2007-07-11 16:16:11

Giới thiệu nội dung tài liệu của Bộ Giáo Lý Đức Tin liên quan tới vài khía cạnh giáo lý về Giáo Hội


Ngày mùng 10-7-2007 Bộ Giáo Lý Đức Tin đã công bố tài liệu tựa đề ”Responsa ad quaestiones de aliquibus sententiis ad doctrinam de Ecclesia pertinentibus - Trả lời cho các câu hỏi liên quan tới vài khía cạnh của Giáo Lý về Giáo Hội”. Tài liệu mang chữ ký của Đức Hồng Y Tổng Trưởng William Levada và Đức Tổng Giám Mục Thư Ký Angelo Amato, đề mgày 29 tháng 6 năm 2007, lễ trọng kính hai thánh Phêrô Phaolô Tông Đồ, ban hành tại Roma từ trụ sở Bộ Giáo Lý Đức Tin. Sau phần dẫn nhập tài liệu được trình bầy dưới dạng hỏi thưa và bao gồm 5 câu hỏi và 5 câu trả lời.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ đài Vaticăng, Đức Tổng Giám Mục Angelo Amato, Thư ký Bộ cho biết đứng trước các giải thích sai lạc hay giảm thiểu giáo lý Công Đồng về Giáo Hội, Bộ Giáo Lý Đức Tin muốn minh xác một số kiểu diễn tả giáo hội học của huấn quyền, có nguy cơ bị hiểu lầm trong cuộc tranh luận thần học.

Bộ đã dùng kiểu hỏi thưa này vì nó không đòi buộc các lý luận rộng rãi và chi tiết. Tài liệu gồm 5 câu hỏi và 5 câu trả lời tổng hợp chính xác cho các nghi ngờ về việc giải thích đúng đắn giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticăng II về Giáo Hội.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn nội dung tài liệu này. Trong phần dẫn nhập tài liệu viết:

”Với Hiến Chế Tín Lý Ánh Sáng Muôn Dân và các Sắc Lệnh về Đại Kết (Unitatis redintegratio) và về các Giáo Hội Đông Phương (Orientalium Ecclesiarum), Công Đồng Chung Vaticăng II đã góp phần định đoạt vào việc hiểu biết sâu xa hơn về giáo hội học công giáo. Liên quan tới việc này các Giáo Hoàng cũng đã muốn cống hiến các đào sâu và hướng dẫn cho việc thực hành: Đức Phaolo VI với Thông Điệp ”Ecclesiam suam” ”Giáo Hội Người” ban hành năm 1964, và Đức Gioan Phaolo II với Thông Điệp ”Ut unum sint” ”Xin cho chúng nên một”, ban hành năm 1995.

Nỗ lực tiếp theo của các thần học gia nhằm minh giải ngày càng tốt đẹp hơn các khía cạnh khác nhau của nền giáo hội học, đã làm nở hoa cả một nền văn chương sâu rộng trong lãnh vực này. Thật ra đề tài đã vén mở cho thấy sự phong phú rất lớn, nhưng đôi khi cũng cần có các kiểm diểm và nhắc nhớ, như Tuyên Ngôn ”Ecclesia” ban hành năm 1973, Thư gửi các Giám Mục Giáo Hội Công Giáo ”Communionis notio” năm 1992 và Tuyên Ngôn ”Dominus Jesus” năm 2000, tất cả đều đo Bộ Giáo Lý Đức Tin công bố”.

Tiếp tục phần dẫn nhập tài liệu của Bộ Giáo Lý Đức Tin viết: ”Sự rộng rãi của vấn đề và cái mới mẻ của nhiều đề tài tiếp tục thách đố suy tư thần học, bằng cách luôn cống hiến các đóng góp mới không luôn luôn tránh khỏi các giải thích sai lạc, gây ra những do dự và nghi hoặc. Một vài do dự và nghi ngờ đó đã được trình lên Bộ Giáo Lý Đức Tin. Trong khi giả thiết trước giáo huấn toàn bộ của giáo lý công giáo liên quan tới Giáo Hội, Bộ có ý trả lời cho các do dự và nghi ngờ này, bằng cách xác định ý nghĩa đích thực của vài kiểu diễn tả giáo hội học huấn quyền, có nguy cơ bị hiểu lầm trong cuộc tranh luận thần học”.

