất nước vẫn còn đủ, và các nước nghèo, nơi thiếu nước và có nạn sa mạc lan tràn. Điều này sẽ gây ra một loạt các âm hưởng, chẳng hạn như các làn sóng di cư. Những người đến gõ cửa chúng ta thường khi họ làm vì để chay trốn các vùng không còn có thể sinh sống được nữa, kể cả vì lý do thiếu nước uống.

H: Như thế tình hình có vẻ nghiêm trọng và gần giống như là một tai ương lớn, có phải thế không?

Đ: Cần phải tránh thái độ thấy tai ương khắp nơi, nhưng cũng cần phải tránh thái độ thúc thủ chịu trận. Có đúng thật là chúng ta đang đứng trước các vấn đề phức tạp, nhưng không được sợ hãi phải đương đầu với chúng và tìm cách giai quyết, vì chúng ta có các dụng cụ và phương tiện giúp giải quyết các vần đề đó.

H: Như thế, thưa Đức Ông, đâu là thái độ đúng đắn phải có, giúp đương đầu với các vấn đề này?

Đ: Như là kitô hữu, chúng ta có bổn phận làm chứng cho niềm hy vọng của chúng ta. Kinh Thánh có nhiều văn bản nói về nước. Trong cuộc găp gỡ với người đàn bà xứ Samaria, nước trở thành dấu chỉ quyền năng của ơn thánh triệt để, mà Chúa Giêsu ban cho con người trong lịch sử cứu độ. Chính Ngài là nước trường sinh làm sống dậy, thanh tẩy và canh tân cuộc sống chúng ta. Đó là lý do giải thích tại sao đề tài nước đòi hỏi chúng ta phải dấn thân, và nhất là phải có tinh thần trách nhiệm nêu gương cho tất cả mọi người.

H: Đức Ông có thể trưng dẫn một vài thí dụ điển hình không?

Đ: Người ta thường nhìn vấn đề môi sinh, hoặc theo nhãn quan của các nhà bảo vệ môi sinh thần thánh hóa trái đất trong một cách thế nào đó, hoặc theo cái luận lý của những người khai thác trái đất. Trái lại, giáo huấn xã hội của Hội Thánh nhắc cho chúng ta biết rằng không được quan niệm tương quan giữa con người với thiên nhiên như sự thống trị hay khai thác, mà phải quan niệm nó như là liên hệ. Khi chúng ta nói tới việc bảo vệ thụ tạo là chúng ta nhắc tới sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa, mà một ngày kia chúng ta phải trả lẽ trước mặt Ngài về những gì chúng ta làm. Như thế ngoài chuyện nguyên tắc ra, điều đầu tiên phải chú ý là cung cách sống của chúng ta. Các cộng đoàn giáo hội phải làm chứng một cách trung thực rằng những gì viết trong Kinh Thánh và những gì do huấn quyền của Giáo hội dậy không phải là một ảo tưởng, mà là điều có thể sống và thực hành trong cuộc sống của chúng ta.

H: Nhưng mà thưa Đức Ông, chứng tá cá nhân và cộng đoàn có đủ trước các vấn đề có chiều kích toàn cầu như vấn đề môi sinh hiện nay hay không?

Đ: Tầm quan trọng của các lãnh vực chính trị, luật pháp và các thỏa hiệp quốc tế, cũng như hoạt động của các cơ cấu và tổ chức khác nhau là điều rõ ràng rồi. Nhưng làm chứng một cách cụ thể cho các giá trị, mà chúng ta khẳng định, sẽ có một sức mạnh và áp lực lớn hơn trên các cơ cấu chính trị xã hội hữu trách. Trong nghĩa đó chính trong những ngày này các Giáo Hội đang gửi đi các tín hiệu nền tảng.

H: Các tín hiệu đó là các tín hiệu nào thưa Đức Ông?

Đ: Tôi nghĩ tới đại hội giới trẻ Italia và diễn đàn tại Loreto, với đề tài nước, cũng như hội nghị đại kết âu châu tại Sibiu, bên Rumani. Cả hai biến cố đều đã được tổ chức để nêu bật tầm quan trọng của môi sinh, lôi cuốn sự chú ý của người trẻ và có giá trị giáo dục rất lớn. Chúng ta biết người trẻ nhậy cảm đối với một số vấn đề, trong đó có vấn đề môi sinh. Biết đâu từ chính họ, lại nảy sinh ra việc thay đổi não trạng, ghi dấu một bước tiến lớn trong việc bảo vệ thụ tạo và thiên nhiên. (Avvenire 1-9-2007)

Linh Tiến Khải









All the contents on this site are copyrighted ©.