2007-07-05 14:22:53

“Mất ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng”


Một số nhận định của hai giới chức đạo đời về hiện tượng làm việc ngày Chúa Nhật tại Italia

Trong các năm qua Hội Đồng Giám Mục Italia và các Hội Đồng Giám Mục Âu châu đã nhiều lần lên tiếng về việc bảo vệ quyền lợi của các anh chị em nhân công được nghỉ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng. Nhưng các thống kê cho thấy số người phải làm việc trong các ngày lễ càng gia tăng, đặc biệt với sự bành trướng của các ”trung tâm thương mại”, và các loại siêu thị khổng lồ ngày càng có khuynh hướng mở cửa suốt ngày, một số mở cửa 24 giờ trên 24 giờ.

Theo thống kê mới nhất hiện có 31% nhân công phải làm việc ngày Chúa Nhật, 5,4% làm việc mọi ngày Chúa Nhật quanh năm, và 38,5% số người đồng ý cho các siêu thị và hàng quán mở cửa cả ngày Chúa Nhật nữa. Nhưng hiện tượng này gây ra các hậu qủa tiêu cực nghiêm trọng trong cuộc sống gia đình. Nó khiến cho gia đình vốn đã mong manh lại càng mong manh hơn. Nhưng thường khi các công nhân không biết giải quyết ra sao vì công việc của họ là công việc dây chuyền. Điển hình như trong kỹ nghệ thép TK gồm 2.500 công nhân: sự kiện phải cung cấp đủ hàng hóa theo nhu cầu khiến cho hãng bắt buộc họ phải làm việc cả 3 ngày Chúa Nhật trong tháng. Từ từ họ chỉ còn bạn bè trong hãng và mất dần tất cả các bạn bè của ngày thứ bẩy, và mất luôn cả chiều kích tôn giáo của ngày lễ nữa.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của hai giới chức đạo đời Italia, về hiện tượng làm việc ngày Chúa Nhật.

Trước hết là Đc Ông Paolo Tarchi, Giám đốc văn phòng mục vụ xã hội và lao động của Hội Đồng Giám Mục Italia, về hiện tượng làm việc ngày Chúa Nhật tại Italia.

Hỏi: Thưa Đc Ông, Đức Ông nghĩ gì về sự kiện càng ngày số tín hữu phải làm việc ngày Chúa Nhật càng đông?

Đáp: Trong nhiều giáo phận từ bắc chí nam Italia, càng ngày càng có các dấu hiệu chứng minh cho thấy sự khó chịu của dân chúng đối với sự kiện phải làm việc ngày Chúa Nhật và các ngày lễ nghỉ. Sự kiện ”ngày Chúa Nhật bị khước từ” đang trở thành vấn đề xã hội và mục vụ. Với hiện tượng làm việc các ngày Chúa Nhật và ngày lễ người ta đang đánh mất đi ý nghĩa của ngày lễ và việc sử dụng ngày lễ một cách đúng đắn.

Giáo Hội đã không bao giờ có thái độ hoàn toàn đóng kín hay cấm cản đối với công việc ngày Chúa Nhật. Giáo Hội đã luôn luôn thừa nhận rằng có các dịch vụ phải bảo đảm mỗi ngày cho tha nhân, chẳng hạn như các dịch vụ y tế săn sóc sức khỏe cho các bệnh nhân. Giáo Hội cũng đã không ngăn cản việc tái tổ chức cơ cấu kỹ nghệ và phẩn phối việc làm, dựa trên việc làm ngày Chúa Nhật, để gia tăng sản xuất và tạo công ăn việc làm cho dân. Nhưng vấn đề nảy sinh từ từ với các ”trung tâm thương mại lớn” và việc nới lỏng luật buộc đóng cửa ngày Chúa Nhật để cho các công nhân được nghỉ.

