2007-03-07 16:01:51

Giáo Hội là cấu trúc bí tích chứ không phải là cơ cấu chính trị


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến tín hữu và du khách hành hương sáng thứ tư 7-3-2007.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của thánh Clemente, Giáo Phụ, Giám Mục Roma sống vào cuối thế kỷ thứ I và là vị Giáo Hoàng thứ 3 sau thánh Phêrô. Đại ý Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến. Hôm nay chúng ta chú ý đến thánh Clemente, là một Giáo Phụ, Giám Mục Roma vào cuối thế kỷ thứ I và là Người Kế vị thứ ba của Thánh Phêrô, sau thánh Lino và Anacleto. Thánh Ireneo, Giám Mục Lyon cho tới năm 202, đã chứng thực rằng thánh Clemente ”đã trông thấy các Tông Đồ”, ”đã gặp các vị”, tai còn nghe lời giảng dậy của các vị và còn trông thấy trước mắt các truyền thống của các vị”. Các chứng từ sau này giữa các thế kỷ thứ IV và thứ VI còn gán cho thánh Clemente tước hiệu tử đạo nữa.

Quyền bính và uy tín của vị Giám Mục Roma này lớn đến độ đã có nhiều bút tích được gán cho người, nhưng tác phẩm chắc chắn duy nhất là thư gửi tín hữu Corinto, theo chứng từ của sử gia Eusebio thành Cesarea, và bức thư đó vẫn được đọc cho các tín hữu nghe trong các buổi hội họp (Hist. Eccl. 3,16). Đầu thư thánh Clemente than phiền rằng đã có nhiều điều ”trở ngại” ngăn cản người can thiệp vào tình hình Corinto, chắc hẳn đó là cuộc bách hại của hoàng đế Domiziano, vì thế thư đã được viết sau cái chết của hoàng đế xảy ra vào năm 96.

Trong thư viết cho tín hữu Corinto thánh Clemente bầy tỏ sự lo lắng của người đối với các vấn đề trầm trọng của Giáo Hội Corinto: các linh mục của cộng đoàn bị một số người phản đối lật đổ. Thánh Ireneo cho biết trong thư thánh Clemente mời gọi các Kitô hữu hòa giải với nhau trong an bình, tự canh tân trong lòng tin và loan báo truyền thống đã nhận được từ các Tông Đồ. Có thể nói rằng bức thư này diễn tả việc thi hành quyền tối cao của Giáo Hội Roma sau khi thánh Phêrô qua đời.

Tiếp tục bài buấn dụ Đức Thánh Cha nói thư của thánh Clemente lập lại các đề tài giáo huấn thánh Phaolo vốn ưa thích, đặc biệt là biện chứng thần học giữa thực tại của ơn cứu độ và bổn phận dấn thân luân lý. Trước hết là lời loan báo tươi vui của ơn cứu độ. Chúa luôn đi bước trước, ban cho chúng ta ơn tha thứ, tình yêu và ơn thánh được làm Kitô hữu và là anh chị em của Người. Vì thế phải quảng đại can đảm dấn thân đáp trả lại lời loan báo cứu độ đó bằng việc hoán cải.

Lý do các lạm dụng đã xảy ra tại Corinto đó là sự suy yếu trong việc sống tình bác ái và các nhân đức Kitô cần thiết khác. Vì thế thánh Clemente mời gọi tín hữu sống đức khiêm nhường và tình yêu thương huynh đệ, là hai nhân đức giúp xây dựng Giáo Hội. Qua việc quy chiếu về phụng vụ của Israel xưa kia và qua việc giải thích rõ ràng giáo lý liên quan tới việc kế vị các Tông Đồ, thánh Clemente vén mở cho thấy lý tưởng về Giáo Hội, ”được quy tụ bởi Thần Khí ân sủng duy nhất đổ trên chúng ta”. Giáo Hội không phải là một nơi của sự hỗn độn và vô tôn ti trật tự, nơi mỗi người muốn làm gì thì làm, nhưng là nơi mà mỗi người thi hành chức thừa tác của mình theo ơn gọi đã nhận lãnh: thượng tế có các nhiệm vụ riêng phải chu toàn trong lãnh vực phụng tự, các tư tế có chỗ trong phẩm trật riêng, các thầy lêvi có các phận vụ của mình và giáo dân thuộc trật tự giáo dân. Đây là lần đầu tiên chúng ta thấy xuất hiện từ ”laikos” có nghĩa là ”thành phần của laos”, tức của ”dân Thiên Chúa”. Rồi Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa sự phân biệt đó như sau:

