2007-08-04 11:19:57

CẬU BÉ BỤI ĐỜI VÀ MÁI ẤM ”OZANAM” Ở MÃ-LAI


Cậu bé Sivanathan thật sung sướng đón tiếp bà Jessy đến thăm. Sivanathan gọi vắn tắt là Siva. Bé Siva âu yếm gọi bà Jessy bằng ”Dì”. Sau khi khoanh tay cúi đầu ”chào Dì”, bé rót nước trà mời Dì. Rồi cậu bé vui mừng đưa bà Jessy đi viếng căn ”Nhà Ozanam” mà cậu sống từ 6 năm qua.

”Nhà Ozanam” được Hội Bác Ái thánh Vinh-sơn Phaolo thành lập tại giáo xứ Đức Mẹ Lên Trời ở Petaling Jaya. Đây là giáo xứ rộng lớn nhất của thủ đô Kuala Lumpur, bên nước Mã-lai. Ozanam Frédéric (1813-1853) là tên của sử gia kiêm văn sĩ Công Giáo người Pháp. Ông là sáng lập viên của Hội thánh Vinh-sơn Phaolo, chuyên việc bác ái giúp đỡ người nghèo theo tinh thần thánh Vinh-sơn Phaolo. Trong chuyến viếng thăm mục vụ nước Pháp lần thứ 6, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II (1978-2005) đã tôn ông Ozanam Frédéric lên hàng chân phước trong Thánh Lễ trọng thể cử hành tại nhà thờ Đức Bà Paris ngày 22-8-1997.

Từ rất lâu năm, nơi giáo xứ Đức Mẹ Lên Trời, các hội viên thánh Vinh-sơn thường phân phát thức ăn và quần áo cho người nghèo đến gõ cửa giáo xứ xin giúp đỡ. Sau đó có người đề nghị với các hội viên đi xa hơn trong việc bài trừ tận gốc rễ nguyên nhân gây ra nạn nghèo đói. Năm 1988, các hội viên thánh Vinh-sơn mở cô nhi viện để thu nhận các trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi. ”Nhà Ozanam” ra đời từ đó. Họ cũng mở nhà dưỡng lão dành cho người già. Để có đủ tài chánh thi hành các công tác bác ái, các hội viên thánh Vinh-sơn quyên tiền vào mỗi Chúa Nhật tại giáo xứ, nơi Thánh Lễ thứ nhì. Họ cũng nhận được tiền dâng cúng của người giàu có quảng đại, mà đôi khi là người ngoài Kitô-giáo.

Trở lại với câu chuyện cậu bé Siva. Như bao trẻ em khác sống tại ”Nhà Ozanam”, Siva là cậu bé đến từ xa. Cậu được các trợ tá xã hội mang về đây từ năm lên 6 tuổi. Ba của Siva bỏ rơi vợ con ra đi từ lâu. Trong khi đó, Mẹ của Siva là người nghiện rượu. Bà bỏ bê con cái. Siva kể lại: Chúng con không còn gia đình nhà cửa gì cả. Tất cả 5 anh chị em chúng con sống lang thang ngoài đường, đặc biệt quanh quẩn nơi rạp xinê lớn nhất của Petaling Jaya để kiếm ăn. Một ngày, các trợ tá y tế trông thấy chúng con và họ mang chúng con về ”Nhà Ozanam”. Chúng con thật may mắn được sống tại đây.

Siva thuộc hàng anh chị lớn tuổi của ”Nhà Ozanam”. Cậu cắp sách đến trường và rất thích môn thể thao. Siva lãnh được nhiều huy chương khen thưởng của nhà trường. Nếu mọi sự tiến triển tốt đẹp, Siva có nhiều cơ may thành công trong cuộc sống tương lai ngoài xã hội. Nơi ”Nhà Ozanam” Siva phụ trách công việc sửa chữa những gì hư hỏng. Và Siva sung sướng được làm công việc này. Ngoài ra, Siva được một phụ nữ trong xứ đạo thương yêu chăm sóc cách riêng. Đó là bà Jessy mà Siva âu yếm gọi bằng ”Dì”. Bà Jessy thường đến ”Nhà Ozanam” để thăm Siva hoặc đưa Siva về nhà bà trong những dịp lễ lớn hay nghỉ hè.

