2007-06-20 17:22:09

Kitô giáo là muối ướp mặn Tây Phương: phỏng vấn sử gia Thomas Woods


Trong những ngày vừa qua nhà xuất bản Cantagalli đã cho phát hành cuốn sách của sử gia người Mỹ Thomas Woods tựa đề ”Giáo Hội Công Giáo đã xây dựng nền văn minh Tây phương như thế nào”. Trong cuốn sách này giáo sư Thomas Woods là một trong những giáo sư trẻ thuộc Học Viện Ludwig von Mises, mạnh mẽ phản bác khuynh hướng bài Giáo Hội và xuyên tạc sự thật khi trình bầy gương mặt của Giáo Hội Công Giáo. Nhiều giới truyền thông thường theo lược đồ tiên kiến thuộc lòng cho rằng Giáo Hội Công Giáo phản khoa học, thù nghịch sự tự do diễn tả của nghệ thuật, ngăn cản bước tiến xã hội và tạo ra các trang sử đen tối trong lịch sử. Và trong các cuộc nói chuyện trên đài phát thanh truyền hình chỉ thiếu điều là người ta định nghĩa Giáo Hội là ”một chế độ độc tài” thôi.

Thật ra không phải như vậy, vì sự thực hoàn toàn trái ngược. Trong sách giáo sư Thomas Woods không chỉ chứng minh cho thấy thế giới Tây Phương có nguồn gốc Kitô, mà cũng chứng minh cho thấy Giáo Hội Công Giáo là nhựa sống đã làm cho cây văn hóa và xã hội của Tây phương lớn lên và đơm bông kết trái. Theo giáo sư Thomas Woods, không có sử gia nào thực sự tin rằng nền văn minh Tây phương chỉ phát xuất từ thời cổ điển, từ phong trào Phục Hưng hay từ thuyết thiên quang luận.

Trong qúa khứ và cả ngày nay nữa các thành kiến đối với Kitô giáo nói chung và đối với Giáo Hội Công Giáo nói riêng vẫn được giới truyền thông tiếp tục phổ biến một cách sai lạc và với nhiều ác ý. Đặc biệt trong bầu khí tục hóa và duy đời cực đoan ngày càng lan tràn trong các xã hội Tây âu hiện nay. Người ta tìm mọi cách tấn kích Giáo Hội đến chỗ nhân danh nguyên tắc phân biệt Giáo Hội Nhà Nước, người ta cấm các Chủ Chăn không được lên tiếng về những vấn đề chính trị đã vậy mà cả những vấn đề luân lý đạo đức nữa. Điển hình như bầu khí chính trị xã hội tại Italia hiện nay, trong đó có nhiều giới chức chính trị xã hội liên tục chỉ trích các Giám Mục và cho phép mình phê bình các vị là xen mình vào các vấn đề chính trị, khi các Giám Mục lên tiếng phát biểu bênh vực các quyền con người, bênh vực các nguyên tắc luân lý đạo đức đại đồng và các giá trị Kitô.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn giáo sư Thomas Woods về cuốn sách nói trên của giáo sư, bênh vực Giáo Hội Công Giáo chống lại các thành kiến thuộc lòng và các tấn kích vu khống chống Giáo Hội.

Hỏi: Thưa giáo sư Woods, ti sao giáo sư lại quyết định viết cuốn sách viết cuốn ”Giáo Hội Công Giáo đã xây dựng nền văn minh Tây phương làm sao”?

Đáp: Các giáo sư dậy môn lịch sử thời trung cổ hay lịch sử học khoa học thường hiểu biết các biến cố của Giáo Hội nhiều hơn là các giáo sư dậy các môn khác.

Các giáo sư dậy các môn khác có khuynh hướng phổ biến các huyền thoại và các truyền kỳ về Giáo Hội. Các huyền thoại này đã bị phản bác trong các tác phẩm nghiên cứu lớn có tính cách khoa học xác thực, nhưng rất tiếc đa số dân chúng lại không bao giờ đọc các tác phẩm đó. Cuốn sách của tôi lấy nguồn tài liệu từ các tác phẩm lớn ấy, nhưng đúc kết lại để cho độc giả trung bình có thể biết tới các tài liệu chính xác này.

Hỏi: Thưa giáo sư, Hiến Chương của Âu châu cố ý bỏ qua, không nhắc tới căn cội Kitô. Sự kiện này khiến cho giới lãnh đạo Giáo Hội và giới chức chính trị của nhiều nưc không đồng ý. Từ nhiều năm nay chính Đức Gioan Phaolo II, và các Hội Đồng Giám Mục Âu châu cũng như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI vẫn hằng yêu cầu nhắc tới căn cội Kitô của Âu châu trong Hiến Chương, nhưng đã không có giờ thay đi. Giáo sư nghĩ gì về sự lựa chọn này?

Đáp: Khước từ căn cội Kitô của Âu châu là điều vô lý, không thể hiểu được. Không có một sử gia tân tiến nghiêm chỉnh nào mà lại chỉ cho rằng nền văn minh Tây phuơng phát xuất duy nhất từ thế giới cổ điển, từ thời Phục Hưng và từ thuyết thiên quang luận, làm như thể thời trung cổ chỉ là thời kỳ dậm chận tại chỗ hay thời kỳ đàn áp. Lich sử và nền văn minh Âu châu mang đầy dấu vết Kitô giáo và đã được Kitô giáo nhào nặn ra mà, làm sao có thể chối bỏ được!

