2007-05-26 11:32:50

TRUNG TÂM TIẾP ĐÓN NGƯỜI NGHÈO ”CARÉ” Ở GENÈVE, THỤY SĨ


Genève là một trong những thành phố giàu có của Thụy Sĩ. Thế nhưng, bên cạnh mức sống dư giả của những người dân sung túc, luôn luôn che giấu sự nghèo khổ của những người ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Đây cũng là thảm trạng chung của các thủ đô và thành phố lớn.

Do đó, các Linh Mục tu sĩ thuộc dòng Thừa Sai Thánh Tâm mở một Trung Tâm tiếp đón những người nghèo trong thành phố.

Trung Tâm có tên gọi là ”CARÉ”. CARÉ là tên viết tắt của bốn từ: Caritas-Accueil-Rencontre-Échange: BácÁi - TiếpĐón - GặpGỡ - TraoĐổi.

Trung Tâm mở rộng cửa tiếp đón mọi người, đặc biệt những người nghèo, những người vô gia cư, vô nghề nghiệp. Nếu họ muốn, họ có thể đến đây để tham dự các sinh hoạt đủ loại, như làm vườn, làm các sản phẩm bằng tay, hội họa, thể thao v.v.. và dùng bữa. Hàng năm, Trung Tâm dọn 24 ngàn bữa ăn và mỗi ngày tiếp đón khoảng 100 người đến tham dự các sinh hoạt.

Vị Linh Mục điều khiển Trung Tâm là Cha Jean-Marie Viénat, Thừa Sai Thánh Tâm. Chính Cha tự giới thiệu và nói về Trung Tâm CARÉ.

Tôi sinh ra tại Porrentruy, vùng Jura của Thụy Sĩ nói tiếng Pháp. Cha mẹ tôi là tín hữu Công Giáo đạo đức, thuộc lớp thợ thuyền. Vì thế, gia đình tôi rất nghèo. Chỉ có điều may mắn là chúng tôi rất hạnh phúc, vì chúng tôi thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Đối với tôi, đây mới là điều chính yếu. Ngày hôm nay, mỗi khi nghĩ đến gia đình, tôi vô cùng ghi ơn Cha Mẹ tôi, những bậc hiền đức đã trao ban cho tôi một nền giáo dục vừa Công Giáo vừa nhân bản rất vững chắc.

Sau gia đình, tôi ghi ơn Hội Dòng Thừa Sai Thánh Tâm mà tôi được hân hạnh làm thành viên. Hội Dòng cho tôi cơ hội học hỏi và phát triển tài năng, để đem ra phục vụ người khác, đặc biệt là người nghèo nàn và kém may mắn. Chúng tôi là những người được sai đến với những người đau khổ nhất. Sau khi tốt nghiệp các khóa học về xã hội, tôi được Bề trên chỉ định làm người phụ trách trung tâm CARÉ, ở Genève, Thụy Sĩ.

Người tìm đến Trung Tâm CARÉ thuộc đủ hạng: những người sống bên lề xã hội, bị khinh bỉ, bị ruồng bỏ; những người thất nghiệp, bị tù tội; những người hành nghề mãi dâm; những người nghiện ngập. Họ đến Trung Tâm để tìm chút hơi ấm tình người, để nhận được một bữa ăn nóng và đầy đủ. Họ cũng đến Trung Tâm để biểu lộ các năng khiếu nghệ sĩ, mà xã hội từ khước, chỉ vì họ quá nghèo. Nhưng nhất là, họ tìm đến Trung Tâm, bởi vì nơi đây, họ cảm thấy được tiếp đón đúng tư cách là một con người, mà không cần phải kê khai danh tánh, nghề nghiệp, tuổi tác hoặc tôn giáo nào. Nơi Trung Tâm CARÉ, mọi người đều là anh chị em và đều được tôn trọng như nhau.

Cái nghèo thảm hại nhất, không phải là cái nghèo vật chất cho bằng cái nghèo tinh thần. Bạn cảm thấy thật nghèo nàn trơ trụi, khi bạn không được một ai đoái hoài đến, mong chờ bạn. Bạn không được ai lắng nghe cũng không được ai nhìn nhận và yêu thương. Bạn cảm thấy mình là người hoàn toàn thừa thãi, vô dụng. Tôi xin trưng dẫn một trường hợp điển hình.

Phaolo là chàng trai 35 tuổi. Anh vừa mới thường xuyên lui tới Trung Tâm CARÉ. Vào một ngày thứ bảy, khi bước vào Trung Tâm, anh ta la hét và chửi bới ầm ĩ. Anh nói:

- Tôi không còn một đồng xu dính túi. Các bức tranh tôi vận dụng mọi khả năng và say mê vẽ, không ai thèm nhìn, thèm mua. Từ 10 năm qua, tôi sống chui rúc trên một gác thượng. Từ 10 năm qua, tôi không có liên hệ với bất cứ một ai. Và cũng không một ai biết đến sự hiện hữu của tôi!

Tôi để yên cho Phaolo trút hết nỗi thất vọng đớn đau của mình. Sau đó, tôi mời anh trở lại Trung Tâm vào Chúa Nhật để dùng bữa trưa với tôi. Chúng tôi trao đổi trong vòng hai tiếng đồng hồ. Cuối buổi nói chuyện, khuôn mặt anh sáng rực lên, khi anh nghe tôi đề nghị anh đến Trung Tâm và cùng tôi mua sắm các vật dụng cần thiết cho các bức tranh của anh.

Từ đó, Phaolo cảm thấy mình được người khác biết đến và được khích lệ vì các bức tranh của mình. Anh trở nên vui tươi cởi mở và cư xử hòa nhã với mọi người.

Làm chứng nhân cho Tình Yêu của Đức Chúa GIÊSU KITÔ có nghĩa là, trước hết phải sống Tình Yêu này. Hãy biểu lộ tình yêu bằng việc làm rồi mới đến lời nói .. Có thế, chứng từ của chúng ta mới ngay thật và có giá trị.

(”Annales d'Issoudun”, Mars/1993, trang 92-96).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.