2007-07-24 16:50:03

Quan điểm của một chuyên gia Phụng Vụ về Tự Sắc ”Summorum Pontificum"


Một số nhận xét của Linh Mục Manlio Sodi, giáo sư Phụng Vụ đại học Salesien Roma, về tông thư Tự Sắc ”Summorum Pontificum”, cho phép dùng Sách Lễ Roma cũ tiếng Latinh

Trong các ngày qua thỉnh thoảng chúng tôi đã đưa tin liên quan tới các phản ứng của nhiều giới chức đạo đời, về tông thư Tự Sắc ”Summorum Pontificum” Đức Thánh Cha Biển Đức XVI công bố ngày mùng 7-7-2007 cho phép sử dụng Sách Lễ Roma Cũ tiếng Latinh.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận xét của Linh Mục Manlio Sodi, giáo sư Phụng Vụ tại đại học Salesien Roma, kiêm giám đốc ”Nguyệt san Phụng Vụ”. Cha Sodi cũng là người đã thành lập và hướng dẫn việc in ấn Bộ sách Phung Vụ của Công Đồng Chung Trento ”Monumenta Liturgica Concilii Tridentii”. Hiện nay cha đang chịu trách nhiệm in ấn bộ sách Dụng cụ nghiên cứu Phụng Vụ ”Monumenta Studia Instrumenta liturgica”, cho tới nay đã ra được 48 cuốn, do nhà sách Vaticăng ấn hành.

Hỏi: Thưa cha, tại sao lại xảy ra nhiều tranh luận liên quan tới Tự Sắc ”Summorum Pontificum” như vậy?

Đáp: Những sóng gió chung quanh Tự Sắc đã xảy ra là hậu qủa của một chiến dịch suy diễn và thất thoát tin tức, nhưng cũng là hậu qủa của những ước mong và lo sợ có nền tảng. Chúng xuất hiện trên các nhật báo và địa chỉ Internet. Tất cả đã tích tụ lại vào đúng lúc các tài liệu được công bố. Một đàng có thể đoán được nội dung của các tài liệu này, đàng khác cũng có thể tưởng tượng được sự kinh ngạc của những người từ 40 năm qua đã theo con đường cải tổ và canh tân Phụng Vụ phong phú do các Nghị Phụ Công Đồng Chung Vaticăng II đề xướng. Một số các vụ tranh cãi đã không nhắm đúng mục tiêu, trong khi các tranh luận khác có nền tảng. Do đó, cần phải có thời gian để cho mọi sôi sục lắng đọng xuống, đặc biệt là để sắp xếp trở lại cho có trật tự các khía cạnh khác nhau của cuộc tranh luận, phức tạp chứ không đơn sơ như khi mới nhìn qua đâu.

Hỏi: Theo cha, điểm khởi hành linh hoạt tài liệu có rõ ràng không?

Đáp: Chúng ta tất cả đều chú ý tới nỗ lực cao qúy của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nhằm đem lại hòa bình và hiệp nhất trong Giáo Hội Công Giáo, cả trong lãnh vực Phụng Vụ. Lịch sử gần đây đã đặt để chúng ta trước một tình trạng xé rách Giáo Hội do việc không chấp nhận một hướng đi của Công Đồng, đặc hiệt một vài tài liệu của Công Đồng Chung Vaticăng II. Nếu được phép, tôi sẽ diễn tả một cách đơn sơ như thế này: Phụng Vụ là nạn nhân của một cái gì sâu xa và triệt để hơn, nó có thể là việc không chấp nhập một đường hướng mục vụ, hay trước đó nữa là việc khước từ chấp nhận một quan niệm về Giáo Hội, được các Nghị Phụ Công Đồng bỏ phiếu chấp thuận.

Nhiều lần người ta đã nghe nói tới sự cắt quãng, đến như là một đổ vỡ giữa Sách Lễ của Công Đồng Chung Trento và Sách Lễ của Công Đồng Chung Vaticăng II. Nhưng mà đó là điều không chính xác chút nào hết, nếu chúng ta biết nội dung của các văn bản và cách thức canh tân Phụng Vụ.

