2007-03-29 13:47:51

Hiệp hội ”Kể chuyện Kinh Thánh”


Phỏng vấn bà mục sư Martine Millet, giám đốc hiệp hội ”Mỗi người kể chuyện” về nghệ thuật kể chuyện Kinh Thánh.

Năm vừa qua (2006) bà mục sư Martine Millet đã cho ra cuốn sách tựa đề ”Nghệ thuật kể chuyện Kinh Thánh” viết chung với hai bà Odile Lafaurie và Marie Helène Luiggi. Bà Mục sư Millet cũng là giám đốc hiệp hội có tên gọi là ”Mỗi người kể chuyện”. Hiệp hội có mục đích khuyến khích mọi tầng lớp Kitô hữu, đặc biệt là trẻ em và người trẻ tham gia các buổi kể chuyện Kinh Thánh, để tái khám phá ra Kinh Thánh, học hỏi và nếm hưởng được sứ điệp của các văn bản Kinh Thánh cũng như ham đọc Kinh Thánh.

Hỏi: Thưa bà mục sư Millet, mục sư đã bắt đầu ”kể chuyện Kinh Thánh” như thế nào?

Đáp: Tôi nhớ đó là vào năm 1987, một nhóm các giáo viên tương lai đã xin tôi giúp họ một số các bí quyết để nói về Kinh Thánh với trẻ em và người trẻ. Và thế là cùng với chị Odile Lafaurie tôi bắt đầu nghiên cứu nghệ thuật kể chuyện Kinh Thánh. Thời đó cũng có hiệp hội kể chuyện có tên gọi là ”Thời Hoàng Kim” hoạt động rất mạnh khiến cho việc kể chuyện lại trở thành một sinh hoạt thời sự, được ưa thích. Thế là hai chị em chúng tôi gia nhập hiệp hội này và song song tìm cách đào đâu sự hiểu biết của chúng tôi về Kinh Thánh để chuẩn bị hành trang cho các sinh hoạt sau này. Mục sư Nei-dhart, ở thành phố Bâle là người đã thành lập một nhóm các ”Mục sư kể chuyện Kinh Thánh” đã giúp chị em chúng tôi một tay. Tôi đã sáng chế ra kỹ thuật riêng của tôi. Đó là thu thập tất cả các dụng cụ hữu ích có thể tìm thấy như kết qủa của các nghiên cứu kinh thánh, như nhiều nhóm học hỏi kinh thánh thường làm, cho tới các kỹ thuật do các chuyên viên kể chuyện sáng chế ra.

Hỏi: Nhưng mà thưa mục sư, Kinh Thánh lại không phải là một câu chuyện hay sao?

Đáp: Một số sách trong Kinh Thánh, chẳng hạn như sách Giôna là các câu chuyện. Nhưng kiểu nói này có thể gây hiểu lầm, nếu nó làm cho người ta tin rằng Kinh Thánh là một cuốn sách thu thập các chuyện do trí tưởng tượng của con người bịa đặt ra. Vì thế theo kiểu diễn tả của hiệp hội chúng tôi thì phải nói rằng Kinh Thánh không phải là một câu chuyện, nhưng ”Kinh Thánh tự kể”. Và khi kể Kinh Thánh, thì kiểu kể chuyện hoạt động như là một câu chuyện với tất cả sức hấp dẫn thần tình của nó.

Hỏi: Thế các thính giả đã từ đâu tới thưa mục sư?

Đáp: Chúng tôi đã có thể mau chóng đề nghị với các trẻ em tuổi từ 5 đến 7 tới dự các buổi kể chuyện Kinh Thánh tại trung tâm Tám, là trung tâm do tôi phụ trách trong tỉnh Versailles.

