2007-07-22 17:06:36

Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt các tàn sát vô ích


Chấp nhận các con đường đối thoại để đạt hòa bình, khước từ chiến tranh là các cuộc tàn sát vô ích và từ bỏ vũ trang để đừng biến thế giới thành hỏa ngục. Đó đã là lời kêu gọi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mạnh mẽ gióng lên trong buổi đọc kinh Truyền Tin với dân chúng trưa Chúa Nhật 22-7-2007, tại làng Lorenzago di Cadore đông bắc Italia.

Cùng tham dự buổi đoc kinh có ĐHY Angelo Scola Thượng Phụ Venezia, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, Giám Mục Hồng Kông, hướng dẫn một phải đoàn 60 tín hữu Trung Quốc, Đức Cha Angelo Bagnasco, Tổng Giám Mục Genova kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia, Đức Cha Giuseppe Andrich, Giám Mục Belluno Feltre, và Đức Cha Andrea Bruno Mazzocato, Giám Mục Treviso, cũng như ông Edoardo Luciani, bào huynh của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo I, và tất cả các thị trưởng và xã trường toàn vùng Cadore.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha cảm tạ ơn Chúa đã cho ngài đang có những ngày nghỉ hè tại Cadore này. Nhưng cũng vì thế mà ngài lại càng cảm thấy nỗi đau đớn, khi nghe tin các cuộc đụng độ đẫm máu và bạo lực xảy ra tại nhiều phần đất trên thế giới. Thực tại đó khiến cho Đức Thánh Cha lại suy tư về thảm cảnh sự tự do của con người. Vẻ đẹp của thiên nhiên nhắc nhớ cho chúng ta biết mình được Thiên Chúa đặt để làm người ”vun trồng và canh giữ” ”ngôi vườn” là Trái Đất (x. St 2,8-17). Nhưng nhiều người không hiểu rằng ”ngôi vườn trái đất” đó là một món qùa qúy báu cần chăm sóc, giữ gìn, vun xới, chứ không được phá hủy.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh như sau: ”Nếu loài người sống hòa bình với Thiên Chúa và với nhau, thì Trái Đất sẽ thực sự giống như một ”vườn địa đàng”. Nhưng rất tiếc tội lỗi đã làm hư hỏng chương trình đó của Thiên Chúa, bằng cách gây ra các chia rẽ và làm cho cái chết bước vào lòng thế giới. Và xảy ra là loài người nhượng bộ các cám dỗ của Kẻ Dữ, nên gây chiến với nhau. Hậu qủa là trong ”ngôi vườn” tuyệt diệu đó, đã mở ra các khoảng không của ”hỏa ngục”.
Chiến tranh, với các buồn thương và hủy hoại của nó, đã luôn luôn bị coi như là một tai ương trái nghịch với chương trình của Thiên Chúa, là Đấng đã tạo dựng nên tất cả để hiện hữu, và đặc biệt muốn biến nhân loại trở thành một gia đình”.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói ngài không thể không nghĩ đến ngày mùng 1 tháng 8 năm 1917, tức cách đây 90 năm, khi vị tiền nhiệm của ngài là Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV công bố ”Thông Tri gửi các cường quốc lâm chiến” hồi đó, để xin họ chấm dứt thế chiến thứ I (x. AAS 9 [1917], 417-420). Trong khi cuộc chiến khổng lồ trở thành tàn khốc, người đã có can đảm khẳng định rằng đó là những ”cuộc tàn sát vô ích”. Kiểu nói đó của người đã khắc ghi vào lịch sử. Nó đúng cho bối cảnh cụ thể của mùa hè năm 1917, đặc biệt trên mặt trận vùng Veneto. Nhưng các từ ”tàn sát vô ích” đó cũng chứa đựng một giá trị ngôn sứ sâu rộng hơn, và có thể áp dụng cho biết bao nhiêu xung khắc đã đốn ngã biết bao nhiêu sinh mạng con người.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: ”Chính trên các vùng đất chúng ta đang đứng đây, là vùng đất tự chúng gợi lên hòa bình và hòa hợp, đã là sân khấu của thế chiến thứ I, còn được gợi lại bởi bao nhiêu chứng tích và một số bài hát của vùng núi Alpes này. Chúng là những biến có không được quên! Cần phải tích lũy kho tàng kinh nghiệm tiêu cực khiến cho cha ông chúng ta phải khổ đau đó, để đừng lập lại các khổ đau ấy”.

Đề cập đền Thông Tri của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV Đức Thánh Cha nói: ”Thông tri của ĐGH Biển Đức XV không chỉ hạn chế vào việc lên án chiến tranh; mà trên bình diện pháp lý nó cũng còn chỉ cho thấy các con đường giúp xây dựng một nền hòa bình bình đẳng và lâu bền nữa như: sức mạnh luân lý của quyền lợi, giải giáp có quân bình và được kiểm soát, làm trọng tài trong các tranh chấp, sự tự do của các đường biển, tha nợ chiến tranh cho nhau, trả lại các vùng đất đã chiếm đóng, và có các thương thuyết bình đẳng để giải quyết các vấn đề. Đề nghị của Tòa Thánh đã hướng tới tương lai của Âu châu và của thế giới, theo một dự án được kitô giáo gợi hứng, nhưng có thể đươc chia sẻ bởi tất cả mọi người, vì nó dựa trên quyền con người. Đó cũng đã là hướng đi mà các vị Tôi Tớ Chúa là Đức Phaolo VI và Gioan Phaolo II đã theo trong các diễn văn đáng ghi nhớ tai Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, bằng cánh nhân danh Giáo Hội lập lại rằng: ”Đừng bao giờ chiến tranh nữa”.

Rồi Đức Thánh Cha Biển Đức đưa ra lời kêu gọi như sau: ”Từ nơi hòa bình, trong đó người ta cũng cảm thấy một cách sống động là không thể chấp nhận được các kinh hoàng của các cuộc tàn sát vô ích”, tôi lập lại lời kêu gọi kiên trì theo đuổi con đường của công pháp, nhất quyết khước từ vũ trang, và, nói chung, đẩy lui cám đỗ dùng các hệ thống cũ để đối phó với tình hình mới. Với các tư tưởng và cầu mong này trong tim, chúng ta hãy dâng lên một lời cầu đặc biệt cho hòa bình trên thế giới, bằng cách phó thác lời cầu ấy cho Mẹ Maria Rất Thánh, Nữ Vương hòa Bình”.

Đức Thánh Cha cám ơn sự tiếp đón nồng hậu mọi người dành cho ngài và cầu chúc tất cả một ngày Chúa Nhật tốt lành và mùa hè vui khỏe. Ngài đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải









All the contents on this site are copyrighted ©.