2007-09-07 18:25:52

ĐỨC THÁNH CHA BẮT ĐẦU VIẾNG THĂM NƯỚC ÁO


VIENNE. Sáng 7-9-2007, ĐTC Biển Đức 16 đã rời Roma, lên đường viếng thăm mục vụ tại Áo trong vòng 3 ngày, cho đến chiều chúa nhật 9-9-2007, nhân dịp kỷ niệm 850 năm thành lập Đền thánh Đức Mẹ Mariazell là đền thánh quốc gia của Áo.

Tiễn biệt ĐTC tại Phi trường Ciampino ở Roma có Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italia, Ông Romano Prodi, và một số chức sắc đạo đời.

Trong số hơn 8 triệu 200 ngàn dân cư hiện nay tại Áo, có gần 6 triệu tín hữu Công Giáo, tương đương với 72,7% dân số toàn quốc. Theo thống kê mới nhất, tại Áo hiện có 26 GM, hơn 4.300 LM, trong số này có 2650 linh mục giáo phận. Ngoài ra có 534 phó tế vĩnh viễn, 440 tu huynh và hơn 5 ngàn nữ tu. Bình quân tại Áo cứ 1.380 giáo dân thì có một linh mục. Trong những năm qua, Giáo Hội tại Áo đã trải qua những sóng gió, số tín hữu Công Giáo giảm sút 6% trong vòng 10 năm gần đây, và giảm 20% trong vòng 30 năm qua.

ĐTC đã tới phi trường thành phố Vienne vào lúc 11 giờ 15, dưới trời mưa tầm tã và lạnh lẽo. Mưa đã kéo dài từ vài ngày nay. Vì thế nghi thức tiếp đón được dời vào trong một nhà chứa máy bay. Tại đây đoàn quân danh dự đã chờ sẵn cùng với ban quân nhạc, và lối 100 em học sinh, đặc biệt là tổng thống Áo, Ông Heinz Fischer, cùng với ĐHY Christoph Schoenborn O.P của giáo phận Vienne, các giới chức chính quyền dân sự, và các GM.

Trong diễn văn đầu tiên sau lời chào mừng của Tổng thống Áo, ĐTC đã nhắc đến những quan hệ đặc biệt của ngài với nước Áo, và nhấn mạnh lý do cuộc viếng thăm của ngài lần này là dịp kỷ niệm 850 thành lập Đền thánh Mariazell. Ngài vui mừng ghi nhận trong những năm gần đây, số người đến hành hương tại Mariazell ngày càng gia tăng, cả giới trẻ cũng tìm thấy trong cuộc hành hương một con đường mới để suy tư và suy niệm, quen biết lẫn nhau và tìm lại nhau, không những trước thiên nhiên, nhưng cả trước lịch sử đức tin, và nhiều khi họ cảm nghiệm lịch sử ấy như một sức mạnh cho hiện tại.

TẠI CỘT ĐÀI ĐỨC MẸ

 
Sau nghi tiếp đón tại Phi trường, ĐTC đã về Quảng trường Am Hof rất cổ kính, ở giữa có một cột đài bằng đồng trên đó có tượng Đức Mẹ, được dựng lên cách đây 340 năm (1667). Cũng tại Quảng trường này có Thánh đường ”9 ca đoàn thiên thần” hiện được giao cho cộng đoàn Công Giáo người Croát.

Tại quảng trường, lối 1 ngàn tín hữu, trong Áo mưa mầu vàng và che dù, đã đứng đợi ĐTC từ lâu, dù trời lạnh. Tại đây, ĐTC đã được ông đô trưởng Vienne tiếp đón cùng với cha quản đốc thánh đường. Ngài được hướng dẫn tiến lên bao lơn có mái che, nhìn xuống quảng trường trước cột đài Đức Mẹ, trước sự hiện diện của các tín hữu.

ĐTC nói với các tín hữu rằng: ”Với tâm tình mẹ hiền, ngày hôm nay, Đức Maria cũng đón nhận và bảo vệ con người thuộc mọi ngôn ngữ và văn hóa, để dẫn đưa họ, hiệp nhất trong sự đa dạng, tiến về Chúa Kitô. Trong những âu lo khốn cùng, chúng ta có thể chạy đến cùng Mẹ. Nhưng từ Mẹ chúng ta cũng phải học cách đón nhận lẫn nhau với cùng tình yêu thương mà Mẹ đón nhận tất cả chúng ta: mỗi người trong đặc tính riêng, được Thiên Chúa yêu thương và muốn như thế. Trong gia đình đại đồng của Thiên Chúa, trong đó mỗi người có một chỗ, mỗi người phải phát triển những ơn riêng đã nhận lãnh để mưu ích cho tất cả mọi người.”

ĐTC phải ngưng bài huấn dụ vì máy vi âm bị hư trong vòng 15 phút, có lẽ vì mưa nhiều quá, theo lời giải thích của chuyên gia đài truyền hình Áo.

Rời cột đài Đức Mẹ, ĐTC tiến vào bên trong thánh đường, tham dự nghi thức đặt Mình Thánh Chúa. Thánh Thể tiếp tục được đặt tại thánh đường này để các bạn trẻ và tín hữu khác thay phiên nhau chầu Thánh Thể tại đây suốt trong 3 ngày ĐTC lưu lại tại Áo.

