2007-07-26 17:54:53

Một số nhận xét về bức thư Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi Giáo Hội và tín hữu công giáo Trung Quốc


Phỏng vấn bà Raphaela Schmid Giám đốc Học viện Tự Do Tôn Giáo về bức thư Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi Giáo Hội và tín hữu công giáo Trung Quốc

Ngày 30-6-2007 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã công bố bức thư gửi cho Giáo Hội và tín hữu công giáo Trung Quốc. Bức thư đã được phổ biến trên liên mạng Internet và qua ngã Fax, và đã được tín hữu Trung Quốc tiếp nhận với rất nhiều phấn khởi. Nhà Nước Bắc Kinh đã không có phản ứng chính thức nào, ngoài việc ra lệnh bắt các linh mục tu sĩ và giáo dân xóa bỏ bức thư trên các địa chỉ liên mạng, và khuyên không nên phổ biến nó.

Sau hơn ba tuần thinh lặng, ngày 24-7-2007, ông Lưu Bách Niên, Chủ tịch Hội công giáo ái quốc, đã đành cho phái viên Federico Rampini của nhật báo ”Cộng Hòa - La Republica”, một cuộc phỏng vấn dài 3 giờ đồng hồ. Đây là một chuyện bất thường. Như đã biết Hiệp hội công giáo ái quốc là cơ quan chính trị, do nhà nước Bắc Kinh giàn dựng và điều khiển, với mục đích thành lập Giáo Hội tự trị. Trong các thập niên qua cơ quan này hoàn toàn kiểm soát Giáo Hội công khai được nhà nước thừa nhận, và đã gây ra rất nhiều khổ đau cho Giáo Hội thầm lặng.

Trong bài phỏng vấn nói trên, ông Lưu Bách Niên ca ngợi bức thư của Đức Thánh Cha Biển Đức là một bước tiến lớn và cho biết là tín hữu công giáo Trung Quốc cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và mong muốn Đức Giáo Hoàng viếng thăm Bắc Kinh. Ông Lưu Bách Niên cũng nói với phái viên Rampini rằng: ”Điều không rõ đối với các tín hữu Italia: đó là chúng tôi theo cùng một tôn giáo của Giáo Hội Roma, chúng tôi chỉ độc lập trên bình diện chính trị và kinh tế mà thôi. Tòa Thánh là người duy nhất đại diện Chúa Kitô trên trái đất này, và như là tín hữu công giáo chúng tôi phải theo Tòa Thánh. Điều chúng tôi phải khẳng định là sự độc lập chính trị và kinh tế, nếu không chúng tôi sẽ là một giáo hội thực dân”.

Ngoài việc kể lại tiểu sử cuộc đời của mình, ông Lưu Bách Niên khoe khoang các thành tích, mà ông và Hội Công Giáo Ái Quốc đã đạt được như: số tín hữu gia tăng từ 2,5 triệu năm 1949 lên 5 triệu; số linh mục gia tăng từ 1.100 năm 1979 lên 1.800 như hiện nay đa số ở tuổi 30; 3.600 mhà thờ bị tàn phá thời cách mạng văn hóa đều được tu sửa; các linh mục được gửi đi du học bên Hoa Kỳ, Bỉ, Pháp và Nam Hàn. Các chủng viện có các linh mục giáo sư Italia, Tây Ban Nha và Ailen đến giảng huấn. Liên quan tới vấn đề chỉ định Giám Mục ông xác tín là có thể được giải quyết và giải quyết mau, nếu tìm ra công thức quyết định chung giữa Bắc Kinh và Roma.

Có người cho rằng đây là việc thăm dò phản ứng của Tòa Thánh. Phóng viên Federico Rampini của nhật báo ”La Republica” ghi nhận rằng trong cuộc phỏng vấn đài 3 giờ đồng hồ, ông Lưu Bách Niên đã không hề nhắc đến Giáo Hội thầm lặng tại Trung Quốc, từ bao thập niên quan bị Nhà Nước liên tục tìm mọi cách bách hại, đặc biệt qua các vụ bắt giữ, bỏ tù và quản thúc các Giám Mục và linh mục.