Tại ”Nhà Ozanam” tất cả 27 trẻ em, không kể 17 em khác được các gia đình nhận đem về nuôi. Các em ở lứa tuổi từ 2 đến 12. Trên 12 tuổi, các em được chuyển về hai trung tâm giáo dục khác. Trẻ nam được gửi đến viện cô nhi thánh Giuse ở Pénang. Trẻ nữ được gửi đến các Nữ Tu dòng Chúa Chăn Lành.

Khi mở ”Nhà Ozanam” các hội viên thánh Vinh-sơn nghĩ đến bà Elisabeth Vaz một phụ nữ Ấn Độ trạc 60 tuổi. Họ xin bà giúp một tay. Thế là bà Vaz trở thành người phụ trách ”Nhà Ozanam”. Bà là người điều khiển và cũng là linh hồn, là con tim của ”Nhà Ozanam”. Mọi trẻ em âu yếm gọi bà Elisabeth Vaz bằng MẸ.

Trước đó, trong vòng 40 năm, bà Vaz làm hiệu trưởng trường tiểu học, ban đầu tại Ấn Độ, sau đó tại Mã-lai là nơi chồng bà là kỹ sư được thuyên chuyển về đây. Khi đến tuổi hưu, ông Vaz trở về quê hương Ấn Độ. Nhưng bà Vaz chọn ở lại Mã-lai. Tất cả các con của bà đều lập gia đình và ra ở riêng nên bà Vaz dành trọn thời giờ cho công tác bác ái xã hội.

Bà Vaz thổ lộ: ”Tôi noi theo gương sống bác ái của Mẹ tôi. Người luôn thương giúp đỡ người nghèo tại Ấn Độ. Thế rồi, tôi mất đứa con trai út là phi công, bị chết trong một tai nạn máy bay. Tai nạn thảm thương của đứa con trai út làm chấn động lòng tôi và tôi quyết định dâng hiến cuộc đời còn lại cũng như mọi tài sản cho việc trợ giúp các trẻ em gặp khó khăn. Thật ra công tác tông đồ đem lại cho tôi niềm vui rộng lớn, bao la”.

”Nhà Ozanam” là một biệt thự xinh xắn có ngôi vườn nhỏ và nằm trong khu yên tĩnh của phố Petaling Jaya, do Hội thánh Vinh-sơn thuê. Ban sáng, căn nhà vang dội tiếng nói tiếng cười vui vẻ của 27 đứa trẻ. Các em chỉ đến trường vào ban chiều. Nhưng không có nghĩa các em chỉ chơi đùa suốt buổi sáng. Không. Các em được phân chia công tác làm những việc lặt vặt trong nhà, tùy theo tuổi tác và sức lực. Đây là cách thức dạy các em phải biết gìn giữ căn nhà sạch sẽ và ngăn nắp sau này.

Bà Elizabeth Vaz giải thích: Ưu tư đầu tiên của tôi là cống hiến cho các em một nền giáo dục tốt. Dĩ nhiên mọi trẻ đều cắp sách đến trường và tôi luôn theo sát để chúng học bài, làm bài hẳn hoi. Tôi không dung thứ cho những em làm biếng. Tôi chú ý cách riêng đến việc giáo dục luân lý và tôn giáo cho các em. Nơi ”Nhà Ozanam” chỉ có duy nhất một em Công Giáo. Còn lại là các em Phật giáo và Ấn giáo. Ở đây chúng tôi không rao giảng Đạo Công giáo cho các em. Nhưng chúng tôi quan niệm rằng, tất cả đều là con cái THIÊN CHÚA, nên chúng tôi dạy các em biết các giá trị Kitô như: tình thương, nụ cười và lòng kính trọng người khác. Chúng tôi sống như trong một gia đình và cùng nhau mừng các ngày lễ lớn. Chính vì vậy mà chúng tôi không muốn căn nhà chúng tôi trở nên quá đông. ”Nhà Ozanam” phải giống như một gia đình có tầm vóc bình thường, có thế mới giúp chúng tôi hiểu biết, quan tâm và chăm sóc từng em một.