Hỏi: Thưa giáo sư, trong cun sách nói trên, giáo sư lý luận rằng Giáo Hội Công Giáo đã nhào nặn ra nền văn minh Tây phương và trưng dẫn một loạt các thí dụ điển hình: chẳng hạn như hệ thống các đại học, truyền thống nghệ thuật, quyền quốc tế vv... Đâu là đóng góp quan trọng nhất mà Giáo Hội Công Giáo đã cống hiến cho các xã hội Tây phương?

Đáp: Lịch sử đích thật của tương quan giữa Giáo Hội và khoa học chắc chắn là sự kiện có tầm quan trọng lớn nhất. Trong thời gian rất dài, người ta vẫn thường cho rằng Giáo Hội đã là một chướng ngại đối với sự phát triển của khoa học, hay Giáo Hội phản khoa học. Nhưng các nhà nghiên cứu ngày nay - công giáo cũng như không công giáo - từ chối chấp nhập quan niệm sai lạc này. Tuy sai lạc, nhưng rất tiếc là nó vẫn tiếp tục được dậy cho con cháu chúng ta.

Tôi đoan chắc là có rất ít người biết rằng Giáo Hội đã có nhiều giáo sĩ tu sĩ là khoa học gia. Và cũng chắc chắn là có ít người biết rằng 35 miệng núi lửa trên mặt trăng mang tên của các tu sĩ dòng Tên là những người đã khám phá ra chúng. Thế rồi chắc hẳn cũng có ít người biết rằng tu sĩ Giambattista Riccioli (1598-1671), dòng Tên, là người dầu tiên đã đo tốc độ nhanh của một vật rơi xuống đất trong trạng thái tự do. Và cũng có ít người biết rằng tu sĩ Francesco Maria Grimaldi (1618-1663), cũng dòng Tên, là người đã khám phá ra hiện tượng áng sáng phân nhỏ. Các vị đều là các khoa học gia cả. Vì thế nói rằng Giáo Hội phản khoa học là không đúng.

Hỏi: Tại sao khoa học lại là một chinh phục của Giáo Hội Công Giáo thưa giáo sư Woods?

Đáp: Bởi vì có các khía cạnh quan trọng trong quan niệm của Giáo Hội Công Giáo đã giúp bảo đảm cho sự thành công của khoa học tại Tây phương. Phương pháp khoa học chỉ có thể hoạt động nếu có các thử nghiệm được lập đi lập lại. Và điều này chỉ có thể làm được trong một vũ trụ có trật tự. Nếu tôi không thể trông mong có được cùng hiệu qủa, khi tôi lập lại cùng một thử nghiệm trong cùng các điều kiện đó, thì không thể có khoa học. Thế thì tư tưởng về một vũ trụ được tổ chức có trật tự theo các luật lệ tự nhiên thiết định đã nảy sinh bên Tây Phương Kitô, vì trật tự của Thiên Chúa được coi như một dấu chỉ lòng lành của Người. Thánh Anselmo đã không phải là người duy nhất trong các thần học gia phân biệt giữa quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa và quyền năng có trật tự của Người. Nói cách khác, cho dù Thiên Chúa có thực quyền cai quản vũ trụ tùy hứng như Người muốn, nhưng Thiên Chúa không làm như thế vì nó trái nghịch với bản tính của Người. Việc tin tưởng nơi cấu trúc của vũ trụ cộng với sự kiện tin rằng có thể hiểu được vũ trụ cả trên bình diện lượng, đã tạo ra khung cảnh trí thức trong đó khoa học có thể nảy sinh tại Tây Phương.

Hỏi: Thưa giáo sư, sử gia tôn giáo Philip Jenkins cho rằng khuynh hướng chống đối Giáo Hội Công Giáo là thành kiến cuối cùng ngày nay có thể chấp nhận đưc. Giáo sư nghĩ sao?

Đáp: Một vài nhà trí thức và nhân vật nổi danh của Tây Phương thù ghét Giáo Hội Công Giáo vì Giáo Hội trách cứ cuộc sống vô luân của họ. Nhiều người khác thì tin vào huyền thoại thiên quang luận theo đó tất cả mọi hình thái tiến bộ bắt nguồn từ những người chủ trương chủ thuyết đời cực đoan, là những người đã chống lại Giáo Hội.

Ngày nay thì tín hữu Công Giáo bị coi là đần độn, mê tín dị đoan và yếu kém, vì họ cần đến lòng tin hẹp hòi nơi Thiên Chúa để tự củng cố mình. Tư tưởng có ai đó có thể chịu đựng được các nguyên tắc công giáo và bảo vệ các nguyên tắc đó với các luận cứ triết lý có đầu đuôi lý sự, là điều không được biết tới. Và điều này vẫn xảy ra, mặc dù giữa lòng tin và lý trí có một tương quan rất phong phú trong những thời gian rất dài của lịch sử Giáo Hội. Điển hình như thánh Anselmo (1033-1109) và thánh Toma thành Aquino (1225-1274) là hai vị đã không ngừng đưa ra các câu hỏi triết lý và thần học, và thường sử dụng lý trí để dẫn tới các kết luận trả lời cho các câu hỏi ấy. Xem đó thì đủ biết lòng tin và lý trí không chống đối nhau, trái lại lý trí giúp đưa ra các luận cứ và lý lẽ giải thích lòng tin.

(Avvenire 14-6-2007)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.