Thật ra hiện nay tại Trung Quốc có tới 30 triệu tín hữu Kitô, trong đó có từ 12 đến 15 triệu tín hữu công giáo. Bên cạnh 5 triệu tín hữu thuộc Giáo Hội công khai, có 8 triệu thuộc Giáo Hội thầm lặng trung thành với Đức Giáo Hoàng và hiệp nhất với Giáo Hội Hoàn Vũ.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của bà Raphaela Schmid, Giám đốc ”Học viện tự do tôn giáo Becket” về bức thư nói trên của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Mới đây bà Schmid đã biên soạn và hướng dẫn một chương trình truyền hình tựa đề ”Thiên Chúa tại Trung Quốc. Cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo”.

Hỏi: Thưa bà Schmid, đâu đã là lý do khiến cho Đức Thánh Cha Biển Đức XVI viết bức thư nói trên cho Giáo Hội và tín hữu công giáo Trung Quốc?

Đáp: Lý do chính tiểm ẩn đàng sau bức thư đó gắn liền với Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, Giám Mục Hồng Kông. Kể từ khi được chỉ định làm Hồng Y, Đức Hồng Y Trần Nhật Quân đã tích cực hoạt động với các cơ quan Trung Ương Tòa Thánh để tranh đấu cho quyền của của các tín hữu công giáo Trung Quốc. Sau một thời gian xích lại gần nhau trên bình diện ngoại giao giữa Tòa Thánh và nhà nước, năm 2006 nhà nước Bắc Kinh đã lại dẹp Tòa Thánh ra một bên, bằng cách chỉ định 3 Giám Mục bất hợp pháp. Đức Hồng Y Quân nhận thấy cần phải tái xét vấn đề và có lập trường rõ ràng với đường lối chính trị của nhà nước, để không rơi vào tình trạng không được chuẩn bị. Vì thế hồi tháng Giêng năm 2007 Tòa Thánh đã tổ chức một cuộc họp tại Roma để thảo luận vấn đề này. Bức thư của Đức Thánh Cha bắt nguồn từ đó.

Hỏi: Yếu tố chính trong nội dung bức thư là gì thưa bà?

Đáp: Yếu tố ý nghĩa nhất của bức thư đó là sự hiện diện của nó: Đức Giáo Hoàng gửi thư cho Giáo Hội và tín hữu Trung Quốc. Và đây là dịp để kiểm chứng sự nghiêm chỉnh trong thái độ cởi mở đối với Roma được Giáo Hội công khai quảng cáo mạnh mẽ. Các Giám Mục đã hòa giải với Tòa Thánh - khoảng 90% trên tổng số các vị đã được tấn phong mà không có phép của Đức Giáo Hoàng - không có vấn đề trong việc khuyến khích tín hữu cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng trong thánh lễ Chúa Nhật. Nhưng nếu chính Đức Thánh Cha viết thư cho các vị, thì các vị phải làm gì đây? Phải phổ biến thư của Đức Thánh Cha bằng cách phân phát cho tín hữu và coi đó như điểm tham chiếu nền tảng cho tương lai, hay lờ đi không biết đến nó và tiếp tục như thể là đã không có gì xảy ra? Chắc chắn việc nhận bức thư này cũng sẽ có ý nghĩa y như nội dung của nó trong tình hình của Giáo Hội tại Trung Quốc hiện nay.

Hỏi: Ngưi ta đã nhận được phản ứng nào liên quan tới bức thư chưa thưa bà?

Đáp: Trước khi bức thư được công bố nhà nước Bắc Kinh đã triệu tập các Giám Mục của Giáo Hội công khai, do nhà nước kiểm soát, để phối hợp một câu trả lời: đó là không làm gì cả. Tin tức nhận được cho biết là bức thư đã không được công bố trong thánh lễ Chúa Nhật, và ông phó chủ tịch Hội Công Giáo Ái Quốc đã cho biết là Hội không phân phát bức thư. Tuy nhiên ông nói tín hữu công giáo có thể lấy xuống từ hệ thống liên mạng Internet, nếu họ muốn. Và đó là điều đã xảy ra: tôi đã liên lạc với các tín hữu của Giáo Hội thầm lặng và họ cho biết là họ đã đọc bức thư của Đức Thánh Cha rồi.

