2007-07-03 12:20:50

TU SĨ TÀN TẬT DÒNG ”ĐỨC BÀ HY VỌNG”


Từ 40 năm nay trong Giáo Hội Công Giáo xuất hiện một Hội Dòng đặc biệt. Đó là dòng Đức Bà Hy Vọng”, dành riêng cho người có sức khoẻ yếu và những ai bị tàn tật. Dòng do một đan sĩ Biển-Đức người Pháp thành lập. Dòng có 15 đan viện. 12 đan viện tại Pháp, một đan viện tại Bỉ và hai đan viện tại Tây-Ban-Nha. Đan viện mẹ của dòng nằm tại Croixrault, vùng Somme, miền Bắc nước Pháp.

Dòng ”Đức Bà Hy Vọng” sống theo quy luật thánh Biển Đức (480-547), tức là một dòng chiêm niệm. Các đan sĩ ”Đức Bà Hy Vọng” không có hoạt động tông đồ bên ngoài đan viện, nhưng phân chia chương trình sống thành hai phần xen kẽ nhau: Ora et Labora - Cầu Nguyện và Lao Động.

Ngoài ra, dòng ”Đức Bà Hy Vọng” còn sống theo linh đạo của Cha Charles de Foucauld (1858-1916). Đó là lòng yêu mến sự khó nghèo và tâm tình hiếu khách. Đan sĩ ”Đức Bà Hy Vọng” có đời sống đơn giản, phù hợp với tình trạng sức khoẻ kém hoặc tàn tật của các vị.

Có người tự hỏi:

- Làm sao người tàn tật lại có thể sống theo quy luật nhiệm nhặt của các đan sĩ chiêm niệm được?

Các đan sĩ tàn tật trả lời:

- Hơn ai hết, các anh em tàn tật có đủ khả năng sống ơn gọi đan tu. Bởi vì, chúng tôi dâng hiến cho THIÊN CHÚA cuộc sống cầu nguyện, thinh lặng và khổ đau, để ca tụng THIÊN CHÚA và để cầu cho Nước Chúa trị đến trong thế giới có quá nhiều bạo lực, chết chóc, nghèo đói và khốn khổ ..

Người xin gia nhập dòng ”Đức Bà Hy Vọng” không một sớm một chiều trở thành đan sĩ. Giống như mọi dòng tu, các ứng sinh phải qua nhiều giai đoạn như: dự sinh, thỉnh sinh, tập sinh và khấn sinh. Sau khi khấn tạm lần đầu, các đan sinh còn khấn tạm trong vòng 5 năm, trước khi tuyên khấn vĩnh viễn. Thời gian 6 năm khấn tạm được chia làm 2. Ba năm đầu khấn từng năm và sau đó lập lại lời khấn tạm cho 3 năm ..

Nếu vì lý do sức khoẻ quá kém, một đan sĩ thay vì tuyên khấn ba lời khấn dòng có thể chỉ tuyên hứa như một trợ sĩ.

Đan sĩ dòng ”Đức Bà Hy Vọng” đọc kinh Thần Vụ giống đan sĩ chiêm niệm. Thánh Lễ cử hành vào ban trưa. Như thế, Thánh Lễ trở thành trung tâm và chóp đỉnh của mọi sinh hoạt siêu nhiên và tự nhiên trong một ngày sống. Kinh ”Giờ Trưa” được lồng trong khung cảnh Thánh Lễ.

Năm 1991, số tập sinh dòng “Đức Bà Hy Vọng” ở Pháp khá đông, dòng quyết định mở một nhà tập riêng ở Martigny, thuộc vùng Normandie, miền Bắc nước Pháp. Tập viện mang tên thánh nữ Clara.

Năm ấy có 12 tập sinh. Ngoài ra còn có đan viện mang tên thánh nữ Têrêxa.

Đan viện mang tên thánh nữ Bernadette nằm cạnh Trung Tâm Thánh Mẫu Lộ-Đức. Đan viện thánh nữ Bernadette có mục đích đón tiếp các tín hữu đến hành hương Lộ-Đức và muốn dừng lại một thời gian ngắn để bồi dưỡng thể xác lẫn tinh thần.

Vì các đan sĩ có sức khoẻ kém nên đôi lúc các đan viện của dòng ”Đức Bà Hy Vọng” gặp khó khăn trong vấn đề sinh sống. Chẳng hạn, các đan sĩ cộng đoàn thánh Clara sống về nghề làm ”kẹo trái cây”, nhưng công cuộc trang bị cho xưởng làm kẹo lại quá lâu. Dầu vậy, các đan sĩ không đánh mất niềm hy vọng và tin tưởng nơi sự quan phòng của THIÊN CHÚA.

Hội dòng ”Đức Bà Hy Vọng” đáp ứng nguyện vọng sống đời chiêm niệm của người không may mắn có sức khoẻ dồi dào. Nhờ hội dòng, một số đông người tàn tật có thể tận hiến cho Chúa trong cuộc sống thinh lặng, cầu nguyện, lao động và hiệp thông huynh đệ với các anh em tu sĩ khác trong toàn Giáo Hội Công Giáo.

(”Lourdes Magazine”, n.60, Marzo+Aprile/1997, trang 27-28).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.