2007-04-25 16:56:01

Đọc, cầu nguyện và sống giáo huấn Kinh Thánh để luôn được canh tân và tươi trẻ.


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tại quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 25-4-2007.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của giáo phụ Origene, một trong các giáo phụ nổi bật nhất và là một trong các nhân vật định đoạt đối với sự phát triển của tư tưởng Kitô. Origene tiếp nhận gia tài của Clemente thành Alessandria và phóng nó về tương lai trong một cách thức mới mẻ, ghi dấu một khúc rẽ không thể lật ngược được trong sự phát triển của tư tưởng Kitô. Giáo Phụ Origene là một bậc thầy, mà các môn sinh cảm động thương nhớ; giáo phụ không chỉ là một nhà thần học lỗi lạc, mà còn là chứng nhân gương mẫu của giáo lý người truyền giảng nữa.

Mơ ước được tử đạo theo người trong suốt cuộc đời. Năm Origene lên 17 tuổi cuộc bắt đạo bùng nổ dưới thời hoàng đế Settimo Severo. Giáo phụ Clemente phải bỏ thành Alessandria, thân phụ của Origene là Leonide bị bắt và bị tống ngục. Origene rất ước ao được tử đạo, nhưng không thể thực hiện ước muốn này, nên mới viết thư khích lệ cha đừng chùn bước làm chứng cho lòng tin. Khi ông Leonide bị chém đầu, Origene cảm thấy phải tiếp nhận gương sống đó của cha. Chính vì thế trong các bài giảng của mình giáo phụ Origene luôn bầy tỏ ao ước được tử đạo, và sau cùng ước mong đó được thực hiện một phần. Vào năm 250 trong cuộc bắt đạo của Decio, Origene bị bắt giữ và bị tra tấn dã man trong tù, rồi qua đời vài năm sau đó, khi chưa đầy 70 tuổi. Đề cập tới phần đóng góp quan trọng của giáo phụ Origene, ghi dấu khúc rẽ không thể lật ngược được trong lịch sử thần học và tư tưởng Kitô, Đức Thánh Cha nói:

Khúc rẽ đó tương đương với việc thành lập nền thần học trong việc giải thích Kinh Thánh. Đối với giáo phụ làm thần học nòng cốt là giải thích, hiểu Kinh Thánh; hay chúng ta cũng có thể nói rằng nền thần học của người là sự cộng sinh (simbiosi) giữa thần học và chú giải. Thật thế, dấu hiệu giáo thuyết của giáo phụ Origene xem ra nằm tại chỗ liên tục mời gọi từ ”nghĩa theo chữ” bước sang tinh thần của Kinh Thánh, để tiến vào sự hiểu biết Thiên Chúa. Thần học gia Von Balthasar viết rằng: ”Ý nghĩa bóng bảy đó trùng hợp với sự phát triển tín lý Kitô qua lời giảng dậy của các giáo phụ”, và bằng cách này hay cách khác, các vị đã tiếp nhận bài học của giáo phụ Origene.

Như thế truyền thống và huấn quyền, là nền tảng và bảo đảm cho việc nghiên cứu thần học, gặp gỡ nhau như là ”Kinh Thánh hành động” (x. Origene: il mondo, Cristo e la Chiesa, tr. it., Milano 1972, tr.43). Vì thế chúng ta có thể khẳng định rằng nòng cốt tác phẩm văn chương của giáo phụ Origene là ba kiểu đọc Kinh Thánh. Trong thư 33 thánh Giêrolamo liệt kê ra 320 cuốn sách và 310 bài giảng của giáo phụ Origene. Rất tiếc đa số các tác phẩm này đã bị mất. Nhưng ít tác phẩm còn sót lại cũng khiến cho người là tác giả Kitô phong phú nhất của ba thế kỷ đầu trong lịch sử Kitô trên nhiều bình diện: từ chú giải cho tới tín lý, triết học, hộ giáo, và thần bí. Đó là một quan niệm toàn thể về cuộc sống Kitô.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha giải thích ba kiểu đọc Kinh Thánh mà giáo phụ Origene đã phát triển trong suốt cuộc đời mình. Đó là ba phương thức quan trọng nhất, thường không tiếp nối nhưng chồng lên nhau, mà giáo phụ Origene dùng để tìm hiểu Kinh Thánh. Trước hết giáo phụ đọc Kinh Thánh với chủ ý kiểm thực văn bản, để cống hiến cho người đọc một bản văn đáng tin cậy nhất. Đó là bước đầu tiên hiểu biết xem văn bản viết cái gì và có ý nói gì. Giáo phụ đã nghiên cứu kỹ lưỡng và đã biên soạn một bản văn Kinh Thánh gồm 6 cột song song với bản văn viết bằng tiếng do thái, và đã tiếp xúc với các rabbi do thái để hiểu văn bản gốc của Kinh Thánh, rồi bản văn do thái phiên âm ra Hy lạp và 4 bản dịch khác biệt tiếng hy lạp, cho phép so sánh các khả thể dịch thuật khác nhau. Từ đó nó có tên là bản Kinh Thánh ”Esaple” Kinh Thánh so sánh 6 cột. Điểm thứ nhất là biết văn bản gốc viết gì.

