2007-05-11 10:44:23

YÊU THƯƠNG TRẺ EM BỤI ĐỜI, MỒ CÔI


Milad là cậu bé Libăng, mồ côi, lên 9 tuổi. Như bao thiếu nhi Libăng cùng tuổi, Milad bị mồ côi vì bom đạn tàn sát cha mẹ cậu. Milad được Bà Ngoại đem về nuôi. Nhưng tình âu yếm của một cụ già, thường xa cách và vụng về, không thể lấp đầy khoảng trống trong lòng một cậu bé quá nhạy cảm, cần nhiều tình thương như Milad.

Milad bỏ Bà Ngoại, chọn lối sống lang thang đầu đường xó chợ. Thế rồi Milad được cảnh sát hốt và đem về trung tâm trẻ em bụi đời do Cha Mansour Labaky điều khiển. Tại đây, Milad được Cha yêu thương và tận tình chăm sóc. Nhưng hàn gắn vết thương lòng của một cậu bé mồ côi bụi đời là công trình đòi hỏi nhiều tình thương và những lưu ý thật tế nhị. Cha Mandour kể lại cuộc đối thoại với Milad.

Một ngày vào lúc 4 giờ chiều, tôi đang viếng Thánh Thể nơi Nhà Nguyện thì Milad tìm đến gặp tôi. Cậu bé nói thầm vào tai tôi:

- Con tìm Cha khắp nơi trong học viện mà không thấy bóng dáng Cha đâu. Mời Cha ra ngoài cho con gặp một chút, một phút thôi!

Tôi hỏi:

- Tại sao lại phải ra ngoài? Con cứ nói ở đây đi!

Milad thưa:

- Con không thích ở trong này. Con chỉ vào đây khi nào bị bắt buộc. Con không bao giờ tự ý đến đây. Hẳn Cha phải nhận thấy điều này, giống như Cha đã thấy mấy ngày qua con bỏ ăn vậy!

Tôi giải thích:

- Không phải thế đâu cậu bé ạ. Cha không bao giờ nhận thấy điều ấy, bởi vì ở đây, cũng như ở bất cứ nơi nào khác, Cha không phải là giám thị. Cha vào nhà thờ để cầu nguyện chứ không phải để canh chừng, dò xét, xem ai vào ai ra, hoặc xem ai sốt sắng cầu nguyện, ai ngủ gục, ai ngáp dài .. Học sinh nào đến đây vào buổi sáng để tham dự Thánh Lễ, hoặc đến đây vào lúc giờ chơi để viếng Thánh Thể, học sinh ấy hoàn toàn tự do làm theo ý mình chứ không bị ai ép buộc cả. Tất cả ai đến đây, chỉ duy nhất THIÊN CHÚA trông thấy và biết thôi, vì họ đến vì Ngài. Ngoài sân chơi cũng vậy. Cha không canh chừng con. Cha nhìn con và các bạn của con, Cha nhìn như một người nhìn kẻ mình thương, nhìn với niềm hạnh phúc và nỗi trìu mến, hoặc đôi khi, nhìn với tâm tình âu lo và nguyện cầu, xin THIÊN CHÚA gìn giữ các con khỏi mọi sự dữ!

Cậu bé Milad hỏi tôi:

- Tại sao Cha lại thương tụi con? Cha đâu có biết chúng con là ai?

Hỏi nhưng không đợi tôi trả lời, cậu bé nói tiếp:

- Khi người nào đó cho Cha một vật để dùng đúng theo nhu cầu, nhưng Cha lại dùng vật ấy vào việc khác, như vậy có phải là Cha đánh lừa không?

Tôi không rõ cậu bé muốn ám chỉ điều gì, nhưng tôi cũng cố gắng giải thích cho cậu bé hiểu:

- Milad con à, khi ta cho ai vật gì, vật đó không thuộc về ta nữa. Và người nào nhận vật đó, được hoàn toàn xử dụng theo ý họ. Vật cho thuộc về người nhận. Người cho tôn trọng chọn lựa của người nhận, thế thôi!

Trầm tư một lúc lâu, cậu bé nói với tôi:

- Trong đời con, người ta cho con nhiều thứ: bánh ăn, áo mặc, sách học. Nhưng con không muốn người ta nhìn con như thể con là .. cậu bé bất hạnh, đáng thương. Trong khi Cha, Cha nhìn mọi đứa trẻ như nhau, nên con nghĩ rằng, con cũng giống bao trẻ khác. Thật ra con biết rằng con không giống các trẻ khác, vì con sinh ra từ một người mẹ chết. Nếu Cha chạm đến con, tức là chạm đến người chết. Nếu Cha nhìn con, tức là Cha nhìn một người đã chết!

Tiếng nói của cậu bé Milad bỗng trở nên như một lời thì thầm, nhưng lại có sức mạnh xé nát tim tôi. Tôi yên lặng cầu nguyện:

- Lạy Chúa, trong tất cả các trẻ Chúa giao để con yêu thương, chưa bao giờ con nghe thấy tiếng kêu não nề đứt ruột như thế! Con phải làm gì, nói gì bây giờ để thoa dịu một tấm lòng non trẻ bị xé nát vì chiến tranh? Lạy Chúa xin hãy lắng nghe tiếng than của con trẻ và hãy hàn gắn vết thương lòng của chúng, vì chỉ duy nhất Chúa mới có thể lấp đầy khoảng trống quá lớn trong tâm lòng côi cút đơn độc của chúng!

... ”Con người do phụ nữ sinh ra, tuổi đời ngắn ngủi, mà âu lo chồng chất. Tựa đóa hoa mới nở đã tàn, con người qua mau, khác nào bóng câu qua cửa sổ, thế mà Ngài lại để mắt nhìn xem, còn bắt ra đối chất với Ngài. Ai tìm thanh sạch được từ ô uế? Dứt khoát chẳng một ai! Ôi những lời tôi nói đây, phải chi có người chép lại, phải chi có ngưi ghi vào sách, có ngưi đục bằng sắt, trám bằng chì, tạc vào đá cho đến muôn đời! Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đt. Sau khi da tôi đây bị thiêu hủy, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm THIÊN CHÚA. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Ngưi, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ. Lòng tôi những tha thiết mong chờ” (Gióp 14,1-4+19,23-27).
 
(”MON VAGABOND DE LA LUNE”, Père Mansour Labaky, Fayard, 1986)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.