2006-12-27 15:17:53

Tôn vinh Thiên Chúa và xây dựng hòa bình thế giới là tiếp nhận tình yêu của Thiên Chúa giáng sinh


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến chung cuối cùng của năm 2006, sáng thứ tư 27-12-2006. Đã có 9.000 tín hữu tham dự buổi gặp gỡ trong đại thính đường Phaolô VI. Đa số là tín hữu đến từ nhiều giáo phận Italia, đặc biệt là các giáo xứ Roma. Các đoàn hành hương khác đến từ Pháp, Hoa Kỳ, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha và Ba Lan.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha tái khẳng định sự thật Thiên Chúa là Tình Yêu giáng sinh làm người để cứu chuộc nhân loại. Cách thế tôn vinh duy nhất và xây dựng hòa bình trên thế giới là khiêm tốn tín thác tiếp nhận ơn Giáng Sinh là tình yêu.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến. Buổi găp gỡ hôm nay diễn ra trong bầu khí giáng sinh đầy niềm vui sâu thẳm vì Đấng Cứu Thế đã sinh ra. Hôm kia chúng ta đã cử hành mầu nhiệm này và mầu nhiệm đó còn vang vọng trong tất cả các ngày này. Đó là một mầu nhiệm của ánh sáng, mà con người thuộc mọi thời đại có thể sống trở lại trong lòng tin. Các lời của thánh sử Gioan, mà chúng ta mừng lễ hôm nay, vang vọng trong tâm lòng chúng ta: ”Và Ngôi Lời đã trở thành nhục thể” Ngôi Lời đã làm người và đến sống giữa chúng ta” (Ga 1,14). Như thế trong lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa đã đến ở giữa chúng ta; Người đến vì chúng ta, để ở lại với chúng ta. Nhưng có một câu hỏi được nêu lên dọc dài hai ngàn năm qua trong lịch sử Kitô giáo: đó là tại sao Thiên Chúa lại làm người?

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói bài ca mà các thiên thần đã cất lên trên hang đá Bếtlehem giúp chúng ta trả lời cho câu hỏi đó: ”Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2,14). Bài thánh ca đêm Giáng Sinh đó được đưa vào kinh Vinh Danh là một phần của lễ nghi phụng vụ, như ba bài thánh ca khác của Tân Ước liên quan tới biến cố sinh ra và thời thơ ấu của Chúa Giêsu; đó là bài thánh thi Chúc Tụng Thiên Chúa, bài Linh hồn tôi chúc tụng Chúa và bài Giờ đây xin cho tôi được về. Trong khi các bài thánh thi này được lồng vào trong Kinh Sáng và Kinh Chiều và Kinh Tối, thì bài Vinh Danh đã được đặt vào trong Thánh Lễ.

Từ thế kỷ thứ II có thêm các lời chúc tụng khác được thêm vào bài thánh thi: ”Chúng con ca ngợi Chúa, chúng con chúc tụng Chúa, chúng con thờ lậy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa”; và sau này còn thêm các lời khẩn cầu khác nữa: Lậy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa, là Con Đức Chúa Cha, Đấng xóa tội trần gian... ” cho tới chỗ làm thành một bài thánh thi được hát lần đầu tiên trong Thánh Lễ Giáng Sinh và sau đó trong tất cả mọi ngày lễ. Được lồng vào đầu buổi cử hành Thánh Thể, kinh Vinh Danh nhấn mạnh sự tiếp nối giữa biến cố Chúa Kitô giáng sinh và chết đi, giữa Giáng Sinh và Phục Sinh, là các khía cạnh không thể phân chia được của cùng một mầu nhiệm cứu độ duy nhất.

