2007-06-13 18:42:47

Nhìn vào lịch sử Giáo Hội để nhận ra các dấu chỉ tình yêu thương của Thiên Chúa, chứ không phải để kiếm tìm các ”xì căng đan”


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trước hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 13-6-2007.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã tiếp tục giới thiệu gương mặt các Giáo Phụ, lần này là Eusebio, Giám Mục thành Cesarea. Ngài nói: Anh chị em thân mến, trong lịch sử kitô giáo cổ xưa sự phân biệt giữa ba thế kỷ đầu với các thế kỷ theo sau Công Đồng chung Nicea năm 325, là việc nền tảng. Giữa hai thời kỳ là việc ”chuyển sang thời Constantino” và nền hòa bình của Giáo Hội cũng như gương mặt của Eusebio, Giám Mục thành Cesarea bên Palestina. Người là nhân vật chuyên môn nhất của nền văn hóa kitô thời đó trong các bối cảnh rất khác nhau: từ thần học cho tới chú giải, từ lịch sử cho tới việc hiểu biết sâu rộng. Nhất là Đức Cha Eusebio được biết tới như là sử gia đầu tiên của Kitô giáo, nhưng cũng là chuyên viên ngữ học lớn nhất của Giáo Hội thời xa xưa.

Chắc hẳn Eusebio đã sinh tại thành Cesarea vào khoảng năm 260, là nơi giáo phụ Origene từ Alessandria tới, ẩn trốn và đã thành lập một trường học cũng như một thư viện quan trọng. Chính các sách vở thư viện này đã đào tạo người trẻ Eusebio vài thập niên sau đó. Năm 325 như là Giám Mục thành Cesarea Đức Cha Eusebio đã tham dự Công Đồng Chung Nicea với vai trò chủ chốt, đã ký nhận Kinh tin Kính và khẳng định liên quan tới thiên tính của Con Thiên Chúa, được định nghĩa như là ”homooúsios to Patri” ”đồng bản tính” với Đức Chúa Cha. Đó là Kinh Tin Kính, mà chúng ta đọc mỗi Chúa Nhật trong phụng vụ. Đức Cha rất khâm phục hoàng đế Constantino, là người khiến cho Giáo Hôi được hòa bình, và cũng được hoàng đế qúy mến trân trọng. Người đã ca ngợi hoàng đế trong các tác phẩm của mình cũng như trong các diễn văn công khai, nhân kỷ niệm 20 năm và 30 năm hoàng đế lên ngôi cũng như sau khi hoàng đế qua đời năm 337. Hai hay ba năm sau đó ĐC Eusebio cũng qua đời.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: sử gia Eusebio là một học giả không biết mỏi mệt. Trong các bút tích của mình Giám Mục Eusebio dã đùng các tài liệu kitô và tài liệu đời được lưu giữ trong thư viện Cesarea và muốn ghi chép lại suy tư về 3 thế kỷ Kitô giáo phải sống trong cảnh bắt bớ. Vì vậy tuy các tác phẩm hộ giáo, chú giải kinh thánh và tín lý có quan trọng, danh tiếng của Giáo Phụ gắn liền với bộ sách ”Lịch Sử Giáo Hội” gồm 10 cuốn. Ngài là người đầu tiên viết lịch sử Giáo Hội, và tác phẩm này sẽ luôn mãi là tác phẩm nền tảng, vì các tin tức và nguồn tài liệu mà nó cung cấp cho chúng ta. Với tác phẩm này Giám Mục Eusebio đã duy trì và ghi nhận nhiều biến cố, nhiều nhận vật và các các phẩm văn chương của Giáo Hội. Vì thế nó là một nguồn tài liệu đầu tiên giúp hiểu biết các thế kỷ tiên khởi của Kitô giáo.