Hiện nay trong Giáo Hội công khai có một phong trào rất mạnh cổ võ việc hiệp nhất với Giáo Hội Roma, đến độ chính Đức Giám Mục Phụ tá Thượng Hải đã công nhận rằng: tín hữu không chấp nhập các Giám Mục không có phép của Roma. Và tôi nghĩ rằng họ cũng đã đọc thư của Đức Thánh Cha trên mạng, mặc dù có các chỉ thị cấm cản của hàng giáo phẩm. Vấn đề đó là chờ xem nhà nước Trung Quốc sẽ hạn chế việc sử dụng Internet đến mức nào. Có tin cho biết chính quyền đã bắt buộc một số địa chỉ Internet phải xóa bức thư của Đức Thánh Cha đi.

Hỏi: Bức thư có cho thấy một sự thay đổi triệt đ nào trong đường lối chính trị của Tòa Thánh Vaticăng hay không và nó thay đổi cái gì?

Đáp: Ban đầu báo chí đã cho tin một cách hơi lẫn lộn. Bức thư thu hồi các phép đặc biệt đã ban hành hồi năm 1981, qua thư của Đức Hồng Y Agnello Rossi, khi đó là Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo. Hồi đó Tòa Thánh đã không thể trực tiếp chỉ định các Giám Mục cho Trung Quốc, và vì thế cho phép các Giám Mục địa phương có ”năng quyền đặc biệt” tấn phong các Giám Mục mà không cần phải báo trước cho Tòa Thánh, vì các nguy hiểm có thể xảy ra. Trong thời đại của điện thoại di động và liên lạc liên mạng như hiện nay, điều đó không còn là vấn đề khó khăn nữa, và vì thế các năng quyền này không cần thiết nữa.

Tuy nhiên, việc thu hồi phép đặc biệt này không có nghĩa là vượt thắng 8 điểm mà Đức Hồng Y Tomko, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo, đã đưa ra hồi năm 1988. Thật ra bức thư khẳng định rõ ràng các nguyên tắc nền tảng không thay đổi: đó là việc phong chức Giám Mục bất hợp pháp kéo theo hậu qủa tự động là ”bị dứt phép thông công” theo khoản 1382 của Giáo Luật. Trái lại, việc phong chức cho các Giám Mục đã được chỉ định hay đã hòa giải với Giáo Hội Roma hoàn toàn thành sự và hợp pháp. Còn các Giám Mục được chỉ định, mà không có phép của Tòa Thánh và không hòa giải với Giáo Hội Roma, thì bất hợp pháp: tuy nhiên các vị ban các bí tích một cách thành sự, cả khi không hợp pháp. Vì thế các tín hữu công giáo có thể nhận các bí tích từ các vị, khi không thể làm cách khác, cũng như họ có thể nhận các bí tích từ các linh mục chính thống hy lạp.
 
Hỏi: Thưa bà Schmid, thư ca Đức Thánh Cha gửi Giáo Hội và tín hữu công giáo Trung Quốc có phê bình hay lên án ai không?

Đáp: Trong thư Đức Thánh Cha Biển Đức XVI bầy tỏ thiện cảm và thông cảm ngoại thường đối với các điều kiện khó khăn của từng linh mục và giám mục, và việc thiếu tự do tôn giáo tại Trung Quốc là một yếu tố châm chước cho tiến trình quyết định của các vị. Do đó, không có các phê bình hay lên án nào trên nguyên tắc cả. Nhưng đồng thời Đức Thánh Cha cho thấy sự cứng rắn đối với những cơ cấu như Hội Đồng Giám Mục của Giáo Hội công khai, không được Tòa Thánh thừa nhận, vì nó loại trừ các Giám Mục thầm lặng và bao gồm các Giám Mục không được Tòa Thánh thừa nhận, cũng như nó bao gồm chính Hội Công Giáo Ái Quốc, có “các quy chế không thể hòa hợp với giáo lý của Giáo Hội”.

Hỏi: Hội Công Giáo Ái Quốc là hội gì thưa bà?

