2007-02-05 15:25:54

Các khó khăn và hy vọng của Giáo Hội Công Giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ


Mùng 5 tháng 2 hôm nay là đúng một năm, kể từ khi Linh Mục Andrea Santoro bị ám sát đang khi cầu nguyện trong nhà thờ giáo xứ Trebzon bên Thổ Nhĩ Kỳ. Cái chết của cha cũng như vụ ám sát nhà báo Hrant Dink gốc Armeni ngày 19 tháng Giêng vừa qua, khiến cho các quan sát viên quốc tế càng xác tín rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang bị các tổ chức hồi giáo cực đoan xâm nhập và ảnh hưởng nặng.

Nhà báo Dink đã tự định nghĩa mình là ”công dân Thổ Nhĩ Kỳ có nguồn gốc Kitô Armeni”, nhưng công khai tranh đấu để nhà nước Thổ phải thú nhận các lỗi lầm và trách nhiệm của mình đối với cuộc diệt chủng Armeni. Vì trong các năm từ 1914 đến 1917 chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã sát hại 1 triệu rưỡi người Armeni.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Luigi Pavese, Giám Quản Tông Tòa Anatolia, về các khó khăn và niềm hy vọng của Giáo Hội Công Giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Hỏi: Thưa Đức Cha, từ nhiều phía người ta ghi nhận sự tương tự giữa vụ ám sát Linh Mục Andrea Santoro ngày mùng 5 tháng 2 năm ngoái và vụ ám sát nhà báo Kitô Hrant Dink ngày 19 tháng Giêng vừa qua. ”Lữ đoàn báo oán Thổ”, một nhóm của ”Lực Lượng Chó Sói Nâu” là phong trào ái quốc quá khích hồi giáo Thổ, đã thú nhận là thủ phạm của cả hai vụ ám sát. Trong một điện thư gửi trên hệ thống Internet nhóm này viết: ”Sau Linh Mục Santoro, chúng ta đã loại trừ một kẻ thù khác nữa của Thổ Nhĩ Kỳ”. Đức Cha nghĩ gì về các sự kiện này?

Đáp: Tôi không muốn thay thế giới thẩm phán, nhưng chắc chắn là có các lý do để âu lo. Sự kiện nhà báo Dink cũng đã bị ám sát trong vùng Trebzon, nơi có các nhóm ái quốc hồi cực đoan hoạt động mạnh, là một sự kiện ý nghĩa chứng minh cho điều này. Cách đây mấy ngày thân nhân của nhà báo Dink có nói với tôi rằng: nếu người ta đã làm sáng tỏ vụ ám sát Linh Mục Santoro, thì có lẽ ông Dink đã không chết. Và tôi cũng nghĩ như thế. Rõ ràng là có việc dưỡng nuôi thái độ thù hận và chống đối các Kitô hữu, chống lại người Armeni và tất cả những ai, mà các nhóm này cho rằng chống lại ”các lợi lộc của quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ”.

Hỏi: Liên quan tới điều này ngày 29 tháng Giêng vừa qua, thủ tướng Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng ông muốn xét lại, nhưng không hủy bỏ khoản 301 của hình luật, phạt ”các xúc phạm đến căn tính Thổ”. Đây là luật thường được dùng để bịt miệng mọi chống đối, có phải thế không thưa Đức Cha?

Đáp: Dư luận đang gây áp lực rất mạnh liên quan tới điều này. Dân chúng đòi hỏi nhiều tự do tư tưởng và tự do phát biểu hơn. Cả Liên Hiệp Âu Châu cũng lên tiếng yêu cầu chính quyền Thổ có các biện pháp theo chiều hướng này. Chúng ta đợi xem có các thay đổi nòng cốt hay không, hay chỉ là những thay đổi bề ngoài mà thôi.

Hỏi: Sự kiện đông đảo dân chúng đã tham dự đám táng nhà báo Dink có là dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi nào đó trong xã hội dân sự Thổ Nhĩ Kỳ hay không thưa Đức Cha?