Đây là điều rất dễ kiểm chứng. Thật thế, vì hầu hết tất cả những gì có trong Sách Lễ tiếng Latinh thời Công Đồng Chung Trento đều có trong Sách Lễ Latinh của Công Đồng Chung Vaticăng II. Chỉ khác có một điều là Sách Lễ của Công Đồng Chung Vaticăng II phong phú hơn, và có tổ chức hơn Sách Lễ Tridentno. Thí dụ trong Sách Lễ Tridentino, năm Phụng Vụ được sắp xếp theo các tháng biệt kính, chứ không theo chu kỳ Phụng Vụ, với các chồng chất không cho phép hiểu biết chiều kích sư phạm hay thần học của năm Phụng Vụ. Sự hiện diện của hai kiểu lịch Phụng Vụ này sẽ tạo ra sự lẫn lộn khổng lồ, nếu chúng ta khởi hành từ quan điểm Phụng Vụ như là thực tại được trân trọng, cử hành và nhất là sống như là lộ trình của lòng tin và cuộc sống của dân kitô.
 
Hỏi: Như thế có điều gì thay đổi trong Phụng Vụ của Giáo Hội không thưa cha?

Đáp: Ba tài liệu: thứ nhất là ”Tự Sắc”, thứ hai là thư Đức Thánh Cha gửi các Giám Mục, và thứ ba là lược đồ thông tin (không chính thức), minh nhiên nhiều thay đổi. Đây không phải là chuyện thay thế Sách Lễ này bằng Sách Lễ kia, được coi như đối chọi nhau, vì trong tất cả cuộc tranh luận này Phụng Vụ được dùng như là yếu tố để chấp nhận hay không chấp nhận một đường hướng của Công Đồng.

Có ba khía cạnh mà mọi tín hữu thuộc Giáo Hội Công Giáo Roma phải chú ý. Thứ nhất là tiếng Latinh. Tiếng Latinh không gắn liền với Sách Lễ của Đức Giáo Hoàng Pio V hay Sách lễ của Đức Giáo Hoàng Phaolo VI. Nhưng tiếng Latinh là ngôn ngữ chính thức của Phụng Vụ Roma, vì thế nên cả Sách Lễ của Đức Giáo Hoàng Phaolo VI các ấn bản ban hành năm 1970 và 1975, và Sách Lễ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II ban hành năm 2002, đều bằng tiếng Latinh hết. Tương quan giữa tiếng Latinh và Sách Lễ không chỉ gắn liến với phụng vụ trước kia. Việc nhớ nhung tiếng Latinh hay lòng mộ mến nhạc bình ca Latinh, tự nó, không phải là lý do có giá trị để bỏ thánh lễ hậu công đồng. Thánh lễ sau thời Công Đồng có thể và thực ra được cử hành bằng cả tiếng Latinh và với nhạc bình ca bằng tiếng Latinh nữa.

Khía cạnh thứ hai liên quan tới Sách Bài Đọc. Việc quay trở về với Sách Lễ Tridentino tự động khép kín trước những gì, mà Công Đồng Chung Vaticăng II đòi hỏi, nghĩa là mở rộng bàn tiệc Lời Chúa cho tín hữu một cách dồi dào hơn. Sách Lễ Latinh ấn bản năm 1962 không có được tất cả sự phong phú đó của Sách Bài Đọc; và hậu qủa là việc giảng dậy, tu đức, giáo lý và mục vụ nói chung cũng bị thiệt thòi.

