2007-04-26 17:41:46

Sứ điệp của ĐTC Bin Đức 16 nhân ngày thế giới cầu cho ơn gọi: Chúa nhật 29-4-2007


Chúa nhật thứ tư mùa Phục sinh, 29-4-2007, cũng là Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi, được cử hành với chủ đề ”Ơn gọi phục vụ Giáo Hội hiệp thông”.

ĐTC Biển Đức 16 đã gửi toàn thể Giáo Hội một sứ điệp, trong đó ngài nêu rõ mối liên hệ giữa tình hiệp thông và sự đoàn kết với ơn gọi trong Giáo Hội, đồng thời mời gọi củng cố tình hiệp thông như một phương thức tối quan trọng để xin Chúa sai thêm nhiều thợ gặt đến làm việc trong mùa gặt của Ngài. Sau đây là nguyên văn Sứ điệp của ĐTC:

Anh em đáng kính trong hàng Giám Mục,
Anh chị em thân mến,

Ngày Thế giới hằng năm cầu cho ơn gọi là một dịp thích hợp để làm nổi bật tầm quan trọng của các ơn gọi trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, và tăng cường cầu nguyện để ơn gọi được gia tăng về lượng cũng như về phẩm. Nhân ngày Thế giới sắp tới cầu cho ơn gọi, tôi muốn đề nghị toàn thể Dân Chúa lưu ý về đề tài sau đây, một đề tài có tính chất thời sự hơn bao giờ hết, đó là ”Ơn gọi phục vụ Giáo Hội hiệp thông”.

Năm ngoái, khi khởi sự chu kỳ mới các bài giáo lý trong các buổi tiếp kiến chung hằng tuần mỗi ngày thứ tư, nói về quan hệ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, tôi đã ghi nhận rằng cộng đồng Kitô tiên khởi đã được thành lập, trong nhóm nguyên thủy, khi một số ngư phủ miền Galilea, sau khi gặp Chúa Giêsu, đã để cho Ngài chinh phục bằng cái nhìn, bằng tiếng nói của Ngài, và họ đã đón nhận lời mời gọi tha thiết của Chúa: ”Các con hãy theo Thầy, Thầy sẽ làm cho các con trở nên những người lưới cá người!” (Mc 1,17; cfr Mt 4,19). Trong thực tế, Thiên Chúa luôn chọn một số người để cộng tác trực tiếp hơn với Ngài trong việc thi hành ý định cứu độ của Ngài. Trong Cựu Ước, ban đầu Chúa đã gọi Abraham để kiến tạo ”một dân tộc lớn” (Gn 12,2), và tiếp đó, Ngài đã chọn Môisê để giải phóng Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập (cf Es 3,10). Rồi Chúa chỉ định các nhân vật khác, nhất là các ngôn sứ, để bảo vệ và giữ cho giao ước với dân của Ngài được luôn sinh động. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu, Đấng Messia đã được hứa trước, đặc biệt mời gọi các Tông Đồ ở với Ngài (cf Mc 3,14) và chia sẻ sứ mạng của Ngài. Trong Bữa Tiệc Ly, khi ủy thác cho các Tông Đồ công tác kéo dài việc tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Ngài cho đến khi Ngài trở lại trong vinh quang vào thời sau hết, Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha lời khẩn nguyện tha thiết cho các môn đệ: ”Con đã làm cho họ được biết danh Cha và sẽ còn tỏ cho họ, để tình yêu mà Cha yêu con được ở nơi họ và con ở trong họ” (Gv 17,26). Vì thế, sứ mạng của Giáo Hội dựa trên sự hiệp thông thân mật và trung thành với Thiên Chúa.
Hiến Chế 'Lumen Gentium',( Ánh sáng muôn dân), của Công đồng chung Vatican 2 mô tả Giáo Hội như ”một dân tộc được sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần tụ hợp lại” (số 4), trong đó có phản ánh chính mầu nhiệm Thiên Chúa. Điều đó bao hàm sự kiện trong cộng đồng dân Chúa có phản ánh tình yêu của Ba Ngôi, và nhờ hoạt động của Chúa Thánh Linh, tất cả mọi thành phần Dân Chúa họp thành ”một thân thể và một tinh thần duy nhất” trong Chúa Kitô. Nhất là khi tụ họp để cử hành Thánh Lễ, cộng đồng dân Chúa, vốn có cơ cấu trật tự dưới sự hướng dẫn của các vị mục tử, sống mầu nhiệm hiệp thông với Thiên Chúa và với anh em. Thánh Thể là nguồn mạch sự hiệp nhất của Giáo Hội mà Chúa Giêsu đã nguyện cầu hôm trước khi ra đi chịu khổ nạn: 'Lạy Cha.. ước gì chúng được nên một trong chúng ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai con” (Gv 17,21). Sự hiệp thông khẩn trương ấy tạo điều kiện dễ dàng cho sự triển nở những ơn gọi quảng đại phục vụ Giáo Hội: tâm hồn của tín hữu, đầy tràn tình yêu Chúa, được thúc đẩy tận hiến cho chính nghĩa Nước Trời. Vì thế, để cổ võ ơn gọi, điều quan trọng là việc mục vụ phải chú ý đến mầu nhiệm Giáo Hội - Hiệp thông, vì trong ai sống trong một cộng đồng Giáo Hội hòa hợp, đồng trách nhiệm, ân cần, thì chắc chắn sẽ học cách phân biệt dễ dàng hơn tiếng gọi của Chúa. Việc chăm sóc ơn gọi đòi phải liên tục giáo dục về sự lắng nghe Tiếng Chúa, như Thầy Cả Eli xưa kia đã giúp cậu bé Samuel hiểu đâu là điều Thiên Chúa yêu cầu cậu bé, và mau mắn đáp lại (1 Sam 3,9). Thế mà, sự lắng nghe lời Chúa trong tinh thần ngoan ngoãn và trung thành chỉ có thể diễn ra trong một bầu không khí hiệp thông thân mật với Thiên Chúa. Và điều này được thể hiện trước tiên trong kinh nguyện. Theo mệnh lệnh rõ ràng của Chúa, chúng ta phải cầu khẩn hồng ân ơn kêu gọi, trước tiên bằng cách không ngừng và cùng nhau cầu nguyện, cầu xin ”Chủ mùa gặt”. Lời mời ở đây được diễn tả ở số nhiều: ”Vậy các con hãy xin Chủ mùa gặt sai thợ đến trong mùa gặt của Người” ((Mt 9,38). Lời mời này của Chúa hoàn toàn tương ứng với kiểu của Kinh Lạy Cha (Mt 6,9), kinh nguyện mà Chúa đã dạy chúng ta và là ”một tổng hợp toàn thể Tin Mừng” theo kiểu nói nổi tiếng của Tertulliano (cf De Orarione, 1,6: CCL 1,258). Trong chìa khóa ấy có một thành ngữ rạng ngời khác của Chúa Giêsu: ”Nếu hai người trong các con trên mặt đất hiệp với nhau để cầu xin một điều gì, thì Cha Thầy ở trên trời sẽ ban cho các con điều ấy” (Mt 18,19). Vị Mục Tử nhân lành mời gọi chúng ta cầu xin Chúa Cha trên trời, cầu nguyện trong sự hiệp nhất với nhau và nài nỉ kiên trì, xin Chúa gửi nhiều ơn gọi đến phục vụ Giáo Hội Hiệp Thông.