Trong các điều kiện bình thường, thì chỉ có thể mở cửa các siêu thị và trung tâm thương mại 8 Chúa Nhật trong năm, cộng thêm các Chúa Nhật tháng 12 nữa. Nhưng trên thực tế, bất cứ dịch vụ nào tự cho mình là có liên quan tới nghành du lịch đều có thể mở cửa quanh năm. Bên cạnh đó là một vài loại hàng hóa, chẳng hạn như các tiệm bán đồ đạc giường tủ bàn ghế vv... các Chúa Nhật mở cửa trong năm nhiều hơn là các Chúa Nhật đóng cửa để nghỉ.

Hỏi: Như thế theo Đức Ông cần phải bảo vệ ngày nghỉ Chúa Nhật cho các công nhân?

Đáp: Dĩ nhiên rồi. Cần phải cứu vãn ngày Chúa Nhật như là thời gian đặc biệt: thời gian để vun trồng các tương quan giữa các thành phần trong gia đình với nhau, để vun trồng tình bè bạn, và cả tương quan với Thiên Chúa và với thế giới của sự siêu việt nữa, thời gian để làm việc bác ái, đi thăm viếng ủy lạo các bệnh nhân, người già yếu. Điều gây lo âu: đó không phải chỉ là con số người ít nhiều bị bó buộc phải làm việc ngày Chúa Nhật gây thiệt hại cho cuộc sống gia đình, đang gia tăng, mà nhất là cũng còn vì sự kiện ngày Chúa Nhật như là thời gian của sự nhưng không, đang biến thành thời gian của sự tiêu thụ.

Hỏi: Thưa Đức Ông, trong thời gian qua các Giám Mục của 5 giáo phận vùng Cuneo, tây bắc Italia, cũng đã lên tiếng bầy tỏ lo âu về vấn đ này có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng thế. Hồi tháng 2 năm nay các Giám Mục 5 giáo phận trong vùng Cuneo đã công bố lời kêu gọi mở cuộc đối thoại giữa giới chủ nhân và các nghiệp đoàn nhân công để thảo luận về vấn đề này. Các vị để cho anh chị em công nhân quyết định theo lương tâm của mình, nhưng cũng khuyến khích họ cố gắng bảo vệ ngày lễ nghỉ, và đừng nhượng bộ các giàn xếp gây thiệt hại cho họ và cho cuộc sống gia đình của họ.

Lấy lại một vài lời yêu cầu đã trình bầy trong thông tri mục vụ tựa đề ”Làm việc ngày Chúa Nhật”, do Hội Đồng Giám Mục Italia công bố năm 1996, các Giám Mục nhấn mạnh rằng: ngày Chúa Nhật đã trở thành thời gian của khuynh hướng tiêu thụ, vượt qúa mọi giới hạn hữu lý, kéo theo các hệ lụy có tầm mức toàn cầu liên quan tới việc tôn trọng tài nguyên thiên nhiên và mục đích đại đồng của chúng. Điều khiến cho các Giám Mục lo âu: đó là tại các ”trung tâm thương mại” người ta làm việc toàn thời mọi ngày Chúa Nhật, kể cả các ngày lễ trọng nhất trong năm, được mọi người trên thế giới cử hành như là lễ nghỉ nữa. Các anh chị em công nhân này cũng có một gia đình, các liên hệ bạn bè và xã hội. Nhưng làm thế nào đáp ứng được các nhu cầu đó, nếu họ phải làm việc cả ngày Chúa Nhật nữa?

Lời kêu gọi của các Giám Mục đã được ông Ferruccio Dardanello, Chủ tịch Liên hiệp thương mại lắng nghe. Vì thế hồi tháng 5 vừa qua, ông đã tổ chức một hội nghị có sự tham dự của các giám mục, linh mục và hiệp hội các khách hàng tiêu thụ, cũng như đại diện các nghiệp đoàn công nhân. Ông Dardanello thừa nhận rằng lời kêu gọi của các Giám Mục vùng Cuneo là dịp để đương đầu với vấn đề liên quan tới giới công nhân cũng như các hãng xưởng và tổ chức thương mại nhỏ và trung bình. Có thể cải tiến tình hình, vì đã có các luật lệ trên mọi bình diện thuộc lãnh vực này, nhưng đương nhiên là chúng bị áp dụng sai. Trong vùng Lombardia chẳng hạn, khoản 28 trên 29 của luật miền này cho phép chính quyền đia phương xác định xem một hàng quán có thực sự là dịch vụ du lịch hay không.