Khía cạnh thứ ba liên quan tới các yếu tố khác như: việc bỏ lời nguyện giáo dân, khước từ các văn bản tuyệt đẹp lấy lại từ truyền thống cổ xưa nhất, và nhất là quay trở lại với lời nguyện thánh thể duy nhất, gọi là ”Canon roma” cổ kính, nhưng không như lời nguyện thánh thể hai. Cả các lời nguyện thánh thể mới này nữa cũng là các kho tàng nho nhỏ, mà các tín hữu chỉ thích cử hành thánh lễ theo lễ nghi Latinh cũ, trước thời Công Đồng, sẽ bị thiếu mất. Các lo âu này xem ra có vẻ qúa đáng, nhưng chúng là các lo sợ, mà giới chuyên viên Phụng Vụ lưu tâm. Nghĩa là họ lo sợ khi thay đổi nghi thức, sẽ xảy ra hiện tượng co cụm trên một quan niệm Phụng Vụ, mà Công Đồng Chung Vaticăng II đã thiết định là phải thắng vượt.

Hỏi: Thưa cha Sodi, có người cho rằng Tự Sắc này của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khiến cho tín hữu bất tín nhiệm đối với cuộc cải tổ Phụng Vụ của Đức Giáo Hoàng Phaolo VI. Cha nghĩ sao?

Đáp: Tôi không muốn dùng từ ”bất tín nhiệm”, vì chúng ta đang đề cập tới tiếng nói của Giáo Hội là Mẹ của tất cả mọi người. Nếu không khéo léo hướng dẫn, nó có thể gây thiệt hại cho cuộc canh cải Phụng Vụ của Công Đồng Chung Vaticăng II. Và để được như thế, thì cần phải có các phối hợp đa diện: các chú ý, các khía cạnh pháp luật, các hệ lụy thần học, các viễn tượng đào tạo, mà tôi thấy là sẽ gây ra nhiều khó khăn hơn là đem lại các giải pháp cho một kinh nghiệm Phụng Vụ.

Có đúng thật là vấn đề chỉ liên quan tới một vài nhóm nhỏ thôi, và vì thế đối với đại đa số tín hữu công giáo tham dự các thánh lễ trong các giáo xứ, không có các vấn đề loại này. Ai đã sống Phụng Vụ được canh cải không cảm thấy nhu cầu phải quay trở lại đàng sau, để cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa trong một thứ tiếng mà họ không hiểu.

Nhưng chính việc điều hành các trường hợp đặc biệt và các nhóm nhỏ này tạo ra vấn đề. Trước đây với phép chuẩn của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II ban, thì vị có trách nhiệm là Giám Mục bản quyền, nhưng nay trách nhiệm được chuyển qua cho cha xứ, với các hậu qủa không thể thấy trước được. Các phương tiện truyền thông đã tạo ra sự lẫn lộn duy nhất trong trí tưởng tượng của dân chúng, khiến cho trong đa số các trường hợp người ta tưởng rằng phải trở về với thánh lễ tiếng Latinh.

Hỏi: Người ta nói nhiều về Phụng Vụ, nhưng lại cho cảm tưng là đàng sau từ vựng này có nhiều chú ý và một chút lẫn lộn, cha nghĩ sao?

Đáp: Chúng ta vừa cử hành 40 năm Công Đồng Chung Vaticăng II kết thúc. Vào năm 2013 là kỷ niệm 50 năm ban bố tài liệu về Phụng Vụ Thánh ”Sacrosanctum Concilium”. Nhưng tôi nghi rằng những người nói về Phụng Vụ không hiểu biết tài liệu này bao nhiêu. Chẳng hạn ngay trong số 1 các Nghị Phụ khẳng định rằng Thánh Công Đồng chủ tâm ”... thích ứng các cơ chế nào có thể thay đổi được với các nhu cầu của thời đại chúng ta... Vì thế Thánh Công Đồng thấy có bổn phận phải canh tân và cải tiến Phụng Vụ”. Trong chiều hướng đó Thánh Công Đồng nhắc lại những nguyên tắc và tiêu chuẩn thực hành” (s. 3). Từ đó đi đến ý niệm về Phụng Vụ, được định nghĩa như là việc ”thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó qua các dấu chỉ khả giác việc thánh hóa con người được ám chỉ và thực hiện trong cách thế thích hợp với dấu chỉ đó” (s. 7).

