2006-11-24 11:22:26

NGƯỜI THỢ GƯƠNG MẪU


Chúa Nhật 1-12-1964, Đức Thánh Cha Phaolo VI (1963-1978) nâng Nunzio Sulprizio - 19 tuổi - lên bậc chân phước.

Nunzio Sulprizio là người mà ngôn ngữ gọi là ”người gánh chịu mọi nỗi bất hạnh”. Bất hạnh trong nhiều phương diện ngoại trừ phương diện tinh thần và thiêng liêng.

Nunzio sinh ra trong gia đình Công Giáo nghèo ngày 13-4-1817 tại làng Sansonesco thuộc miền Abruzzi (Trung Ý). Cậu bé mất cả cha lẫn mẹ lúc tuổi còn thơ và được Bà Ngoại mang về thương yêu nuôi dưỡng. Nhưng rồi niềm hạnh phúc sau cùng cũng vượt khỏi tầm tay cậu bé khi Bà Ngoại qua đời.

Chỉ có may mắn duy nhất là Bà Ngoại ghi tạc vào lòng cậu bé Đức Tin Kitô vững chắc và lương tâm thật ngay thẳng. Chính hành trang tinh thần quý báu giúp Nunzio chấp nhận mọi thử thách và thánh hóa cuộc đời, để rồi tiến lên đỉnh cao thánh thiện.

Sau khi Ngoại qua đời, ông chú của Nunzio mang cháu về nuôi. Nói là nuôi nhưng thật ra để bóc lột sức lao động và hành hạ cháu.

Ông chú làm chủ lò rèn bịt móng sắt cho ngựa. Ngoài tâm lòng ác độc kèm hành động vũ phu, ông còn thêm tật nghiện rượu. Do đó, ông hành hạ đứa cháu ruột trăm chiều bằng đủ mọi cách.

Mỗi ngày Nunzio phải làm việc đến 10 tiếng đồng hồ, với những công việc vượt ngoài sức lao động của cậu. Nhiều buổi tối khuya thật khuya, người trong xóm vẫn còn trông thấy lò rèn rực lửa và cậu Nunzio vẫn còn hỳ hục lo lửa cho lò rèn. Nhiều người không khỏi buột miệng kêu lên:

- Sao cháu không đi ngủ đi, giờ này mà còn thức?!

Nhưng cậu Nunzio biết trả lời sao dưới ánh mắt ”rực lửa” của ông chú!

Ngoài cực hình phải chịu với ông chú, Nunzio còn bị lũ trẻ trong làng chọc ghẹo. Ở cái tuổi ”nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” quả thật chúng không biết thương xót cậu bé bất hạnh Nunzio chút nào cả. Những vết thương vết thẹo do trận đòn của ông chú để lại trở thành đề tài cho lũ trẻ nhạo báng!

Tuy nhiên, ông chú ác độc sợ dân làng đem ra tố cáo nên tìm cách đưa Nunzio vào nhà thương ở Aquilax. Nơi đây, các vị giám đốc lại cứu xét bệnh tình và tuyên bố bất trị, nên chuyển Nunzio đến nhà thương khác ở Napoli (Nam Ý).

Tại nhà thương này, một hôm, đại tá Felix Wochlinger, người Thụy Sĩ, đến viếng thăm các bệnh nhân. Động lòng trắc ẩn trước tình cảnh của Nunzio, ông rước Nunzio về nhà và yêu thương chăm sóc như chính con trai ruột. Được ở trong mái ấm gia đình, thay vì hận thù và tố giác người chú ác độc, trái lại, Nunzio tha thứ và bàu chữa cho chú. Anh nói:

- Chú chỉ trở nên dữ tợn khi chú uống rượu mà thôi. Xin THIÊN CHÚA tha thứ cho chú.

Nhưng với những cực hình phải chịu trong nhiều năm Nunzio không thể sống lâu năm. Anh nhắm mắt từ giã cõi đời khi tuổi vừa đúng 19.

Vị đại tá nhân lành khóc thương anh và vuốt mắt cho anh. Ông vô cùng xúc động và thán phục trước tâm lòng cao quý và nhân đức anh hùng của chàng thanh niên trẻ tuổi, từng gánh chịu nhiều nỗi bất hạnh, ngoại trừ nỗi bất hạnh bất trung cùng lương tâm ngay chính và cùng THIÊN CHÚA.

128 năm sau, Đức Thánh Cha Phaolo VI nâng Nunzio Sulprizio - người thợ khiêm hạ - lên hàng chân phước. Trong bài giảng Thánh Lễ Chúa Nhật 1-12-1964, Đức Thánh Cha ca tụng lòng nhẫn nhục can cường và cuộc sống Kitô gương mẫu của anh Nunzio:

- Hỡi các công nhân thế giới, người anh em nghèo nàn và khổ đau của anh chị em, xin gửi đến anh chị em một sứ điệp. Đó là: Giáo Hội ngưỡng mộ và đặt niềm tin tưởng nơi anh chị em. Thật vậy, gánh nặng lao công mỗi ngày của anh chị em là công trình góp phần thăng tiến xã hội và cổ võ giá trị luân lý. Lao công phải trở thành nhân bản hơn, hầu giúp con người tự do phát triển cuộc sống. Không gì được phép tách rời lao công khỏi tôn giáo, bởi vì chính tôn giáo mang lại ý nghĩa cho các lao nhọc của con người. Tôn giáo nhân bản hóa kỹ thuật, kinh tế và cuộc sống xã hội. Tôn giáo làm cho công nhân trở thành cao sang, công chính, tự do và thánh thiện. Chính anh Nunzio làm chứng: khi một công nhân có tâm lòng cương dũng và ngay chính thì công nhân đó sống thật gũi với Đức Chúa GIÊSU KITÔ và trở thành bạn hữu của Ngài.

(Jean Huscenot, ”LA SAINTETÉ AVANT 30 ANS C'EST POSSIBLE”, Editions du Chalet, Paris 1991, trang 58-59).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.