Sau đây là một vài nhận xét của bà Rosetta Raso, thư ký ủy ban tranh đấu cho quyền nghỉ lễ của các công nhân thuộc Liên hiệp các nghiệp đoàn thương mại, trung gian và du lịch. Ông Pierangelo Raineri, Tổng thư ký Liên hiệp cho biết hồi tháng 3 năm 2003 Liên hiệp cũng đã viết cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II một bức thư trình bầy vấn đề, và xin Đức Thánh Cha can thiệp. Theo ông phải bênh vực quyền của các công nhân được nghỉ lễ.

Hỏi: Thưa bà Rosetta những công nhân phải làm việc ngày Chúa Nhật là những ai, và công việc làm như thế có hại cho sức khỏe của họ không?

Đáp: Thường họ là các thành phần yếu kém, phải chấp nhập làm việc trong các ngày lễ nghỉ, vì không có sự lựa chọn nào khác. Trong số này có rất đông chị em phụ nữ, và nó gây ra các hậu qủa tiêu cực cho cuộc sống gia đình.

Làm việc trong các ngày lễ rất có hại cho sức khỏe. Theo thống kê mới đây của Viện Dublin, là học viện nghiên cứu Âu châu, có tới 67% những người phải làm việc trong các ngày lễ đều có các vấn đề sức khỏe so sánh với những người không phải làm việc trong các ngày lễ nghỉ. Chúng là các thứ bệnh như: căng thẳng, mệt mỏi toàn diện, mất ngủ và lo lắng.

Hỏi: Mặc dù có các chỉ dẫn của Liên Hiệp, tại đa s các nước khác việc mở hàng quán ngày Chúa Nhật được kiểm soát kỹ lưng hơn là ti Italia. Đây có phải là một tiến trình không tránh được hay không?

Đáp: Theo tôi thì không. Tại Italia việc cho phép được nới rộng rất nhiều đến nỗi khiến cho ngày Chúa Nhật có nguy cơ trở thành một ngày thường như các ngày khác trong tuần, đặc biệt tại các trung tâm thương mại. Như thế việc vượt tiêu chuẩn ngoại thường là để thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ thôi.

Hỏi: Thưa bà, mở cửa các hàng quán ngày lễ như thế có đem lại các nguồn lợi kinh tế cho lãnh vực này hay không?

Đáp: Đương nhiên là số lượng các vụ làm ăn gia tăng rất nhiều chứ. Nhưng đặc biệt là có sự cạnh tranh giữa các lãnh vực khác nhau. Trong các hãng xưởng kỹ nghệ, người ta tổ chức làm việc theo ca, liên tục, cả ngày Chúa Nhật nữa, vừa để cạnh tranh vừa để đáp ứng tiết nhịp cung cầu.
 
Hỏi: Nghiệp đoàn có đưa ra sáng kiến nào để bảo vệ quyền của các công nhân không?

Đáp: Có chứ. Chúng tôi tìm gây ảnh hưởng trên các nhà lập pháp để có được các luật lệ bênh vực quyền nghỉ lễ của các công dân. Chẳng hạn khoản luật số 50 năm 2000 cho phép các hãng xưởng có thể linh động trong việc tổ chức việc làm theo nhu cầu của các gia đình. ”Giải thoát thời gian” ngày càng trở thành mục tiêu tranh đấu của chúng tôi. Vì đối với chúng tôi bảo vệ quyền nghỉ ngày Chúa Nhật cho các anh chị em công nhân có nghĩa là bảo vệ thời giờ chính xác dành để cho cuộc sống gia đình, cho cuộc sống văn hóa, xã hội và tôn giáo.

(Avvenire 6-6-2007)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.