Còn có nhiều nguyên tắc khác nữa, nhưng tất cả đều tập trung vào thách đố của sự tham dự tích cực (s. 48). Rồi Công Đồng xác định ý muốn cải cách qua các điểm như: phải duyệt xét lại trật tự lễ nghi của thánh lễ (s. 50), mở rộng các kho tàng của Kinh Thánh (s. 51); bài giảng là phần của phụng vụ (s. 52), tái lập lời nguyện chung (s. 53), soạn một nghi thức mới cho việc đồng tế (s, 58). Và có thể tiếp tục như vậy đối với tất cả các bí tích khác.

Trước mỗi thiết định của Công Đồng như thế, phải đọc thiết định mới cho phép sử dụng điều, mà chính Công Đồng đã yêu cầu thay đổi, như thế nào đây?

Hỏi: Có cần phải có sự can thiệp này của huấn quyền để trở về với Thánh Lễ tiếng Latinh không thưa cha?

Đáp: Ai biết Phụng Vụ của Giáo Hội trong lịch sử cũng như trong hình thức hiện nay, thì cũng phải biết rằng Lễ Nghi Roma luôn luôn được diễn tả trong thứ tiếng nguyên thủy và liên tục của nó là tiếng Latinh. Cả Sách Lễ của Công Đồng Chung Vaticăng II cũng như của Đức Phaolo VI năm 1970 và Đức Gioan Phaolo II năm 2002, đều bằng tếng Latinh hết. Mỗi lần có thể, thánh lễ đều được cử hành bằng tiếng Latinh. Trong các vương cung thánh đường hiện nay ngày Chúa Nhật đều có ít nhất 1 thánh lễ bằng tiếng Latinh, và có hát bình ca tiếng Latinh. Tại các vương cung thánh đường này Phụng Vụ Giờ Kinh cũng được cử hành bằng tiếng Latinh, ít nhất là thánh thi và các điệp ca.

Hỏi: Tất cả những điều này có thúc giục việc trở lại với tiếng Latinh, là ngôn ngữ có gần 2000 năm văn hóa, không phải chỉ của Kitô giáo mà thôi không, thưa cha?

  Đáp: Không phải với một Tự Sắc mà có thể làm nảy sinh ra việc yêu thích tiếng Latinh. Cũng như Tông hiến ”Veterum sapientia” đã không đủ để tái động viên việc học tiếng Latinh trở lại, đã và tiếp tục là thứ tiếng của Giáo Hội Latinh. Việc tiếng Latinh từ từ biến mất khỏi nhiều chương trình và cơ cấu văn hóa các quốc gia, đã tạo ra cảnh nghèo nàn cả trong các đại chủng viện và phân khoa thần học nữa.

Các hậu qủa của nó rất là nghiêm trọng đối với nền văn hóa nói chung, kể cả nền văn hóa đời nữa, và đối với nền văn hóa đạo nói riêng. Nền văn hóa đời phải vất vả hơn, khi tìm lại các mẫu tiếng nói quốc gia của mình. Trong khi đối với nền văn hóa đạo, tất cả các kho tàng gia tài văn hóa, từ các tác phẩm của các Giáo Phụ cho tới các bản dịch Kinh Thánh ảnh hưởng trên việc sáng tác các thánh thi, các điệp ca và các lời cầu, tất cả đều bằng tiếng Latinh cả. Giải pháp giúp sửa chữa lại tất cả các mất mát này là phải biết tiếng Latinh, như là điều kiện để có thể học thần học hay ít nhất để giải thích các văn bản. Nhưng xem ra đây là một giả thuyết có giải pháp rất xa vời.

Hỏi: Thưa cha Sodi, trong ý hướng của Đức Thánh Cha, cha có nghĩ rằng Tự Sắc cho phép dùng Sách Lễ cũ tiếng Latinh có thể thuyết phục Huynh Đoàn thánh Pio X trở về với Giáo Hội hay không?

