2007-07-17 16:31:43

Ý niệm về lương tâm trong thế giới tương đối hóa ngày nay


Phỏng vấn Linh Mục Vincent Twomey, nguyên giáo sư thần học luân lý đại học công giáo Thánh Patrick tại Maynooth bên Ailen, về ý niệm lương tâm trong thế giới ngày nay

Trong các tháng qua Linh Mục Vincent Twomey, nguyên giáo sư thần học luân lý đại học thánh Patrick tại Maynooth bên Ailen, đã cho phát hành cuốn sách tựa đề ”Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Lương tâm của thời đại chúng ta”. Cha Twomey đã từng viết luận án tiến sĩ với Linh Mục Giáo sư Joseph Ratzinger hồi thập niên 1970.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn bài phỏng vấn cha về đề tài này. Trong quan niệm ngày nay, lương tâm bị giản lược và trở thành một cái máy biện minh, theo đó con người không bao giờ có thể sai lầm, bởi vì bất cứ cái gì nó cho là đúng, thì cũng được coi như là điều tự đúng đắn trong nội tại.

Hỏi: Thưa cha Twomey, cha đã viết luận án tiến sĩ dưới dựng đẫn của Linh Mục giáo sư Joseh Ratzinger xưa kia. Kinh nghim đó đã giúp cha viết cuốn sách nói trên như thế nào?

Đáp: Tôi đã tham dự cuộc nói chuyện liên quan tới luận án tiến sĩ với cha giáo sư Ratzinger hồi năm 1971, và tôi đã theo học chương trình tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của người và trình luận án năm 1979.

Ngay từ khi cha Ratzinger được Tòa Thánh chỉ định làm Tổng Giám Mục Muenchen hồi năm 1977, hàng năm người đều tổ chức cuộc gặp gỡ các sinh viên đang dọn luận án tiến sĩ hay đã trình luận án tiến sĩ, để nói chuyện trong các dịp cuối tuần. Đây là thói quen người vẫn duy trì, sau khi được bầu làm Giáo Hoàng.

Với kinh nghiêm này, tôi tin mình có thể khoe với mọi người là tôi biết Đức Thánh Cha một cách riêng tư, trong một nghĩa nào đó.

Hỏi: Theo cha, đâu là các đặc thái các tác phẩm của giáo sư Joseph Ratzinger, bây gi là Đc đương kim Giáo Hoàng?

Đáp: Các đặc thái chính nổi bật nơi các bút tích của người là sự độc đáo, rõ ràng khúc chiết, và một giọng văn khó mà có thể duy trì trong khi dịch.

Giáo sư Ratzinger là một học giả và là một nhà trí thức: một nhà tư tưởng kỳ tài. Người có tài biến đổi thành vàng, mọi sự người đụng tới. Duyệt xét bất cứ đề tài gì: về tín lý, hay một bức khảm đá mầu của một nhà thờ cổ ở Roma, hay vấn đề luân lý sinh học... người cũng luôn luôn có cái gì mới mẻ và hứng khởi để nói. Và đặc biệt người viết ra một cách rõ ràng không thể tưởng tượng được. Đề cập đến kiểu hành văn của giáo sư Ratzinger, Đức Hồng Y Joachim Meisner, Tổng Giám Mục Koeln, định nghĩa giáo sư Ratzinger như là một ”Mozart của thần học”: người thành công trong việc sáng tác các tuyệt tác, mà không phải vất vả khó khăn qúa đáng.

Liên quan tới nội dung thì chính người nói ”Thiên Chúa là đề tài chính các tác phẩm của tôi”. Không có đề tài thần học nào, dù là tín lý, luân lý, luân lý sinh học, phụng vụ, chú giải, âm nhạc nghệ thuật nào mà người không nghiên cứu sâu rộng. Và khi nghiên cứu bất cứ điều gì, người cũng làm từ quan điểm của Thiên Chúa, như thể là khám phá ra ánh sáng mà sự mạc khải - Kinh Thánh và Truyền Thống - có thể ban cho mọi vấn đề đặc biệt.

Ngoài ra, suy tư thần học của người đâm rễ sâu trong kinh nghiệm ngày nay: các vấn nạn hiện sinh do các nhà tư tưởng tân thời và hậu tân thời cũng như các biến cố thời đại đặt ra. Nhưng các bổn phận mục vụ và hành chánh, trong cương vị là Tổng Giám Mục và Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã không cho phép người có nhiều thời giờ để viết các tác phẩm sâu rộng hơn. Đa số các bút tích của người là các mảnh vụn nhưng rất hay đẹp, vì có nội dung và chiều sâu chân lý đánh động tâm trí người đọc, và biến đối con tim họ.

