2007-06-20 17:12:24

Thánh Atanasio thành Alessandria, Giáo Phụ của mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp chung tín hữu và du khách hành hương năm châu sáng thứ tư 20-6-2007.

Vì trời Roma đã bắt đầu vào hè và nóng gắt, nên Đức Thánh Cha đã tiếp kiến tín hữu và du khách hành hương ở hai nơi: trước tiên trong Đền thờ thánh Phêrô, sau đó tại thính đường Phaolo VI.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt thánh Atanasio thành Alessandria, một trong các bậc thầy lớn của truyền thống Giáo Hội. Chỉ vài năm sau khi người qua đời, thánh nhân đã được Gregorio Nazianzeno thần học gia lớn và là Giám Mục Constantinople, gọi là ”cột trụ của Giáo Hội” (Discorsi 21,26) và người đã luôn luôn được coi như mẫu gương của sự chính truyền bên Phương Đông cũng như Phương Tây. Vì thế không phải vô tình mà kiến trúc sư kiêm điêu khắc gia Gian Lorenzo Bernini đã để tượng của thánh Atanasio cùng với tượng của ba Giáo Phụ Tiến Sĩ Giáo Hội Đông Tây là Ambrogio, Gioan Kim Khẩu và Agostino trong cung thánh tuyệt đẹp đền thờ thánh Phêrô chung quanh ngai tòa Phêrô. Đi vào chi tiết cuộc đời của thánh Anastasio Đức Thánh Cha nói:

Thánh Atanasio chắc chắn là một trong các Giáo Phụ quan trọng và được tôn kính nhất trong Giáo Hội thời xa xưa. Nhưng nhất là vì thánh nhân là một thần học gia say mê mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, Đấng đã ”nhập thể làm người và đến sống giữa chúng ta” như khẳng định trong phần dẫn nhập Phúc Âm thứ tư (Gioan 1,14). Cũng chính vì thế thánh nhân là địch thủ quan trọng và kiên trì nhất của bè rối Ariano, chối bỏ thiên tính của Chúa Kitô, giản lược Chúa Kitô thành một thụ tạo ”ở giữa” Thiên Chúa và con người, theo một khuynh hướng mà chúng ta cũng thấy tỏ hiện ngày nay dưới nhiều kiểu khác nhau. Có lẽ Atanasio sinh tại Alessandria bên Ai Cập khoảng năm 300. Người đã nhận được một nền giáo dục tốt trước khi trở thành Phó Tế và thư ký của Đức Cha Alessandro, Giám Mục thành Alessandria. Là người cộng tác chặt chẽ với Giám Mục, Atanasio đã cùng tham dự Công Đồng Chung đầu tiên do hoàng đế Costantino triệu tập tại Nicea vào tháng 5 năm 325 để củng cố sự hiệp nhất của Giáo Hội. Các Nghị Phụ đã có thể đương đầu với nhiều vấn đề, đặc biệt nghiêm trọng là vấn đề do linh mục Ario rao giảng vài năm trước đó tại Alessandria.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: với giáo thuyết của mình, linh mục Ario đe dọa lòng tin đích thật nơi Chúa Kitô, khi tuyên bố rằng Ngôi Lời không phải là Thiên Chúa thật, mà là một vì Thiên Chúa được tạo thành, một nhân vật ”trung gian” giữa Thiên Chúa và con người, vì thế loài người chúng ta không thể đạt đến Thiên Chúa thật. Các Giám Mục tụ họp tại Nicea trả lời bằng cách thiết định ”Kinh Tin Kính”, được bổ túc bởi Công Đồng Chung Constantinople I sau đó, và tồn tại trong truyền thống của nhiều Giáo Hội Kitô khác nhau và trong phụng vụ như là Kinh Tin Kính Nicea Constantinople.

Trong văn bản nền tảng diễn tả lòng tin của Giáo Hội không phân rẽ, mà chúng ta cũng đọc ngày nay trong buổi cử hành Thánh Thể mỗi Chúa Nhật, có từ hy lạp ”homooúsios” tiếng latinh là ”consubstantialis”: nó muốn ám chỉ rằng Chúa Con, Ngôi Lời đồng bản tính với Thiên Chúa Cha, là Thiên Chúa từ Thiên Chúa, là bản tính của Người và như thế nêu bật thiên tính tràn đầy của Chúa Con, bị các người theo bè phái Ario chối bỏ.

Sau khi Đức Cha Alessandro qua đời năm 328, Atanasio lên kế vị như Giám Mục thành Alessandria và lập tức tỏ ra cương quyết đẩy lui mọi giàn xếp với các lý thuyết của Ario bị Công Đồng Chung Nicea lên án. Thái độ đòi hỏi kiên trì, đôi khi rất cứng rắn nếu cần, đối với những người chống lại cuộc bầu người làm Giám Mục và nhất là đối với các người chống lại Kinh Tin Kính Nicea, đã khiến cho các người theo bè phái Ario hay phò Ario thù nghịch thánh nhân. Mặc dù kết qủa tỏ tường của Công Đồng Chung khẳng định rõ ràng rằng Chúa Con đồng bản tính với Chúa Cha, ít lâu sau các tư tưởng sai lạc này thắng thế và linh mục Ario được phục hồi. Vì nhiều lý do chính trị, cả hoàng đế Costantino và con là hoàng đế Costanzo II cũng ủng hộ Ario. Tuy nhiên hoàng đế không chú ý tới sự thật thần học cho bằng sự hiệp nhất của đế quốc và các vấn đề chính trị. Ông muốn chính trị hóa lòng tin bằng cách khiến cho nó dễ truyền đạt tới mọi người dân trong đế quốc hơn.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: thế là cuộc khủng hoảng Ario tưởng là đã được giải quyết tại Nicea, tiếp tục hàng thập niên sau với các khó khăn và chia rẽ đớn đau trong Giáo Hội.