Đáp: Tương quan của Tự Sắc và Cộng đoàn thánh Pio X không trực tiếp gắn liền với Phụng Vụ. Như tôi đã nói, vấn đề nằm ở chỗ khác. Cố gắng để lôi các sách Phụng Vụ cũ ra khỏi các thư viện, xem ra là một việc làm có thể khiến cho huynh đoàn trở về với Giáo Hội. Nhưng mà sau đó thì sao? Có thể duy trì hai hình thức cử hành trong cùng một Lễ Nghi không? Phải đọc các kiểu cử hành khác nhau này ra sao dưới ánh sáng số 41 của tài liệu công đồng về ”Phụng Vụ Thánh” khẳng định rằng: ”sự biểu lộ chính của Giáo Hội có được trong sự tham dự trọn vẹn và tích cực của toàn dân thánh Chúa vào cùng các cử hành Phụng Vụ, nhất là vào cùng một Thánh Thể, vào cùng một lời cầu, trước cùng một bàn thờ dưới sự chủ tọa của Giám Mục với linh mục đoàn và các thừa tác viên bao quanh”?

Hỏi: Sau gần 50 năm, đối với nhiều linh mục trẻ ngày nay, thật khó mà cử hành một lễ nghi, mà họ không biết và trong một thứ tiếng mà họ hầu như không còn hiểu nữa. Cha có nghĩ rằng sự lo lắng của Đức Thánh Cha sẽ khiến cho các linh mục trẻ chăm chỉ học tiếng Latinh và Phụng Vụ hơn không?

Đáp: Đối với tiếng Latinh thì tôi đã nói rồi. Sau 40 năm quen thuộc với việc cử hành thánh lễ trong tiếng mẹ đẻ địa phương, đại đa số tín hữu không muốn quay trở về với kiểu cử hành cũ, đặc biệt khi họ không hiểu tiếng Latinh. Còn đối với Phụng Vụ, thì Công Đồng đã khẳng định nó phải là một trong các môn học chính. Tại sao vậy? Qua các cuộc thảo luận liên quan tới các tài liệu: Hiến chế về Phụng Vụ Thánh ”Sacrosanctum Concilium”, Hiến chế tín lý về Mạc khải của Thiên Chúa ”Dei Verbum”, Hiến chế tín lý về Giáo Hội ”Lumen Gentium” và Sắc lệnh về đào tạo linh mục ”Optatam Totius”, các Nghị Phụ đã hiểu rằng Phụng Vụ là ngôn ngữ diễn tả lòng tin của Giáo Hội, còn hơn thế nữa Phụng Vụ là tuyệt đỉnh hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là suối nguồn của tất cả sức mạnh của Giáo Hội (SC 10). Nếu không bước vào trong ngôn ngữ ấy, thì không hiểu được ý nghĩa của các lễ nghi. Đó là lý do tại sao phải dành nhiều chỗ cho việc học hiểu Phụng Vụ, không phải như là một nghi thức phải làm, nhưng như là một tổng thể các ngôn ngữ giúp sống kinh nghiệm mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô.

Như thế phải đưa ra các câu hỏi sau đây: ngoài thời biểu dành cho các giáo sư Phụng Vụ, chúng ta có chú ý tới việc đào tạo các giáo sư Phụng Vụ hay không? Đâu là tương quan giữa các bộ môn thần học theo tinh thần số 16 của Sắc lệnh về việc đào tạo linh mục? Chúng ta có vâng theo các nội dung và các xếp đặt của Giáo Hội hay không? Phải công nhận rằng các tài liệu Công Đồng cống hiến cho chúng ta các lộ trình đào tạo đầy đủ, nhưng có biết bao nhiêu linh mục khi cử hành các nghi lễ, lại quên rằng Phụng Vụ là công trình của Giáo Hội và không thể được ”giải thích” theo trí tưởng tượng hay theo sáng chế tùy hứng của mình? Nếu chúng ta có nghe thấy biết bao nhiêu lời phàn nàn liên quan tới việc cử hành Phụng Vụ, chính bởi vì hoạt động Phụng Vụ không được thi hành như dấu chỉ của sự hiệp nhất, là điều cần được nhắc lại luôn luôn.

