2007-04-02 15:34:17

Italia cần có đường lối chính trị thăng tiến gia đình chứ không cần luật DICO


Phỏng vấn Đc Ông Vinicio Albanesi, giám đốc cộng đoàn Capodarco, về sự cần thiết của gia đình và niềm hạnh phúc

Trong các ngày vừa qua Đức Cha Luigi Bressan, Tổng Giám Mục Trento đông bắc Italia, đã lại lên tiếng phản đối dự luật DICO, do chính quyền của thủ tướng Romano Prodi đưa ra, liên quan tới sự sống chung của các cặp nam nữ và các cặp đồng phái. Đức Cha Bressan nói: ”Trước các hình thức suy đồi của xã hội các Kitô hữu không thể chấp nhận bằng lòng với điều ác nhỏ hơn, nhưng được mời gọi biết đánh giá qúy trọng gia đình hơn và phải phản ứng chống lại các khuynh hướng tổng quát hóa nguy hai cho gia đình. Trong xã hội chúng ta đang sống, người ta lẫn lộn giữa các quyền, với các lợi lộc và cảm xúc, cho tới chỗ khẳng định rằng nếu tôi thích một điều gì đó là tôi có quyền làm điều ấy. Cần tôn trọng mọi người, vượt ngoài khuynh hướng tính dục của họ, nhưng để bảo vệ con người thì việc tu chính quyền riêng là đủ rồi, mà không cần phải phải đưa ra một luật cho những người không lấy nhau và những người sống chung khác phái hay đồng phái, vì như thế là đặt nó ngang hàng với hôn nhân”.

Liên quan tới việc sống chung, mà nhiều người coi là hình thức giúp ổn định hôn nhân, Đức Tổng Giám Mục Bressan nói đó là chuyện không thực. Còn việc những người ly dị tái hôn không được rước lễ Đức Cha Bressan cho biết họ không phải là những tín hữu duy nhất không được rước lễ, mà cả những anh chị em ruột hay anh chị em họ mà thù ghét nhau, hay những người khước từ giúp đỡ người nghèo, cũng không được phép rước lễ.

Sau đây là bài phỏng vấn Đức Ông Vinicio Albanesi, giám đốc cộng đoàn Capodarco, về sự cần thiết của gia đình và niềm hạnh phúc.

Cộng đoàn Capodarco đã được Linh Mục Franco Monterubbianesi và một nhóm giáo dân thành lập ngày lễ Giáng Sinh năm 1966 tại Capodarco. Ban đầu nó chỉ có 13 người tàn tật, cư ngụ trong một biệt thự bỏ hoang tại Capodarco, thuộc tỉnh Ascoli Piceno, trung Italia. Năm 1970 cộng đoàn có 100 người. Tiếp đến cộng đoàn mang chiều kích quốc gia với các trung tâm mới tại Sessu, Fabiano, Gubbio, Udine, Lamezia, Terme và Roma. Ngày nay cộng đoàn hiện diện tại 18 thánh phố và 10 vùng miền toàn nước với hàng trăm thành viên kể cả các nhân viên, người trẻ thuộc tổ chức dân sự và người thiện nguyện.

Mới đây cũng đã nảy sinh ra Cộng đoàn quốc tế Capodarco, là một tổ chức phi chính quyền với các dự án mở nhà tại các nước Đông Âu như Rumani, Albani, và Kososo, tại Nam Mỹ Latinh như Ecuador, Guatemala và Brasil, tại Phi châu như Camerun, Guinea Bissau.

Các cộng đoàn này đều đặc biệt chú ý và thăng tiến cuộc sống của trẻ em và người trẻ tàn tật. Cộng đoàn cũng hiện diện trong Ủy ban phối hợp quốc gia của các cộng đoàn tiếp đón, cũng như của các tổ chức phục vụ dân sự, và Văn phòng phối hợp toàn quốc các cộng đoàn trợ giúp trẻ em và người trẻ tàn tật. Từ năm 1994 Đức Ông Albanesi là giám đốc cộng đoàn.
 