Trong các năm từ 336 đến 366 Giám Mục Atanasio đã 5 lần bị bó buộc rời khỏi thành phố, sống lưu đầy và đau khổ trong 17 năm vì lòng tin. Nhưng trong các lần bị bắt buộc sống xa Alessandria đó thánh nhân đã ủng hộ và phổ biến bên Tây Phương trước hết là tại Treviri rồi Roma, lòng tin như trình bầy trong Công Đồng Chung Nicea và cả các lý tưởng của phong trào viện tu, lãnh hội được từ vị ẩn tu lớn là thánh Antonio. Với sức mạnh tinh thần thánh Antonio đã là người quan trọng nhất yểm trợ lòng tin của thánh Atanasio. Được tái lập vĩnh viễn tại Alessandria, Giám Mục Atanasio có thể tận hiến cho việc tái lập hòa bình tôn giáo và tái tổ chức các cộng đoàn Kitô. Người qua đời ngày mùng 2 tháng 5 năm 373.

Đề cập đến các tác phẩm của thánh Atasanio Đức Thánh Cha nói:

Tác phẩm giáo thuyết nổi tiếng nhất của thánh Giám Mục thành Alessandria là khảo luận ”Về sự nhập thể của Ngôi Lời”, Logos thiên linh nhập thể làm người như chúng ta để cứu rỗi chúng ta. Trong tác phẩm này thánh Atanasio đã tuyên bố một câu trở thành thời danh: đó là Ngôi Lời Thiên Chúa đã ”làm người để chúng ta trở thành Thiên Chúa; Người đã trở nên hữu hình để chúng ta có ý niệm về Thiên Chúa vô hình; và chính Người đã chịu bạo lực của loài người để chúng ta được hưởng sự bất hủy hoại” (54,3). Thật thế, với sự phục sinh của Người, Thiên Chúa đã khiến cho cái chết biến mất như ”rơm trong lửa” (8,4). Tư tưởng nền tảng trong cuộc chiến đấu thần học của thánh Atanasio là Thiên Chúa là Đấng mà con người có thể đạt đến được. Người không phải là một vì Thiên Chúa phụ thuộc, mà là Thiên Chúa thật, và qua sự hiệp thông với Chúa Kitô chúng ta có thể thực sự kết hiệp với Thiên Chúa. Người đã thực sự trở thành ”Thiên Chúa ở cùng chúng tôi”.

Trong số các tác phẩm khác của thánh nhân, đa số gắn liền với cuộc khủng hoảng đo bè phái Ario gây ra, còn có 4 lá thư thánh Atanasio gửi cho bạn là Serapione, Giám Mục Thmuis, đề cập tới thiên tính của Chúa Thánh Thần, được khẳng đinh mạnh mẽ trong 30 bức thư gửi các Giáo Hội và các tu viện Ai cập dịp đầu năm, để chỉ định ngày lễ Phục Sinh, nhưng nhất là để bảo đảm các liên hệ giữa các tín hữu, củng cố lòng tin và chuẩn bị cho họ mừng các lễ trọng.

Sau cùng thánh Atanasio cũng là tác giả của nhiều bài suy niệm về các Thánh Vịnh rất phổ biến, và nhất là một tác phẩm bán chạy nhất trong các tác phẩm của nền văn chương Kitô đó là ”Cuộc đời của thánh Antonio” ẩn tu. Nghĩa là tiểu sử cuộc đời thánh Antonio viện phụ, được viết ít lâu sau khi thánh nhân qua đời, chính trong thời gian thánh Atanasio bị lưu đầy và sống với các vị ẩn tu trong sa mạc bên Ai Cập. Atanasio là bạn của thánh Antonio đến độ thừa hưởng một trong hai mảnh da cừu do thánh Antonio để lại cùng với chiếc áo choàng mà thánh Atanasio tặng cho thánh Antonio. Tác phẩm này mau chóng trở thành nổi tiếng, được dịch ra tiếng latinh ngay và nhiều thứ tiếng khác nhau bên Đông Phương. Nó đã góp phần phổ biến phong trào viện tu bên Đông Phương và Tây Phương.

Thánh Atanasio cũng rất ý thức được ảnh hưởng tốt của gương mặt thánh Antonio đối với dân Chúa. Ngài cầu mong mọi người đều biết đến thánh Antonio, không phải vì các bút tích cũng không phải vì sự khôn ngoan nhân loại, hay khả năng nào khác, mà chỉ vì lòng sùng mộ của người đối với Thiên Chúa. Vì thế cho dù người sống ẩn khuất, Thiên Chúa vẫn chỉ cho mọi người ở khắp nơi thấy thánh nhân như ngọn đèn sáng, để họ biết rằng có thể sống theo các giới răn của Chúa và can đảm bước đi trên đường nhân đức.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ:

Phải, chúng ta có biết bao nhiêu lý do để cảm ơn thánh Atanasio. Cuộc đời người cũng như cuộc đời thánh Antonio và biết bao nhiêu thánh khác chỉ cho chúng ta thấy rằng ”ai tiến tới với Chúa thì không xa cách con người, mà khiến cho Thiên Chúa thực sự gần gũi con người” (Deus caritas est, 42).

Sau khi chào các tín hữu bằng 13 thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành cho tất cả.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.