2006-11-30 19:13:23

NGÀY THỨ 3 TRONG CHUYẾN VIẾNG THĂM CỦA ĐỨC THÁNH CHA TẠI THỔ NHĨ KỲ


ISTANBUL. Các hoạt động của ĐTC Biển Đức 16 hôm 30-11-2006 , là ngày thứ ba ngài viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ, đã diễn ra tại thành phố Istanbul.

Cao điểm các hoạt động của ngài là tham dự buổi phụng vụ tại Nhà thờ thánh Giorgio của Giáo Hội Chính Thống Constanople và ký tuyên ngôn chung với Đức Thượng Phụ Bartolomaios I. Ban chiều, ngài viến thăm Nhà thờ Santa Sophia nay là bảo tàng viện, Đền thờ Xanh của Hồi giáo, trước khi viếng thăm và dự buổi cầu nguyện tại Nhà thờ Arméni Tông truyền, gặp gỡ Đức TGM Chính Thống Siri, và vị Đại Rabbi Do thái giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Lúc 7 giờ rưỡi sáng, ĐTC đã cử hành thánh lễ riêng, kính thánh Anrê Tông Đồ, tại Nhà nguyện tòa đại diện Tòa Thánh ở Istanbul, nơi Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan 23 đã từng làm Khâm Sứ Tòa Thánh và cư ngụ tại đây trong 10 năm trời.

Sau đó, vào lúc 9 giờ rưỡi, ngài đến Đền thờ thánh Giorgio của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople để tham dự phụng vụ bằng tiếng Hy Lạp do Đức Thượng Phụ giáo chủ Bartolomaios I chủ sự theo nghi thức Bizantine, cùng với đông đảo các GM thuộc quyền Đức Thượng Phụ, từ nhiều nước tựu về đây.
Trong bài giảng vào cuối buổi lễ gần 3 tiếng đồng hồ, Đức Thượng Phụ Bartolomaios I nói đến sự chia rẽ đau thương giữa các tín hữu Kitô và nhấn mạnh rằng: ”Chúng ta quì gối trước Thiên Chúa hằng sống, trước Chúa Giêsu Kitô mà chúng ta được mang danh Ngài và là Đấng mà chúng ta đã làm hư hỏng tấm áo choàng của Ngài. Chúng ta đau đớn nhìn nhận rằng mình chưa thể cùng cử hành các bí tích thánh. Và vì thế, chúng ta phải cầu nguyện cho sự hiệp nhất trọn vẹn.”

Về phần ĐTC, trong bài giảng, ngài vui mừng dâng lời cảm tạ Chúa vì đã mang lại một sức sinh động mới cho quan hệ được phát triển từ cuộc gặp gỡ đáng ghi nhớ tại Jerusalem, hồi tháng 12 năm 1964, giữa hai vị tiền nhiệm của chúng tôi, Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 và Đức Thượng Phụ Atenagora.

”Trong cùng tinh thần ấy, sự hiện diện của tôi ở đây hôm nay nhắm canh tân quyết tâm của chúng tôi tiếp bước trên con đường tiến về sự tái lập niềm hiệp thông trọn vẹn giữa Giáo Hội Roma và Giáo Hội Constantinople nhờ ơn Ghúa. Tôi có thể đảm bảo với anh em rằng Giáo Hội Công Giáo muốn làm tất cả những gì có thể để vượt thắng những chứng ngại và cùng với các anh chị em Chính Thống, tìm kiếm những phương thế hữu hiệu hơn cộng tác mục vụ để đạt tới mục tiêu ấy.”

Cuối phụng vụ, ĐTC và Đức Thượng Phụ cùng lên bao lên để ban phép lành cho các tín hữu tụ tập ở khuôn viên bên dưới. Đức Thượng Phụ cầm tay ĐTC và cùng giơ lên trước sự vỗ tay vui mừng của mọi người. Sau đó, hai vị lên lầu ba, tại sảnh đường Ngai Tòa, trước sự hiện diện của đông đảo các Hồng y và GM của hai Giáo Hội. ĐHY Walter Kasper, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã đọc bản tuyên ngôn chung bằng tiếng Pháp, và sau đó một vị TGM Chính Thống đọc bằng tiếng Anh.

Trong tuyên ngôn hai vị Giáo Chủ nhắn nhủ các tín hữu hãy tích cực tham gia vào tiến trình hiệp nhất này bằng lời cầu nguyện và bằng những cử chỉ ý nghĩa. Hai vị cũng ủng hộ công việc của Ủy ban đối thoại thần học giữa Công Giáo và Chính Thống đã được mở lại hồi tháng 9 vừa qua tại Belgrade, Ủy ban này giúp đề cập đến một vài trong số những vấn đề chính còn gây tranh luận giữa hai bên. Hai vị Giáo Chủ đề cao sứ vụ cấp thiết phải đoàn kết để rao giảng Tin Mừng trong thời đại ngày nay và tăng cường sự cộng tác giữa hai Giáo Hội.

Tuyên ngôn chung đánh giá tích cực con đường tiến đến sự hình thành Liên hiệp Âu Châu, đồng thời kêu gọi các chính quyền đừng quên để ý tới tất cả mọi khía cạnh liên quan đến nhân vị và các quyền bất khả nhượng của con người nhất là tự do tôn giáo, vốn là chứng cớ và là bảo đảm sự tôn trọng mọi tự do khác. Trong mỗi sáng kiến hiệp nhất, các nhóm thiểu số phải được bảo vệ, với các truyền thống văn hóa và đặc tính tôn giáo của họ. Tại Âu Châu, tuy cởi mở đối với các tôn giáo và sự đóng góp của tôn giáo cho văn hóa, chúng ta phải liên kết nỗ lực để bảo tồn căn cội củ amình, các truyền thống và các giá tri Kitô để bảo đảm sự tôn trọng lịch sử, cũng như để góp phần vào nền văn hóa của Âu Châu tương lai, phẩm chất các quan hệ nhân bản trên mọi cấp độ.”

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.