2007-03-14 15:45:46

Sống lòng tin là hiệp nhất với Thiên Chúa với các chủ chăn và với nhau


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 14-3-2007.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã trình bầy gương mặt của thánh Ignazio tử đạo. Thánh nhân là vị Giám Mục thứ ba của thành Antiochia từ năm 70 đến 107. Sau Roma và Alessandria, Antiochia thuộc Siria ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ, là thành phố lớn thứ ba của đế quốc Roma. Tại đó đã có một cộng đoàn Kitô triển nở sinh động với vị Giám Mục đầu tiên là Tông Đồ Phêrô và ở đó ”lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu” (Cv 11,26). Sử gia Eusebio thành Cesarea đã dành ra cả một chương trong cuốn Lịch Sử Giáo Hội để nói về cuộc đời và bút tích của thánh nhân (3,36). Vì làm chứng cho Chúa Kitô thánh nhân đã bị bắt và từ Siria thánh nhân được gửi về Roma để bị ném cho thú dữ ăn thịt. Trong hành trinh đi ngang qua Tiểu Á người bị canh gác rất nghiêm ngặt. Khi dừng chân tại các thành phố khác nhau thánh nhân giảng dậy, cảnh cáo và củng cố các giáo đoàn, đặc biệt người hăng say khích lệ các tín hữu gắn bó với truyền thống tông đồ, đề phòng các lạc thuyết bắt đầu sinh sôi nẩy nở. Chặng dừng chân đầu tiên là thành phố Smirne có thánh Policarpo là Giám Mục. Nơi đây thánh Ignazio viết 4 bức thư cho các giáo đoàn Ephesô, Magnesia, Tralli và Roma. Rời Smirne thánh nhân đến Troade và gửi các thư khác: 2 thư cho Giáo đoàn Philadelphia và Smirne và một thư cho Giám Mục Policarpo. Bẩy bức thư được sử gia Eusebio kể ra được các học giả ngày nay công nhận là do chính thánh Ignazio viết. Sau cùng từ Troade thánh nhân đến Roma và bị ném cho thú dữ ăn thịt trong hí trường Flavio, tức hí trường Colosseo.

Đề cập tới tư tưởng và nội dung thần học các thư của thánh Ignazio Đức Thánh Cha nói:

Đã không có Giáo Phụ nào của Giáo Hội lại đã diễn tả ước muốn kết hiệp với Chúa Kitô và với cuộc sống trong Chúa một cách mạnh mẽ như thánh Ignazio. Thật thế, nơi thánh Ignazio quy tụ hai trào lưu tinh thần: trào lưu của thánh Phaolô hoàn toàn hướng tới chỗ kết hiệp với Chúa Kitô và trào lưu của thánh Gioan tập trung nơi sự sống trong Chúa Kitô. Thế rồi hai trào lưu đó chảy vào việc noi gương Chúa Kitô, mà thánh Ignazio nhiều lần gọi là ”Thiên Chúa của tôi và của anh chị em”. Vì vậy thánh nhân nài xin Kitô hữu Roma đừng ngăn cản cuộc tử đạo của người, vì thánh nhân nóng lòng muốn hiệp nhất với Chúa Giêsu Kitô. Người giải thích rằng: ”Thật là đẹp cho tôi được chết để tiến về với Chúa Giêsu Kitô, hơn là cai trị cho tới tận cùng trái đất này. Tôi tìm Người là Đấng đã chết vì tôi, tôi muốn Người là Đấng đã sống lại cho chúng ta... Anh chị em hãy để cho tôi bắt chước Cuộc Khổ Nạn của Thiên Chúa tôi!” (Roma 5-6). Có thể nhận ra trong các kiểu diễn tả nồng cháy tình yêu này đặc thái thực tế của nền Kitô học Antiochia, chú ý tới biến cố nhập thể của Con Thiên Chúa và nhân tính đích thật và cụ thể của Người hơn bao giờ hết. Thánh nhận viết cho tín hữu Smirne như sau: Đức Giêsu Kitô ”thực sự thuộc dòng dõi vua Đavít”, ”đã thực sự sinh ra từ một trinh nữ”, ”đã thực sự bị đóng đinh cho chúng ta” (1,1).

