2007-01-29 17:57:07

LÒNG QUẢNG ĐẠI CỦA GIA ĐÌNH SIGRUN VÀ PETER ZANDER, NGƯỜI ĐỨC


Sigrun và Peter Zander là một đôi vợ chồng trẻ người Đức, hiện sống tại Hockelhoven với 3 đứa con xinh xắn. Gia đình này đã từng hoạt động 8 năm trong phong trào thiện nguyện, qua các nước Somalie, Madagascar và Mali bên Phi châu. Trở về Đức, Sigrun và Peter choáng mắt trước cảnh phong phú dư thừa của xã hội Âu châu, nhưng nhờ kinh nghiệm những năm sống tại Phi châu, họ sớm nhận ra cảnh đau khổ của những kẻ phải sống ngoài lề xã hội, nhất là của trẻ em. Vì thế, đôi vợ chồng này đã hỏi ý kiến ba người con là Marcel, Andrea và Anija rồi mở cửa nhà đón nuôi các trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn.

Từ ngày ấy, gia đình Zander đông hẳn lên với 9 người con. Ngoài ba đứa con ruột, còn có sáu trẻ khác, tuổi từ 8 đến 13, gặp hoàn cảnh khó khăn đau thương nên được tòa án thiếu nhi gửi đến tạm trú tại đây. Trong gia đình Zander, các em tìm được một bầu khí ấm cúng hạnh phúc như một ốc đảo tình thương giữa sa mạc cuộc đời. Thật đáng tiếc là các em chỉ được lưu lại đây một thời gian trước khi được một gia đình khác chính thức nhận làm con nuôi hoặc họa hiếm hơn, được cho trở về với cha mẹ ruột. Mỗi khi một đứa trẻ rời gia đình này, tòa án lại gởi ngay đứa khác đến thế chỗ. Đây không phải là việc dễ dàng, tuy rằng Sigrun và Peter được sự cộng tác chặt chẽ của nhiều nhân viên giáo dục và chuyên viên trợ tá xã hội khác. Mặt khác, chính ba đứa con ruột của gia đình này cũng phải đối diện với nhiều vấn đề tâm lý một khi thay đổi anh em như thế.

Một ngày nọ, vào năm 1995, cơ quan trợ tá xã hội báo tin cho ông bà Zander biết là có một cô bé người Albani mới 1 tuổi, nằm bệnh viện từ khi chào đời vì bị bệnh gan và không được cha mẹ săn sóc. Họ đang tìm một gia đình có thể nhận nuôi bé, đưa bé đi Bruxelles để giải phẫu thay gan. Nếu không giải phẫu thay gan, bé sẽ chết, nhưng ngay cả cuộc giải phẫu cũng nguy hiểm cao độ vì có thể đưa đến cái chết ngay sau đó. Ông bà Zander do dự, chưa biết phải quyết định thế nào vì lũ con 9 đứa trong nhà đã mang quá nhiều vấn đề đau khổ tâm linh và chịu nhiều thử thách rồi, làm sao còn có thể đặt chúng trước một thách đố khó khăn như một căn bệnh nặng và cả cái chết nữa.

Tối hôm ấy, sau khi suy nghĩ kỹ càng, ông bà Zander nói rõ với các con về trường hợp bé Rabije. Ông bà không hề dấu diếm điều gì, ngay cả cái chết đe dọa. Cả lũ con trong nhà đều đồng thanh quảng đại xin đón bé Rabije nuôi. Thời gian sau đó, gia đình Zander bắt đầu lui tới nhà thương, vừa để làm quen với đứa con mới, vừa để học cách săn sóc sức khỏe. Lần đầu tiên nhìn thấy ông bà Zander, người ta nhận ra một tia sáng lóe lên trong mắt bé Rabije, nhưng rồi bé lại trở lại trạng thái lạnh lùng quen thuộc của một bé thơ chưa bao giờ được nếm hưởng vòng tay âu yếm của mẹ. Rồi dần dần, bé tỏ lộ những phản ứng thật tích cực đến độ nhân viên nhà thương phải kinh ngạc.

