2007-07-06 16:57:11

Việc phát triển các đài phát thanh tôn giáo tại Phi châu


Trong các năm qua số đài phát thanh địa phương gia tăng tại nhiều nước Phi châu, khiến cho dân chúng ngày càng biết các tin tức trong nước và đó đây trên thế giới. Bên cạnh các đài có tính cách đời, là các đài phát thanh tôn giáo. Trong lãnh vực này các đài phát thanh hồi giáo bành trướng rất mạnh. Điển hình như đài phát thanh truyền hình liên quốc ”Al Jazeera” và ”Al Arabiah”. Các đài nhỏ khác tiếp vận hai đài chính này nhằm đẩy mạnh chương trình phố biến Hồi giáo tại Phi châu.

Mới đây Thông tấn Hồi giáo Kuweit cho Phi châu cũng đã tài trợ việc thiết lập 18 đài phát thanh hồi giáo khác. Một tổ chức phi chính quyền của Pakistan cũng đang thực hiện một chương trình tương tự, bằng cách tài trợ 10 đài phát thanh mới. Các nước được hưởng các tài trợ nói trên là Ghana, Senegal, Mozambic, Cộng hòa Trung Phi, Benin, Togo và Mali.

Tuy nhiên, các đài phát thanh công giáo cũng gia tăng mạnh. Hiện nay có 27 đài phát thanh công giáo, thuộc 20 quốc gia Phi châu, tiếp vận và phát lại các chương trình của đài phát thanh Vaticăng. Các thừa sai hoạt động đặc biệt mạnh mẽ trong lãnh vực này ở bình diện cộng đoàn địa phương.

Nhưng sự kiện các chương trình phát thanh tôn giáo mọc lên như nấm tại Phi châu cũng kéo theo nguy cơ ”tôn giáo giả hiệu”. Điển hình như trong thủ đô Lomé của Togo có tới 49 tôn giáo khác nhau, được chính quyền thừa nhận và các đài phát thanh đề cao các vị giảng thuyết, thường khi không phải là các người giảng đạo, mà là các chuyên viên làm tiền thính giả.

Trong một bối cảnh kém mở mang như bên Phi châu, các đài phát thanh truyền hình có ảnh hưởng rất lớn trên dân chúng, trong nghĩa tích cực cũng như trong nghĩa tiêu cực. Những gì đài phát thanh truyền hình nói là đúng chứ không thể sai. Và đã xảy ra là các đài phát thanh đã góp phần làm cho một số chính quyền phải đổ. Cũng chính vì thế các chương trình có tính cách mở mang kiến thức và sự hiểu biết, thức tỉnh lương tâm người dân và óc phê phán, thường bị các chính quyền làm khó dễ, đàn áp và đóng cửa.

Vì các đài phát thanh có ảnh hưởng rộng lớn như thế, nên chúng khiến cho các chính quyền độc tài rất âu lo sợ hãi. Những đài nào không phò chính quyền và không theo đường lối chính trị của chính quyền, thường bị sách nhiễu và đàn áp. Điển hình như vụ đài ”Victoire Chiến Thắng” bên Togo, bị đóng cửa, sau khi mạnh mẽ tố cáo nạn gian tham hối lộ của cảnh sát thủ đô Lomé hồi năm 2004. Từ ngày đó trở đi, đài đã gặp rất nhiều khó khăn. Lần đóng cửa mới nhất là hồi tháng hai năm nay. Đài đã phải im tiếng trong 15 ngày.

Vụ mới nhất liên quan tới đài phát thanh truyền hình quốc gia tại tỉnh Butembo, bên cộng hòa Congo. Các cảnh sát tỉnh này đã không chịu được một chương trình đề cập đến tình hình an ninh trong thành phố, nên đã đột nhập vào đài phát thanh và đe dọa các nhân viên của đài. Đặc biệt trong các dịp bầu cử, các đài phát thanh truyền hình bị kiểm soát nghiêm ngặt và chịu nhiều hạn chế.

Ngày 14-3-2007 đài phát thanh ”Jamakan” tại thành phố Markala, bên Mali, đã bị đuổi nhà, vì đã phê bình tổng thống Touré ra tái ứng cử ngày 29-4-2007.