Hàng tuần các em theo học giờ luân lý tổng quát. Các thành viên phong trào ”Canh Tân Đặc Sủng Thánh Linh” thường đến tập các em hát những bài ca rút ý từ các câu chuyện lịch sử trong Kinh Thánh. Như thế các em sẽ được in sâu trong trí khôn non nớt của các em những đức tính nền tảng như: lòng nhân ái, tính ngay thẳng và cởi mở tiếp nhận người khác. Sau đó, có nhiều em xin theo học các khóa giáo lý để chuẩn bị lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Cũng có người đến dạy các em biết về Ấn giáo. Điều quan trọng là tất cả các em ”Nhà Ozanam” đều được hấp thụ nền giáo dục luân lý.

Để các em sống nơi ”Nhà Ozanam” không bị cắt đứt với thế giới bên ngoài hoặc với cuộc sống bình thường của một gia đình có cha mẹ, con cái, anh em, bà Elisabeth Vaz cố gắng tìm kiếm những gia đình hảo tâm trong giáo xứ đón các em về gia đình của họ. Hoặc trong thời gian ngắn, hoặc trong thời gian dài, hoặc nhận làm con nuôi.

Và đây là trường hợp bé Phaolo. Một hôm, đáp lời kêu gọi của giáo xứ, ông bà Koh Swee Heah đến viếng thăm ”Nhà Ozanam”. Ông bà đã có 5 đứa con. Sau này, bà Koh kể lại: Tôi để ý đặc biệt đến Phaolo, một cậu bé có thân hình quá nhỏ so với tuổi của bé. Bé đi cà nhắc và mang trên mình đầy dẫy vết sẹo. Tôi không tài nào ngủ được trong vòng hai đêm, vì hình ảnh cậu bé cứ lảng vảng trong đầu.

Tôi nói chuyện với chồng tôi và cả hai chúng tôi đem vấn đề trình bày cho 5 đứa con của chúng tôi. Chúng tôi hỏi: ”Các con có bằng lòng chia sẻ Ba Má các con cũng như đồ chơi của các con cho bé Phaolo không?” Cả 5 đứa đều bằng lòng. Thật là tuyệt diệu! Chúng tôi liền đến ”Nhà Ozanam” và đón bé Phaolo về với chúng tôi. Ban đầu bé hơi rụt rè nhưng sau đó bé quen và tìm thấy chỗ đứng của bé trong gia đình thân yêu của chúng tôi.

Trong khi chờ đợi những gia đình quảng đại tiếp đón, các em ”Nhà Ozanam” tiếp tục hấp thụ nền giáo dục căn bản với đầy đủ hơi ấm tình người. Trước khi đến trường, các em đến chào bà Elisabeth Vaz. Mỗi em lấy tay vạch hình Thánh Giá trên trán bà và bà cũng lấy tay vạch hình Thánh Giá trên trán mỗi em. Thật là một nghi thức đầy ý nghĩa và cảm động.

... ”Con ơi, đừng tưc đoạt miếng cơm manh áo ca ngưi nghèo. Đng để kẻ khốn cùng luống công chờ đi. Đừng làm cho kẻ đói phải buồn tủi, đừng chọc tức ai khi họ phải ngặt nghèo. Một tâm hồn đang bực bội, con đừng làm khổ thêm. Đừng bắt kẻ túng thiếu đợi lâu mới được con giúp đỡ. Kẻ khốn khổ nài xin, con đừng từ chối. Gặp ngưi nghèo, con đừng ngoảnh mặt đi. Đng làm ngơ không nhìn đến kẻ thiếu thốn, kẻo làm cớ cho người ta nguyền rủa con. Ai cay đắng trong lòng mà nguyền rủa con, thì Đấng Tạo Thành ra nó sẽ nghe lời nó thỉnh nguyện. Hãy làm cho công hội mến thương con, và tỏ lòng kính trọng người làm lớn. Hãy lắng nghe kẻ nghèo và nhã nhặn chào lại họ. Hãy giải thoát người bị áp bức khỏi tay phường áp bức, đừng hèn nhát khi con phải xét xử. Đối với trẻ mồ côi, con hãy xử như một người cha, và với mẹ của chúng, hãy xử như mt người chồng; được vậy, con sẽ nên như người con của Đấng Tối Cao, và Người sẽ thương con hơn cả mẹ của con nữa” (Sách Huấn Ca 4,1-10).

(”Missions Étrangères de Paris”, n.305, Janvier/1996, trang 16-20)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.