2007-01-18 11:59:01

KẾT HIỆP VỚI CHÚA TRONG LÚC LÀM VIỆC


Chúng tôi là những phụ nữ làm việc trong khu vực ”xẻ cá”. Đây là một hành lang dài 50 thước. Ở một đầu hành lang là những cái máy khổng lồ, có nhiệm vụ cắt cá làm đôi, rút ra xương chính ở giữa, lột da cá, rồi chuyển mớ thịt cá này sang cho chúng tôi. Chúng tôi có nhiệm vụ bổ túc việc làm của máy móc, nghĩa là cắt bỏ phần nào phải cắt bỏ của con cá, rồi chuyển thịt cá được dọn sạch đến những máy có nhiệm vụ phân chia và đóng thành hộp.

Hôm nay chúng tôi làm việc với cá thu. Những tấm cá thu tươi ngon đang lần lượt diễn hành tiến về phía chúng tôi. Chúng tôi mỗi người với con dao thật bén, sẵn sàng ra tay cắt xén, khi miếng cá thu tiến đến trước mặt. Ai nấy đều chăm chú với công việc, một phần vì chúng tôi được trả lương theo số lượng cá cắt được - từng đội một - đàng khác, chúng tôi cũng phải cẩn thận để chỉ cắt cá chứ không cắt tay mình!

Miếng cá thu tiến đến, tôi dùng tay trái để nắm giữ, dùng tay phải với con dao trong tay để cắt phần xương cá bên bụng còn sót lại, rồi phân chia xương và thịt cá ra đi bằng hai nẻo đường khác nhau. Việc này tôi chỉ hoàn tất trong vài giây, và cứ thế tiếp tục đến miếng cá khác, rồi miếng cá khác nữa ..

Đang chăm chú cắt cá lọc xương thì chị bạn đứng cách tôi 70 centimét, vì vội tay và vô ý, làm tung nước lên đầy mặt tôi. Thật là khó chịu! Tuy nhiên, hình ảnh thánh nữ Têrêxa Hài Đồng GIÊSU xuất hiện trong tâm trí. Tôi nhớ lại câu chuyện thánh nữ tự thuật trong cuốn ”Một Tâm Hồn”. Nơi nhà giặt, chị thánh đứng giặt bên cạnh một nữ tu khác. Chị này vô tình vô ý, cứ làm tung toé nước giặt lên mặt thánh nữ. Chị thánh không tránh né, hoặc ra hiệu cho chị kia phải để ý hơn, trái lại chị còn tỏ ra vui thích vì được dịp tập nhân đức nhịn nhục. Thật là tuyệt diệu!

Nghĩ thế rồi, tôi mĩm cười ngước mặt nhìn sang chị bạn bên cạnh. Chị cũng vui vẻ đáp lại nụ cười của tôi. Thế là ”tai nạn” kết thúc êm đẹp..

Trong giờ làm việc, vì tiếng động điếc tai nhức óc của những chiếc máy gần đó, nên chúng tôi thường giữ thinh lặng. Mỗi người chăm chú với công việc của mình, sao cho đạt mức sản xuất tốt. Nhưng đến giờ nghỉ để ăn trưa, chúng tôi cũng im lặng. Phần thì mệt mỏi, phần thì thời giờ cũng hơi eo hẹp, nên im lặng quả là vàng! Riêng tôi, thinh lặng giúp tôi nghỉ ngơi và nhất là giúp lòng tôi dễ dàng hướng về Chúa. Tôi nghĩ đến Chúa và cầu nguyện cùng Chúa. Tôi thưa với Chúa về chị bạn mỗi ngày vẫn đứng làm việc cạnh tôi.

Giờ nghỉ chấm dứt, chúng tôi lại bắt tay vào việc. Lại những động tác ban sáng: cầm cá, cắt cá, lóc xương, rồi chuyển thịt cá đến những chiếc máy lớn ở cuối hành lang dài. Đôi khi tôi cũng cảm thấy mệt mỏi và chán ngán với công việc đều đều. Nhưng nhất là tôi cảm thấy mệt mỏi vì phải theo đúng nhịp điệu làm việc của các người khác, vì tiền lương của chúng tôi tùy thuộc vào mức độ làm việc nhanh chóng của tất cả nhóm. Những lúc ấy, tôi thích lập đi lập lại lời nguyện tắt gọi là ”lời cầu cùng Đức Chúa GIÊSU”:

- Lạy Đức Chúa GIÊSU, Con THIÊN CHÚA Hằng Sống, xin thương xót chúng con là kẻ tội lỗi.

Hoặc tôi thân thưa với Chúa:

- Lạy Chúa, xin tăng thêm Đức Tin cho chúng con.

Hoặc lời nguyện khác:

- Lạy Chúa, con thuộc về Chúa.

Tận nơi sâu thẳm tâm hồn, tôi bằng lòng với công việc cắt cá, lọc xương mỗi ngày, vì nó là lương thực hàng ngày cho tôi và cho cả gia đình tôi. Và công việc không đến nỗi nặng nhọc cho lắm. Tất cả các động tác thật giản dị. Điều quan trọng là tôi có thể vừa làm việc vừa cầu nguyện. Vừa làm việc vừa nghĩ đến Chúa và trao đổi cái nhìn thân tình với các chị bạn đồng nghiệp của tôi.

Chứng từ của bà Monique tín hữu Công Giáo Pháp.

... ”Con chỉ xin Chúa hai điu, xin Ngài đừng nỡ chối từ trước khi con nhắm mắt. Xin đẩy xa con lời dối trá và chuyện lọc lừa. Xin đng đ con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có. Chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng. Kẻo được quá đy dư con s khước từ Ngài mà nói: ”THIÊN CHÚA là ai vậy?” Hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh THIÊN CHÚA của con” (Châm Ngôn 30,7-9).
 
(Charles Lepetit, ”MES AMIS LES PAUVRES”, Nouvelle Cité, Paris 1984, trang 118-121).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.