2007-08-01 15:58:39

ĐỨC THÁNH CHA MỞ LẠI CÁC CUỘC TIẾP KIẾN CHUNG


VATICAN. Sau 3 tuần lễ tạm ngưng, sáng ngày 1-8-2007, ĐTC Biển Đức 16 đã về Vatican để tiếp kiến chung 8 ngàn tín hữu hành hương tại Đại thính đường Phaolô 6.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến còn có đông đảo các GM, đặc biệt là một phái đoàn 200 hướng đạo sinh Âu Châu, đại diện cho hàng chục ngàn đồng bạn khác đang tụ họp sinh hoạt tại Roma trong những ngày này, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ông Baden Powell người Anh thành lập hướng đạo.
Trong bài huấn dụ sau phần tôn vinh Lời Chúa, ĐTC tiếp tục loạt bài nói về các giáo phụ, cụ thể là Thánh Giám Mục Basilio:

”Anh chị em thân mến,

”Sau 3 tuần lễ tạm ngưng, chúng ta tiếp tục các cuộc gặp gỡ vào những ngày thứ tư như mọi khi. Hôm nay, tôi muốn nối tiếp bài giáo lý lần trước đây, về cuộc đời và các tác phẩm của thánh Basilio. Cuộc sống và các văn phẩm của vị đại thánh này thật là đầy những điểm suy tư và giáo huấn giá trị đối với chúng ta ngày nay.

”Trước tiên là sự nhắc nhớ mầu nhiệm Thiên Chúa vốn là điểm tham chiếu ý nghĩa và sinh tử nhất đối với con người. Chúa Cha là ”nguyên lý của mọi sự và là nguyên nhân hiện hữu của những gì đang có, là căn cội của các sinh vật” (Hom. 15,2 de fide: PG 31,465c), và trên hết, Ngài là ”Cha của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Anaphora sancti Basilii). Khi đi qua các thụ tạo lên đến Thiên Chúa, ”chúng ta nhận thức sự tốt lành và khôn ngoan của Ngài” (Basilio, Contra Eunomium 1,14: PG 29,544b). Chúa Con là ”hình ảnh sự tốt lành của Chúa Cha và là dấu ấn hình dạng đồng hàng với Ngài” (cf Anaphora sancti Basilii). Trong sự vâng phục và chịu khổ nạn, Ngôi Lời Nhập Thể đã thực hiện sứ mạng Cứu Chuộc con người (cf Basilio, In Psalmum 48,8: PG 29,452ab; De Baptismo 1,2: SC 357, 158).

”Trong giáo huấn của Thánh Basilio, chúng ta thấy nổi bật hoạt động của Chúa Thánh Linh. ”Từ nơi Chúa Kitô, Chúa Thánh Linh chiếu sáng rạng ngời: Thánh Thần chân lý, ơn được làm nghĩa tử, bảo chứng gia sản tương lai, hoa quả đầu mùa của những thiện ích vĩnh cửu, quyền năng làm cho sinh động, nguồn mạch sự thánh hóa” (cf Anaphora sancti Basilii). Thánh Linh làm cho Giáo Hội được sinh động, làm cho Giáo Hội được tràn đầy hồng ân của ngài, thánh hóa Giáo Hội. Ánh sáng rạng ngời của mầu nhiệm Thiên Chúa phản ánh trên con người là hình ảnh Thiên Chúa, và nâng cao phẩm giá con người. Khi nhìn Chúa Kitô, ta hiểu được trọn vẹn phẩm giá con người. Thánh Basilio đã thốt lên: 'Hỡi con người, hãy ý thức về sự cao trọng của ngươi, khi để ý đến giá đã được trả cho ngươi: hãy nhìn giá cứu chuộc ngươi, và hãy hiểu phẩm giá của ngươi” (In Psalmum 48,8: PG 29.452b). Đặc biệt tín hữu Kitô, khi sống phù hợp với Tin Mừng, họ nhìn nhận rằng mọi người đều là anh em với nhau, và đời sống chính là một sự quản lý các ơn đã nhận được từ Thiên CHúa, qua đó mỗi người chịu trách nhiệm đối với người khác, và ai giàu có thì phải trở thành ”một người thi hành các mệnh lệnh của Thiên Chúa là vị ân nhân” (Hom 6 de avaritia: PG 32,1181-1196). Tất cả chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau và cộng tác như thể mình là những chi thể của cùng một thân mình (Ep 203, 3).

ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Các công việc bác ái là điều cần thiết để biểu lộ niềm tin của mình: qua các công việc ấy con người phụng sự chính Thiên Chúa (cf Moralia 5,2). Về vấn đề này, một số bài giảng của thánh Basilio vẫn còn tính chất can đảm và gương mẫu cho ngày nay: ”Con hãy bán những gì con có và cho người nghèo” (Mt 19,22)...: bởi vì, cho dù con không giết người hay phạm tội ngoại tình hoặc ăn trộm hay làm chứng gian, nếu con không làm điều còn lại vừa nói thì chẳng ích gì: chỉ như thế con mới có thể vào Nước Thiên Chúa” (Hom. in divites: PG 31,280b-281a). Thực vậy, theo giới răn của Chúa, ai muốn yêu tha nhân như chính mình, ”thì không được sở hữu điều gì nhiều hơn những gì mà tha nhân sở hữu” (Hom. in divites: PG 31,281b).