Bên Togo, trong các cuộc bầu cử hồi tháng 4 năm 2005, quân đội đã đột nhập khách sạn, nơi có máy tiếp vận của Radio France, là đài phát thanh Pháp, và đã bắt ngưng các chương trình phát.

Bên Guinea Bissau, hồi tháng 2 năm nay ông Boubacar Dialto, Bộ trưởng Thông Tin, đã ra lệnh cho tất cả mọi đài phát thanh tư, không được loan tin cuộc tổng đình công bãi thị của giới công nhân, phản đối cuộc sống mắc mỏ trong nước.

Bên nước Zimbabwe, đài phát thanh độc lập duy nhất là đài ”Tiếng nói nhân dân” liên tục bị chính quyền quân đội sách nhiễu. Hồi tháng 12 năm 2006 một vài nhà báo của đài cũng đã bị chính quyền bắt giữ.

Bên cạnh các ảnh hưởng tích cực, đài phát thanh cũng có thể là dụng cụ phát động làn sóng thù hận và sát hại dân lành. Đó đã là trường hợp của đài phát thanh ”Hàng ngàn trái đồi” bên Rwanda.

Ông Pierantonio Costa, hồi đó là Lãnh sự Italia tại Rwanda, cho biết đài này đã được thành lập năm 1993, và được tài trợ bởi những người thân cận với tổng thống Habyarinmana, thuộc bộ tộc Hutu.

Đài phát thành này có chương trình nhạc rất thời sự và các chương trình được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và hay, nên thu hút rất nhiều thính giả.

Hồi tháng 4 năm 1993, đài đã sách động người Hutu tàn sát người Tutsi, và đọc tên những người Tutsi cần phải hạ sát. Terry George - đạo diễn cuốn phim tựa đề ”Khách sạn Rwanda” kể lại cuộc diệt chủng giữa người Hutu và Tutsi hồi tháng 4 năm 1994 - khiến cho hơn 1 triệu người thiệt mạng, đã mạnh mẽ tố cáo trách nhiệm của đài phát thanh ”Hàng ngàn trái đồi” trong vụ diệt chủng này, và gọi nó là ”Đài phát thanh thù hận”, hay “Đài phát thanh mã tấu”.

Ngày 23-12-2003 Tòa án quốc tế nhóm tại Arusha, bên Tanzania, đã kết án tù chung thân ông Ferdinand Nahimana, một trong những người thành lập, kiêm giám đốc đài ”Hàng ngàn trái đồi”, vì tội đồng lõa và sách động cuộc diệt chủng”. Ông Georges Ruggiu, người gốc Ý và Bỉ, cũng đã bị kết án 12 năm tù, vì tội trực tiếp sách động cuộc diệt chủng và phổ biến thù hận chống lại người Tutsi. Chính ông cũng đã kêu gọi người Hutu tàn sát người Tutsi và các công dân Bỉ.

Một trong những người có công thiết lập nhiều đài phát thanh nhất tại Phi châu là ông Giorgio Lolli, 63 tuổi, thương gia tỉnh Bologna, trung bắc Italia. Từ thập niên 1980 đến nay ông Lolli đã thành lập hơn 500 đài phát thanh tư tại các nước Ghana, Niger, Mali, Togo, Mozambic, Senegal, Burkina Faso và Nigeria.

Hồi thập niên 1970 ông Lolli sang Eritrea để quay một cuốn phim tài liệu về du kích quân thuộc Mặt trận giải phóng Eritrea. Nhóm này thường xuyên liên lạc với người Palestine bên Giordani. Nhưng vì vấn đề kỹ thuật trục trặc, họ đã không liên hệ được với nhóm Palestine. Chỉ trong vài phút ông Lolli đã giúp sửa dây cáp bị hư, và thế là hai nhóm lại bắt liên lạc được với nhau. Kinh nghiệm đó giúp ông Lolli hiểu tầm quan trọng và lợi hại của đài phát thanh đối với các dân tộc Phi châu. Để giúp các dân tộc Phi châu ra khỏi tình trạng bị cô lập lẻ loi trong những vùng đất mênh mông, và có thể trao đổi liên lạc với nhau cũng như biết tin tức và học hỏi, đài phát thanh là phương tiện mau chóng và hữu hiệu nhất.

