2007-02-10 17:08:56

CON ĐƯỜNG ƠN GỌI LINH MỤC KHÁC THƯỜNG CỦA CHA ALFIO GIBILISCO


Năm 1992, Alfio Gibilisco là một sinh viên 22 tuổi đầy sức sống và yêu đời, vốn sinh trưởng tại Siracusa trên đảo Sicilia, Italia. Như mọi thanh niên đồng lứa khác, Alfio miệt mài học hành về ngành âm nhạc và bảo trì Văn Hóa tại đại học Reggio Calabria. Anh có bao nhiêu bạn bè vì tính tình rất phóng khoáng. Như mọi người con hạnh phúc, Alfio rất yêu thương gia đình, nhất là kính mến người cha nghiêm nghị và có một người bạn gái thân thương đến độ muốn tính chuyện mai sau.

Nhưng tiếc thay, niềm hạnh phúc trong nội tâm của người trai trẻ này đã tan nát vào buổi tối nọ, khi chương trình truyền hình phát đi bản tin ban chiều. Xướng ngôn viên của đài nói về một vụ phục kích sát hại của bọn bất lương mafia tại thị trấn Carlentini và trong vụ đụng độ ấy, một người trong nhóm bất lương đã bị hạ sát. Người đó chính là ông Vincenzo, cha của Alfio. Tin sét đánh ấy đã làm người thanh niên sững sờ, không thể nào tin nổi là người cha kính yêu của mình là một kẻ tội phạm bất lương, đồng lõa với mafia tung hoàng tại miền Nam Italia. Nhưng sự thật bao giờ cũng là sự thật, và Alfio bắt đầu đi vào chỗ xuống tinh thần. Lâu đài hạnh phúc vây phủ chung quanh chàng trai yêu đời này bỗng chốc sụp đổ tan thành cát bụi, để lại trong Alfio một niềm xót xa đau đớn hơn là cái chết tinh thần. Bạn bè thân quen trở thành người xa lạ, người yêu cũng không đủ khả năng an ủi chàng trong lúc này. Cơn bệnh xuống tinh thần càng ngày càng đẩy Alfio xuống hố sâu tuyệt vọng, tự cô lập với khoảng trống vắng kinh khủng trong tâm hồn. Cho đến một ngày kia, bước chân Alfio chợt ngập ngừng dừng lại trước ngôi nhà thờ giáo xứ.

Cũng như hàng triệu người trẻ Italia khác, Alfio vốn là tín hữu Công Giáo, nhưng chỉ giữ đạo kiểu lửng lơ, nghĩa là được chịu đủ mọi bí tích khai tâm với tiệc tùng long trọng, nhưng rồi chỉ thỉnh thoảng lui tới nhà thờ khi có dịp mà thôi chứ ít khi nào nghĩ đến chuyện đọc kinh cầu nguyện. Ngày hôm ấy, chẳng hiểu tại sao chàng lại dừng chân trước ngôi nhà thờ giáo xứ.

Không ai biết điều gì đã xảy ra ngày hôm ấy, nhưng chỉ biết là từ đó, Alfio Gibilisco bắt đầu lui tới giáo xứ thường xuyên hơn, sẵn sàng cộng tác vào hoạt động phục vụ của giáo xứ và càng ngày càng ngoi lên khỏi cơn bệnh xuống tinh thần kéo dài suốt hai năm kể từ ngày khám phá ra sự thật về cuộc sống bất lương của người cha yêu quí. Càng đến gần với giáo xứ, Alfio lại càng khám phá ra sự thanh thản của tâm hồn. Khi gần gũi thăm viếng hay ủi an những người nghèo khổ bệnh hoạn hay thiếu thốn trong xứ, Alfio cảm thấy niềm đau nội tâm của mình cũng giảm thiểu rất nhiều. Chàng cũng theo dõi và học hiểu ý nghĩa đẹp tuyệt vời của thánh lễ, và rồi từ đó, ơn gọi sống đời linh mục tận hiến nảy sinh và lớn mạnh trong đầu óc người thanh niên trẻ tuổi này.

Sau một thời gian dài đắn đo suy xét, Alfio quyết định dứt khoát rời bỏ cuộc đời sinh viên để bước vào chủng viện. Suốt 7 năm trời sau đó, thầy Alfio chăm chỉ đào sâu các môn triết học và thần, hăng say cầu nguyện và nỗ lực phục vụ. Ngày 19-3-1999, Đền thánh Đức Mẹ khóc ở Siracusa, nổi tiếng trên đảo Sicilia, đầy chật tín hữu đến đây để tham dự lễ truyền chức linh mục cho thầy Alfio Gibilisco do tay Đức Cha Giuseppe Costanzo, TGM giáo phận sở tại. Ngoài tân chức Alfio Gibilisco, Đức TGM Costanzo còn truyền chức cho 4 phó tế khác nữa.

Khi được hỏi về con đường ơn gọi của mình, tân LM Alfio nói: ”Tôi được thụ phong linh mục vào ngày 19.03, là ngày dân chúng Italia mừng lễ các người cha, để nói lên sự kiện ơn gọi của tôi của phát xuất từ cái chết tủi nhục của cha tôi, một thành viên nhóm tội phạm mafia bất lương. Sự thật về cuộc sống bí mật của người cha yêu kính đã xô đẩy tôi vào cơn khủng hoảng tinh thần, nhưng rồi chính nhờ đó mà tôi khám phá ra một sự thật khác, sự thật huy hoàng về Thiên Chúa qua Giáo Hội. Và cũng như mọi người khác, khi được hé mở cho thấy sự thật huy hoàng này, tôi chỉ còn mỗi một khát vọng duy nhất là bước đi theo Chúa, sống đời linh mục để phục vụ người anh en đồng loại mà thôi.” (Il Messaggero 22-3-1999)

Mai Anh









All the contents on this site are copyrighted ©.