Tiếp đến giáo phụ Origene đọc Kinh Thánh một cách có hệ thống với các chú giải nổi tiếng của mình. Chúng ghi chép lại trung thực các giải thích khi giáo phụ dậy học tại Alessandria cũng như tại Cesarea. Giáo phụ giải thích từng câu một, một cách tỉ mỉ, rộng rãi và sâu xa, với các ghi chú liên quan tới ngữ học và giáo lý, rất chính xác để xem các tác giả sách thánh nuốn nói gì.

Sau cùng trước khi thụ phong linh mục, giáo phụ Origene cũng dành nhiều giờ để rao giảng Kinh Thánh một cách thích hợp với cử tọa khác nhau. Ngay trong các bài giảng của người chúng ta cũng ghi nhận việc chú giải có hệ thống từng đoạn văn và từng câu một. Đề cập đến ba ý nghĩa của văn bản Kinh Thánh, mà giáo phụ Origene luôn lưu tâm, Đức Thánh Cha nói:

Cả trong các bài giảng, giáo phụ Origene cũng tận dụng mọi dịp để gợi lại ba chiều kích khác nhau của ý nghĩa Kinh Thánh giúp hay diễn tả lộ trình lớn mạnh của lòng tin: trước hết là nghĩa ”theo chữ”, nhưng nó dấu ẩn trong chiều sâu điều không hiện ra ngay lúc đầu; chiều kích thứ hai là nghĩa ”luân lý”: chúng ta phải làm gì khi sống lời Chúa; và sau cùng là nghĩa ”tinh thần”: tức sự thống nhất của Kinh Thánh đề cập đến Chúa Kitô trong tất cả sự phát triển của nó. Chính Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu nội dung Kitô học và sự hiệp nhất của Kinh Thánh trong sự khác biệt của nó.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Trong cuốn sách ”Đức Giêsu thành Nagiarét” tôi cũng đã thử cho thấy các chiều kích khác nhau của Lời Chúa, của Kinh Thánh, trong hoàn cảnh ngày nay. Trước hết phải tôn trọng ý nghĩa lịch sử của Kinh Thánh. Nhưng ý nghĩa này đưa chúng ta lên cao tới Chúa Kitô, trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, và chỉ cho chúng ta thấy con đường phải sống. Chẳng hạn trong bài giảng số 9 về sách Dân Số giáo phụ Origene so sánh Kinh Thánh với trái dừa và nói: ”Giáo lý của Luật Lệ và các Ngôn Sứ theo trường học của Chúa Kitô cũng thế: chữ viết thì đắng, như vỏ ngoài cùng; tiếp đến bạn vào đến vỏ trong là giáo huấn luân lý; và thứ ba bạn sẽ tìm thấy ý nghĩa của các mầu nhiệm, dưỡng nuôi linh hồn các thánh trong cuộc sống hiện tại và tương lai” (Hom. Num 9,7). Nhất là qua đó giáo phụ Origene thăng tiến kiểu đọc hiểu Kinh Thánh Cựu Ước theo nhãn quan Kitô, và trả lời một cách vẻ vang cho thách đố của những người lạc giáo, đặc biệt là bè phái ngộ đạo và Maricone đối chọi Cựu Ước với Tân Ước, tới chỗ khước từ Cựu Ước.

Trong cùng bài giảng giáo phụ Origene khẳng định rằng: ”Tôi không gọi Luật Lệ là ”Cựu Ước”, nếu tôi hiểu nó trong Thần Khí. Luật Lệ chỉ trở thành ”Cựu Ước” đối với những kẻ muốn hiểu nó một cách ”xác thịt”, nghĩa là dừng lại ở chữ viết của văn bản. Nhưng đối với chúng ta, là những người hiểu nó và áp dụng nó trong Thần Khí và trong nghĩa của Tin Mừng, thì Luật Lệ luôn luôn mới mẻ, và hai Giao Ước đối với chúng ta đều là Tân Ước, không phải vì niên biểu thời gian, nhưng vì ý nghĩa mới mẻ... Trái lại đối với những người không tôn trọng giao ước bác ái, thì các Phúc Âm cũng cũ” (Hom. Num 9,4).

Và Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Tôi mời gọi anh chị em hãy nhận lấy giáo huấn của vị thầy lớn lao này của lòng tin. Người nhắc cho chúng ta biết rằng trong việc đọc và cầu nguyện với Kinh Thánh và trong cuộc sống dấn thân trung thực, Giáo Hội luôn được canh tân và tươi trẻ. Lời Chúa không bao giờ già, không bao giờ cạn, là phương thế đặc tuyển cho mục đích đó. Thật thế nhờ Chúa Thánh Thần, Lời Chúa luôn hướng dẫn chúng ta tới chân lý toàn vẹn.

Sáng thứ tư 25-4-2007 đã có hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần với Đức Thánh Cha. Đa số các đoàn hành hương đến từ Italia và Đức, trong đó có đoàn 2.000 tín hữu các giáo phận vùng Triveneto, tháp tùng các Giám Mục về Roma viếng mộ hai Thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh, cũng như đoàn hành hương thuộc giáo phận Regensburg, do Đức Cha chính Gerhard Ludwig Mueller và Đức Cha Phụ Tá Reinhard Pappenberger hướng dẫn. Từ Phần Lan có một nhóm hành hương đại kết. Riêng từ Á châu có các đoàn hành hương Indonedia và Nhật Bản. Cũng có một nhóm nữ tu Việt Nam tham dự khóa tĩnh huấn tại Trung Tâm Linh Hoạt Truyền Giáo Quốc Tế do Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo tổ chức. Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau trước khi cất kinh Lậy Cha và ban phép cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.