Đáp: Trong đám táng nhà báo Dink, tôi bị đánh động mạnh bởi các biểu ngữ viết: “Chúng tôi tất cả là người Armeni”, và bởi sự hiện diện của rất đông người hồi giáo. Và đó là các dấu chỉ của ước muốn có sự thay đổi đích thực giữa đa số dân chúng. Tôi cũng bị đánh động bởi quyết định của Bộ Nội Vụ Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi ông thị trưởng và cảnh sát trưởng vùng Trebzon, vì họ đã tìm cách giảm thiểu tầm quan trong của vụ ám sát nhà báo Dink và các liên hệ giữa các tay sát nhân và các nhóm quốc gia qúa khích. Như qúy vị thấy đó, chúng ta đang đứng trước các dấu chỉ trái nghịch nhau. Số dân chúng đông đảo tham dự đám táng chứng minh cho thấy, nói chung, xã hội Thổ Nhĩ Kỳ là một cái cây lành mạnh và có khả năng phản ứng cả trên bình diện công cộng chống lại các đe dọa nhằm chia rẽ và phân tán họ. Nhưng cũng không được coi thường một số rễ bệnh hoạn ung thối của cái cây đó, và chúng có thể lây sang các rễ cây khác.

Hỏi: Như thế có thể làm gì để ngăn chặn việc lây bệnh này thưa Đức Cha?

Đáp: Các chính quyền dân sự cần phải hành động một cách quyết liệt hơn. Ngoài việc tìm ra tông tích các thủ phạm, cũng còn phải nhận diện các môi trường làm nảy sinh ra các hành động giết người nữa. Có các thầy dậy xấu xa giáo huấn người trẻ sống thù hận và bất khoan nhượng, và ảnh hưởng của họ ngày càng lớn đối với giới trẻ. Từ phía hàng lãnh đạo hồi giáo, cần phải mạnh mẽ công khai lên án phong trào qúa khích và những người lạm dụng tôn giáo để biện minh cho bạo lực. Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đã đăng lời kinh khủng của người ám sát nhà báo Dink nói rằng: ”Tôi đã cầu nguyện ngày thứ sáu và rồi tôi đã giết ông ta”.

Hỏi: Đức Cha nghĩ gì về vụ xử án thủ phạm ám sát cha Santoro, một thanh niên 16 tuổi; tòa đã kết án anh ta 18 năm tù?
 
Đáp: Riêng cá nhân tôi, tôi cảm thấy cay đắng và không được thỏa mãn, vì vụ án đã không đưa ra ánh sáng các lý do và truy tầm các người chủ mưu giết cha Santoro, mà chỉ lên án một mình thanh niên bất bình thường tâm trí như vậy. Vụ xử án đã diễn ra kín đáo, vì bị can là một người trẻ vị thành niên. Chúng tôi chỉ biết những gì báo chí tường thuật. Hiện nay người ta vẫn chờ đợi văn bản viết của bản án. Nó vẫn chưa được chuyển tới cho giới chức thẩm quyền Italia, để có thể lượng định các bước cần làm trong lãnh vực tư pháp. Sự thật toàn vẹn không chỉ là điều đòi buộc đối với một phía, mà là thiện ích của toàn dân nước Thổ Nhĩ Kỳ.

Hỏi: Tình hình nhà thờ giáo xứ Trebzon hiên nay ra sao thưa Đức Cha?

Đáp: Hiện nay giáo xứ có một Linh Mục Ba Lan và một gia đình cộng sự viên người Rumani giúp việc. Cuộc sống của giáo xứ khó khăn. Số Kitô hữu ít ỏi, và họ bị cô lập hóa. Nhưng mọi người tiếp tục con đường mà cha Santoro đã vạch ra, và con đường đó đã đem lại hoa trái: họ chia sẻ cuộc sống thường ngày trong tinh thần đơn sơ và khiêm tốn, làm chứng tá cho Tin Mừng và tiếp đón mọi người tới gặp vì tò mò hay vì ước mong tìm hiểu Kitô giáo thực sự.

Hỏi: Chuyến viếng thăm mục vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã để lại những gì thưa Đức Cha?
 
