2007-06-06 16:44:57

Duy trì sự hiệp nhất, có con tim biết lắng nghe để sống kinh nghiệm Thiên Chúa là cha và Giáo Hội là Mẹ


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trước hơn 30.000 tín hữu năm châu tham dự buổi găp gỡ chung sáng thứ tư 6-6-2007 tại quảng trường Thánh Phêrô.

Đa số các đoàn hành hương đến từ nhiều giáo phận Italia và Đức. Từ Á châu có các đoàn hành hương Indonesia và Singapore, từ châu Mỹ Latinh có các đoàn hành hương Mehicô, El Salvador, Brasil và Argentina. Nhiều tín hữu về Roma hành hương để có thể tham dự lễ kính Mình Máu Thánh Chúa và buổi rước kiệu Thánh Thể do ĐTC chủ sự chiều thứ năm 7-6-2007.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt một Giáo Phụ Phi châu nổi tếng khác sống vào thế kỷ thứ III: đó là thánh Giám Mục Cipriano, là vị Giám Mục Phi châu đầu tiên được triều thiên tử đạo. Thầy sáu Pontio, là người đã viết tiểu sử thánh nhân cho biết: trong 13 năm từ khi theo Kitô giáo cho tới khi tử đạo thánh Cipriano đã viết nhiều tác phẩm (x. Vita 19,1;1,1). ĐTC nói: Sinh tại Cartagine trong một gia đình giầu có, sau tuổi trẻ hoang phí, Cipriano đã theo Kitô giáo năm 35 tuổi. Kể lại lộ trình thiêng liêng của mình thánh nhân viết, vài tháng sau khi lãnh bí tích rửa tội như sau: ”Khi còn nằm trong đêm tối, xem ra tôi rất khó có thể chu toàn điều mà lòng thương xót Chúa đề nghị với tôi. Tôi bị trói buộc vào nhiều lỗi lầm qúa khứ và không tin rằng mình có thể thoát ra khỏi đó, vì tôi nuông chiều các tật xấu và ước muốn xấu xa của tôi... Nhưng rồi với sự trợ giúp của nước tái sinh, tôi đã được rửa sạch khỏi sự khốn nạn của cuộc sống trước đó. Có một ánh sáng cao cả tràn ngập tâm lòng tôi: cuộc tái sinh đã biến tôi thành một con người mới. Mọi nghi ngờ tan biết một cách kỳ diệu... Tôi hiểu rõ rằng điều tôi đã sống trước đó trong ách nô lệ các tính hư tật xấu của xác thịt, là bùn đất; trái lại, điều mà Chúa Thánh Thần đã làm tái sinh trong tôi, là thiên linh và trời cao (A Donato, 3-4).

Tiếp tục bài huấn dụ, Đức Thánh Cha cho biết sau khi theo Kitô giáo, Ciprinao được chính thức chọn làm linh mục và giám mục. Trong thời gian ngắn làm Giám Muc thánh nhân đã phải đương đầu với hai cuộc bắt đạo do sắc lệnh của hoàng đế: cuộc bắt đạo thời Decio năm 250, và cuộc bắt đạo thời Valeriano năm 257-258. Sau cuộc bắt đạo gắt gao đó, Đức Giám Mục Cipriano dã phải nỗ lực tái lập kỷ luật trong cộng đoàn kitô, vì đã có nhiều tín hữu chối đạo hay đã không có cung cách đúng đắn trước cơn thử thách. Họ bị gọi là những người ”lapsi” đã “ngã qụy”, nhưng ước ao được tái gia nhập cộng đoàn giáo hội. Cuộc thảo luận liên quan tới việc tái chấp nhận họ đã khiến cho kitô hữu thành Cartagine bị chia rẽ thành những người thuận và chống. Thêm vào đó đã xảy ra một trận dịch hạch đảo lộn Phi châu, đặt ra các vấn nạn cho các thần học gia âu lo đối với tình hình bên trong cộng đoàn, cũng như đối với các anh chị em ngoại giáo. Sau cùng, cũng phải nhắc đến cuộc tranh luận giữa thánh Cipriano và Stefano, Giám Mục Roma, liên quan tới giá trị của bí tích rửa tội, do các tín hữu kitô lạc giáo ban cho các người ngoại giáo.

Trong các hoàn cảnh thực sự khó khăn đó, thánh Cipriano đã vén mở cho thấy các năng khiếu cai quản của người: nghiêm nghị nhưng không cứng nhắc đối với những tín hữu đã chối đạo. Người tha thứ cho họ, sau khi họ đền tội một cách gương mẫu. Tại Roma, thánh nhân cứng rắn bệnh vực các truyền thống lành mạnh của Giáo Hội phi châu. Người rất nhân bản và thấm nhuần tinh thần tin mừng trong việc khích lệ các kitô hữu trợ giúp các anh chị em ngoại giáo trong thời dịch hạch. Người biết duy trì mẫu mực đúng đắn trong việc nhắc cho những tín hữu qúa sợ hãi bị chết hay mất đi của cải trần gian, biết rằng: sự sống và của cải đích thật không phải ở đời này. Người kiên trì chống lại các thói tục thối nát và các thứ tội lỗi tàn phá cuộc sống luân lý, đặc biệt là tội hà tiện. Người sống như thế cho tới khi bị bắt và bị tra hỏi vắn tắt, rồi chịu tử đạo giữa dân người.