Sự phận biệt rõ ràng giữa “giáo dân” và phẩm trật không hề có nghĩa đối chọi nhau, mà chỉ diễn tả sự gắn bó cơ phận của một thân mình với các nhiệm vụ khác nhau. Thật vậy Giáo Hội không phải là một nơi hỗn độn trong đó mỗi người muốn làm gì lúc nào thì làm, nhưng là cơ quan có cấu trúc, nơi mà mỗi một người thi hành chức thừa tác của mình theo ơn gọi đã nhận lãnh. Liên quan tới các thủ lãnh các cộng đoàn thánh Clemente đã trình bầy rõ ràng giáo lý về sự kế vị các Tông Đồ. Khi phân tích cho cùng các luật lệ hướng dẫn bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Thiên Chúa Cha đã sai phái Đức Giêsu Kitô, tới lượt mình Đức Giêsu Kitô đã sai phái các Tông Đồ. Rồi các Tông Đồ đã sai phái các thủ lãnh đầu tiên của các cộng đoàn và đã thiết định các người xứng đáng khác kế vị. Như thế mọi sự đều tiến hành một cách có ”trật tự theo ý muốn của Thiên Chúa” (42). Với các lời này và với các câu này thánh Clemente nhấn mạnh rằng Giáo Hội có cấu trúc bí tích chứ không phải là một cơ cấu chính trị. Hành động của Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta trong Phụng Vụ đi trước các quyết định và tư tưởng của chúng ta. Giáo Hội trước hết và trên hết là ơn của Thiên Chúa, chứ không phải là sáng chế của chúng ta, vì thế cơ cấu bí tích đó không chỉ bảo đảm cho trật tự chung mà cũng bảo đảm cho ưu tiên của ơn thánh Chúa, mà chúng ta tất cả đều cần đến.

Sau cùng thánh Clemente dâng lên Thiên Chúa lời cầu chúc tụng cảm tạ tình yêu quan phòng kỳ diệu của Người đã tạo dựng thế giới và lại tiếp tục cứu rỗi và thánh hóa thế giới. Đặc biệt nhất là lời cầu nguyện cho các vị lãnh đạo. Sau các văn bản kinh thánh Tân Ước, nó là lời cầu nguyện cổ xưa nhất cho các cơ cấu chính trị. Như thế sau khi cuộc bách hại chấm dứt, dù biết rằng sẽ có các cuộc bách hại khác, các Kitô hữu vẫn cầu nguyện cho những người đã kết án họ một cách bất công. Họ theo gương Chúa Kitô trên thập giá cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ mình. Nhưng lời cầu này cũng chứa đựng giáo huấn liên quan tới thái độ của tín hữu Kitô đối với chính trị và Nhà Nước. Khi cầu nguyện cho các giới chức chính quyền thánh Clemente thừa nhận tính chất hợp pháp của các cơ cấu chính trị trong trật tự do Thiên Chúa thiết định, nhưng đồng thời người cũng bầy tỏ ưu tư chính quyền phải ngoan ngoãn vâng theo Thiên Chúa và ”thi hành quyền bính Chúa ban cho trong an bình, nhân từ và đạo hạnh” (61,2).

Kết luận bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Như thế thư của thánh Clemente đương đầu với nhiều đề tài luôn mãi thời sự. Nó càng ý nghĩa hơn nữa vì ngay từ thế kỷ thứ I nó diễn tả sự lo lắng của Giáo Hội Roma chủ trì tất cả các Giáo Hội khác trong tình bác ái. Với cùng Thần Khí chúng ta cũng hãy lập lại lời thánh Clemente khẩn cầu cho toàn thế giới: ”Vâng, lậy Chúa xin dãi ánh sáng tôn nhan Chúa trên chúng con trong hạnh phúc bình an; xin che chở chúng con với bàn tay quyền năng Chúa. Chúng con cảm tạ Chúa qua Vị Thượng Tế và là Vị hướng dẫn linh hồn chúng con là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người vinh danh chúc tụng và ngợi khen Chúa hiện nay, và qua muốn thế hệ đền muốn thủơ muôn đời. Amen”.

Sáng thứ tư 7-3-2007 đã có hơn 16.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung với Đức Thánh Cha. Buổi tiếp kiến đã diễn ra tại hai nơi: trước hết trong Đền Thờ Thánh Phêrô dành cho hơn 8.000 người trong đó có 4.000 tín hữu thuộc các giáo phận vùng Piemonte bắc Italia, tháp tùng các Giám Mục về Roma viếng mộ hai Thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh; tiếp đến trong đại thính đường Phaolô VI cho mọi phái đoàn còn lại đến từ 15 nước Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Âu. Từ Á châu có đoàn hành hương Nhật Bản, trong khi từ Châu Mỹ Latinh có đoàn hành hương Mêhico.

Sau khi chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.