Đáp: Hội Công Giáo Ái Quốc không đồng hóa với Giáo Hội công khai, mặc dù có sự chồng chất trong một mức độ nào đó. Đức Thánh Cha nói tới nó như là một ”thực thể bên ngoài” đôi khi can thiệp vào việc điều hành Giáo Hội công khai. Nó đã do nhà nước Trung Quốc thành lập năm 1957 với mục đích rõ ràng là thực hiện các nguyên tắc của một Giáo Hội độc lập, tự trị, tự quản và điều hành dân chủ. Đó là các nguyên tắc mà thư của Đức Thánh Cha định nghĩa là ”không thể hòa hợp với giáo lý của Giáo Hội”.

Hỏi: Nhưng mà nhà nưc đòi hỏi các tín hữu công giáo phải gia nhập Hội Công Giáo Ái Quốc mà...
 
Đáp: Trong qúa khứ người ta đòi buộc các linh mục và Giám Mục phải gia nhập hội, nếu muốn sống lòng tin tại nơi công cộng và được nhà nước chấp thuận. Nhưng ngày nay thì không còn như vậy nữa. Chẳng hạn Đức Cha Luca Lý Kính Phong, Giám Mục Phượng Tường, đã được nhà nước chấp thuận, nhưng không phải là thành viên của Hội Công Giáo Ái Quốc. Nhưng thường khi có các áp lực rất lớn đối với các linh mục giám mục, để bắt ép các vị ký tên gia nhập Hội. Năm 2001 Đức Cha Lý và linh mục thư ký đã bị công an bắt giữ và biến mất khoảng một tháng. Nhà nước cũng bắt giữ 12 linh mục khác trong giáo phận của Đức Cha, và bắt buộc các vị tham dự vào các khóa tẩy não cải tạo, mong thuyết phục các vị gia nhập Hội. Chiến dịch này đã thất bại, nhưng nó cho thấy quyền hành kéo dài của Hội Công Giáo Ái Quốc. Một trong các lý do nền tảng của quyền hành này là lý do kinh tế. Văn phòng tôn giáo vụ của nhà nước và Hội Công Giáo Ái Quốc đặc trách quản trị các tài sản nhà nước đã tịch thu của Giáo Hội trên toàn nước. Theo ông Anthony Lâm, thuộc Trung tâm nghiên cứu Chúa Thánh Thần ở Hồng Kông, trị gía toàn bộ gia tài của Giáo Hội, đã bị nhà nước cộng sản Bắc Kinh tịch thu, lên tới 130 tỷ nhân dân tệ, tức khoảng 12,5 tỷ Euros. Chỉ có một phần nhỏ lợi tức của gia tài này được phát cho Giáo Hội công khai.

Hỏi: Thưa bà Schmid, bức thư ca Đức Thánh Cha Biển Đc XVI không nói đến Giáo Hội ”công khai” hay ”ái quốc”, cũng không nhắc đến Giáo Hội ”thầm lặng”. Sự lựa chọn này có ý nghĩa gì không?
 
Đáp: Đúng thật là thư của Đức Thánh Cha đã không nhắc đến hai thực tại này, nhưng đây không phải là điều mới mẻ gì. Tòa Thánh Vaticăng đã luôn luôn tránh nói tới một vụ ly giáo giữa Giáo Hội ”công khai” hay ”ái quốc” tại Trung Quốc với Giáo Hội công giáo Roma. Tuy nhiên, các sự kiện bắt buộc phải phân biệt giữa hai nhóm công giáo: giữa những người cộng tác với chính quyền và được đặc ân có thể công khai thi hành niềm tin của mình, cho dù có phải chấp nhận các Giám Mục bất hợp pháp, và những người từ chối giàn xếp với nhà nước, và bị bó buộc phải sống tình trạng hầm trú, lén lút. Tuy nhiên, nói cho cùng, tương lai của sự phân biệt này tùy thuộc nơi chính quyền Trung Quốc và các tiến bộ sẽ có được trong lãnh vực tự do tôn giáo tại Trung Quốc.
 
(ZENIT 22-7-2007)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.