2006-11-28 18:24:04

ĐỨC THÁNH CHA BẮT ĐẦU VIẾNG THĂM THỔ NHĨ KỲ


VATICAN. Sáng 28-11-2006, ĐTC Biển Đức 16 đã rời Roma, lên đường sang viếng thăm mục vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 4 ngày, cho đến trưa thứ sáu, 1-12-2006. Đây là cuộc viếng thăm đầu tiên của ngài tại một nước có đại đa số dân theo Hồi giáo.

Thổ Nhĩ kỳ có hơn 72 triệu dân, hầu hết theo Hồi giáo và chỉ có 32 ngàn tín hữu Công Giáo, 4 ngàn tín hữu Chính Thống. Tổng cộng các tín hữu Kitô thuộc các hệ phái không tới 100 ngàn người, và họ bị chèn ép qua nhiều biện pháp hành chánh.

Trên máy bay, ĐTC đã chào thăm hơn 50 ký giả tháp tùng, cám ơn họ vì công tác thông tin, đồng thời cũng nhấn mạnh rằng: ”Đây không phải là một cuộc công du chính trị, nhưng là một cuộc viếng thăm mục vụ, và có mục đích đối thoại và dấn thân chung cho hòa bình”.

ĐTC đã đến phi trường thủ đô Ankara sau 3 giờ bay, và đã được thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tiếp đón. Ông đã hoãn trong thời gian ngắn chuyến đi Riga, thủ đô Lettoni, theo chương trình trước đây, để có thể chào đón ĐTC và hội kiến với ngài trong 25 phút. tại phòng khánh tiết của phi trường.

ĐTC nói với thủ tướng Thổ rằng ”Cuộc viếng thăm của tôi là để thắt chặt tình thân hữu giữa Tòa Thánh và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ và giúp gặp gỡ giữa các nền văn hóa. Làm việc cho hòa bình, đó cũng là bổn phận của chúng tôi”.
Rời Phi trường thành phố Ankara, ĐTC đã đến viếng lăng của Mustafa Kemal Ataturk cách đó 45 cây số. Ông là nhà sáng lập và là tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Thổ Nhĩ kỳ từ năm 1923 đến 1938, và thường được gọi là ”Người cha già của dân tộc Thổ nhĩ kỳ”. Với chế độ Cộng hòa, Thổ Nhĩ Kỳ vĩnh biệt chế độ Hồi giáo Ottoman trước kia, Hồi giáo không còn được coi là quốc giáo, Nhà Nước Thổ giữ vị thế ”đời”, trung lập đối với tôn giáo, bãi bỏ chế độ Vua Hồi giáo, thay luật Coran bằng dân luật, bỏ mẫu tự Arập và thay bằng mẫu tự la tinh.

Sau cuộc thăm lăng, ĐTC đã về phủ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nơi diễn ra nghi thức đón tiếp chính thức. Ngài hội kiến với Tổng thống Thổ, Ông Ahmet Necdet Sezer, và phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ. trước sự hiện diện của hàng quân danh dự.

Tại trụ sở Hội đồng Tôn giáo vụ, ĐTC đã được giáo sư Bardokoglu cùng với hai đại Mufti của cộng đoàn hồi giáo ở thủ đô Ankara và thành Istanbul đón tiếp và hội kiến cùng với các Hồng y thuộc đoàn tùy tùng và giới báo chí quốc tế.

GẶP CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TÔN GIÁO

ĐTC đã hội kiến với Giáo Sư Bardakoglu, Chủ tịch Hội đồng tôn giáo vụ và cũng là thẩm quyền cao nhất của Hồi giáo tại Thổ. Lên tiếng trong dịp này, ĐTC đã bày tỏ lòng quí mến đối với dân tộc và các tín hữu Hồi giáo Thổ Nhĩ kỳ. Ngài nhấn mạnh đến vấn đề tự do tôn giáo, vì các tôn giáo thiểu số tại nước này vẫn không được tự do. ĐTC nói: ”Tự do tôn giáo, được bảo đảm trong luật pháp và được tôn trọng trong thực hành, đối với cá nhân cũng như cộng đoàn, là điều kiện cần thiết đối với mọi tín hữu để họ chân thành đóng góp vào việc xây dựng xã hội, trong một thái độ phục vụ đích thực, nhất là đối những người dễ bị tổn thương nhất và người nghèo”.

Cuối ngày 28-11-2006, ĐTC đã gặp ngoại giao đoàn cạnh chính phủ Thổ tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh. Ngài cũng nhắc đến vấn đề tự do tôn giáo và nói rằng: ”Sự kiện đại đa số nhân dân nước này là tín hữu Hồi giáo, đó là một yếu tố quan trọng trong đời sống xã hội, mà Nhà Nước không thể không để ý. Nhưng Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhìn nhận quyền của mỗi công dân được tự do thờ phượng và tự do lương tâm. Chính quyền dân sự của mỗi nước dân chủ có bổn phận bảo đạm tự do đích thực của mọi tín hữu và cho phép họ tự do tổ chức đời sống của các cộng đoàn tôn giáo của họ. Dĩ nhiên, tôi hy vọng rằng các tín hữu, bất luận thuộc cộng đoàn tôn giáo này, có thể tiếp tục được hưởng các quyền này, vì tôi tin chắc rằng tự do tôn giáo là sự diễn tả cơ bản tự do của con người và sự hiện diện tích cực của các tôn giáo trong xã hội là một nguồn mạch tiến bộ và làm cho mọi người được phong phú. Dĩ nhiên, điều này giả thiết rằng các tôn giáo không tìm cách thực thi quyền bính chính trị trực tiếp,.. và các tôn giáo hoàn toàn từ khước ủng hộ việc sự dụng bảo lực như một sự diễn tả hợp pháp về tôn giáo”. Về vấn đề này, tôi đánh giá cao công việc của Cộng đoàn Công Giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ, tuy ít ỏi về số lượng, nhưng dấn thân sâu xa hết sức mình vào việc phát triển đất nước, nhất là bằng cách giáo dục giới trẻ và xây dựng hòa bình hòa hợp giữa mọi công dân”.

ĐTC cũng đề cao sự đối thoại giữa các tôn giáo, để biết rõ nhau hơn, và tôn trọng lẫn nhau, hầu hoạt động để đáp ứng những nguyện vọng cao thượng nhất của con người, trong tự tìm kiếm Thiên Chúa và hạnh phục. .. Tôi muốn tái bày tỏ sự quý chuộc sâu xa của tôi đối với các tín hữu Hồi giáo, khuyến khích hợp thăng tiến phẩm giá của mỗi người và làm cho xã hội tăng trưởng, trong đó tự do cá nhân và sự săn sóc tha nhân mang lại hòa bình và sự thanh thản cho tất cả mọi người”.

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.