2006-12-13 18:56:58

Timoteo và Tito, hai cộng sự viên thân tín của thánh Phaolô trong công cuộc truyền giáo


Trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 13-12-2006 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đề cập tới gương mặt hai cộng sự viên thân tín nhất của thánh Phaolô là Timoteo và Tito. Truyền thống cho rằng thánh Phaolo đã viết 2 lá thứ cho Timoteo và một cho Tito. Đức Thánh Cha nói: Timoteo là tên gọi tiếng Hy Lạp và có nghĩa là ”người thờ kính Thiên Chúa”. Trong khi thánh sử Luca nhắc đến Timoteo 6 lần, thánh Phaolô trong các thư của mình nói tới Timoteo 17 lần, và 1 lần trong thư gửi giáo đoàn Do thái. Sự kiện này cho thấy thánh Phaolo rất trân trọng Timoteo, cả khi thánh Luca không chú ý kể lại tất cả những gì liên quan tới ông. Thật thế thánh Phaolo giao phó cho Timoteo các sứ mệnh quan trọng và coi ông hầu như là một Phaolo khác, như viết trong thư gửi tín hữu Philiphê: ”Chẳng có ai khác cùng chia sẻ một tâm tình với toi và tận tâm lo lắng cho anh em” (Pl 2.20).

Timoteo sinh tại Listra cách thành phố Tarso 200 cây số về mạn tây bắc, từ mẹ là người do thái và cha là người ngoại đạo (x. Cv 16,1). Sự kiện bà mẹ đã lập gia đình với người không do thái và đã không cắt bì cho con khiến cho người ta nghĩ rằng ông đã lớn lên trong một gia đình không giữ đạo, cả khi có nói rằng ông biết Kinh Thánh từ ngày còn bé (x. 2 Tm 3,15). Người ta cũng truyền lại tên của bà mẹ là Eunice và bà ngoại là Loide (x. 2 Tm 1,5). Khi ghé qua Listra vào đầu chuyến truyền giáo thứ hai, Phaolo đã chọn Timoteo làm bạn đường vì ”ông là người được các anh em Listra và Iconio qúy trọng” (Cv 16,2). Cùng với Phaolo và Sila, Timoteo đi ngang qua Tiểu Á cho tới Troade, rồi từ đó sang Macedonia. Chúng ta cũng biết tin là tại Philiphê, nơi Phaolo và Sila bị liên lụy trong vụ bị tố cáo là gây rối loạn trật tự công cộng, bị nhốt tù vì chống lại việc khai thác một thiếu nữ cho dịch vụ bói toán, từ phía vài thầy bói vô lương tâm (x. Cv 16,16-40), thì Timoteo không bị bắt. Rồi khi Phaolo bị bắt buộc phải tiếp tục đi tới Athène, Timoteo đã đi theo thánh nhân tới đó và từ Athènes ông được gửi tới Giáo đoàn trẻ Thexalonica để thu lượm tin tức và củng cố lòng tin của giáo đoàn này. Chúng ta tìm thấy Timoteo tại Êphêso trong chuyến truyền giáo thứ ba của thánh Phaolo. Từ đây chắc hẳn thánh Phaolo đã viết thư cho Philemone và tín hữu Philiphê và trong cả hai thư Timoteo là người cùng gửi (x. Plm 1; Pl 1,1). Từ Epheso thánh Phaolo gửi Timoteo tới Macedonia cùng với Erasto (x. Cv 19,22), và rồi cả tới Corinto với nhiệm vụ đem một thư tới cho tín hữu, trong đó thánh Phaolo dặn tín hữu Corinto tiếp đón Timoteo tử tế (x. 1 Cr 4,17; 16,10-11). Chúng ta còn tìm thấy Timoteo như là người cùng gửi thư thứ hai cho tín hữu Corinto, và khi từ Corinto Phaolo viết thư cho giáo đoàn Roma, thánh nhân cũng nói Timoteo và các người khác gửi lời chào thăm tín hữu Roma (x. Rm 16,21). Từ Corinto Timoteo lại khởi hành di Troade trên bờ biển Egeo và đợi thánh Tông Đồ hướng về Gierusalem kết thúc hành trình truyền giáo thứ ba (x. Cv 20,4). Từ đó trở đi các tài liệu cổ xưa chỉ nói tới Timoteo trong thư gửi giáo đoàn Do thái, khi viết: ”Anh em hãy biết rằng Timoteo người anh em của chúng ta đã được thả rồi. Nếu anh ấy đến đây sớm thì tôi sẽ cùng anh ấy đến gặp anh em” (Dt 13,23).

Tóm lại chúng ta có thể nói rằng gương mặt của Timoteo nổi bật như là gương mặt một chủ chăn quan trọng. Theo Lịch sử Giáo Hội của Eusebio, Timoteo là Giám Mục đầu tiên của giáo đoàn Epheso (x. 3,4). Từ năm 1239 vài thánh tích của người, được đưa từ Constantinopoli tới, được lưu giữ trong nhà thờ chính tòa Termoli trong vùng Molise bên Italia.