Đáp: Bầu khí xã hội Thổ Nhĩ Kỳ có thư giãn hơn, và ít thù nghịch với Kitô giáo hơn. Sự qúy mến mà Đức Thánh Cha đã biểu lộ đối với dân nước Thổ Nhĩ Kỳ và lòng qúy trọng đối với người hồi giáo và lòng tin của họ, sự đơn sơ và thân tình mà Đức Thánh Cha bầy tỏ đối với họ khi gọi họ là ”các bạn”, đã là những yếu tố định đoạt giúp vượt thắng nhiều thành kiến, được chuyền tai nhau trước khi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đến Thổ Nhĩ Kỳ. Cả thái độ của chính quyền cũng giúp cho chuyến viếng thăm diễn tiến tốt đẹp và không bị quấy rầy. Ngoài ra tôi cũng xin nói thêm rằng: có biết bao lời cầu nguyện của tín hữu trên toàn thế giới đã tháp tùng Đức Thánh Cha trong chuyến viếng thăm xem ra nguy hiểm này. Nhiều người đã nói với tôi là họ phó thác chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha cho Chúa Quan Phòng. Và tôi tin là Chúa Quan Phòng đã làm việc rất là tốt đẹp.

Hỏi: Đâu là những khó khăn chính mà Giáo Hội phải đương đầu tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay thưa Đức Cha?

Đáp: Chính quyền đã tịch thu rất nhiều cơ sở của Giáo Hội như: các nhà thờ, nhà thương, trường học, trung tâm giáo dục vv... Cần phải thành lập một Ủy Ban song phương để giải quyết vấn đề trao trả lại cho Giáo Hội các cơ sở này và tìm ra giải pháp và phương thế tốt đẹp duy trì danh dự cho cả hai bên. Sự kiện Giáo Hội không có tính cách thể nhân khiến cho mọi sự trở thành khó khăn hơn. Chính vì thế nên cách đây mấy hôm trong buổi tiếp kiến tân đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ cạnh Tòa Thánh, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã yêu cầu chính quyền Thổ chính thức thừa nhận tính cách thể nhân của Giáo Hội. Thế rồi còn có các vấn đề gắn liền với kiểu trình bầy Kitô giáo trong các sách giáo khoa, sự thù nghịch hiện diện trong một phần của xã hội, nó thường nảy sinh từ sự dốt nát và các thành kiến.

Hỏi: Như thế có thể làm gì để thắng vượt tình trạng này thưa Đức Cha?

Đáp: Trước hết là xây dựng các liên hệ tình bạn trong cuộc sống thường ngày, để cho thấy cái hay đẹp của lòng tin Kitô và ước mong cùng nhau xây dựng tương lai Thổ Nhĩ Kỳ. Tiếp đến là trình bầy Kitô giáo một cách trung thực, với sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông do Giáo Hội thăng tiến. Năm ngoái chúng tôi đã thành lập một địa chỉ trên Internet, và chúng tôi đang cố gắng thành lập một đài phát thanh, phát các chương trình thông tin. Chuyến công du của Đức Thánh Cha cũng đã giúp thay đổi lập trường của các phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chúng tôi phải làm sao để tiếng nói của Giáo Hội Công Giáo trực tiếp đến với các gia đình, mà không bị lựa lọc và làm cho méo mó đi.
 
Hỏi: Đức Cha không sợ bị tố cáo là chiêu dụ tín đồ hay sao?
 
Đáp: Chiêu dụ cái gì đâu! Chúng tôi chỉ muốn nói cho biết chúng tôi là ai, mà không nhắm mục đích nào khác, và cũng không sợ hãi, khúm núm. Dầu sao đi nữa thì Thỗ Nhĩ Kỳ cũng phải chấp nhận đương đầu với thách đố của sự tự do tôn giáo. Nó là bước tiến cần thiết cho việc gia nhập Liên Hiệp Âu Châu. Các vụ ám sát Linh Mục Santoro và nhà báo Kitô Sink chứng minh cho thấy có người chống lại tiến trình gia nhập này, nhân danh sự hiểu lầm về căn tính hồi giáo của quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi nghĩ rằng Liên Hiệp Âu Châu phải đưa ra các đòi hỏi đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không khép kín đối với việc gia nhập Liên Hiệp. Các thảo luận kinh tế thôi không đủ, cần phải có các dấu chỉ tiến bộ cụ thể liên quan tới việc tôn trọng các quyền con người và quyền tự do tôn giáo và tự do tư tưởng nữa.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.