”Trong thời kỳ hạn hán và tai gương, thánh Giám mục Basilio hăng say nhắn nhủ các tín hữu ”đừng tỏ ra tàn ác hơn ác thú.., khi chiếm hữu những gì là của chung và một mình sở hữu những gì là của tất cả mọi người” (Hom. tempore famis: PG 31,325a). Tư tưởng sâu xa của thánh Basilio được biểu lộ rõ ràng trong câu nói xúc tích này: ”Tất cả những người túng thiếu nhìn đôi bàn tay của chúng ta, như chúng ta nhìn đôi tay của Thiên Chúa, khi chúng ta túng quẫn”. Vì thế, lời khen ngợi của thánh Gregorio Nazianzo thật là chí lý: 'Thánh Basilio thuyết phục chúng ta rằng, là người, chúng ta không được khinh rẻ con người, cũng không được xúc phạm đến Chúa Kitô là thủ lãnh chung của mọi người, khi chúng ta tỏ ra vô nhân đạo đối với con người; đúng hơn, khi thấy người khác gặp bất hạnh, chúng ta phải mưu lợi cho chính mình bàng cách cho Thiên Chúa vay mượn lòng thương xót của chúng ta, vì chúng ta cũng cần lòng từ bi thương xót” (Gregorio Nazianzeno, Oratio 43,63: PG 36, 580b).

”Ngoài ra, thánh Basilio nhắc nhở chúng ta rằng để giữ cho lòng mến Chúa yêu người trong chúng ta được luôn sinh động, thì cần phải có Thánh Thể là lương thực thích hợp cho những người đã chịu phép rửa, lương thực có khả năng nuôi dưỡng những năng lực mới xuất phát từ bí tích rửa tội (cf De Baptismo 1,3: SC 357, 192). Thật là một lý do vui mừng vô biên khi được tham dự Thánh Thể (Moralia 21,3: PG 31,741a), được thiết lập để ”liên tục bảo tồn ký ức về đấng đã chịu chết và sống lại cho chúng ta” (Moralia 80,22: PG 31,869b). Thánh Thể, hồng ân vô biên của Thiên Chúa, bảo tồn nơi mỗi người chúng ta ký ức về dấu ấn phép rửa tội, và làm cho chúng ta sống ơn thánh bí tích rửa tội một cách sung mãn và trung thành. Vì thế thánh GM Basilio nhắn nhủ các tín hữu siêng năng rước lễ, kể cả rước lễ hằng ngày: ”Rước lễ hằng ngày, nhận Mình Máu Thánh Chúa Kitô là điều tốt lành và hữu ích, vì chính Chúa đã nói rõ ràng: 'Ai ăn thịt và uống máu Thầy, thì được sống đời đời” (Gv 6,54). Vì ai còn nghi ngờ rằng hiệp thông liên tục với sự sống chẳng phải là sống sung mãn hay sao?” (Ep 93: PG 32,484b). Nói tóm một lời, Thánh Thể là điều cần thiết đối với chúng ta để đón nhận sự sống trường cửu vào trong chúng ta (cf Moralia 21, 1: PG 31,737c).

”Sau cùng thánh Basilio cũng quan tâm đến việc giáo dục giới trẻ và mời gọi họ, với tinh thần cởi mở bao quát, hãy thực thi sự phân định để giữ lại những gì là tốt nhất trong văn chương và văn hóa của dân ngoại thời ấy, đồng thời hãy vun trồng các nhân đức.”

Sau bài giáo lý dài, tên của các phái đoàn hành hương lần lượt được giới thiệu lên ĐTC, từ các nhóm tiếng Pháp, tiếng Anh tới các thứ tiếng khác. Đông đảo nhất là các nhóm nói tiếng Đức. ĐTC cũng đặc biệt chào phái đoàn Hướng đạo sinh Âu Châu và nói rằng:

”Tôi chào nhóm Hướng đạo sinh Âu Châu, qua sự hiện diện sáng hôm nay tại đây, họ muốn tái khẳng định sự tham gia của họ vào đời sống Giáo Hội, sau khi lập lại lời hứa của Hướng đạo, cam kết chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa và quảng đại phục vụ tha nhân. Tôi cũng nghĩ đến tất cả các hướng đạo sinh và tráng sinh trên thế giới, đang lập lại lời hứa trong ngày hôm nay, trùng vào ngày kỷ niệm bách chu niên thành lập Phong trào hướng đạo. Thực vậy cách đây đúng 100 năm, ngày 1-8 năm 1907, tại đảo Brownsea, đã khởi sự trại hướng đạo đầu tiên trong lịch sử. Tôi chân thành cầu chúc phong trào giáo dục của hướng đạo, phát sinh từ trực giác sâu xa của Lord Robert Baden Powell, tiếp tục mang lại những thành quả phong phú trong việc huấn luyện nhân bản, tinh thần và dân sự tại tất cả các nước trên thế giới.”

Trước đó, ĐTC cũng thân ái chào nhóm các trẻ em nam nữ người Israel, Palestine và Liban đang được Hiệp hội thiện nguyện trợ giúp người khuyết tật ”Người Samaritano nhân lành” đón tiếp trong những ngày này tại Tarquinia. Ngài nói: ”Tôi cầu chúc các em được những ngày thanh thản và hứa đặc biệt nhớ cầu nguyện cho các em cùng với gia đình cũng như cho tất cả những người quảng đại đón tiếp các em trong những ngày này”.


G. Trần Đức Anh OP









All the contents on this site are copyrighted ©.