2007-06-04 11:52:01

KINH NGHIỆM SỐNG VỚI NGƯỜI DU MỤC


Từ rất lâu năm, nữ tu Gabrielle Gorrissen chia sẻ cuộc sống của người du mục. Chị kể lại kinh nghiệm như sau.

Dân du mục! Người ta còn gọi bằng tên ”Dân du hành, người con của Gió, kẻ sống lang thang”. Chứng từ của tôi là câu chuyện tình với một dân tộc thường bị hất hủi, khinh rẻ và xua đuổi mọi nơi. Đây là một dân tộc lang thang nay đây mai đó với chính cuộc sống, chủng tộc, tâm thức và ngôn ngữ của mình. Hôm qua cũng như hôm nay, người du mục vẫn còn bị xã hội ruồng rẩy, không thèm biết đến cũng chả yêu thương!

Điều đánh động lòng tôi nhất là cái nghèo nơi người du mục. Người du mục nghèo vì họ không dự phòng trước. Họ sống giờ phút hiện tại. Cố gắng của họ tùy thuộc nơi nhu cầu tức khắc, chứ không bao giờ dài lâu. Người du mục nuôi sống gia đình ngày nào hay ngày đó. Họ có thói quen sống với anh chị em cùng màu da, cùng điều kiện như: không được coi trọng, bị truy nã, không nơi dừng chân và không ai quý chuộng.

Nhưng chính vì người du mục nghèo, nên Giáo Hội cần chú ý săn sóc họ. Sự có mặt của tôi giữa người du mục muốn nói với họ rằng: ”THIÊN CHÚA yêu thương họ”. Vì nghèo nên lòng người du mục rất quảng đại. Không bao giờ một người du mục làm ngơ trước sự nghèo đói của người đang trong cơn túng bẫn. Một thanh niên du mục kể tôi nghe: ”Em đang đi ngoài đường, bỗng một người đàn ông giơ tay xin em 5 đồng. Em liền rút túi cho ông ta. Ông ta hết sức vui mừng. Em cũng thế”.

Người du mục sống liên đới, khiêm tốn, huynh đệ, kính trọng người già và hết lòng yêu thương gia đình. Nơi họ không có vua chúa, thủ tướng, nhưng chỉ có bộ tộc. Tinh thần độc lập, cuộc sống lang thang nay đây mai đó không cho phép họ lập thành tổ quốc. Vương quốc của người du mục là một huyền thoại.

Lần đầu tiên tôi đến làm quen và gặp gỡ với nhóm du mục sống tại Pau, miền Tây Nam nước Pháp, là vào năm 1967. Lúc ấy tôi thật e dè và sợ sệt. Nhưng các trẻ em chạy bu theo tôi làm tôi cảm thấy dạn dĩ. Tôi hơi ngỡ ngàng bước vào một thế giới xa lạ. Nhưng lòng tôi tràn đầy ước muốn phục vụ và yêu thương họ như người anh chị em đích thực của tôi.

Từ sau lần gặp gỡ ”e ngại thẹn thùng” ấy, tôi liên tiếp đến thăm họ. Trước lạ sau quen. Sau nhiều lần viếng thăm, tôi hiểu là mình phải làm đơn xin cho họ có nơi chốn để trọ và để săn sóc sức khỏe. Các trẻ em cần tôi chăm sóc chúng. Tôi bắt đầu dạy giáo lý cho các trẻ em. Thế giới thiếu nhi khao khát học hỏi các điều về Chúa, thích hát, thích vẽ và thích viết. Trong khi người lớn cũng ao ước tổ chức các buổi họp. Nhưng chúng tôi không có phòng ốc. Thế là Linh Mục Tuyên Úy mua cho chúng tôi một chiếc xe ca cũ, dùng làm nơi hội họp và nhiều chuyện khác nữa.. Năm 1970, các người du mục quyết định xây một nhà nguyện. Chúng tôi làm đơn xin ông thị trưởng thành phố cấp cho một nơi dùng làm vườn trẻ.

Năm 1982 - 15 năm sau - thời gian chín mùi để tôi thật sự sống đời du mục. Tòa thị trưởng nghe đồn tôi muốn có một chiếc xe cắm trại để sống với người du mục. Sau khi hỏi ý tôi và được sự chấp thuận của các bề trên dòng, tòa thị trưởng cho tôi quyền xử dụng một chiếc xe cắm trại.

Tôi bắt đầu năm thứ 16 trên chiếc xe để cùng chia sẻ vui buồn, sướng khổ với anh chị em du mục. Đôi khi tôi cảm thấy mình thật bất lực, mỏng dòn, khốn khổ, nhưng tôi kín múc sức mạnh nơi sự hiện diện thật sự của Đức Chúa GIÊSU trong bí tích Thánh Thể, niềm tin trong sự hiện diện của Chúa nơi tâm lòng những người sống chung quanh tôi và niềm trông cậy nơi Đấng đã phán: ”Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Sau đó chính quyền thành phố đòi lại đất chúng tôi đang cắm trại và cứ đẩy chúng tôi ra xa dần. Họ cũng không cho phép chúng tôi đặt nhà nguyện. Nhưng chúng tôi không đánh mất niềm tin cậy. Thế nào rồi chúng tôi cũng có nơi để cầu nguyện, học giáo lý và hội họp chung quanh Lời Chúa! Trong khi chờ đợi, người ta đặt Mình Thánh Chúa trong xe cắm trại của tôi. Mỗi ngày thứ hai, Cha Tuyên Úy cử hành Thánh Lễ trước lều trại của tôi. THIÊN CHÚA không có nơi để nghỉ ngơi. Các người du mục thường nói: ”Nhà nguyện chính là nơi THIÊN CHÚA ở với chúng ta”. Vì thế, các người du mục quyên góp để có tiền xây một nhà nguyện. Các trẻ em cũng tham dự cuộc quyên góp này. Chúng nhịn tiền mua kẹo để bỏ vào hòm tiền. Thật là nghĩa cử cao đẹp, một hy sinh to tát!

(”Missions Étrangères de Paris”, n.330, Juin/1998, trang 183-185)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.