2006-12-12 17:37:39

CÔNG BỐ SỨ ĐIỆP HÒA BÌNH 2007 CỦA ĐỨC THÁNH CA


VATICAN. Sáng 12-12-2006, ĐHY Renato Martino, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, đã mở cuộc họp báo tại Vatican để giới thiệu Sứ điệp của ĐTC Biển Đức 16 nhân ngày hòa bình thế giới 1-1-2007 với chủ đề ”Nhân vị: trọng tâm của hòa bình”.

Sứ điệp của ĐTC gồm có 3 phần, trong đó đề tài nhân phẩm được dần dần khai triển trong tương quan với các khía cạnh khác nhau của việc thăng tiến hòa bình:

- Phần thứ I nêu bật ý nghĩa và giá trị của quan hệ giữa nhân vị và hòa bình, được hiểu và đề nghị qua hai phạm trù thần học và linh đạo: hồng ân và nghĩa vụ.

- Trong phần thứ II, ĐTC trình bày sự thật về nhân vị trong tương quan với ý niệm mới mẻ là ”sinh thái học về hòa bình” (ecologia della pace)

Sau cùng trong phần thứ III, chân lý về nhân vị được cứu xét trong tương quan với sự tôn trọng các quyền căn bản của con người, luật quốc tế về nhân đạo, và một số trách nhiệm gắn liền với hoạt động của các tổ chức quốc tế. Sứ điệp của ĐTC kết luận với lời mọi gọi các tín hữu hãy dấn thân tích cực trong việc xây dựng hòa bình.

Trong số các ý tưởng được ĐTC nhấn mạnh trong phần thứ I của sứ điệp, có lời khẳng định rằng sự nhìn nhận trật tự siêu việt của vạn vật là một nền tảng, dựa trên đó người ta có thể thực thi sự đối thoại liên tôn và văn hóa, để thăng tiến hòa bình. ĐTC viết: ”để làm cho mặt trận hòa bình được tiến bộ, nhân loại ngày nay phải cẩn giữ các qui tắc của luật luân lý tự nhiên, các qui tắc này không phải là những chỉ thị áp đặt từ bên ngoài, như thể đó là một sự cưỡng bách tự do của con người. Trái lại, cần phải đón nhận các qui tắc ấy như một lời kêu gọi hãy trung thành thực thi kế hoạch đại đồng của Chúa, được ghi khắc trong chính bản tính của con người. Nhờ các qui luật ấy hướng dẫn, các dân tộc trên trái đất có thể xích lại một mầu nhiệm cao cả hơn, đó là mầu nhiệm Thiên Chúa”.

Sự điệp của ĐTC cũng bàn đến những thiện ích mà con người không thể tùy tiện loại bỏ hay sử dụng tùy theo ý riêng mình, trong số các thiện ích ấy việc tôn trọng sự sống trong mọi giai đoạn phát triển, quyền tự do tôn giáo hướng bản tính về một nền tảng siêu việt. Trong bối cảnh này, ĐTC bày tỏ lo âu trước nạn nghèo đói lan tràn, nạn phá thai, thí nghiệm trên các phôi thai và làm cho chết êm dịu; tiếp đến là những khó khăn mà các tín hữu Kitô và cả các tín hữu tôn giáo khác đang gặp phải vì bị cản trở không được tự do tôn giáo và biểu lộ đức tin”.

Trong phần thứ II của sứ điệp, ĐTC nói về sự tôn trọng môi sinh trong tương quan với nghĩa vụ kiến tạo hòa bình. Có một liên hệ không thể tách rời và ngày càng rõ rệt, giữa hòa bình với thiên nhiên và hòa bình giữa con người với nhau. ”Sự phá hủy môi sinh, sự lạm dụng chúng một cách không thích hợp hoặc ích kỷ, sự khai thác bừa bãi các tài nguyên đất đai sinh ra những xâu xé, xung đột và chiến tranh, vì chúng là kết quả một quan niệm vô nhân đạo về sự phát triển”.

ĐTC đưa ra những nhận xét về những bất công và đố kỵ giữa các dân nước do sự chạy đua và cạnh tranh để đạt tới các nguồn năng lượng, và có những dân nước bị gạt bỏ ra ngoài trong tiến trình này. ĐTC cũng cảnh giác rằng: ”Một sự phát triển chỉ thu hẹp vào khía cạnh kỹ thuật kinh tế, mà bỏ qua chiều kích luân lý tôn giáo, thì không phải là một sự phát triển con người toàn diện, và rốt cuộc chỉ kích thích khả năng tàn phá của con người” (n.9).

Cũng trong phần II, ĐTC tái khẳng định rằng: ”một điều không thể chấp nhận được, đó là thực hành chiến tranh nhân danh Thiên Chúa, hoặc nhân danh con người. Một khi ý niệm về Thiên Chúa hoặc quan niệm về con người là động lực đưa tới chiến tranh, thì chúng bị biến thành một ý thức hệ”.

Trong bối cảnh này, ĐTC cảnh giác chống lại thái độ dửng dưng lãnh đạm cũng là một yếu tố đe dọa hòa bình, làm cho hòa bình khó đạt được. Một nhân sinh quan yếu ớt thường mở đường cho mọi thứ quan niệm khác, và tạo điều kiện cho cuộc xung đột vì nó dành chỗ cho sức mạnh, và bỏ mặc người yếu thế cho bạo lực”.

Trong phần thứ III, ĐTC nói đến nghĩa vụ luân lý xây dựng hòa bình, vai trò của các tổ chức quốc tế, và luật quốc tế về nhân đạo, ngài nêu ví dụ về sự không tôn trọng các qui luật trong lãnh vực này, như trong chiến tranh tại Liban hồi tháng 7 năm nay, cuộc chiến do sự đe dọa khủng bố gây nên.

ĐTC không quên tố giác hiểm họa lan tràn võ khí hạt nhân, và nhấn mạnh rằng: ”con đường để bảo đảm một tương lai hòa bình cho tất cả mọi người, không những được diễn tả qua các hiệp định quốc tế về sự không làm lan tràn võ khí hạt nhân, nhưng còn qua sự dấn thân quyết tâm theo đuổi việc giảm bớt các loại võ khí đó, và tiến tới sự hoàn toàn phá hủy các loại võ khí ấy.. Đây là điều có liên hệ tới vận mệnh của toàn thể gia đình nhân loại” (SD 12-12-2006)

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.