Hỏi: Cha có nghĩ rằng việc cử hành theo lễ nghi cũ tiếng Latinh sẽ khiến cho nhiều ngưi đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật trở lại hay không?

Đáp: Không. Trừ một vài trường hợp họa hiếm vì tò mò, chúng ta đừng tạo ra ảo tưởng cho chính mình. Lễ nghi cũ tiếng Latinh sẽ tiếp tục gây ồn ào một chút, thế thôi chứ không có gì đâu. Cuộc sống của các giáo xứ sẽ không bị quấy rầy, bởi vì giáo dân đã quen với việc lắng nghe Lời Chúa trong tiếng mẹ đẻ sống động của mình rồi, và cùng nhau cầu nguyện đối đáp với thánh vịnh, là điều không có trong lễ nghi cũ; rồi tiếp nhận Lời Chúa trong một bài giảng sát với các bài đọc và mầu nhiệm cử hành, chứ không phải bất cứ bài giảng nào hay bài giảng theo các đề tài, mà quên đi đề tài của Sách Bài Đọc; tiếp đến biến Lời Chúa đã được lắng nghe và giảng giải trở thành lời cầu nguyện giáo dân dâng lên Chúa, đây cũng là điều không có trong lễ nghi cũ tiếng Latinh; và tiếp đến heo dõi lời nguyện Thánh Thể như lúc giáo dục sống mầu nhiệm cuộc khổ nạn cái chết và sự phục sinh của Chúa một cách sống động, chứ không phải chỉ là tình cảm.

Nếu tất cả những điều này giúp khích lệ cuộc sống Phụng Vụ trong các giáo xứ, thì tôi thấy cần kêu gọi chú ý nhiều hơn tới việc chuẩn bị cho các buổi cử hành, tới cung cách của vị chủ sự hoạt động Phụng Vụ, tới việc lựa chọn thánh ca, kể cả vài thánh ca bằng tiếng Latinh quen thuộc nhưng ít được đánh giá, trong việc chú ý tới các dấu chỉ và các biểu tượng, trong sự tôn trọng nơi thánh như khoảng không gian giúp đối thoại với Thiên Chúa, và cầu nguyện riêng vv...

Hỏi: Thưa cha, các tài liu có đt đ chúng ta trước các viễn tưng cơ cấu mới và trách nhiệm đào tạo hay không?

Đáp: Các viễn tượng trình bầy trong Tự Sắc ”Summorum Pontificum” không có gì mới mẻ trong phần đầu. Có mới mẻ chăng đó là các giải thích lịch sử, đặc biệt khẳng định liên quan tới Đức Giáo Hoàng Pio V và Đức Giáo Hoàng Phaolo VI; thật ra hai cuộc cải cách Phụng Vụ đã không hoàn toàn do hai vị chủ động. Và Tự Sắc khẳng định liên quan tới các trách nhiệm như được đề ra trong Tự Sắc “Ecclesia Dei”. Với Tự Sắc mới nó trở thành rõ ràng hơn và độc lập hơn với Bộ Phụng Tự và kỷ luật Bí tích.

Tuy nhiên, tôi thấy có vấn đề liên quan tới tất cả các điều kể trên, bởi vì đây không phải chỉ là chuyện in ấn trở lại các sách Phụng Vụ cũ, mà là việc chuẩn bị cho các linh mục và chủng sinh biết sử dụng chúng. Làm thế nào để phối hợp tất cả với nhau? Có cần phải tổ chức thêm các khóa học Phụng Vụ không, hay là tổ chức một chương trình chuẩn bị cấp tốc riêng với bằng cao học? Báo chí đã cho biết sẽ bán một đĩa DVD hình để giáo dục việc cử hành thánh lễ theo lễ nghi cũ, nhưng liệu nó có thể đào tạo cộng đoàn sống kinh nghiệm mầu nhiệm đích thực hay không?