Trong phần thứ hai của bài huấn dụ Đức Thánh Cha đề cập tới gương mặt của Tito. Tito là tên gọi latinh, sinh trưởng trong một gia đình ngoại giáo (x. Gl 2,3). Thánh Phaolo đem Tito về Gierusalem với mình để tham dự Công Đồng các Tông Đồ, trong đó việc rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại được long trọng thừa nhận, mà không bị ràng buộc bởi luật lệ Moshê. Trong thư gửi Tito thánh Tông đồ ca ngợi Tito và gọi ông là ”người con đích thật của tôi trong lòng tin chung” (Tt 1,4). Sau khi Timoteo rời Corinto thánh Phaolo mời Tito tới đây với nhiệm vụ dẫn dắt giáo đoàn bất kham này trở về với lòng vâng phục. Tito giảng hòa giáo đoàn với thánh Phaolo và thánh nhân viết cho tín hữu như sau: ”Thiên Chúa là Đấng an ủi những kẻ yếu hèn, đã an ủi chúng tôi bằng cách sai anh Tito đến. Chúng tôi được an ủi không những vì anh Tito đến, mà còn vì anh ấy đã được anh em an ủi. Anh ấy đã cho chúng tôi biết là anh em nóng lòng mong đợi, buồn phiền, nhưng vẫn đầy nhiệt tình đối với tôi, khiến tôi càng vui mừng hơn nữa... Ngoài niềm an ủi đó chúng tôi còn được đầy tràn một niềm vui lớn hơn nữa, khi thấy anh Tito vui mừng vì tất cả anh em đã làm cho tâm trí anh ấy được thư thái” (2 Cr 7,6-7.13). Tito còn được thánh Phaolo gửi tới Corinto lần nữa và được gọi là ”người bạn đường và là người cộng tác” với thánh nhân (2 Cr 8,23) để kết thúc việc lạc quyên trợ giúp các Kitô hữu Gierusalem (x 2 Cr 8,6). Các tin cuối cùng đến từ các thư mục vụ cho biết Tito là Giám mục đảo Creta (x. Tt 1,5), từ đó Tito được thánh nhân mời đến Nicopoli tại Epiro (x. Tt 3,12). Sau đó Tito cũng đến Damazia (x. 2 Tm 4,10). Và chúng ta không có tin tức nào khác liên quan tới các di chuyển và cái chết của Tito.

Rồi Đức Thánh Cha đã kết luận bài huấn dụ bằng cách rút tiả ra một vài dữ kiện ý nghĩa sau đây: Dữ kiện quan trọng nhất là sự kiện thánh Phaolo có các cộng sự viên trong việc thi hành các sứ mệnh của mình. Thánh nhân là Tông Đồ theo phép hoán xưng, là người thành lập và là chủ chăn của nhiều Giáo Hội. Nhưng hiển hiện rõ ràng là người không làm mọi chuyện một mình, mà cậy dựa trên nhiều người thân tín khác chia sẻ các nhọc mệt và trách nhiệm của người. Còn có một nhận xét khác nữa liên quan tới sự sẵn sàng của các cộng sự viên này. Các tài liệu liên quan tới Timoteo và Tito cho thấy sự sẵn sàng của các vị trong việc đảm trách các nhiệm vụ khác nhau, thường là việc đại điện thánh Phaolo cả trong những dịp không dễ dàng. Tắt một lời, các vị dậy cho chúng ta biết phục vụ Tin Mừng với lòng quảng đại, vì biết rằng đó cũng là phục vụ chính Giáo Hội. Sau cùng chúng ta hãy tiếp nhận lời thánh Phaolo nhắn nhủ trong thư gửi Tito: ”Cha muốn con nhấn mạnh trên các điều này, để những người tin nơi Thiên Chúa cố gắng là những kẻ đầu tiên làm việc thiện. Đó là điều tốt đẹp và hữu ích cho con người” (Tt 3,8). Qua dấn thân cụ thể chúng ta phải và có thể khám phá ra sự thật của các lời này, để chính trong mùa vọng này chúng ta làm được nhiều việc thiện ích phong phú, và như thế mở cửa thế giới cho Chúa Kitô Đấng Cứu Độ chúng ta.

Sáng thứ tư 13-12-2006 đã có hơn 12.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chúng hằng tuần với Đức Thánh Cha. Đa số đến từ nhiều giáo phận Italia. Bên cạnh các đoàn hành hương Tây âu và Bắc Mỹ có các nhóm đến từ các nước Đông Âu như Ba Lan, Hungari và Sloveni. Từ Á châu có đoàn hành hương đại kết Nam Hàn, và nhóm hành hương Phi Luật Tân. Từ châu Mỹ Latinh có đoàn hành hương Mehicô. Đến từ xa nhất là nhóm học sinh trường thánh Phanxicô Xaviê Beaconsfield, bang Victoria Australia. Cũng giống như tuần trước buổi tiếp kiến đã diễn tai hai nơi: trước hết trong đền thờ thánh Phêrô dành cho hơn 4000 tín hữu thuộc nhiều giáo phận Italia; sau đó trong đại thính đường Phaolo VI dành cho mọi nhóm khác. Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc mọi người một lễ Giáng Sinh tươi vui an bình. Buổi tiếp kiến đã kết thúc với kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.