Đón nhận kinh nghiệm mục vụ của những thế kỷ đi trước, Công đồng chung Vatican 2 đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc giáo dục các linh mục tương lai về sự hiệp thông chân thực của Giáo Hội. Về vấn đề này, chúng ta đọc thấy trong Sắc lệnh về đời sống linh mục (Presbyterorum ordinis): ”Khi thi hành sứ vụ của Chúa Kitô là Đầu và là Mục Tử, do quyền bính của mình, các linh mục, nhân danh Giám Mục, tập hợp gia đình Thiên Chúa như một huynh đoàn được linh hoạt trong sự hiệp nhất, và nhờ Chúa Kitô, dẫn đưa họ về với Chúa Cha trong Chúa Thánh Linh” (số 6). Lời quả quyết này của Công đồng cũng âm vang trong Tông huấn Hậu Thượng HĐGM ”Thầy sẽ ban cho các con những vị Mục Tử” (Pastores dabo vobis). Văn kiện này nhấn mạnh rằng linh mục ”là người phục vụ Giáo Hội hiệp thông, vì - hiệp nhất với Đức GM và trong quan hệ chặt chẽ với hàng linh mục, Linh Mục kiến tạo sự hiệp nhất của cộng đoàn Giáo Hội trong sự hòa hợp các ơn gọi, các đoàn sủng và dịch vụ khác nhau” (số 16). Điều tối quan trọng là giữa lòng dân Chúa, mỗi thừa tác vụ và đoàn sủng phải hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn, và nhiệm vụ của GM và các LM là tạo điều kiện cho sự hiệp thông ấy trong niềm hòa hợp với mọi ơn gọi và dịch vụ khác của Giáo Hội. Ví dụ, cả đời sống thánh hiến, theo đặc tính riêng của mình, cũng phục vụ tình hiệp thông ấy, như được nêu bật trong Tông huấn hậu Thượng HĐGM về Đời sống Thánh hiến, do vị Tiền nhiệm đáng kính của tôi Đức Gioan Phaolô II đã viết: ”Đời sống thánh hiến chắc chắn có công vì đã góp phần hữu hiệu trong việc duy trì sinh động trong Giáo Hội đòi hỏi của tình huynh đệ như một sự tuyên xưng Chúa Ba Ngôi. Qua sự liên lỷ thăng tiến tình huynh đệ, cả trong hình thức đời sống chung, đời sống thánh hiến đã chứng tỏ rằng sự tham gia vào sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa, có thể thay đổi quan hệ của con người, kiến tạo một kiểu mẫu mới của tình liên đới” (số 41).