Ai là người chịu trách nhiệm về vấn đề thần học và Giáo Hội học tiềm ẩn đàng sau các chuyện này? Đây là thần học Phụng Vụ cần được giải thích và tiếp nhận theo đường hướng của truyền thống giáo phụ nhắm tới sự đào tạo toàn vẹn trong đó luật cầu nguyện, tức Phụng Vụ, là chiếc nhẫn nối liền sự gặp gỡ giữa luật lòng tin và luật sống.

Liên quan tới khía cạnh điều khoản, thì khoản đáng chú ý nhất là việc chuyển trách nhiệm từ Giám Mục sang cho cha xứ. Cha xứ được mời gọi thỏa mãn ước mong của các tín hữu muốn có thánh lễ bằng tiếng Latinh theo nghi thức cũ và liệu sao để lợi ích của họ ”hòa hợp với việc mục vụ bình thường của giáo xứ, tránh sự bất hòa và thăng tiến sự hiệp nhất của toàn thể Giáo Hội” (s. 5). Đây là chỉ dẫn cần đọc với nhiều chú ý và phải được giải thích, trong viễn tượng các vấn đề có thể xảy ra trên bình diện cử hành cũng như trên bình diện mục vụ và tu đức. Có điều rõ ràng đó là không có linh mục nào bị bắt buộc phải cử hành thánh lễ bằng tiếng Latinh theo Sách Lễ cũ năm 1962.

Hỏi: Thế còn bức thư Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi cho các Giám Mục thì sao, thưa cha?

Đáp: Trước hết bức thư cho thấy Đức Thánh Cha tham dự mạnh mẽ vào vấn đề này. Ngoài ra, tôi cũng bị ấn tượng bởi việc phân biệt giữa hai hình thức cử hành bình thường và cử hành ngoại thường, liên quan tới hai cách xử dụng cùng một lễ nghi duy nhất. Sự kiện này ghi dấu trên việc thực hành lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử ngày nay. Chưa bao giờ cùng một lễ nghi mà lại có hai kiểu cử hành khác nhau. Đây là một tình trạng mới mẻ, sẽ được lượng định trong thực hành. Và chúng ta hy vọng rằng 3 năm thử nghiệm đủ để có thể lượng định một cách khách quan các vấn đề, cả khi một vài người đã nhắc lại rằng thời gian thử nghiệm đã hết từ lâu rồi.

Hỏi: Thưa Cha Sodi, như thế là hiệu lực Tự Sắc cũng liên quan tới cả các sách Phụng Vụ cũ có phải thế không?

Đáp: Có 4 sách Phụng Vụ: sách Missale năm 1962, sách Rituale năm 1952, sách Pontificale năm 1961-1962, sách Nguyện Breviarium năm 1962.

Nhưng cũng cần thêm các sách khác cho đầy đủ như sách Martyrologium Tử dạo thư, và sách lễ nghi của các giám mục Caeremoniale episcoporum. Thư của Đức Thánh Cha xác định rằng: ”... để sống sự hiệp thông trọn vẹn, cả các linh mục của các cộng đoàn gắn bó với thói quen cũ, trên nguyên tắc, không thể loại bỏ việc cử hành theo các sách mới”. Đây là điều rất quan trọng. Vì đó là một kiểu nói lịch thiệp, nhưng cứng rắn, khiến cho mọi người, kể cả những người có cảm tình với Đức Tổng Giám Mục Lefevre, phải thừa nhận rằng Thánh Lễ sau Công Đồng là Thánh Lễ bình thường của Giáo Hội Công Giáo theo Lễ Nghi Roma và trên nguyên tắc không thể từ chối cử hành nó như thể là không có giá trị hay tệ hơn...