Hỏi: Thưa cha, cha miêu t Đức Thánh Cha Biển Đc XVI như là người không sợ sai lầm và có can đảm biết mình là người không toàn thiện. Cha có thể giải thích thêm một chút về điểm này không?

Đáp: Có can đảm biết mình là người không toàn thiện thì vượt xa hơn là việc không sợ sai lầm chứ. Nền tảng của thái độ này đối với cuộc sống và nền thần học là xác tín chỉ có Thiên Chúa là toàn thiện thôi, và công trình của con người thì luôn luôn bất toàn.

Khuynh hướng ”duy toàn thiện” trong bất cứ lãnh vực nào cũng là kẻ thù của con người, đặc biệt là trong lãnh vực chính trị. Đa số các ý thức hệ chính trị muốn tạo ra một thế giới toàn thiện, một xã hội toàn thiện, thường kết thúc với việc đem hỏa ngục đến trên trái đất này. Đây là một trong các đề tài về chính trị trong các bút tích của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, nhưng quy chiếu về nỗ lực của con người trong lãnh vực thần học. Nhưng đề tài này cũng sẽ là một công trình dang dở, luôn cần được cải tiến, sửa chữa và đào sâu. Chúng ta không thể biết hết mọi sự, lại càng không thể biết hết mọi sự về Thiên Chúa, và chương trình của Chúa đối với con người.

Tôi đã nói tới tính cách vụn vặt trong các bút tích của Đức Thánh Cha. Đa số là các tác phẩm chưa hoàn tất như cuốn ”Dẫn nhập vào Kitô giáo” và cuốn ”Đức Giêsu thành Nagiaret”, nhưng người vẫn có can đảm cho phát hành trong hình thức chưa xong đó. Thái độ này trao ban cho Đức Ratzinger sự thanh thản nội tâm và tính cách không dính bén, mà mọi người đều biết. Nhưng có lẽ đó cũng là bí quyết cung cách dễ thương và sáng ngời của Người.
 
Hỏi: Cha đã cho rằng có sự méo mó nơi lương tâm ca con người trong thế giới ngày nay. Nó hệ tại chỗ nào, và nó có ảnh hưởng nào trên Giáo Hội hay không?

Đáp: Điểm khời hành là ý niệm truyền thống thế nào là một lương tâm sai lệch. Sau khi Thông Điệp ”Humanae vitae” về sự sống con người được công bố, nó đã dấy lên các cuộc tranh luận sôi nổi. Người ta hiểu lương tâm một cách sai lầm, và cho rằng điều một người làm không quan trọng, miễn là họ thực sự xác tín rằng nó tốt.

Như thế, sự thành thật trở thành tiêu chuẩn của luân lý; và theo cái luận lý đó thì cuối cùng cũng không thể lên án các nhà độc tài như Hitler hay Staline được, vì họ cũng đã hành động theo ”các ánh sáng” riêng của họ, theo các xác tín chân thành của họ.

Việc nhấn mạnh trên quyền tối thượng của lương tâm, mặc dù sai lệch, đã dẫn đưa tới một ý niệm mới là ý niệm ”lương tâm không thể sai lầm”. Ý niệm này cho rằng lương tâm không thể sai lầm được, và điều bạn nghĩ là đúng thì thực tế nó là đúng. Điều này có nghĩa là giản lược lương tâm thành một cái máy biện minh. Và đây là một ý niệm được kiểm chứng trong khuynh hướng duy tương đối, đang thống trị thời đại chúng ta ngày nay.

Ngày nay người ta thường khẳng định rằng mỗi người có quyền theo các nguyên tắc luân lý, mà mình có thể tự do lựa lọc. Chúng là kết qủa của sự lựa chọn có ý thức, được quyết định sau khi cân nhắc mọi khả thể. Dĩ nhiên, đây là một lý thuyết rất hấp dẫn. Nhưng cuối cùng thì nó có nghĩa là mỗi người có thể tự quyết định cho mình cái gì là đúng cái gì là sai: đó đã là cám dỗ của Adong và Eva trong vườn Eden. Người ta thường nói tới đạo công giáo ”trên giấy tờ”, theo đó, mỗi người lựa chọn điều tiện lợi cho mình nhất. Quan niệm này về lương tâm đang ngự trị trong xã hội ngày nay và đã gây ra hậu qủa tàn phá trong Giáo Hội và trong cuộc sống của Kitô hữu.

Hỏi: Cha miêu tả Đức Thánh Cha Biển Đc XVI như là vớng dẫn lương tâm con người thời nay. Khẳng đnh này đúng như thế nào?