Tuy nhiên, mười năm sau ông Lolli mới thực hiện được giấc mơ của mình là giúp thăng tiến phát triển cho các dân tộc Phi châu. Vào tháng 3 năm 1991 tình hình Mali vô cùng căng thẳng, và chính quyền của nhà độc tài Mussa Traoré bắt đầu lung lay. Ông Lolli đến Mali với một ”antenne” trong mục đích thiết lập một đài phát thanh. Nhưng ông khai với quan thuế là ông đem theo một loại xoáy đinh ốc đặc biệt. Trong vòng một đêm ông đã thiết kế xong một đài phát thanh nhỏ, và vào ban sáng chương trình phát thanh bắt đầu hoạt động với khẩu hiệu ”đả đảo tổng thống Mussa Traoré”. Sứ điệp đó đã góp phần lật đổ chính phủ độc tài tại Mali. Đài phát thanh chui đó, sau này trở thành Radio Bamaka, và là đài phát thanh tự do đầu tiên được tân chính phủ cho phép hoạt động. Sau ngày khánh thành đã có hàng ngàn người đến thăm đài và ai cũng thích được phát biểu trước máy vi âm.

Sau đó ông Lolli đã thành lập hãng ”Solaire” chế tạo các máy móc để thiết kế các đài phát thanh. Ban đầu với máy phát 250 watts sau lên tới 1000 watts. Mỗi đài phát thánh giá khoảng từ 10 đến 20 ngàn Euros. Ông cho biết vấn đề lớn nhất tại Phi châu là các hãng xưởng ngoại quốc bán máy móc, nhưng lại không dậy gì cả. Còn ông, ngoài việc thành lập hãng Solaire, chế tạo, bán các vật dụng và giúp thiết kế đài phát thanh, ông Lolli còn đào tạo các chuyên viên kỹ thuật sử dụng máy móc tại chỗ và đặc biệt biết sửa chữa khi chúng bị hư hại. Ông tổ chức khóa học kéo dài một tháng cho các chuyên viên kỹ thuật tại thủ đô Bamako. Ông cũng đào tạo các phát ngôn viên và nhà báo cho đài phát thanh, để đài có thể hoạt động ngay trong một thời gian kỷ lục.

Một trong những niềm vui lớn nhất của ông Lolli là chú bé Dogon, sống trên cao nguyên Bandjagara bên Mali. Khi được ông thu nhận, chú bé không biết gì về kỹ thuật. Nhưng hiện nay chú là chuyên viên kỹ thuật giỏi nhất và được ông gửi đi khắp nơi trong toàn Phi châu để thiết kế các đài phát thanh.

Ông cho biết trên bình diện kinh tế, các đài phát thanh này gặp khó khăn vì có rất ít dịch vụ quảng cáo cũng như trợ giúp từ phía chính quyền. Thành ra mọi sự phải tự lo lấy. Vì thế cần phải tạo ra các dịch vụ quảng cáo như: tìm trẻ lạc, báo tin đám cưới, đám tang và các sinh hoạt đặc thù vv .. để có chút ngân khoản trang trải các chi phí. Thế là đời sống thường nhật của dân chúng được đưa lên đài phát thanh. Ông Lolli còn nhớ mãi một kỷ niệm đẹp trong ngày khánh thành đài phát thanh Bankass, trong sa mạc Mali. Chính dân làng đã đóng góp tiền bạc để có đài phát thanh này. Trước toàn dân làng tham dự lễ khánh thành, ông trưởng làng nói: ”Giờ đây chúng ta có một tiệm bán thuốc, một giếng nước và một đài phát thanh. Chúng ta có tất cả những gì cần thiết rồi”. Và ông Lolli hiểu thấm thía thế nào là trao ban tiếng nói cho những người không có tiếng nói.

(Avvenire 6-6-2007)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.