Sự kiện thánh Ignazio hướng tới chỗ kết hiệp với Chúa Kitô một cách không thể chống trả lại được, xây dựng sự thần bí của sự hiệp nhất. Chính thánh nhân định nghĩa mình như là ”một người được giao phó cho nhiệm vụ hiệp nhất” (Filadelfiesi 8,1). Đối với thánh Ignazio sự hiệp nhất trước hết là ưu tính của Thiên Chúa. Người thường lập đi lập lại rằng Thiên Chúa là sự hiệp nhất và chỉ nơi Thiên Chúa nó mới ở trong tình trạng tinh tuyền nguyên thủy. Sự hiệp nhất mà các tín hữu Kitô cần thực hiện trên trái đất này chỉ là một việc bắt chước, phù hợp chừng nào có thể với kiễu mẫu sự hiệp nhất của Thiên Chúa. Qua đó thánh Ignazio đưa ra một quan niệm về Giáo Hội, như được diễn tả qua một số kiểu nói trong thư thánh Giáo Hoàng Clemente gửi cho tín hữu Corinto. Chẳng hạn thánh Ignazio viết cho tín hữu Ephexô: ”Thật là tốt đẹp cho anh chị em, khi anh chị em đồng tư tưởng với giám mục, đây là điều anh chị em đã làm rồi. Thật thế, hội đồng các kỳ mục của anh chị em, nổi tiếng và xứng đáng với Thiên Chúa, hiệp nhất hài hòa với giám mục như là các dây đàn huyền cầm. Vì thế trong sự hòa hợp và trong tình yêu thương đồng điệu của anh chị em, Chúa Giêsu Kitô được ca ngợi. Và từng người trong anh chị em trở thành ca đoàn để trong hòa âm của sự hòa hợp, sau khi đã lấy giọng của Thiên Chúa trong sự hiệp nhất, anh chị em hát cùng một giọng với nhau” (4,1-2).

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói thánh Ignazio dặn dò tín hữu Smirne ”đừng làm gì liên quan tới Giáo Hội mà không có Giám Mục” (8,1). Người tâm sự với Giám Mục Policarpo: ”Tôi dâng hiến sự sống tôi cho những người vâng phục giám mục, các linh mục và các phó tế. Ước chi tôi cùng họ được dự phần với Thiên Chúa. Anh chị em hãy cùng làm việc với nhau, cùng chúc tụng, cùng chạy, cùng đau khổ, hãy thức hãy ngủ như là những quản gia của Thiên Chúa, những người giúp việc và tôi tớ của Chúa. Hãy tìm làm đẹp lòng Đấng anh chị em noi gương và nhận phần thưởng từ nơi Người. Đừng có ai đào ngũ. Ước chi bí tích rửa tội của anh chị em như thuẫn đỡ, lòng tin như mũ chiến, lòng mến như lao nhọn, lòng cậy như áo giáp” (6,1-2)

Tóm tắt các tư tưởng chính của thánh Ignazio Đức Thánh Cha nói:

Nói chung, có thể nhận ra trong các thư của thánh Ignazio một loại biện chứng liên lỉ và phong phú giữa hai khía cạnh đặc thù của cuộc sống Kitô: một đàng là cấu trúc phẩm trật của cộng đoàn giáo hội, đàng khác là sự hiệp nhất nền tảng gắn liền tất cả các người tin nơi Chúa Kitô. Kết qủa là các vai trò không đối nghịch nhau. Trái lại, việc nhấn mạnh trên sự hiệp thông giữa các tín hữu với nhau và với các chủ chăn được liên tục lập lại qua các hình ảnh hùng hồn và các tương đồng như: huyền cầm, dây, lấy giọng, hòa âm. Hiển nhiên là trách nhiệm của các giám mục, linh mục và phó tế trong việc xây dựng cộng đoàn. Trước hết là lời mời gọi sống yêu thương và hiệp nhất. Thánh nhân viết cho tín hữu giáo đoàn Magnesia như sau: ”Anh chị em hãy là một sự duy nhất, một lời khẩn nài duy nhất, một trí khôn duy nhất, một niềm hy vọng duy nhất ... Tất cả hãy chạy đến với Chúa Giêsu Kitô như tới đền thờ duy nhất của Thiên Chúa, như tới bàn thờ duy nhất: Người là một và phát xuất bởi Thiên Chúa Cha duy nhất, kết hiệp với Người và trở về với Người trong sự hiệp nhất” (7,1-2).