Hỏi: Thưa Đức Ông Albanesi, Đức Ông có nhận thấy chính quyền Italia hiện nay thiếu đường lối chính trị có tổ chức nhằm thăng tiến và trợ giúp gia đình không?
 
Đáp: Dĩ nhiên là tôi đồng ý với qúy vị. Nhà nước Italia thiếu đường lối chính trị thăng tiến gia đình và trợ giúp những lớp người yếu đuối nhất. Giới chức chính trị mất quá nhiều thời giờ cho các cuộc thảo luận liên quan tới việc thừa nhận các cặp sống chung. Đáng lý ra chính quyền phải bảo đảm cho các gia đình có được các điều kiện giúp duy trì sự ổn định của nó, mà đừng có bước vào trong lãnh vực các tương quan nội tại giữa cặp vợ chồng và đừng tưởng tượng ra các biện pháp sai lầm như dự luật liên quan tới các cặp chung sống, gọi tắt là DICO.

Hỏi: Sai lầm của dự luật DICO nằm tại đâu: chỉ trong các ưu tiên mà nó chủ trương hay ngay trong bản chất của nó thưa Đức Ông?

Đáp: Sai lầm nằm trong cả hai khía cạnh của dự luật. Trước hết không thể coi tương quan giữa những người đồng phái như là gia đình được, vì khách quan mà nói nó là cái gì khác với gia đình. Hơn nữa Nhà Nước cần phải phục hồi các cuộc hôn nhân không được cử hành, nghĩa là tạo ra các ưu tiên đích thật để thăng tiến và trợ giúp gia đình.

Hỏi: Có thể theo con đường của các quyền cá nhân không thưa Đức Ông?

Đáp: Chắc chắn rồi, nếu có các quyền cá nhân cần phải thừa nhận hay có các kỳ thị cần phải loại trừ thì đó là điều có thể làm được chứ. Nhưng mà đừng có chế ra các mô thức mới giả hiệu gia đình.

Hỏi: Dự luật DICO có nguy hiểm nào trên bình diện giáo dục? Nó có thể gửi tới giới trẻ một sứ điệp tiêc cực, hàm hồ, gây bất ổn và hoang mang cho họ hay không?

Đáp: Chắc chắn nó là sứ điệp tiêu cực gây hoang mang cho người trẻ rồi. Tôi vẫn thường nói là chúng ta đã đưa vào trong xã hội hệ thống ”Scheik” mà không thấy đó là gương mù gương xấu nữa, vì người ta coi việc có nhiều vợ nhiều chồng và con cái rơi rớt khắp nơi đó đây là điều ”bình thường”. Rồi người ta trộn lẫn các gia đình với nhau. Rất tiếc là các mô thức và các sứ điệp, mà nền văn hóa ngày nay đưa ra, đều hoàn toàn tiêu cực đối với hôn nhân. Chúng hạ giá hôn nhân.

Hỏi: Thưa Đức Ông Albanesi, Đức Ông không sợ người ta cho Đức Ông là lỗi thời khi đưa ra các nhận định như thế hay sao?

Đáp: Tôi chỉ là người thực tế và lo lắng cho gia đình thôi, chứ không tân thời lỗi thời gì cả. Các tương quan tình yêu trong xã hội chúng ta ngày càng bệnh hoạn hơn, giống như loại bệnh câm điếc: người ta không cởi mở, không chia sẻ với nhau nữa, các tương quan - kể cả tương quan hôn nhân - chỉ còn được nhìn và đánh giá bên ngoài khung cảnh của sự thoải mái. Tha nhân bị biến thành dụng cụ: tôi ở với bạn cho tới khi nào bạn còn làm cho tôi được thoải mái. Vừa khi không thoải mái nữa thì thôi ta chia tay ... Trong các khóa chuẩn bị hôn nhân, là linh mục chúng tôi thường hỏi các cặp muốn lấy nhau: ”Các bạn loại trừ giả thuyết ly dị chứ?” Họ thường trả lời: ”Chúng con hy vọng vậy”. Thế rồi một phần tư các cặp theo các khóa chuẩn bị hôn nhân đã sống chung với nhau trước khi chính thức lấy nhau rồi. Có lẽ chúng ta qúa khoan nhượng, khi chấp nhận ban bí tích hôn phối cho họ như thế. Có lẽ phải lựa chọn và đòi hỏi nhiều hơn.