Trước khi về tòa Sứ Thần Tòa Thánh, ĐTC đã dừng lại tại Quảng trường Do thái và tiến đến Đài tưởng niệm các nạn nhân diệt chủng Do thái, nhắc nhớ 65 ngàn ngàn người Do thái Áo bị tàn sát.

Khi đến Đài tưởng niệm, ĐTC đã được Rabbi trưởng của thành phố Vienne cùng với các 6 ngàn người Do thái ở Vienne và các nơi khác ở Áo đón tiếp dưới trời mưa. Ngài mặc niệm trước đài có hình khối chữ nhật và im lặng nghe các Rabbi đọc một kinh ngắn.

GẶP CHÍNH QUYỀN VÀ NGOẠI GIAO ĐOÀN

Lúc 5 giờ rưỡi chiều, ĐTC đến thăm tổng thống Áo tại Phủ tổng thống, và sau đó ngài gặp ngoại giao đoàn tại đây cùng với các giới chức chính quyền Áo. Hiện diện tại phòng khánh tiết có 183 vị đại biểu quốc hội, 60 thượng nghị sĩ, các vị thống đốc các bang của Áo, ngoại giao đoàn và đại diện giới văn hóa.

Sau một bài nhạc và lời chào mừng của Tổng thống Heinz Fischer, ĐTC đã ngỏ lời với mọi người. Ngài đề cao vai trò quan trọng của nước Áo, nhất là sự phát triển liên đới xã hội của nước này, vai trò đặc biệt của Áo trong việc mở rộng Liên hiệp Âu Châu, nhất là đối với các nước Đông Âu. Đề cập đến Âu Châu, ĐTC nhấn mạnh rằng:

”Âu Châu không thể và không được chối bỏ căn cội Kitô của mình. Các căn cội này là một nhân tố sinh động của mền văn minh chúng ta để tiến bước trong ngàn năm thứ ba. Kitô giáo đã hình thành đại lục này một cách sâu xa, bằng cớ là tại tất cả các nước, đặc biệt là nước Áo, không những có rất nhiều thánh đường và các đan viện quan trọng, nhưng đức tin còn được biểu lộ nhất là trong vô số những tín hữu, qua dòng lịch sử, đã sống một cuộc sống hy vọng, yêu thương và từ bi bác ái. Mariazell Đại đền thánh quốc gia của Áo, đồng thời cũng là một nơi gặp gỡ của nhiều dân tộc Âu Châu. Đó là một trong những nơi mà từ đó con người đã và đang kín múc ”sức mạnh từ trên cao” để sống ngay chính”.

ĐTC cũng mạnh mẽ bênh vực sự sống con người và nói rằng:

”Chính tại Âu châu này, lần đầu tiên ý niệm về các quyền con người được hình thành. Nhân quyền căn bản, tiền đề của tất cả mọi quyền khác, chính là quyền sống. Quyền này có giá trị đối với sự sống, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên. Vì thế, phá thai không thể là một quyền con người - nó là sự đối nghịch quyền con người. Đức Cố HY Franz Koenig không ngừng lập lại rằng ”Phá thai là một vết thương xã hội sâu đậm..”.

”Tôi kêu gọi các vị hữu trách chính trị, đừng để cho các trẻ em bị coi như những trường hợp bệnh hoạn và đừng để cho hệ thống pháp lý của quí vị bãi bỏ sự lên án dành cho việc phá thai... Một khía cạnh khác là làm hết sức để làm cho các nước Âu Châu tái cởi mở hơn trong việc đón nhận các trẻ em. Hãy khuyến khích những người trẻ trở thành cha mẹ, qua việc kết hôn thành lập những gia đình mới. Quí vị cũng mưu ích không những cho họ nhưng cho toàn thể xã hội nữa. Chúng tôi mạnh mẹ khích lệ quí vị trong nỗ lực chính trị tạo những điều kiện thuận lợi giúp các đôi vợ chồng trẻ nuôi dưỡng con cái. Nhưng tất cả những điều đó không giúp ích gì nếu chúng ta không tái tạo trong các đất nước chúng ta một bầu không khí vui mừng và tin tưởng nơi sự sống, trong đó các trẻ em không bị coi như gánh nặng, trái lại như một món quà cho tất cả mọi người”.

ĐTC bày tỏ lo âu vì trào lưu cổ võ trợ tử, ”e rằng một ngày kia những người già yếu bệnh tật sẽ bị áp lực yêu cầu được chết hoặc tự tử. Câu trả lời đúng đắn cho vấn đề đau khổ vào cuối đời chính là một sự quan tâm đầy yêu thương, tháp tùng người bệnh tiến về sự chết, đặc biệt với sự trợ giúp của y khoa chống đau, chứ không phải là tích cực trợ tử.”

Sau cùng, ĐTC nhắc đến những trách vụ của Âu Châu trong thế giới ngày nay. Về phương diện dân số, Đại lục này đang mau lẹ già nua và không được trở thành một đại lục già nua về tinh thần... ”Liên hiệp Âu Châu phải giữ một vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống nghèo đói trên thế giới, và trong sự dấn thân bênh vực hòa bình. Âu châu cũng không được quên tình trạng ngày càng trầm trong tại Trung Đông, đang cần có sự đóng góp của mọi người để tạo điều kiện thuận lợi cho sự từ bỏ bạo lực, đối thoại với nhau và sống chung hòa bình thực sự”.

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.