2007-04-30 13:37:22

CHA BỀ TRÊN TỔNG QUYỀN DÒNG TÊN VÀ CẦU NGUYỆN


Cha Peter Hans Kolvenbach là Bề Trên Tổng Quyền dòng Tên thứ 29, kế vị thánh Inhaxio Loyola (1491-1556).

Cha Peter Hans Kolvenbach sinh ngày 30-11-1928 tại Druten, Hòa-Lan. Trước khi được bầu làm Bề Trên Tổng Quyền vào năm 1983, Cha sống và làm việc tại Libăng trong vòng 20 năm, từ 1961 đến 1981. Năm tháng sống tại Libăng ghi đậm khiến Cha có cung cách nói năng hành xử hoàn toàn mang sắc thái đông phương. Thêm vào đó, với khả năng nói thông thạo 10 ngôn ngữ khác nhau giúp Cha dễ dàng tiếp xúc và đối thoại với người khác.

Sau đây là bài phỏng vấn về cầu nguyện trong đời sống Linh Mục dòng Tên.

Với trọng trách Bề Trên Tổng Quyền, làm thế nào Cha tìm được thời giờ để cầu nguyện? Cha Kolvenbach trả lời:

- Tu sĩ dòng Tên đáp tiếng Chúa gọi và dâng hiến THIÊN CHÚA phần tốt đẹp nhất, trở thành bạn đồng hành Đấng Cứu Thế, hầu công trình cứu chuộc được tiếp tục trao ban cho nhân loại. Để chu toàn sứ mệnh này, người có trách nhiệm chỉ quyết định một vấn đề nào đó sau khi cầu nguyện, thăm dò ý Chúa, y như thái độ người đầy tớ luôn ngước mắt nhìn bàn tay Chủ mình, theo lời thánh vịnh 123. Đó cũng là lý do giải thích sự hiện diện của dòng Tên: làm người thợ phục vụ trong vườn nho THIÊN CHÚA.

Trách nhiệm và tiếp xúc của Bề Trên có giúp gì cho việc cầu nguyện của Cha không? Cha Kolvenbach đáp:

- Qua các cuộc tiếp xúc, chúng tôi luôn cảm nhận nỗi quan tâm lo lắng của toàn thể Giáo Hội, cũng như ưu tư và niềm hy vọng của dân Chúa, rải rác khắp thế giới. Công trình THIÊN CHÚA thực hiện giữa chúng tôi, bắt buộc chúng tôi dâng lời ngợi khen cảm tạ Chúa. Chúng tôi chỉ là thợ trồng và tưới. Chính THIÊN CHÚA mới làm cho hạt giống nẩy mầm và mọc lên .. Tuy nhiên bên cạnh nỗi niềm hoan hỉ tri ân cũng chen lẫn tâm tình chán nản thất vọng, có khi buồn sầu, trong các cuộc tiếp xúc. Nhiều khi, công việc như diễn tiến trong đêm đen bất tận. Thế là, chúng tôi tha thiết nguyện cầu cùng Chúa, xin Ngài ban ơn soi sáng, để chúng tôi hiểu rằng, việc đang thi hành là công trình của Chúa. Ngoài ra cũng phải thành thật thú nhận: đôi khi chúng tôi bị sai lầm, và đây là lúc chúng tôi khiêm tốn xin Chúa ban ơn tha thứ.

Khuôn mặt nào của các tu sĩ dòng Tên trên thế giới thường xuất hiện trong tâm trí, khi Cha cầu nguyện cùng THIÊN CHÚA? Cha Kolvenbach trả lời:

- Câu bạn hỏi khiến tôi nhớ đến câu nói của Đức Thượng Phụ Athénagoras (1886-1972). Đối với Đức Thượng Phụ, lời nguyện Kitô Giáo đừng bao giờ chỉ là lời nguyện cầu bâng quơ, trừu tượng hoặc trống không, nhưng phải luôn luôn mang nét mặt con người, qua đó chúng ta có thể nhận ra đường nét khuôn mặt Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

Đối với tôi, trong thời gian này, chính là khuôn mặt Cha Pedro Arrupe (1908-1991), cựu Bề Trên Tổng Quyền dòng Tên qua đời ngày 5-2-1991, sau gần 10 năm bị bệnh liệt giường và sau gần một tháng bị hôn mê. Khuôn mặt Cha Pedro Arrupe không bao giờ mang dấu vết khổ đau hấp hối; nhưng cũng không còn nét sáng chói tươi vui của nụ cười niềm nỡ tiếp đón. Đó là khuôn mặt của kẻ tự để cho Đấng Toàn Năng hướng dẫn, đưa đến chỗ mà theo tính tự nhiên loài người không muốn đến, xét vì cánh đồng truyền giáo của Hội Dòng và của Giáo Hội còn quá bao la. Câu Chúa nói với thánh Phêrô xưa kia ”có người sẽ thắt lưng cho con và đưa con đến chỗ con không muốn” (Gioan 21,18), Cha Perdro Arrupe luôn nhìn thấy trước mắt. Đây là khuôn mặt mang dấu ấn hy vọng, và khuôn mặt này, tôi cũng gặp lại khi đi thăm các tu sĩ dòng Tên, đang hoạt động chống lại bất công xã hội tại nhiều nước trên thế giới.

Nếu phải khuyên một người nên cầu nguyện như thế nào, Cha sẽ khuyên ra sao? Cha Kolvenbach đáp:

- Thông thường khi khuyên ai một điều gì, phải biết người đó trước. Riêng tôi, vì nhiệm vụ giúp đỡ tha nhân, tôi xin phép khuyên như sau: ”Trong khi cầu nguyện, bạn hãy thành thực với chính mình, hãy đơn sơ trước mặt Chúa, vì đây là thái độ mà Chúa muốn chúng ta phải có khi thưa chuyện với Ngài. Nghĩa là mặt đối mặt, lòng đối lòng, chỉ mình ta với Chúa cũng như chỉ mình Chúa là Tất Cả cho chúng ta!”

... ”Chỉ trong THIÊN CHÚA mà thôi, này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn. Vì hy vọng của tôi bởi Ngưi mà đến, duy Ngưi là núi đá, là ơn cu độ của tôi, là thành lũy chở che: tôi chẳng hề nao núng. Nhờ THIÊN CHÚA tôi được cứu đ và vinh quang, Ngưi là núi đá vững vàng, ở bên THIÊN CHÚA tôi hằng ẩn thân. Hỡi dân ta, hãy tin tưng vào Người luôn mãi, trước mặt Người, hãy thổ lộ tâm can: THIÊN CHÚA là nơi ta ẩn náu” (Thánh Vịnh 62,6-9).

(”PRIER”, Juin/1991, trang 5-7).

Sr: Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.