Mục đích tôi nhắm tới đó là tạo ra một khoảng đất để sau đó có thể dậy giáo lý. Vì một trong các vấn đề của các giáo lý viên ngày nay là phải bắt đầu cho trẻ em các tin tức nền tảng liên quan tới lịch sử cứu độ và các gương mặt lớn, các nhân vật quan trọng trong Kinh Thánh, nhưng lại gây thiệt thòi cho việc cung cấp sự hiểu biết giáo lý cho chúng.

Nhưng mà rất mau sau đó cũng có những người lớn họp thành nhóm chung quanh các trẻ em nói trên. Họ soạn các câu chuyện kinh thánh. Và chúng tôi đã gặt hái các thành công tức khắc. Sau đó chúng tôi đã tổ chức các khóa học chuyên biệt, các buổi canh thức kinh thánh quy tụ từ 20 tới 40 người công giáo và tin lành.

Hỏi: Để tổ chức như thế có cần phải có các cơ cấu đặc biệt nào không thưa mục sư?

Đáp: Trước hết trong các năm 1990-1994 chúng tôi đã phát động các nhóm tại các tỉnh lẻ. Rồi năm 1997 chúng tôi đã thành lập một hiệp hội có tên gọi là ”Mỗi người kể chuyện. Kinh Thánh không phải là một câu chuyện nhưng Kinh Thánh tự kể”. Hiện nay hiệp hội có 200 thành viên, gồm 23 nhóm địa phương trong các vùng Âu châu nói tiếng Pháp.

Hỏi: Mỗi nhóm sinh hoạt ra sao?

Đáp: Mỗi nhóm bắt đầu bằng việc chuẩn bị. Với sự trợ giúp của các nguyệt san Kinh thánh như Biblia, với các bảng tóm tắt của tổ chức Kinh Thánh cũng như các Tập Phúc Âm và nhiều sách nhỏ ngắn gọn. Trong vòng hai giờ mọi thành viên của nhóm làm việc chung theo phương pháp tương tác trên nhau trong việc tìm hiểu văn bản Kinh Thánh. Công việc chuẩn bị này gồm nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng giai đoạn quan trọng nhất là đọc và hiểu văn bản nhờ các dụng cụ thường được dùng trong việc phân tích văn bản, trên bình diện chú giải theo phương pháp phê bình lịch sử, cũng như theo phương pháp tường thuật. Nó có nghĩa là phải tìm hiểu bối cảnh và môi trường làm nảy sinh ra văn bản: bối cảnh địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa tôn giáo, vị trí của văn bản trong toàn nhóm văn bản hay các chương của sách hay nhóm sách, thể văn, các nhân vật, các hành động, tình trạng ban đầu và kết thúc của trình thuật, cấu trúc của trình thuật vv.... Điều quan trong giai đoạn này đó là không được tránh né các khó khăn của trình thuật.

Hỏi: Trong khi tìm hiểu các văn bản kinh thánh như thế, các tham dự viên có gặp các khó khăn hay không?

Đáp: Có chứ. Chúng ta tất cả đều biết là đa số các văn bản kinh thánh đều có cái huyền nhiệm của chúng. Nhưng chính sự tối tăm khó hiểu ấy ban cho văn bản chiều sâu tinh thần của nó. Chẳng hạn tại sao Giavê Thiên Chúa lại thử thách Igiaác? Tại sao Người lại khiến cho con tim của Pharaong Ai Cập ra chai đá? Tại sao ngôn sứ Elia lại sát hại 450 ngôn sứ của thần Baal? Tại sao đứa con vua Đavít có với bà Bethsabea, hoa trái của tội ngoại tình lại phải chết? Còn vô số các câu hỏi tại sao khác nữa liên quan tới Kinh Thánh.