Trong nền văn chương Kitô thánh Ignazio cũng là người đầu tiên gán cho Giáo hội tính từ ”catholica” có nghĩa là đại đồng. Thánh nhân khẳng định rằng: ”Chúa Giêsu Kitô ở đâu thì Giáo Hội công giáo ở đó” (Smirnesi 8,2). Chính trong việc phục vụ sự hiệp nhất Giáo Hội công giáo, cộng đoàn Kitô Roma thi hành một loại địa vị ưu đẳng trong tình yêu thương: “Tại Roma Giáo Hội chủ tọa xứng đáng với Thiên Chúa, đáng kính, xứng đáng được gọi là có phúc... Chủ tọa tình bác ái, có luật lệ của Chúa Kitô, và mang danh Thiên Chúa Cha” (Romani, Dẫn nhập).

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ: ”Như thấy đó, thánh Ignazio thật là ”tiến sĩ của sự hiệp nhất”: sự hiệp nhất của Thiên Chúa và sự hiệp nhất của Chúa Kitô, chống lại các lạc thuyết bắt đầu lưu hành, sự hiệp nhất của Giáo Hội, sự hiệp nhất của các tín hữu ”trong lòng tin và trong tình bác ái, và không có gì tuyệt diệu hơn các thứ đó” (Smirnesi 6,1). Cuối cùng sự thực tiễn của thánh Ignazio mời gọi tín hữu hôm qua và ngày nay sống một sự tổng hợp giữa việc đồng hình dạng với Chúa Kitô - kết hiệp với Người, sống trong Người - và tận tụy với Giáo Hội Người - hiệp nhất với giám mục, quảng đại phục vụ cộng đoàn và thế giới. Tóm lại, cần tiến đến một tổng hợp giữa sự hiệp thông và truyền giáo, làm sao để khía cạnh này nói đến kía cạnh kia, và tín hữu ”ngày càng chiếm hữu được tinh thần không phân rẽ, là chính Chúa Giêsu Kitô” (Magnesi 15). Tôi khẩn nài Chúa ban cho ”ơn hiệp nhất” này và trong xác tín chủ tọa tình bác ái của toàn thể Giáo Hội, tôi xin chào anh chị em với lời thánh Ignazio kết thúc thư gửi tín hữu Tralli: ”Hãy yêu mến nhau với con tim không phân rẽ. Tôi hiến dâng cho anh chị em tâm trí tôi làm hy lễ, không chỉ bây giờ mà cả khi tôi sẽ về với Chúa nữa... Ước chi trong Chúa Kitô anh chị em không tì tích” (13).

Sáng thứ tư 14-3-2007 đã có hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung với Đức Thánh Cha tại quảng trường Thánh Phêrô. Đa số các tín hữu đến từ nhiều giáo phận Italia. Bên cạnh các đoàn hành hương Tây Âu và Bắc Mỹ có các nhóm hành hương Đông Âu như Ba Lan, Hungari, Croat, Cộng Hòa Tchèques, Sloveni và Slovac. Từ châu Mỹ Latinh có các đoàn hành hương Mehicô và Brasil. Sau khi chào nhiều nhóm khác nhau và chúc tất cả những ngày hành hương sốt sắng bổ ích, Đức Thánh Cha cất kinh lậy cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.