2007-07-26 12:17:29

TÌNH THƯƠNG GIỮA NGƯỜI NGHÈO


Luca là thiếu niên nghèo tại Ấn Độ. Như bao thiếu niên nghèo khác của quốc gia nghèo, cậu phải đi làm kiếm tiền giúp đỡ cha mẹ nuôi sống gia đình. Cậu bắt đầu học nghề nơi một xưởng mộc chuyên đóng giường và bàn ghế. May mắn thay ông chủ xưởng mộc rất tốt, vì ông cũng thật nghèo. Tiền kiếm được chỉ đủ để trả lương cho thợ và nuôi sống gia đình. Chính Luca kể lại kinh nghiệm học nghề với ông chủ nghèo tiền của nhưng giàu tình người.

Chúng tôi làm việc dưới bóng mát một gốc cây lớn. Tuy vậy, chúng tôi ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi. Ông chủ và cũng là ông thầy của tôi ngồi đối diện bên kia đầu miếng gỗ. Chúng tôi mỗi người một đầu, cùng kéo chiếc bào lớn.

Thầy đẩy chiếc bào đi tới và tôi có nhiệm vụ giúp thầy bằng cách kéo chiếc bào về phía tôi rồi đẩy trả lại phía thầy. Tất cả nghệ thuật của kẻ học nghề ở chỗ cảm nhận ra hướng đi của chiếc bào mà thầy muốn đẩy tới để tiếp nhận. Tôi phải tự mò mẫm và phải chú ý từng ly từng tí.

Thêm vào cái khó khăn của kẻ học nghề là thầy tôi rất tiết kiệm lời nói. Phải chi thầy ra lệnh: ”Kéo bên phải”, ”Kéo từ từ”, ”Kéo mạnh hơn”, thì may mắn cho tôi biết chừng nào! Đàng này thầy bỏ tôi một mình, mò mẫm với nghệ thuật kéo, nghệ thuật đưa. Tôi đành tự tìm ra phương cách kéo, đưa sao cho đúng ý thầy bằng cách nhìn từng cử động của thầy.

Nhưng rồi đường đi nước bước của chiếc bào bỗng trở nên ”ngập ngừng”, ”do dự”, bởi vì cậu thợ học nghề đang lúng túng không biết phải kéo nó theo hướng nào! Thế là thầy nhận ra sự lúng túng của tôi. Không nói lời nào, thầy lặng lẽ đưa cánh tay phải về phía tôi, và đặt trên bàn tay trái của tôi, đang cầm đầu kia của chiếc bào. Bàn tay tôi được bàn tay thầy hướng dẫn, tôi chỉ việc cử động theo động tác của tay thầy. Nhịp đưa kéo của chiếc bào lại trở nên đều đặn.. Tôi cảm thấy lòng mình ấm lại vì cảm nhận tình thương của thầy truyền cho tôi qua bàn tay thầy hướng dẫn bàn tay tôi!

Ông chủ và là Vị Thầy của tôi thật giản dị và tốt bụng. Khi nào thấy tôi mệt, ông liền bảo tôi nghỉ. Ông cũng luôn tỏ ra lịch sự nhã nhặn với khách hàng. Xưởng mộc của chúng tôi rất khiêm tốn, chỉ gồm có 8 người: hai anh em ông chủ, hai người thợ cưa gỗ, hai người thợ đóng bàn ghế và hai người thợ học nghề, trong đó có tôi.

Xưởng mộc cũng chỉ rộng bằng bóng mát một cây lớn. Vì thế chúng tôi làm việc bên ngoài xưởng mộc, dưới bóng cây bên cạnh xưởng, gần đường xe chạy. Khi đến giờ trưa, chúng tôi nghỉ tay để dùng bữa. Chính lúc này tôi mới có giờ quan sát xe cộ chạy trên đường. Tôi đau đớn thầm nhủ:

- Không biết ai có sáng kiến chế ra xe đò và xe nhà chạy trên đường như thế này? Bởi vì thật tội nghiệp cho chúng tôi, những người nghèo ngồi dưới đất bên cạnh đường: mỗi lần chiếc xe đò chạy qua là một lần chúng tôi lãnh đủ. Bụi đường tung bay mù mịt!

Trong khi ăn, ông thầy thích tôi hỏi vấn đề thuộc phạm vi tôn giáo. Những lúc đó thầy nói thao thao bất tận về Đức Tin Công Giáo. Tôi sung sướng lắng nghe lời ông nói, phục sát đất về mức độ hiểu biết, sự khôn ngoan, từng trải sự đời và lòng nhân ái độ lượng của ông.

Thầy tôi quả nghèo thật nghèo. Cả gia đình ông chen chúc trong một căn nhà bằng tre lợp lá dừa, chỉ đủ che nắng nhưng không chống được mưa và lạnh. Ông chỉ có một mảnh vải che người và ông giặt nó khi ông tắm. Ông không mang giày cũng không đi dép. Tất cả gia tài sự nghiệp của ông và của gia đình ông nằm trọn trong đôi bàn tay vững chắc và đầy nhân ái của ông. Với đôi bàn tay, ngồi bệt dưới đất, ông khéo léo đẽo gọt những mãnh gỗ để sản xuất bất cứ vật dụng nào ông muốn, hoặc khách hàng đặt làm. Và tài năng đẽo gọt này ông truyền sang người con trai cả, bằng cách hướng dẫn đôi tay vụng về của cậu, lần theo đường đi lão luyện của ông.

... ”Con khôn là niềm vui của cha, con dại là nỗi buồn của mẹ. Của cải phi nghĩa không sinh lợi, công chính cứu khỏi chết. THIÊN CHÚA không đ ngưi công chính đói. Ngài ghê tởm lòng tham của kẻ gian ác. Tay lười biếng làm cho nghèo, tay chăm chỉ làm cho giàu. Kẻ thu lượm trong mùa hè là con khôn. Kẻ ngủ trong mùa gặt là con dại. Phúc lành đ trên đu người công chính. Tai họa đầy ngập miệng kẻ gian ác. Ngưi công chính được ghi nhớ và được chúc phúc. Kẻ gian ác bị lãng quên và bị hủy diệt” (Sách Châm Ngôn 10,1-7).

(Charles Lepetit, ”MES AMIS LES PAUVRES”, Nouvelle Cité, Paris 1984, trang 66-68).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.