Sau phần dẫn nhập trên đây tài liệu của Bộ Giáo Lý Đức Tin trả lời cho 5 câu hỏi đề ra.

Câu hỏi thứ nhất: Công Đng Chung Vaticăng II có thay đổi giáo lý về Giáo Hội có trưc đó hay không?

Thưa: Công Đồng Chung Vaticăng II đã không muốn thay đổi, và thật ra đã không thay đổi giáo lý đó, nhưng đã chỉ muốn khai triển, đào sâu và trình bầy giáo lý đó một cách rộng rãi hơn mà thôi.

Chính vì thế Đức Gioan XXIII đã khẳng định điều này một cách rất rõ ràng ngay từ đầu Công Đồng. Đức Phaolo VI đã tái nhấn mạnh điều đó và nói lên trong việc ban bố Hiến Chế ”Lumen Gentium” ”Ánh Sáng Muôn Dân”: ”Xem ra không thể đưa ra lời bình luận nào tốt đẹp hơn là nói rằng việc ban bố Hiến Chế này thực sự không thay đổi điều gì của giáo lý truyền thống cả. Điều Chúa Kitô muốn, chúng tôi cũng muốn. Điều đã có, vẫn tồn tại. Điều Giáo Hội đã dậy dỗ trong bao nhiêu thế kỷ, chúng tôi cũng dậy dỗ. Điều đã chỉ được sống một cách đơn thuần, thì giờ đây được diễn tả ra bên ngoài; điều đã không chắc chắn, thì giờ đây được rõ ràng; điều đã được suy tư, thảo luận, và gây tranh cãi một phần, giờ đây đạt tới công thức thanh thản”. Các Giám Mục cũng đã nhiều lần bầy tỏ và muốn thực thi ý định này.

Câu hỏi thứ hai: Phải hiểu khẳng đnh theo đó Giáo Hội của Chúa Kitô tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, như thế nào?

Thưa: Chúa Kitô ”đã thành lập trên trần gian này” một Giáo Hội duy nhất, và Người đã thành lập nó như là ”cộng đoàn hữu hình và thiêng liêng”, ngay từ đầu và trong dòng lịch sử đã luôn luôn hiện hữu và sẽ hiện hữu, và trong Giáo Hội ấy, chỉ tồn tại và sẽ tồn tại tất cả những yếu tố do Chúa Kitô thành lập mà thôi. ”Đây là Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô, mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh tin Kính là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền... Giáo Hội này, trong tính cách được thành lập và tổ chức như xã hội, tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, được cai quản bởi Đấng Kế Vị Thánh Phêrô và các Giám Mục hiệp thông với Người”.

Trong số 8 Hiến Chế tín lý ”Ánh Sáng Muôn Dân” sự tồn tại là sự liên tục lịch sử trường tồn và sự thường hằng của tất cả các nhân tố, đã do Chúa Kitô thành lập trong Giáo Hội Công Giáo, trong đó Giáo Hội của Chúa Kitô hiện diện một cách cụ thể trên trần gian này.

Theo giáo lý công giáo, trong khi người ta có thể khẳng định một cách đúng đắn rằng Giáo Hội của Chúa Kitô hiện diện và hoạt động trong các Giáo Hội và trong các Cộng Đoàn giáo hội chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, nhờ các nhân tố của sự thánh hóa và chân lý hiện diện trong đó, từ ”tồn tại” trái lại, chỉ có thể được gán cho Giáo Hội Công Giáo mà thôi, bởi vì nó quy chiều về đặc điểm hiệp nhất được tuyên xưng trong các kinh tin kính biểu hiệu của lòng tin (Tôi tin ... Giáo Hội ”duy nhất”); và Giáo Hội ”duy nhất” này tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo.

Câu hỏi thứ ba: Tại sao lại chọn kiểu nói ”tồn tại trong”, mà không dùng hình thái động từ đơn sơ ”là”?

