2007-04-11 16:12:37

Tìm gặp Chúa Kitô phục sinh để sống các liên hệ và cuộc sống mới


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khích lệ các tín hữu như trên trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư tuần Bát Nhật Phục Sinh 11-4-2007.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã đề cập đến các lần Chúa Kitô phục sinh tự tỏ hiện ra với các môn đệ để củng cố lòng tin của các vị. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:

Anh chị em thân mến. Sau các buổi cử hành lễ Phục Sinh hôm nay chúng ta lại gặp nhau trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư và trước hết tôi muốn lập lại với từng người trong anh chị em các lời chúc mừng nồng nhiệt nhất. Xin cám ơn sự hiện diện đông đảo của anh chị em và tôi cũng cảm ơn Chúa vì cho chúng ta có trời nắng đẹp hôm nay. Trong lễ Vọng Phục Sinh vang lên lời loan báo: ”Chúa đã sống lại thật, Alleluia”. Giờ đây chính Chúa nói với chúng ta: ”Ta sẽ không chết nữa nhưng sẽ sống”. Ngài nói với các người tội lỗi: ”Hãy nhận lấy ơn tha tội. Thật thế, Ta là sự tha tội”. Sau cùng Chúa lập lại với tất cả mọi người rằng: “Chính Ta là lễ Vượt Qua của ơn cứu độ, là Chiên Con bị sát tế, là ơn cứu chuộc, là Vua của các con, Ta sẽ chỉ cho các con thấy Chúa Cha”, như Melitone thành Sardi đã viết về lễ Phục sinh hồi thế kỷ thứ II (sulla Pasqua, 102-103).

Trong các ngày này phụng vụ nhắc lại các cuộc gặp gỡ khác nhau của Chúa Giêsu sau khi sống lại: với Maria Madalena và các phụ nữ khác khi các bà ra mộ lúc tờ mờ sáng sau ngày sabat; với các Tông Đồ cứng lòng tin họp nhau trong Nhà Tiệc Ly; với Toma và các môn đệ khác. Các lần hiện ra khác nhau này của Chúa cũng là lời mời gọi chúng ta đào sâu sứ điệp nền tảng của lễ Phục Sinh. Chúng thôi thúc chúng ta đi lại lộ trình thiêng liêng của biết bao nhiêu người đã gặp Chúa Kitô và đã nhận ra Người trong các ngày sau biến cố phục sinh này.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Thánh sử Gioan kể lại rằng sau khi nghe bà Maria Madalena báo tin, thánh nhân và tông đồ Phêrô như đua nhau chạy ra mồ Chúa (x. Ga 20,3 tt..) Các Giáo Phụ đã trông thấy việc vội vã chạy ra nấm mồ trống là lời thúc giục sự tranh đua duy nhất hợp pháp giữa các tín hữu: đó là tranh đua tìm kiếm Chúa Kitô. Thế rồi còn phải nói gì về thái độ của bà Maria Madalena? Bà ở lại bên cạnh mộ Chúa mà khóc với ước mong duy nhất là biết xem họ đã đem Thầy mình đi đâu. Bà tìm thấy Người và nhận ra Người khi Người gọi tên bà (x. Ga 20,11-18). Chúng ta cũng thế, nếu chúng ta tìm Chúa với tâm lòng đơn sơ chân thành, chúng ta sẽ gặp được Người, còn hơn thế nữa chính Chúa sẽ đến gặp chúng ta; sẽ làm cho chúng ta nhận biết Người, sẽ gọi tên chúng ta nghĩa là sẽ làm cho chúng ta bước vào trong tình yêu sâu thẳm của Người.

Hôm nay Thứ Tư trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh, phụng vụ khiến chúng ta suy gẫm về một cuộc gặp gỡ khác của Chúa Phục Sinh, đó là cuộc gặp gỡ với hai môn đệ về làng Emmaus (x. Lc 24,13-35). Trong khi họ chán nản vì cái chết của Thầy mình và trở về quê quán, thì Chúa hiện ra đồng hành với họ mà họ không nhận ra Người. Lời Người giảng giải những gì Kinh Thánh nói về Người khiến cho con tim của các môn đệ bừng nóng và khi đến nơi họ xin Người ở lại với họ. Sau cùng khi Người ”cầm lấy bánh, chúc lành bẻ ra và trao cho họ” thì mắt họ mở ra. Nhưng chính lúc đó Người biến mất. Như thế họ nhận ra Người lúc Người biến đi. Chú giải biến cố này Thánh Agostino viết: ”Chúa Giêsu bẻ bánh, thì họ nhận ra Người. Như vậy chúng ta cũng không còn nói chúng ta không nhận ra Chúa Kitô nữa. Nếu chúng ta tin Người thì chúng ta nhận ra Người. Còn hơn thế nữa nếu chúng ta tin Người chúng ta có Người! Họ đã có Chúa Kitô tại bàn ăn. Chúng ta có Người trong linh hồn chúng ta. Có Chúa Kitô trong con tim thì hơn là có Chúa trong nhà của chúng ta: thật thế con tim của chúng ta thân thiết với chúng ta hơn là căn nhà của chúng ta” (discorso 232,VII,7). Chúng ta hãy tìm mang Chúa Giêsu trong con tim một cách thực thụ.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Trong lời dẫn nhập sách Công Vụ thánh sử Luca khẳng định rằng Chúa phục sinh ”cho các tông đồ thấy Người vẫn sống, sau cuộc khổ nạn, với nhiều chứng cớ, bằng cách hiện ra với các vị trong 40 ngày” (Cv 1,3). Và Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa sự kiện này như sau:

Cần phải hiểu rõ là khi soạn giả sách thánh nói rằng ”Người cho thấy Người sống”, thì không có nghĩa là Chúa Giêsu trở lại cuộc sống trước đó, như Ladarô. Sự sống lại mà chúng ta cử hành, như thánh Benadô ghi nhận, có nghĩa là ”vượt qua”, chứ không phải trở lại, vì Chúa Giêsu không trở lại tình trạng sống trước nữa, nhưng đã bước qua ranh giới hướng tới một điều kiện vinh quang hơn”, mởi mẻ và vĩnh viễn. Vì thế, ”giờ đây Chúa Kitô chắc chắn là đã bước sang một cuộc sống mới” (x. Discorso sulla Pasqua).

Chúa nói với bà Maria Madalena rằng: ”Đừng giữ Thầy lại vì Thầy chưa lên cùng Cha”. (Ga 20,17). Kiểu nói này khiến cho chúng ta ngạc nhiên, nhất là nếu so sánh với những gì xảy ra trong biến cố gặp gỡ thánh Toma. Trong Nhà Tiệc Ly chính Chúa Phục Sinh đưa tay và cạnh sườn ra cho Tông đồ Toma sờ vào để biết rằng chính là Người (x. Ga 20,27). Thật ra hai biến cố không trái nghịch nhau; trái lại giúp hiểu nhau. Bà Maria Madalena muốn có lại Chúa như trước, và coi thập giá như là biến cố thê thảm cần phải quên đi. Nhưng từ nay không còn chỗ cho một tương quan với Chúa Phục Sinh chỉ hoàn toàn nhân loại nữa. Để gặp gỡ Người không cần phải quay lại đàng sau, nhưng phải tự đặt mình trong tương quan mới với Chúa: cần phải tiến tới! Thánh Benado nhấn mạnh điều đó khi viết: Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tất cả sống cuộc sống mới đó, sống sự vượt qua đó... Chúng ta sẽ không trông thấy Chúa Kitô khi quay lại đàng sau” (Discorso sulla Pasqua). Đó là điều đã xảy ra cho Toma. Chúa Giêsu cho ông trông thấy các vết thương không phải để quên thập giá, nhưng là để khiến cho thập giá không thể nào bị quên trong tương lai”.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Thật thế, từ nay phải hướng cái nhìn về tương lai. Nhiệm vụ của người môn đệ là làm chứng cho cái chết và sự phục sinh của Thầy mình và cho cuộc sống mới. Vì thế Chúa Giêsu mời gọi người bạn cứng lòng tin ”sờ” vào Người: Chúa muốn cho ông trở thành chứng nhân trực tiếp sự sống lại của Người. Anh chị em thân mến, giống như Maria Madalena, Toma và các tông đồ khác, chúng ta cũng được mời gọi làm chứng cho cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Chúng ta không thể giữ kín tin lớn lao đó cho chính mình. Phải loan báo nó cho toàn thế giới: ”Chúng tôi đã trông thấy Chúa” (Ga 20,25). Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta biết nếm hưởng trọn vẹn niềm vui phục sinh, để được sức mạnh của Chúa Thánh Thần nâng đỡ, chúng ta có thể loan báo tin vui này tại khắp mọi nơi chúng ta sinh sống và hoạt động. Một lầm nữa xin kính chúc tất cả anh chị em lễ Phục Sinh tốt lành.

Đã có hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hằng tuần với Đức Thánh Cha. Đa số tín hữu đến từ các giáo phận Italia và Đức. Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan và Croat. Chào đông đảo các bạn trẻ người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nói: Các bạn trẻ thân mến, như Người đã nói với các môn đệ xưa kia, Chúa Kitô cũng lập lại với các bạn rằng: ”Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con... Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” (Ga 20,21-22). Hãy đáp trả lại tiếng Chúa với niềm vui và tình yêu thương, cảm tạ Chúa vì ơn cao trọng của lòng tin, và bất cứ ở đâu các con cũng sẽ là các chứng nhân niềm vui và sự bình an của Chúa. Đức Thánh Cha cầu mong sự phục sinh của Chúa là nguồn mạch ủi an hy vọng cho các người đau yếu. Ngài nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới để cho Chúa Kitô phục sinh hoạt động trong gia đình họ qua lời cầu nguyện mỗi ngày vì lời cầu nguyện dưỡng nuôi tình yêu hôn nhân của họ.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.