Hỏi: Nhưng mà Giáo Hội đâu có thể đóng sầm cửa lại đối với các người trẻ như thế thưa Đức Ông?

Đáp: Không, dĩ nhiên là Giáo Hội không thể đóng cửa đối với họ. Nhưng cũng cần có một nỗ lực mục vụ mạnh mẽ hơn để cho các người trẻ này trưởng thành hơn. Cần phải đồng hành với họ lâu dài hơn, đặc biệt là sau khi họ cưới nhau, chứ không phải đợi cho tới khi họ đem con tới xin rửa tội, nếu họ còn xin rửa tội cho con của họ! Rất tiếc là ngày nay mầm giống của ngoại giáo lan tràn khắp nơi.

Hỏi: Tại sao Đức Ông lại nói tới việc ngoại giáo lan tràn trong xã hội và cả Giáo Hội? Một cái nhìn như thế lại không qúa bi quan hay sao?
 
Đáp: Không, có chăng đó là tôi nghĩ rằng các Giám Mục và Đức Giáo Hoàng hơi qúa lạc quan đối với tình hình của Italia đó thôi. Không phải chỉ vì tín hữu công giáo sống đạo là thiểu số, mà trong thiểu số đó lại còn có biết bao nhiêu người bị ô nhiễm bởi các yếu tố ngoại giáo. Nó có nghĩa họ ”không là Kitô hữu nữa”, họ ”khác đi”, họ tự nhận ra chính mình nơi các giá trị khác, nơi các ”thần” khác. Càng ngày chúng ta càng đứng trước nhiều Kitô hữu, dù họ tuyên bố là họ tin Chúa, nhưng lại có một vài cung cách sống ngoài giáo huấn của Giáo Hội, xa cách việc hành xử đúng đắn theo luân lý Kitô.

Để ở trong lãnh vực gia đình phải đưa ra câu hỏi: sự xinh đẹp của hôn nhân, của sự trung thành, của bí tích hôn phối bất khả phân ly có được làm chứng hay không? Hay đôi khi chính các bậc cha mẹ lại tạo điều kiện cho con cái lựa chọn sự sống chung? Ở đây không phải là trường hợp những gia đình ”xấu” đâu, mà là những gia đình được coi là ”tốt”.

Hỏi: Đức Ông thường tiếp xúc với các người trẻ gặp khó khăn. Họ tìm kiếm gì và họ cần gì thưa Đức Ông?

Đáp: Người trẻ nào cũng muốn và xin một điều hết sức đơn sơ: đó là có một người cha và một người mẹ biết yêu thương nhau, tôn trọng nhau, sống với nhau và yêu thương săn sóc con cái. Người trẻ đau khổ vì thường khi họ thấy xảy ra cảnh trái nghịch, họ thấy gia đình bị tan nát. Trong tận cùng thẳm tâm lòng của mỗi người trẻ, của mỗi người trong chúng ta, đều có ước vọng hạnh phúc, đều cần đến sự ổn định an ninh, đều có tham vọng được sống trong một gia đình toàn vẹn. Bạn cứ hỏi các trẻ em và người trẻ thì sẽ biết họ ước mong những gì. Không, gia đình ổn định không phải là một cơ cấu văn hóa thêm vào, mà là một nhu cầu sâu thẳm của con người.

(Avvenire 18-3-2007)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.