”Ở trung tâm của mỗi cộng đoàn Kitô có Thánh Thể, là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Giáo Hội. Ai dấn thân phục vụ Tin Mừng, thì sống bằng Thánh Thể, tiến bước trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, và như thế họ góp phần xây dựng Giáo Hội như hiệp thông. Chúng ta có thể quả quyết rằng ”Tình yêu Thánh Thể” là một động lực và là nền tảng hoạt động mục vụ ơn gọi của toàn thể Giáo Hội, vì, như tôi đã viết trong Thông điệp ”Deus caritas est”, Thiên Chúa là tình thương, ơn gọi linh mục và ơn gọi thi hành các thừa tác vụ và dịch vụ khác triển nở giữa lòng Dân Chúa, ở nơi nào có những người mà Chúa Kitô rạng ngời nơi họ, qua Lời của Ngài, trong các bí tích và đặc biệt là trong phép Thánh Thể. Sở dĩ như vậy là vì ”trong phụng vụ của Giáo Hội, trong kinh nguyện của Hội Thánh, trong cộng đoàn sinh động của các tín hữu, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, cảm nhận sự hiện diện của Ngài và qua đó cũng học cách nhận ra ngài trong đời sống thường nhật. Chúa là Đấng đã yêu thương chúng ta trước và còn tiếp tục yêu chúng ta trước; vì thế, cả chúng ta cũng có thể đáp lại bằng tình yêu” (số 17).
Sau cùng, chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria, Mẹ đã nâng đỡ cộng đoàn tiên khởi, trong đó ”tất cả đều tâm đầu ý hợp, và tất cả thường xuyên họp nhau cầu nguyện” (cf At 1,14), xin Mẹ trợ giúp Giáo Hội trở thành hình ảnh Chúa Ba Ngôi trong thế giới ngày nay, thành dấu chỉ hùng hồn tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người. Đức Trinh Nữ đã mau lẹ đáp lại tiếng gọi của Chúa Cha khi thưa: ”Này tôi là Nữ Tỳ Chúa” (Lc 1,38), xin Mẹ chuyển cầu để giữa lòng dân Kitô giáo không thiếu những người phục vụ niềm vui của Chúa: các linh mục là những người hiệp thông với các GM của mình trung thành rao giảng Tin Mừng và cử hành các bí tích, chăm sóc dân Chúa và sẵn sàng rao giảng Tin Mừng cho toàn thể nhân loại. Xin Mẹ cũng làm cho thời nay, số người thánh hiến được gia tăng, những người biết đi ngược dòng, sống các lời khuyên Phúc Âm thanh bần, khiết tịnh và vâng phục, làm chứng như các ngôn sứ cho Chúa Kitô và sứ điệp cứu độ có sức giải thoát của Ngài.

Anh chị em thân mến là những người Chúa gọi thi hành những ơn gọi đặc thù trong Giáo Hội, tôi muốn đặc biệt ủy thác anh chị em cho Mẹ Maria, vì hơn mọi người khác, Mẹ hiểu ý nghĩa những lời của Chúa Giêsu: ”Mẹ Thầy và anh em Thầy chính là những người nghe lời Chúa và mang ra thực hành” (Lc 8,21), xin Mẹ dạy anh chị em lắng nghe người Con thần linh của Mẹ. Xin Mẹ giúp anh chị em nói lên câu này bằng cuộc sống của mình: ”Lạy Chúa, này con đến để thi hành ý Chúa” (cf Eb 10,7). Với những lời cầu chúc này tôi hứa đặc biệt nghĩ đến mỗi người trong kinh nguyện và tôi thành tâm chúc lành cho anh chị em.
  Vatican ngày 10 tháng 2 năm 2007

Biển Đức 16 Giáo Hoàng.
  G. Trần Đức Anh OP chuyển ngữ
 







All the contents on this site are copyrighted ©.