Chỉ ba tuần sau, bé Rabije được các bác sĩ cho phép về nhà. Khi bà Sigrun mặc cho bé chiếc áo mới bà cảm nhận được niềm vui hồn nhiên hạnh phúc vô bờ của cô bé, lần đầu tiên được thật sự yêu thương trong cuộc đời vỏn vẹn 13 tháng đóng khung trong chiếc giường bệnh viện. Mọi vật nhỏ nhoi hay tầm thường cũng lôi cuốn sự chú ý của bé. Về đến nhà, cô bé được các anh chị em mừng rỡ đón tiếp. Ai cũng muốn ôm bồng cô bé trên tay để cưng nựng chiều chuộng. Dù chưa biết nói, cô bé cũng tỏ dấu hài lòng và sung sướng được trở thành trọng tâm sự chú ý của mọi người. Với đôi mắt to tròn đen láy, cô bé nói lên lời cảm tạ mọi người vì tình yêu được nhận lãnh. Nhưng hằng đêm cơn đau dữ dội vẫn hành hạ bé, làm bé sợ hãi ấm ức khóc nức nở. Chính Andrea, chị cả trong nhà, mặc dù đang chuẩn bị thi tú tài, vẫn đêm đêm dậy bồng em ru cả mấy tiếng đồng hồ để làm dịu bớt cơn đau và trấn tĩnh cô bé.

Rồi đến một ngày nọ, bác sĩ giải phẫu ở Bruxelles cho biết là bé Rabije đã đủ sức để chịu cuộc giải phẫu ghép gan. Khi từ giã anh chị em trong nhà, niềm cảm động sâu xa dường như xuất hiện trên mặt mọi người kể cả những đứa bé nhất. Hình như là Rabije cũng cảm nhận được rõ rãng điều này. Cô bé âu yếm nhìm chăm chăm từng khuôn mặt anh chị em trong nhà như muốn ghi khắc sâu trong tâm hồn trước khi lên đường. Tại nhà thương, bà Sigrun mặc cho con chiếc áo chùng màu xanh để chuẩn bị vào phòng giải phẫu. Màu xanh của chiếc áo khiến bà liên tưởng đến màu áo Đức Mẹ Maria và bà thầm thì cầu nguyện, xin gửi gấm bé cho Mẹ. Cô bé Rabije mỉm cười và hôn gởi bà trước khi vào phòng mổ. Toán bác sĩ giải phẫu kinh ngạc nói với nhau: Không thể nào mất một cô bé dễ thương và đầy hạnh phúc như thế được.

Cuộc giải phẫu kéo dài suốt đêm, và những ngày sau đó, bà Sigrun được ở cạnh đứa con bé bỏng trong một phòng bệnh riêng biệt. Nhưng rồi cơ thể cô bé không chấp nhận bộ gan mới và tình trạng trở nên nguy ngập. Mạng sống cô bé như mành treo sợi tóc. Ông Peter vội vã lên đường sang Bruxelles cùng với hai người con và trong phòng bệnh nhỏ đó, cả gia đình Zander được ở cạnh Rabije cho đến lúc cô bé trút hơi thở cuối cùng. Một vị linh mục trẻ cùng đồng hành với gia đình Zander trong lời cầu nguyện những giờ cuối đời của bé Rabije đã hỏi về ý nghĩa cuộc đời ngắn ngủi của cô bé đối với họ. Và Andrea đã không ngần ngừ trả lời ngay: ”Rabije là một ảnh tượng sống động của Đấng chịu đóng đinh thập giá và là một ngôi sao rơi vào vòng tay chúng con trong một giây khắc ngắn ngủi, nhưng giờ đây lại tiếp tục chói sáng trên trời cao.”

Tang lễ của cô bé cũng trở thành cơ hội đặc biệt để gia đình Zander làm quen với cộng đồng Hồi giáo người Albani. Vì bé Rabije, gia đình Zander đã quyết định yêu thương những người thân của bé mà không tưởng nghĩ đến những ruồng bỏ họ đã dành cho bé từ ngày chào đời. Trong sự thông cảm và tôn trọng những truyền thống của hai cộng đoàn, tang lễ của bé Rabije diễn ra theo nghi lễ Hồi giáo của gia đình gốc và với sự tham dự của gia đình Zander. Cuối tang lễ, vị giáo trưởng hồi giáo của cộng đoàn Albani Hồi giáo đã hết lời cảm tạ gia đình Zander đã vượt thắng mọi thành kiến chia rẽ để yêu thương bé Rabije và tôn trọng những truyền thống khác biệt của tha nhân. (Città Nuova, n.17, 1998)

Mai Anh










All the contents on this site are copyrighted ©.