Việc in lại các sách này, tôi đang phụ trách một cuốn trong bộ ”Monumenta Liturgica Piana”, do nhà in Vaticăng ấn hành, sẽ là lúc quan trọng giúp kiểm chứng các hạn hẹp của các sách cũ đối với các sách Phụng Vụ hiện nay và giúp qúy trọng Phụng Vụ, đã được cải tổ theo các chỉ dẫn của Công Đồng Chung Vaticăng II hơn.

Hỏi: Thưa Cha, trong thư Đức Thánh Cha cũng yêu cầu phải săn sóc các buổi cử hành Phụng Vụ hơn, có phải vậy không?

Đáp: Đúng thế. Đây là điều rất quan trọng. Ở đâu thánh lễ được cử hành với lòng tôn kính phải có, ở đó sẽ không có các cám dỗ theo hinh thức cử hành ngoại thường. Hy vọng rằng Tự Sắc này khích lệ tất cả mọi người tham dự vào Phụng Vụ với tất cả sự chú ý và lòng tôn kính. Nhưng những điều này chỉ có thể xảy ra, nếu vị chủ tế có cung cách cử hành chuyên môn thích hợp phải có. Còn có qúa nhiều vị chủ tế chưa bao giờ đọc phần dẫn nhập Sách Lễ, và tệ hại hơn chưa bao giờ đọc phần dẫn nhập Sách Bài Đọc. Nếu không biết các ngôn ngữ và tất cả những gì cần thiết để thực hành và khiến cho chúng nói với con tim của tín hữu, thì làm sao có thể đảm trách việc giáo dục và dào tạo họ hiểu biết và yêu mến Phụng Vụ được?

Đối với những ai không có thành kiến và chậm trễ trong việc đón nhận việc cải tổ của Công Đồng Chung Vaticăng II, thì các tài liệu này có thể là một khích lệ tiếp tục tiến bước trên đường hướng của Giáo Hội, mà không sợ hãi. Còn hơn thế nữa, các tình trạng tiêu cực có thể là một thách đố đích thật vượt xa hơn và cải tiến, để hiểu biết rằng cuộc sống Giáo Hội bao gồm biết bao nhiêu thực tại, và chúng cần phải có thời gian và nhiều thế hệ để tiếp nhận con đường thích hợp nhất trong việc theo Chúa Kitô qua ngôn ngữ của việc cử hành các mầu nhiệm thánh.

Hỏi: Trong các ngày này cuốn sách của cha giới thiệu Sách Lễ của Đức Giáo Hoàng Pio V, sắp được bán tại các nhà sách. Cha có thể cho biết sơ qua nội dung của nó không?

Đáp: Đó là cuốn sách nhỏ dày 48 trang gồm 4 chương, có tựa đề ”Tại sao Thánh Lễ bằng tiếng Latinh trong ngàn năm thứ ba?” Nó có mục đích cống hiến cho người đọc vài xác định khởi đầu. Bốn chương giải thích Sách Lễ của Đức Giáo Hoàng Pio V là loại sách nào; tiếp đến là vài nét lịch sử của nó; thứ ba là việc minh nhiên các mới mẻ thực sự của Sách Lễ do Công Đồng Chung Vaticăng II ban hành; sau cùng là mời gọi suy tư về câu hỏi: ”Hai hình thức để cử hành cùng một Phụng Vụ hay sao?”

Nó đối chiếu với tài liệu ”Phụng Vụ Thánh” của Công Đồng và với Tông hiến của Đức Giáo Hoàng Phaolo VI tựa đề ”Sách Lễ Roma”, được in ở đầu mọi Sách Lễ. Tài liệu này súc tích hơn cả một Tự Sắc nữa.

Việc đối chiếu với tài liệu này giúp hiểu biết lịch sử và những gì đã được làm với Sách Lễ Mới, cũng như tính cách hoàn toàn lỗi thời của Sách Lễ Cũ.

(ZENIT 16-7-2007)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.