2007-02-12 11:56:17

TƯƠNG QUAN ĐỨC TIN GIỮA CHA MẸ VÀ CON CÁI


Bà Marta Brancatisano là bà mẹ gia đình có 7 người con. Bà tốt nghiệp luật tại đại học Sapienza ở thủ đô Roma vào năm 1968. Nhưng rồi bà xếp bằng cắp vào tủ khi lập gia đình, để dành trọn thời giờ lo cho chồng con. Trong 14 năm bà lần lượt cho ra chào đời 7 đứa con. Cùng thời gian này bà chú ý đến nền sư phạm và việc hỗ trợ giới phụ nữ trong khung cảnh nghề nghiệp và gia đình.

Năm 1992, bà trở lại môi trường đại học với tư cách nữ trợ tá. Hai năm sau, bà dấn thân trong lãnh vực ”Định Hướng gia đình”. Bà lần lượt xuất bản các tác phẩm liên quan đến hôn nhân, gia đình và giáo dục con cái.

Hiện tại bà là giáo sư được mời dạy tại Đại Học Giáo Hoàng Thánh Giá ở thủ đô Roma với khóa học về đề tài ”Tình Yêu, Gia Đình, Giáo Dục”. Sau đây là chứng từ của bà về việc cha mẹ tiếp tục giáo dục Đức Tin cho con cái, dầu khi con cái đã trưởng thành.

Bậc cha mẹ nào được Đức Tin soi sáng hướng dẫn đều tiếp tục yêu thương con cái một cách vô-điều-kiện cho dù con cái đã trưởng thành, lập gia đình và ra ở riêng. Có đứa con khi khôn lớn lại chọn lối sống khác xa lối sống cha mẹ dày công giáo dục. Rồi cũng có đứa con bỏ rơi Đức Tin khiến bậc cha mẹ Công Giáo thật đau lòng.

Quan hệ giữa cha mẹ với con cái trưởng thành thường chuyển sang một hình thức khác. Lúc con còn nhỏ, cha mẹ dạy-dỗ, uốn-nắn, sửa-sai và hướng-dẫn. Khi con trưởng thành cha mẹ vẫn tiếp tục theo dõi con cái trong tình yêu thương nhưng cha mẹ tôn trọng tự do của con cái. THIÊN CHÚA tôn trọng tự do con người thế nào cha mẹ cũng tôn trọng tự do con cái trưởng thành như thế.

Tuy nhiên, tôn trọng tự do không có nghĩa bỏ mặc con cái muốn làm gì thì làm. Không phải thế. Khi cần, cha mẹ vẫn tìm cách trao đổi đối thoại với con cái đã trưởng thành.

Cũng có trường hợp, im lặng chính là vàng. Cha mẹ hiện diện tham dự các sinh hoạt của con cái, nhưng tránh việc can thiệp trực tiếp hoặc quá đáng vào cuộc đời con cái. Đôi khi sự hiện diện trong thinh lặng được con cái trưởng thành đánh giá thật cao vì chúng cảm thấy cha mẹ kính trọng nhân phẩm mình. Các bậc cha mẹ khôn ngoan và cởi mở thường biết tiếp nhận cả những bài học đến từ phía con cái nữa.

Ngày xưa ở vào thế hệ chúng tôi - trước thập niên 1960 - chúng tôi sống Đức Tin trong việc chiêm ngắm chân lý. Chúng tôi dễ dàng tiếp nhận Đức Tin không thắc mắc bàn cãi.

Nhưng giới trẻ ngày nay không muốn tiếp nhận Đức Tin cách máy móc. Chúng muốn tìm hiểu sâu xa hơn. Chính lúc này, bậc cha mẹ nên ghi nhớ nét đặc thù của Đức Tin Công Giáo: Đức Tin là mối quan hệ tình yêu thực tiễn và cá nhân. Tín hữu Công Giáo có mối quan hệ sống động trực-tiếp và riêng-tư với Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng đã mặc lấy xác phàm vì yêu thương nhân loại.

Trước khi nói về Đức Tin và thông truyền Đức Tin cho con cái, cha mẹ phải yêu thương và thông truyền tình yêu cho con cái. Việc thông truyền Đức Tin đặt trên nền tảng tình yêu sẽ dễ dàng được tiếp nhận và mang nhiều hoa quả.

Trong mọi lứa tuổi của con cái, gương lành của Cha Mẹ là phương thế tuyệt hảo nhất để giáo dục con cái.

Nếu bậc Cha Mẹ Cao Niên - trở thành Ông Bà Nội Ngoại - tiếp tục đậm đà yêu nhau thì chính cuộc sống yêu thương sẽ thông truyền cho con cái cháu chắt niềm bình-an và hạnh-phúc. Chứng tá yêu thương là hình ảnh thực tiễn nhất minh chứng mối tình trung tín suốt đời. Đây là gương lành tuyệt đẹp cha mẹ ông bà nói với con cháu:

- Tình yêu kéo dài mãi mãi. Chính trên tình yêu vô điều kiện và không giới hạn mà Đức Tin Công Giáo được xây dựng và được thông truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia.
 
... ”Vậy như anh ch em đã nhận Đức GIÊSU KITÔ làm Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hiệp với Người. Anh chị em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Chúa GIÊSU KITÔ, hãy dựa vào Đức Tin mà anh chị em đã được thụ huấn, và để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ. Hãy coi chừng chớ để ai gài bẫy anh chị em bằng mồi triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ chứ không theo Đức Chúa GIÊSU KITÔ” (Cô-lô-xê 2,6-8).

(”NOI Genitori e Figli”, 25 Giugno 2006, n.98, Anno X, trang 21-23).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.