Một trong các vấn đề mà những người kể chuyện Kinh Thánh hiện nay gặp phải đó là họ cảm thấy thích thú trong việc kể chuyện đến quên đi chặng ”chuẩn bị vất vả” phải trải qua để có được các yếu tố cần thiết. Họ tránh các khó khăn và hậu qủa là đi tới một văn bản phẳng lặng, không khó khăn, không vấn nạn, không chiều sâu tìm hiểu hiện sinh. Văn bản trở thành đường rầy song song một bên là người tốt đứng về phía Chúa Giêsu, bên kia là người xấu. Nhưng mà khi làm như thế là người ta đi tới một loại công lý rẻ tiền, một tình yêu thương rẻ tiền. Trong nhiều trường hợp khác, sự lãng quên đó có lợi cho người đến kể chuyện, nghĩa là họ kể lại kinh nghiệm sống tinh thần hay luân lý của chính họ. Nhưng như thế là họ tự kể chuyện về chính mình thay vì kể chuyện Kinh Thánh.

Hỏi: Thưa bà, như thế người kể chuyện sẽ không thêm vào những gì mình nói các tin tức thần học, lịch sử, hay các vấn nạn mà câu chuyện đặt ra. Vậy làm thế nào để cho câu chuyện là một câu chuyện, mà không bị chi phối bởi các yếu tố khác?

Đáp: Không có gì ngăn cản người kể chuyện khi kể, đưa vào một nhân vật phụ tưởng tượng như: một cô em gái hay cậu em trai đặt các câu hỏi khúc mắc, để thay thế cho thính giả. Như vậy cử tọa cũng bị lôi cuốn bước vào trong các vấn nạn của văn bản kinh thánh, suy tư và đưa ra các câu hỏi, vì đó là điều được phép. Dĩ nhiên là không được tạo ra các biến cố mới hay các can thiệp của Thiên Chúa.

Hỏi: Làm thế nào để chuẩn bị cho việc kể chuyện thưa mục sư?

Đáp: Đây là giai đoạn thứ hai sau giai đoạn học hỏi nghiên cứu văn bản. Giờ đây văn bản được phân chia thành nhiều cảnh khác nhau, với các đề tựa như thể là một cuốn phim hay một vở kịch. Dĩ nhiên là không phải học thuộc lòng, nhưng là biết rõ văn bản, các căng thẳng, các giai đoạn chính của câu chuyện phải kể. Sau đó nếu muốn người kể chuyện có thể lựa chọn bắt đầu phần nào của câu chuyện trước, có thể là chính giữa câu chuyện, và tự do di chuyển, mà không viết xuống. Vì viết xuống là đóng khung câu chuyện trong khi kể thì luôn luôn có yếu tố mới và linh động. Và cùng một câu chuyện đó, nhưng người ta không bao giờ kể lại cùng một kiểu.

Hỏi: Ai là những người yêu cầu hiệp hội ”Mỗi người kể chuyện” đến giúp họ?

Đáp: Đa số là các nhà thương, các trường học, các nhà tù, nhà hưu dưỡng, các giáo xứ mừng lễ. Chúng tôi cũng đến giúp các nhóm học giáo lý, nhưng mong rằng câu chuyện không thay thế bài giáo lý. Vì giáo lý là cái gì hơn nữa, là một món qùa. Chúng tôi thích tham dự các đại hội kể chuyện, tới giúp các nhà dành cho người trẻ, các thư viện vv....

Hỏi: Thưa bà mục sư Millet, câu chuyện đã tạo ra những hiệu qủa nào nơi người nghe?

Đáp: Đối với người trẻ, kể chuyện kinh thánh là một trong những sinh hoạt đem lại rất nhiều kết qủa tốt. Vì nó góp phần tạo ra các gốc rễ văn hóa và tôn giáo rất tích cực. Nó tạo thành đất mầu mỡ cho tương quan của người trẻ với thế giới. Câu chuyện giúp họ trở về với Kinh Thánh nghĩa là trở về với kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa của Do thái giáo và của Kitô giáo. Và ai trong chúng ta cũng biết sự gặp gỡ đó quan trọng chừng nào trong cuộc sống con người!

(Biblia n. 58 Avril 2007, trang 46-47)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.