Tin Mừng kể lại rằng đám đông thiên thần ca hát rằng: ”Vinh danh Thiên Chúa trên trời cao thẳm và bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Các thiên thần loan báo cho các mục đồng rằng biến cố Chúa Giêsu sinh ra ”là” vinh quang cho Thiên Chúa trên trời cao; và ”là” hòa bình trên trái đất cho người Chúa thương. Vì thế thật là thích hợp khi người ta để trên hang đá các lời này của các thiên thần để giải thích mầu nhiệm Giáng Sinh, được gói ghém trong máng cỏ. Từ ”vinh danh” ”doxa” ám chỉ ánh sáng rạng ngời của Thiên Chúa khiến cho các thụ tạo biết ơn chúc tụng. Thánh Phaolô sẽ nói: “đó là sự nhận biết vinh quang Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt của Chúa Kitô” (2 Cr 4,6). ”Bình an” ”eirene” tổng hợp sự tràn đầy các ơn của Đấng Cứu Thế, nghĩa là ơn cứu rỗi được đồng hóa với chính Chúa Kitô như thánh Phaolô viết: ”Thật vậy Người là sự bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Sau cùng bài thánh thi còn nói tới ”những người thiện tâm” nữa. ”Thiện tâm” ”eudokia” trong từ ngữ thường khiến nghĩ tới ”thiện chí” của con người, nhưng ở đây nó ám chỉ ”thiện chí” của Thiên Chúa đối với con người, thiện chí đó không có giới hạn. Và đây là sứ điệp của lễ Giáng Sinh: với biến cố Đức Giêsu sinh ra Thiên Chúa đã biểu lộ thiện chí của Người đối với tất cả mọi người.

Chúng ta hãy trở lại với câu hỏi: ”Tại sao Thiên Chúa lại làm người?” Thánh Ireneo viết: ”Ngôi Lời đã trở thành người ban phát vinh quang của Thiên Chúa Cha cho lợi ích của con người... Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống động và cuộc sống của nó là được trông thấy Thiên Chúa” (Adv. Haer. IV, 20,5.7). Như thế, vinh quang Thiên Chúa tỏ lộ ra trong ơn cứu độ con người, mà Thiên Chúa yêu thương qúa đỗi đến độ trao ban Con Một Người để ai tin nơi Người thì không phải chết nhưng có sự sống vĩnh cửu”, như thánh Gioan viết (Ga 3,16). Như vậy tình yêu là lý do cuối cùng của biến cố nhập thể của Chúa Kitô. Suy tư của thần học gia Urs von Balthasar về điểm này rất là thâm thúy. Ông viết: ”Trước hết Thiên Chúa không phải là quyền năng tuyệt đối mà là tình yêu tuyệt đối, mà quyền tối thượng không biểu lộ ra trong việc duy trì cho Người điều thuộc về Người, mà trong sự từ bỏ” (Mysterium paschale, I,4). Thiên Chúa mà chúng ta chiêm ngưỡng trong máng cỏ là Thiên Chúa Tình Yêu.

Và tới đây thì lời loan báo của các thiên thần vang lên cho chúng ta như là một lời mời gọi: ”Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời cao, bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Cách thức duy nhất để vinh danh Thiên Chúa và xây dựng hòa bình trên thế giới là khiêm tốn và tin tưởng tiếp nhận ơn Giáng Sinh là tình yêu. Tiếng hát của các thiên thần khi đó có thể trở thành một lời cầu nguyện cần lập lại thường xuyên hơn, không phải chỉ trong mùa giáng sinh. Một bài thánh thi chúc tụng Thiên Chúa trên trời cao và một lời khẩn nài sốt sắng cho hòa bình dưới thế, được diễn tả ra trong một dấn thân cụ thể xây dựng hòa bình bằng cuộc sống chúng ta. Đó là dấn thân mà lễ Giáng Sinh trao ban cho chúng ta.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau và cầu chúc mọi người lễ Giáng Sinh tươi vui. Ngài đặc biệt chào một nhóm các tân linh mục của Hiệp Hội Đạo Binh Chúa Kitô và các đại biểu của phong trào Nước Chúa Kitô về Roma mừng lễ Giáng Sinh và tham dự lễ truyền chức của các tân chức. Ngài cầu mong ánh sáng của Chúa Kitô mà đêm Giáng Sinh dãi sáng trên nhân loại, chiếu soi từng người và đồng hành với họ mỗi ngày trong nỗ lực can đảm làm chứng cho Chúa Kitô.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Tòa Thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.