Trong cuốn đầu tiên của bộ sử ký này, Đức Cha Eusebio đã kể ra các đề tài sẽ được khai triển khi viết như sau: ”Tôi muốn ghi lại việc kế vị các thánh tông đố và các thời gian đã qua, bắt đầu từ Chúa Cứu Thế cho tới thời chúng ta; tất cả các kỳ cộng đã được thực hiện trong lịch sử Giáo Hội; tất cả những người đã tài tình hướng dẫn các giáo phận; và tất cả những người đã là sứ giả rao truyền Lời Chúa bằng lời nói và các tác phẩm; những người vì ước muốn các điều mới lạ nên đã rơi vào cảnh lầm lạc và thở thành những kẻ thăng tiến giáo thuyết sai lạc và như chó sói cắn xé đoàn chiên của Chúa Kitô... cũng như những kẻ ngoại giáo chống lại Lời Chúa; những vĩ nhân để bảo vẹ Lời Chúa đã phải thử thách và đổ máu và bị tra trấn; và sau cùng các chứng từ của thời đại chúng ta và lòng từ bi nhận hậu của Chúa Cứu Thế đối với tất cả chúng ta” (1,1,1-2).
Qua đó GM Eusebio duyệt xét các lãnh vực khác nhau: việc kế vị các Tông Đồ như là khung cảnh của Giáo Hội, việc phổ biến Sứ Điệp, các sai ầm ồi các cuộc bách hại từ phía người ngoại và các chứng tá vĩ đại soi chiếu ,lịch sử Giáo Hôi. Như thế Eusebio khai mào lịch sử Giáo Hội cho tới năm 324 là năm Constantino được tôn phong làm hoàng đế.

Đề cập đến chủ đích bộ Lịch Sử Giáo Hội, mà Giám Mục Eusebio nhắm tới, Đức Thánh Cha cho biết Đức Cha Eusebio ba lần nhắc tới tước hiệu ”Chúa Cứu Thế” và lòng từ bi nhân hậu của Chúa và nói: Tác phẩm lịch của người tập trung vào chiều kích kitô học, từ từ vén mở cho thấy mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Giám Mục Eusebio đơn sơ thừa nhận rằng chỉ có Đức Giêsu là đấng duy nhất được mọi người tuyên xưng, thừa nhận là Đức Kitô tức Đấng Messiah và là Đấng Cứu Thế. Người hy lạp cũng như người mọi rợ đều nhắc đến tên gọi này, là tên gọi của Đấng được các môn đệ sống rải rác trên toàn thế giới tôn kính như là vua, khâm phục hơn ngôn sứ, vinh danh như tư tế duy nhất đích thật của Thiên Chúa. Và hơn tất cả như là Ngôi Lời của Thiên Chúa hiện hữu và sinh ra trước mọi loài thọ tạo, nhận được từ Thiên Chúa Cha vinh dự và được tôn thờ như Thiên Chúa. Nhưng điều phi thường nhất đó là những mọi người đã được thánh hiến không chỉ cử hành Ngài qua cử chỉ lời nói nhưng bằng tất cả tâm hồn nữa, đến chỗ hy sinh cả mạng sống để làm chứng cho Ngài” (1,3,19-20).

Như thế đặc tính thường hằng thứ nhất của lịch sử Giáo Hội là ”ý hướng luân lý” chỉ huy trình thuật. Việc phân tích lịch sử không có ý muốn hiểu biết qúa khứ cho bằng hướng tới chỗ làm cho tín hữu hoán cải và làm chứng cho Chúa. Qua đó Giám Mục Eusebio tha thiết mời gọi tín hữu mọi thời đại ý thức đối với các biến cố của lịch sử Giáo Hội và đặc biệt là đối với Giáo Hội. Người cũng mời gọi chúng ta ngày nay biết chú ý tới Giáo Hội, không phải vì tò mò, kiếm tìm cảm xúc hay ”xì căng đan”, mà là thái độ tràn đầy tình yêu, rộng mở cho mầu nhiệm lòng tin, biết nhận ra nơi các biến cố lịch sử Giáo Hội các dấu chỉ tình yêu thương của Thiên Chúa và các kỳ công cứu độ Chúa thực hiện. Nếu đó là thái độ sống của chúng ta, thì chúng ta sẽ cảm thấy được khích lệ đáp trả lại, bằng một cuộc sống trung thực và quảng đại hơn, cũng như sống chứng tá kitô hầu để lại cho các thế hệ tương lai dấu chỉ tình yêu thương của Thiên Chúa.

Kết thúc bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói Giám Mục Eusebio không ngừng lập đi lập lại rằng đó là một mầu nhiệm, mầu nhiệm các kỳ công của Thiên Chúa dấu ẩn sau các hình thức bề ngoài. Lịch sử ấy Thiên Chúa hiện thực cho con người, nhưng hiện thực với sự cộng tác của con người. Con người phải chiêm ngưỡng các kỳ công của Chúa và nhất là đáp trả lại lời Chúa mời gọi cộng tác vào chương trình cứu độ. Giám Mục Eusebio cũng mời gọi chúng ta hoán cải cuộc sống và làm tất cả những gì có thể hầu để lại dấu vết tình yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc sống chúng ta.

ĐTC đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, rồi cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải









All the contents on this site are copyrighted ©.