Thưa: Việc dùng kiểu nói này, ám chỉ sự giống nhau tràn đầy của Giáo Hội của Chúa Kitô với Giáo Hội Công Giáo, không thay đổi giáo lý về Giáo Hội; tuy nhiên lý do thực của nó là ở nơi sự kiện nó diễn tả một cách rõ ràng hơn làm sao ngoài bối cảnh của Giáo Hội Công Giáo cũng có ”nhiều yếu tố của sự thánh hóa và chân lý”, ”mà như là các ơn riêng của Giáo Hội Chúa Kitô, chúng thúc đẩy tới sự hiệp nhất công giáo”.

Vì thế cho dù chúng ta có tin rằng chúng có các thiếu sót, trong mầu nhiệm cứu độ, các Giáo Hội và các Cộng đoàn phân rẽ này không phải là không có ý nghĩa và sức nặng. Thật vậy, Thần Khí của Chúa Kitô không khước từ dùng chúng như các dụng cụ cứu rỗi, mà giá trị phát xuất từ chính sự sung mãn của ơn thánh và chân lý, được giao phó cho Giáo Hội Công Giáo”.

Câu hỏi thứ tư: Ti sao Công Đng Chung Vaticăng II gán tên ”các Giáo Hội” cho các Giáo Hội đông phương, tách rời khỏi sự hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo?

Thưa: Công Đồng đã muốn chấp nhận việc sử dụng truyền thống của tên gọi này. ”Vì cho dù có tách rời, các Giáo Hội ấy có các bí tích thật, và nhất là vì sự thừa kế tông đồ, Chức Linh Mục và Bí Tích Thánh Thể, qua đó các Giáo Hội này vẫn còn hiệp nhất với chúng ta bởi các mối dây rất chặt chẽ”, chúng xứng đáng tước hiệu ”các Giáo Hội riêng biệt hay địa phương”, và chúng được gọi là các Giáo Hội anh em của các Giáo Hội địa phương công giáo”.

”Do đó, qua việc cử hành bí tích Thánh Thể của Chúa trong các Giáo Hội riêng rẽ này, Giáo Hội của Thiên Chúa được xây dưng và lớn lên”. Tuy nhiên, vì sự hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo, có đầu hữu hình là Giám Mục Roma và Người Kế Vị Thánh Phêrô, không phải là một sự phụ thuộc bên ngoài Giáo Hội địa phương, mà là một trong các nguyên tắc tạo thành bên trong, điều kiện của Giáo Hội địa phương, mà các Cộng đoàn Kitô đáng kính này được hưởng, vẫn có một sự thiếu thốn nào đó.

Đàng khác tính cách hoàn vũ của Giáo Hội, được cai quản bởi Đấng Kế Vị Thánh Phêrô và các Giám Mục hiệp thông với Người, gặp chướng ngại trong việc hiện thực tràn đầy trong lịch sử, vì sự chia rẽ giữa các tín hữu Kitô,

Câu hỏi thứ năm: Ti sao các văn bản của Công Đồng và của Huấn Quyền tiếp theo không gán tước hiệu ”Giáo hội” cho các cộng đoàn Kitô nảy sinh từ phong trào cải cách của thế kỷ XVI?

Thưa: Vì theo giáo lý công giáo, các Cộng Đoàn này không có sự kế vị tông đồ trong bí tích Truyền Chức, và do đó thiếu yếu tố tạo thành nòng cốt để là Giáo Hội. Đặc biệt vì thiếu chức linh mục thừa tác, các Cộng Đoàn này đã không duy trì bản chất tinh tuyền và toàn vẹn của Thừa Tác Thánh Thể, nên theo giáo lý công giáo, chúng không thể được gọi là các ”Giáo hội” trong nghĩa chính đáng.

Trong buổi tiếp kiến dành cho Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã phê chuẩn và xác nhận các câu trả lời đã được quyết định trong phiên họp thường của Bộ và đã ra lệnh ban hành.

Roma, từ trụ sở Bộ Giáo Lý Đức Tin ngày 29 tháng 6 năm 2007 lễ trọng kính hai thánh Phêrô Phaolo Tông Đồ.
 
(SD RG 10-7-2007)
 
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.