Thánh Cipriano đã viết nhiều khảo luận và thư từ liên quan tới công tác mục vụ. Người ít thiên về suy tư thần học, nhưng viết nhiều về tu đức để xây dựng cộng đoàn và hướng dẫn cung cách sống của tín hữu. Đề cập đến hai đề tài được thánh nhân ưa thích là Giáo Hội và lời cầu nguyện, Đức Thánh Cha nói: Thật thế Giáo Hội là đề tài thánh nhân rất ưa thích. Người phân biệt Giáo Hội hữu hình, là hàng giáo phẩm, và Giáo Hội vô hình, thần bí; nhưng mạnh mẽ khẳng định rằng Giáo Hội chỉ là một, đựa trên Phêrô. Thánh nhân không mệt mỏi lập lại rằng: ”ai từ bỏ Tòa Phêrô, trên đó Giáo Hội được xây dựng, thì có ảo tưởng là mình ở trong Giáo Hội” (L' unita della Chiesa cattolica, 4), nhưng không còn thuộc Giáo Hội nữa. Vì thánh nhân biết rằng ”ngoài Giáo Hội ra, không có ơn cứu rỗi” (Epistola 4,4 e 73,21). và “ai không có Giáo Hội là mẹ, thì cũng không có Thiên Chúa là cha” (L' unità della Chiesa cattolica, 4). Đặc tính không thể khước từ được của Giáo Hội là sự hiệp nhất, được biểu tượng bằng chiếc áo choàng không có vết khâu của Chúa Kitô (ibit, 7). Nền tảng sự hiệp nhất đó là nơi thánh Phêrô (ibid., 4) và việc thực hiện toàn hảo của nó là trong bí tích Thánh Thể (Epistola 63,13). Thánh Cipriano cảnh cáo tín hữu rằng ”Chỉ có một Thiên Chúa, một Chúa Kitô, một Giáo Hội duy nhất là Giáo Hội Người, một lòng tin duy nhất, một dân kitô duy nhất, được gắn chặt với nhau trong sự hiệp nhất vững vàng bởi sự hòa hợp: và không thể chia rẽ điều tự bản chất là một” (L' unità della Chiesa cattolica, 23).

Sau cùng, thánh Cipriano cũng đưa ra giáo huấn về lời cầu nguyện nữa. Tôi đặc biệt ưa thích cuốn sách của người nói về ”Kinh Lậy Cha”, là cuốn sách đã giúp tôi hiểu và đọc ”lời cầu của Chúa” một cách tốt đep hơn. Thánh nhân nói: Kinh Lậy Cha cống hiến cho kitô hữu kiểu cầu nguyện đúng đắn, và nhấn mạnh rằng nó ở số nhiều, để người cầu nguyện không chỉ cầu cho chính mình mà thôi. Lời cầu nguyện có tính cách công khai và cộng đoàn; và khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta không cầu ngyện một mình, mà cầu cho toàn dân, vì chúng ta là một với toàn dân” (L' orazione del Signore 8). Như thế, lời cầu nguyện cá nhân và phụng vu gắn liền nhau. Sự hiệp nhất của chúng bắt nguồn từ sự kiện chúng đáp lại Lời của Thiên Chúa. Kitô hữu không nói ”Lậy Cha của con”, mà nói: ”Lậy Cha chúng con”, kể cả khi ở trong phòng kín ẩn, bởi vì họ biết rằng tại mọi nơi và trong mọi lúc, họ là chi thể của cùng một Thân Mình.

Thánh Cipriano viết: ”Vì thế anh chị em rất thân mến, chúng ta hãy cầu nguyện như Thiên Chúa, là Thầy đã dậy chúng ta. Đó là lời cầu tín thác và thân tình, khi chúng ta cầu khấn Thiên Chúa với cái gì là của Người, và dâng lên tai Người lời cầu của Chúa Kitô. Ước chi Chúa Cha nhận biết các lời của Con của Người, khi chúng ta cầu nguyện; ước chi Đấng ngự trong sâu thẳm cũng hiện diện trong tiếng nói của chúng ta... ”. Rồi thánh Cipriano dặn dò tín hữu khi cầu nguyện hay cử hành các hiến tế thánh, thì phải có thái độ kính sợ, nghiêm trang, chừng mực, chớ có nhiều lời và ồn ào, vì Thiên Chúa là Đấng không lắng nghe tiếng nói cho bằng con tim. Đây là các lời nhắn nhủ có giá trị đối với cã ngày nay nữa, và giúp chúng ta cử hành Phụng Vụ Thánh một cách xứng đáng.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: nói cho cùng, thánh Cipriano tiếp nối truyền thống thần học tu đức coi trái tim như nơi đặc biệt của lời cầu nguyện. Theo Kinh Thánh và các Giáo Phụ, con tim là nơi sâu thẳm nhất của con người, nơi Thiên Chúa ngự trị. Chính nơi đó Thiên Chúa găp gỡ con người, nói với con người và con người lắng nghe Thiên Chúa: tất cả qua Lời duy nhất của Thiên Chúa, như Smaragdo, viện phụ tu viên thánh Micaele alla Mosa, sẽ nói vào thế kỷ thứ IX: ”Lời cầu nguyện là việc của con tim, chứ không phải của miệng lưỡi, vì Thiên Chúa không nhìn lời nói, nhưng nhìn trái tim người cầu nguyện” (Smaragdo, Il diadema dei monaci, 1). Chúng ta cũng hãy có con tim biết lắng nghe tiếng Chúa nói, để sống kinh nghiệm tràn đầy Thiên Chúa là Cha chúng ta và Giáo Hội Hiền Thê thánh thiện của Chúa Kitô thật là Mẹ chúng ta.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Tòa Thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải









All the contents on this site are copyrighted ©.