Đáp: Trước hết, như là thần học gia, rồi như Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin Đức Ratzinger đã đại diện cho tiếng nói lương tâm của Giáo Hội, bằng cách khẳng định sự thật khách quan, khi nó bị khước từ trong lý thuyết và trong thực hành.

Thật đáng ngạc nhiên, khi thấy một số tư tưởng gia ngoài Giáo Hội công giáo xem ra chấp nhận sự kiện này hơn là những người bên trong Giáo Hội. Điển hình như Hàn Lâm Viện Pháp, hay nhà vật lý nguyên tử học người Nga, Andrey Sakharov, người đã bất đồng ý kiến với nhà nước Liên Xô trong thời độc tài.

Ông Sakharov đã được coi như là một tư tưởng gia can đảm và như là người bất đồng chính kiến tầm cỡ của sự độc tài, của khuynh hướng tương đối đã làm băng hoại Âu châu và Mỹ châu trong hậu bán thế kỷ XX vừa qua. Thứ hai, lương tâm không chỉ là một đề tài nòng cốt trong các bút tích của Đức Biển Đức XVI. Người cũng đã góp phần vào việc sửa chữa quan niệm sai lạc về lương tâm như nói trên đây, và tôi đã dành một chương trong sách để trình bày vấn đề này.

Hỏi: Kinh nghiệm cuộc sống dưới thời Đức Quốc xã thống trịc Đc đã góp phần nào cho việc chuẩn bị lên làm giáo hoàng của Đức Biển Đc XVI? Đâu đã là các bài học mà người rút tỉa được từ thời gian khó khăn đó và vẫn còn áp dụng ngày nay?

Đáp: Câu trả lời cho vấn nạn này, chúng ta có thể tìm thấy trong một bài phỏng vấn hồi năm 1999, trong đó, Đức Ratzinger đã thú nhận rằng người đã học được thái độ cẩn trọng đề phòng lành mạnh trước các ý thức hệ thống trị thời đó, như là kết qủa của những năm phải sống đưới chế độ Đức Quốc Xã. Dĩ nhiên, với từ ”các ý thức hệ” Đức Thánh Cha cũng đã muốn hiểu bao gồm cả các ý thức hệ hiện diện bên trong Giáo Hội nữa, và chúng phản ánh các ý thức hệ của thế giới ngày nay.

Kinh nghiệm cuộc sống dưới một ý thức hệ chính trị và các cơ quan nhà nước đã khiến cho Đức Ratzinger rất nhậy cảm đối với sự cần thiết mỗi người thi hành trách nhiệm luân lý của mình, đặc biệt là những người có trách nhiệm đối với cuộc sống của quốc gia và trong Giáo Hội. Trách nhiệm luân lý là một từ khác ám chỉ lương tâm.

Sự nghi ngờ của Đức Thánh Cha đối với các Hội Đồng Giám Mục, bắt nguồn từ kinh nghiệm đã có đối với các Giám Mục Đức, như là cơ quan tập thể. Các Giám Mục Đức đã không biết thi hành trách nhiệm luân lý của mình, đã không sống chứng tá cá nhân cao độ của vài vị, như Clemens von Galen, Giám Mục Muenster, và Michael Faulhaber, Giám Mục Muenchen.

Do đó, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI mời gọi tất cả các Giám Mục thi hành trách nhiệm luân lý của mình, sống chứng tá cá nhân, mà không phải chờ đợi các cuộc họp của Hội Đồng Giám Mục, để cho ra một tài liệu nào đó, đã được một ủy ban vô danh dọn trước.

Cũng thế, nền thần học của Đức Ratzinger đã ghi dậm dấu vết kiếm tìm cá nhân về sự thật, được lương tâm thúc đẩy. Người đã thi hành trách nhiệm luân lý trong suốt cuộc đời mình, cả khi có bị gọi là ”người truy toà” hay ”kẻ thù của nhân loại”, như một nhà báo đã viết đi nữa.

Nói về sự thật với tình yêu thương thường có nghĩa là ở trong tình trạng đối chọi với các khuynh hướng đang thắng thế, và trở thành người không được dân chúng ưa thích. Ngày nay, trong cương vị là Giáo Hoàng, Đức Ratzinger tiếp tục sống trách nhiệm luân lý đó. Điển hình là chính người soạn ra đa số các bài huấn dụ và diễn văn. Và chúng đánh động người nghe, vì phát xuất từ con tim của Đức Thánh Cha, chứ không phải từ một lược đồ đã soạn sẵn trước.

(ZENIT 5-7-2007)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.